Thanh Phương – RFI
Đăng
ngày 20-01-2018
Ngày 20/01/2018 là
đúng một năm ông Donald Trump nhậm chức tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, sau khi
đã bất ngờ vượt qua các đối thủ trong đảng Cộng Hòa và đắc cử với khẩu hiệu «
Nước Mỹ trước hết ».
Trong
một năm cầm quyền, ông Trump đã thi hành chính sách cứng rắn hơn về nhập cư và
đã đề ra dự án xây bức tường giữa Hoa Kỳ và Mêhicô để ngăn chận
nhập cư bất hợp pháp từ láng giềng Trung Mỹ.
Về
xã hội, tổng thống Trump đã tìm cách xóa bỏ nhưng không thành công hệ thống bảo hiểm y tế mà
người tiền nhiệm Barack Obama đã thiết lập để bảo đảm người nghèo ở Mỹ được
chăm sóc y tế đàng hoàng. Nhưng về thuế khóa, ông đã thành công trong việc giảm
thuế tổng cộng 1.500 tỷ đôla.
Về
chính trị nội bộ, chính quyền Trump trong một năm qua đã phải vất vả đối đầu với
nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Do nghi án này mà tổng thống Trump đã cách chức
giám đốc FBI James Comey, nhưng nhiều nhân vật thân cận của ông đã bị điều tra hoặc truy tố.
Cũng
theo tinh thần của khẩu hiệu « Nước Mỹ trước hết », tổng thống
Trump, một người vẫn hoài nghi về biến đổi khí hậu, đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định Paris, vì cho rằng hiệp định
này bất lợi cho Mỹ.
Về
kinh tế, ông Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái
Bình Dương TPP, vì hiệp định cũng bị ông xem là bất lợi cho nước Mỹ.
Về
địa chính trị quốc tế, chính quyền Trump trong một năm qua đã phải đối phó với khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên và ngày càng quan
ngại về khả năng của Bình Nhưỡng tấn công bằng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo
vào lãnh thổ Hoa Kỳ.
Bản
thân ông Trump cũng đã gây ra một khủng hoảng khác. Đầu tháng 12/2017, trái với
ý kiến của toàn thế giới, ngoại trừ của Israel, tổng thống Trump thông
báo công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, trong khi đây là
thánh địa của toàn bộ các tôn giáo trong khu vực. Quyết định này đã khiến dân
Palestine phẫn nộ, dẫn đến nhiều vụ biểu tình bạo động và khiến cho vùng Trung
Đông nóng trở lại.
Nói
chung, trong năm cầm quyền đầu tiên, tính khí bốc đồng của ông Trump, thể hiện
chủ yếu qua những tin nhắn trên mạng Twitter, đã liên tục gây sóng gió trên
chính trường quốc tế.
---------------------------------
Mai Vân – RFI
Đăng
ngày 20-01-2018
Phát hành vào đúng dịp
kết thúc năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump, các tuần
báo Pháp dĩ nhiên đã dành nhiều trang bài điểm lại một năm cầm quyền của người
lãnh đạo cường quốc số một trên thế giới. Nổi bật nhất là hồ sơ chính của Courrier
International, trong đó tuần báo Pháp nêu bật sự kiện là những hành động «
thái quá » của ông Trump trong vai trò lãnh đạo nước Mỹ đã gây chấn động
khắp nơi.
Ảnh chụp màn hình
trang bìa Courrier International (18-24/01/2018), thể hiện tác phẩm hội họa Tiếng
Hét (Le Cri) của danh họa Na Uy Edvard Munch.RFI / Tiếng Việt
Trang
bìa của Courrier International rất ấn tượng : Trên nền cờ Mỹ,
người ta thấy hình vẽ một người ôm đầu, mắt và miệng đều mở to, ngay bên cạnh
dòng tựa « Làm người Mỹ dưới thời Trump » và câu hỏi bên dưới
: « Làm sao để sống ở một đất nước đã bầu lên một tổng thống như thế ».
Bức hình mô phỏng tấm tranh nổi tiếng Tiếng Thét (Le Cri)
của danh họa Na Uy Edvard Munch vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thường được
cho là thể hiện nỗi lo âu, tuyệt vọng.
Trong
hồ sơ chính bên trong, Courrier International trước hết đã
trích dịch một bài viết của nhà văn Canada Omar El-Akkad đăng trên báo The
Globe and Mail, ghi nhận rằng một năm sau ngày nhậm chức, chủ nhân Nhà Trắng
vừa gây lo ngại, vừa kích động một nước Mỹ bị chia rẽ giữa hai xu hướng bảo thủ
và chủ nghĩa tiến bộ.
Về
câu hỏi làm sao để sống trong một quốc gia đã bầu một người như ông Trump lên
làm tổng thống, một người có tính tình dễ nổi nóng và tính khí thất thường, người
Mỹ đã có những phản ứng khác nhau, người thì tìm cách trường kỳ kháng chiến, kẻ
thì nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đặt lại vấn đề lịch sử và bản sắc Mỹ.
Một
điều chắc chắn, theo Courrier International, là người Mỹ trong thời
Donald Trump không dễ dàng chút nào.
Donald
Trump và sự thái quá
Trong
bài xã luận tựa đề : « Vị tổng thống thái quá », Courrier
International cho rằng một năm cầm quyền của ông Trump quả đúng là một
năm của những sự quá đáng. Tổng thống Mỹ không chỉ thái quá trong ngôn từ, với
những tin nhắn Twitter hay lời lẽ đầy tính chất khiêu khích, kỳ thị chủng tộc
hay thô lỗ, mà ông còn chạm đến điểm sâu xa nhất của nước Mỹ.
