Laurence
Defranoux - Libération
Bản
dịch của Kiến Văn
Dựa trên những ví dụ cụ thể và xác thực,
nữ ký giả Laurence Defranoux (báo Pháp Libération) đã tưởng tượng
ra cuộc sống trong một ngày của cô Tiền (Qian), một người dân Trung Quốc sống ở
Bắc Kinh. 1984 là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của George
Orwell, mô tả một xã hội toàn trị « lý tưởng ». Với những tiến bộ về công nghệ
tin học, bây giờ Bắc Kinh có thể kiểm soát cuộc sống hàng ngày của 1,4 tỉ công
dân – một phần năm dân số toàn cầu. Tác giả hư cấu nhân vật nữ, họ Tiền, nhân
viên làm việc trong một doanh nghiệp về trí tuệ nhân tạo. Thuộc về tầng lớp
trên của thành phần trung lưu, nói tiếng Anh trôi chảy, chồng chưa cưới là một
giáo sư đại học, cô Tiền là người có nhiều thông tin. Tất cả những giai thoại
trong truyện ngắn này đều căn cứ vào những sự việc có thực trong cuộc sống ngày
nay ở Trung Quốc, đã được các nhà nghiên cứu, các media Trung Quốc và quốc tế
phản ánh. Như nhà Trung Hoa học Michel Bonnin đã viết trên trang Libération mùa
hè vừa qua : « Đất nước Trung Quốc đã sa vào thế giới 1984 của
Orwell ». Không còn là câu chuyện « khoa học dã tưởng » nữa.
8
giờ
Cô Tiền chửi thề khi trông thấy khuôn mặt của mình
hiện ra trên màn ảnh khổng lồ sừng sững bên quảng trường. Đây là lần thứ nhì cô
bị phát hiện đã qua đường lúc đèn đỏ. Chung quanh ngã tư, những ống kính camera
đặt trên cao, nối mạng với các trung tâm kiểm soát, tự động ghi nhận màu sắc và
mô-đen các loại xe hơi, hình ảnh những người đạp xe đạp hay đi bộ. Hình ảnh cô
Tiền sẽ hiện ra trên màn ảnh cho đến khi cô nộp phạt. Theo phòng nghiên cứu IHS
Markit (Hoa Kỳ), Trung Quốc dự trù đặt 450 triệu camera từ năm 2016 đến năm
2020. Tức là cứ hai người Trung Quốc thì có một ống kính theo dõi. Hoa Kỳ thua
xa, với tỉ số 1/6. Từ khi Bộ Công an Trung Quốc (năm 2017) tuyên bố « phải
có một mạng lưới video giám sát có mặt ở khắp nơi, nối kết toàn diện, có thể kiểm
soát thường trực, nhằm gìn giữ an ninh trật tự », thì các công ti chế
tạo thiết bị hết sức phấn khởi.
8
g 30
Tới cơ quan, cô Tiền ưỡn cổ về phía trước, cánh cửa
lặng lẽ tự động mở ra. Với chương trình nhận dạng mặt người, không thể nào ra
vào mà không được phép. Cô thừa biết rằng những thông tin cá nhân về mình còn
được bán cho các doanh nghiệp điện tử : trên màn ảnh dọc theo lối vào văn
phòng, hiện ra hình ảnh quảng cáo du lịch tới một vùng bừng nắng. Đêm qua, cô
vào mạng tìm thông tin của công ti lữ hành Ctrip, như vậy là người ta biết rồi.
9
g 30
Cái điện thoại « thông minh » rung lên liên tục, những
thông điệp WeChat truyền tới chồng chất lên nhau. Tiền liếc nhanh vào những
trao đổi trong nhóm bạn. Có những thông điệp rõ ràng đã bị Nhà nước kiểm duyệt
vì phạm huý. Công an mạng xếp loại « thông tin phạm pháp và độc hại »
tất cả những gì liên quan tới nông dân nổi dậy, hay là những tin vặt gớm ghiếc,
ruồng bố bắt giam bọn bảo vệ nhân quyền. Các nhà nghiên cứu của Citizen Lab
(Toronto) đã phát hiện là, từ một năm nay, tất cả những cụm từ liên quan tới đại
hội Đảng mùa thu vừa qua đều đã bị kiểm duyệt. Tò mò, Tiền vào thử mạng Weibo
(tức là mạng Twitter nội địa – mạng Twitter toàn cầu đã bị chặn từ năm 2009).
Nhờ cư dân mạng biết dùng trăm mưu ngàn kế để qua mặt mấy vạn nhân viên kiểm
duyệt, Tiền kịp đọc mấy mẩu thông tin cho biết chuyện bồ nhí của một chức sắc
trogn Đảng lại dính dấp đến một vụ tham nhũng.
10
g 30
Tiền kín đáo, lẫn một chút lo sợ, viết lời bình mỉa
mai dưới bí danh Gấu Trúc Xinh Xắn. Trên nguyên tắc, pháp luật buộc các mạng xã
hội phải ghi rõ căn cước thật của các thành viên và phải lưu trữ các phát biểu.
Tháng 12, chỉ vì hai chữ « ha ha » viết dưới bức tranh biếm hoạ
về một viên chức cao cấp, thành viên của một nhóm trao đổi riêng đã bị năm ngày
tù. Vậy mà lúc Trung Quốc bắt đầu nối mạng, Lưu Hiểu Ba (giải Nobel hoà bình
2010), đã tưởng rằng mạng internet là một « phép màu cho Trung Quốc ».
Khi ông mất vào mùa hè vừa qua, công an mạng đã ra sức ngăn chặn cả câu chữ lẫn
hình ảnh liên quan. Cái ghế đơn độc trong tranh Van Gogh – làm cho người ta
liên tưởng tới cái ghế trống trong buổi lễ trao giải cho Lưu – trong đầu óc cán
bộ kiểm duyệt cũng độc hại như Winnie – chỉ vì tội chú gấu con trong phim hoạt
hoạ hơi giống Tập Cận Bình. Nhưng từ ngày Facebook (năm 2009), Google và
Instagram (năm 2014) bị cấm, người ta đành phải qua WeChat, một « siêu áp dụng
» mà 980 triệu người Trung Quốc sử dụng. Mùa thu năm nay, cả Skype cũng bị rút
khỏi danh sách các ứng dụng được phép, mà không hề được thông báo trước.
12
giờ
Tiền tránh đi KFC ăn trưa cùng với đồng nghiệp. Tiệm
gà quay này đã ký kết với Baidu, máy tìm trên mạng của Trung Quốc, để thử nghiệm
một hệ thống nhận dạng khách hàng và đề nghị món ăn « theo tuổi tác và
khẩu vị ». Cô chọn ra công viên Thiên Đàn ngồi ăn cho yên để có thể
tìm hiểu thêm về một vụ xì căng đan mới. Ông hàng xủi cảo không ghi chép dữ liệu
về khách hàng, nhưng hơi bủn xỉn về khoản khăn chùi miệng. Cũng may là những
cái máy phát giấy vệ sinh dùng công nghệ cao cấp để hạn chế mỗi người sử dụng
không quá 60 cm giấy chùi, được lắp từ hồi mùa xuân, lại không thấy chạy.
13
giờ
Một cậu bé điều khiển drone bay len lách giữa mấy
lùm cây. Chơi drone thì ở Quảng trường Thiên An Môn là thú vị nhất, nhưng hãng
DJI, nhà sản xuất số 1 về đồ chơi này, đã quy trình không cho drone có thể cất
cánh ở khu vực trung tâm của thủ đô. Năm 2016, DJI còn tuyên bố sẵn sàng cung cấp
cho chính quyền mọi thông tin dữ liệu của các máy drone nếu chính quyền yêu cầu.
Cảnh giác một cách tự nhiên, Tiền che giấu cái điện thoại mà cô đang dùng để đọc
báo New York Times. Cũng như Le Monde hay Wall
Street Journal (*), Thời báo New York bị chặn bằng tưởng
lửa, nhưng cô biết dùng hệ VPN để vào mạng như thể mình đang ở nước ngoài. Nhà
cung cấp nào bị Nhà nước chặn, thì cô lại chuyển sang nhà cung cấp khác. Nhưng
kể từ tháng hai 2018, chỉ có những ai được phép mới có thể dùng VPN (Virtual
Private Network / Mạng riêng tư ảo).
15
g 30
Giờ nghỉ trưa chưa chấm dứt, Tiền thấy mấy bài báo
hiếm hoi nói về vụ bê bối đã bị gỡ khỏi các trang thông tin. Ban biên tập các
báo đều nhận được chỉ thị từ trên bộ cấm chỉ nói tới những chủ đề nhạy cảm. Chẳng
hạn ngày 22 tháng mười hai vừa qua, theo China Digital Times (Thời báo Số thức
Trung Quốc, chuyên theo dõi chế độ kiểm duyệt ở Hoa Lục), các báo đài Trung
Quốc đã nhận được lệnh cấm nói tới lễ Giáng Sinh, được coi là « thuốc
phiện tinh thần ». Bỗng muốn hỏi cho ra nhẽ, cô gọi cho người bạn thân
từ tuổi ấu thơ, cậu này rất thạo tin tức thâm cung bí sử. Từ năm 2016, người ta
được biết là công ti AdUp đã cài đặt vào 700 triệu điện thoại android phân phối
khắp thế giới một cơ phận gián điệp, nên cô Tiền tránh những chuyện nhạy cảm
trong điện thoại. Dù mua thẻ SIM chợ đen cũng không bảo đảm. Cô rất ngại khi thấy
Baidu khoe khoang là với chương trình DeepVoice, chỉ trong vòng nửa giờ, có thể
nhái giọng nói của bất cứ người nào. Công an cũng đã đạt được nhiều thành tựu
trong lãnh vực nhận dạng tiếng nói. Theo Human Rights Watch, chỉ riêng ở tỉnh
An Huy không xa Thượng Hải, công an đã lưu trữ được giọng nói của 70 000 người
dân. Con số không đáng kể, vì vẫn theo tổ chức phi chính phủ này, ngân hàng dữ
liệu của công an Trung Quốc hiện đã lưu trữ một tỉ khuôn mặt và 40 triệu mẫu
DNA. Mùa hè vừa qua, Lí Mạnh, thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, đã huênh
hoang : « Sử dụng các hệ thống thông minh, chúng ta có khả năng biết
trước ai có thể là phần tử khủng bố hay có thể làm điều gì tác hại ».
18
giờ
Đi làm ra, Tiền ghé qua siêu thị. Đứng trên bậc cầu
thang tự động, cô bị ống kính camera lạnh lùng theo dõi. Cỗ máy tính xử lý hình
ảnh nhận ra cô với xác suất 99%, và biết cô đi xe gì, quan hệ với những ai.
Alibaba, đại gia về thương mại điện tử, hợp tác với Đảng để xây dựng hệ thống
« tín dụng xã hội» nhằm « chấm điểm » hạnh kiểm của mỗi công dân từ
lúc ra đời đến khi từ trần.
Đảng không đùa rỡn với vấn đề đạo đức. Mùa hè
nừa rồi, có những mạng xã hội đã phải nộp phạt những món tiền kỉ lục vì chứa chấp
phim con heo. Những đoạn khiêu dâm trong sách vở và điện ảnh bị cắt bỏ khi phát
hành ở Trung Quốc. Đôi khi, vấn đề được giải quyết từ đầu nguồn : Tiền có ông bạn
người Pháp, sống ở Paris, ngồi viết một cuốn sách về ĐCS, bỗng khám phá ra rằng
một « hắc khách » bí ẩn nào đó đã đột nhập vào máy tính của anh ta, xoá sạch mấy
chương sách. Và trên thực tế, có những nhà xuất bản Tây phương đã tránh mọi đề
tài có thể làm Bắc Kinh phật lòng, thí dụ như cuộc đàn áp ở Thiên An Môn năm
1989 (10 000 người chết), và có những nhà sản xuất điện ảnh chấp nhận để cho những
« cố vấn » Trung Quốc đọc trước kịch bản phim.
19
giờ
Nghị, ý trung nhân của cô Tiền, giáo sư văn học, từ
trường đại học trở về nhà. Sinh viên của anh than phiền là người ta đã gắn
camera ngay cả ở trong phòng ngủ tập thể, với mục đích « xây dựng nếp sống
văn hoá ». Theo báo địa phương Nhật báo đô thị Chu Thiên,
trường đại học có hàng trăm nhân viên mà công việc chính là coi chừng sinh viên
nói chuyện và lười học. Không còn phải ngại giảng viên đi chệch đường lối của Đảng
: từ năm năm nay, tại các đại học lớn, giờ giảng bài của các giáo sư được quay
phim, nhằm « bảo đảm chất lượng giảng dạy ». Tháng sáu năm nay, nam học sinh một
trường trung học Bắc Kinh phát hiện ban giám hiệu đã đặt máy quay ở nhà vệ sinh
để « bảo đảm kỷ luật ». Cuối tháng tám ở Thanh Đảo, mọi người
tới dự festival bia đều được chụp mặt ở cổng vào. Các dữ liệu sinh trắc của họ
được đối chiếu với kho lưu trữ 2 triệu người sử dụng ma tuý bất hợp pháp : khi
ra về, 19 đã bị phát hiện dương tính.
19
g 30
Thế là Tiền quyết định để xe dưới hầm và ăn cơm tối ở
nhà. Ở Tân Cương, tỉnh miền tây Trung Quốc, đã trở thành phòng thí nghiệm của một
chính quyền đa nghi, xe hơi bắt buộc phải gắn máy định vị GPS, và người ta đã tịch
thu hộ chiếu của người dân. Đêm nay, hai vợ chồng chưa cưới sẽ tính chuyện xuất
ngoại. Như nhiều bạn bè của họ trong giới trí thức hay nghệ sĩ. Xa Bắc Kinh, họ
sẽ nhớ, da diết.
Laurence
Defranoux
Nguyên tác tiếng Pháp : Libération, 27 décembre 2017
Bản dịch của Kiến Văn
(*) Chú thích của người dịch : từ
nhiều năm nay, báo Diễn Đàn cũng bị chặn bằng tường lửa ở Trung Quốc (chứ không
chỉ ở Việt Nam).
No comments:
Post a Comment