Theo
tờ báo Pháp, thực tế hàng ngày thời tổng thống Trump là một sự xúc phạm đến cử
tri Mỹ, đến hình ảnh nước Mỹ.
Nếu
diễn văn của ông không thay đổi từ khi được bầu, vẫn xen kẽ giọng điệu hùng hồn
thời vận động tranh cử với những tuyên bố công phẫn đầy tính chất dân túy, thì
bảng sơ kết một năm cầm quyền của ông cho thấy một sự thụt lùi ngày càng xa
trên bình diện xã hội.
Trong
diễn văn nhậm chức ngày 20/01/2017, ông đã hứa : « Mỗi quyết định về
thương mại, thuế khóa, nhập cư, ngoại giao sẽ được đưa ra vì lợi ích của các
gia đình, các người lao động Mỹ ». Thế nhưng, ông đã nuốt lời hứa. Không những
người lao động Mỹ bị phớt lờ mà chính sách của tổng thống còn chia rẽ thêm nước
Mỹ và chỉ quan tâm đến những kẻ giàu có.
Còn
ở nước ngoài thì quả là thảm hại. Cứ mỗi một tuần là có một vụ tai tiếng mới.
Nước Mỹ của ông Trump đã trở về « thời đại của lửa và sự cuồng nộ » như
tuần báo Đức Der Spiegel đã chạy tựa. Và người ta rất muốn nói (như trong
phim) « Washington, we’ve got a problem - Washington ơi, chúng tôi đang
có chút vấn đề » nhưng không phải là một cách hóm hỉnh.
L’Obs
: Nền dân chủ Hoa Kỳ trong cơn hấp hối ?
Cũng
đánh giá về nước Mỹ sau một năm cầm quyền của tổng thống Trump như Courrier
International, nhưng tuần báo L’Obs lại rất bi quan, và ở
trang quốc tế đã cho rằng « Nền dân chủ Hoa Kỳ đang thoi thóp ».
Tờ
báo ghi nhận là cho đến giờ này, mọi sự đều êm ả, theo quan điểm của một phần
nước Mỹ, không chỉ ở những người ủng hộ ông Trump, mà cả ở nhiều người khác, từng
sợ rằng Hoa Kỳ sẽ gặp thảm họa. Nhìn chung, kinh tế vẫn tăng trưởng, thị trường
chứng khoán vẫn khỏi sắc, không một cuộc chiến nào nổ ra, kể cả chiến tranh
thương mại.
Đối
với L’Obs, các cơ chế của nền dân chủ Mỹ vẫn vận hành tốt, nhưng
câu hỏi đặt ra là với cách hành xử hiện nay của tổng thống Trump, liệu các cơ
chế này còn vững vàng được hay không.
Trong
lãnh vực đối ngoại cũng thế, L’Obs công nhận là thế giới không
bùng nổ trong năm 2017, nhưng trong năm 2018 này, không có gì là chắc chắn cả.
Theo tuần báo Pháp : « Trump đã rải ra nhiều quả mìn, đến mức mà ngày
nay, ta chỉ còn cách cầu trời cho những trái mìn đó đừng nổ ».
Và L’Obs nêu
bật ba ví dụ : Bắc Triều Tiên, với trò « nút bấm của tôi lớn hơn nút bấm
của anh », vùng Trung Đông với ưu tiên quan hệ với Ả Rập Xê Út, với ý định
phá hủy hiệp định hạt nhân Iran, và với việc đứng hẳn về phe Israel trong cuộc
tranh chấp với Palestine.
Theo
tạp chí Pháp, trên trường quốc tế, chưa bao giờ có tổng thống Mỹ nào bị cô lập
như ông Trump hiện nay, và ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thành lập một
liên minh quân sự nếu chiến tranh bùng lên.
Mặt
khác, đường lối ngoại giao của ông không chỉ thiếu nhất quán đối với các đồng
minh của Mỹ, mà còn mở rộng cửa cho Nga, và nhất là cho Trung Quốc, vốn rất
sung sướng khi được dịp chiếm lấy quyền lãnh đạo thế giới 10 năm sớm hơn thời hạn
mà chính Bắc Kinh dự trù.
---------------------------------------
January
20, 2018
WASHINGTON,
DC (NV) – Thượng
Nghị Sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Louisiana) lên tiếng nguyền rủa Quốc Hội tối Thứ
Sáu, trong lúc thời hạn phải thông qua ngân sách tạm gần kề, chỉ trích nặng nề
rằng chính phủ hiện do “những tên khùng lãnh đạo.”
https://i1.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2018/01/Ten-Khung.jpg?resize=696%2C392&ssl=1
Thượng
Nghị Sĩ John Kennedy. (Hình: The Hill)
Theo
báo mạng The Hill, ông Kennedy nói: “Đất nước chúng ta do những
thiên tài sáng lập, nhưng lại do những tên khùng lãnh đạo.”
Ông
Kennedy nói điều này với các nhà báo chỉ vài giờ trước khi chính phủ bị đóng cửa
vì Thượng Viện không có đủ số phiếu để thông qua ngân sách.
Thượng
Nghị Sĩ Orin Hatch (Cộng Hòa-Utah), một đồng viện của ông Kennedy, cũng có phát
biểu tương tự trong phiên họp khoáng đại, nói rằng Thượng Viện có “một số người thật là ngu xuẩn.”
“Đây là đất nước vĩ đại
nhất thế giới, nhưng chúng ta thỉnh thoảng lại có một số người thật sự ngu xuẩn
đại diện, và khi nói điều này, có lẽ là tôi đã đi quá xa, nhưng đó là sự thật
và nó làm tôi thất vọng,” ông Hatch nói.
Phát
biểu của hai nhà lập pháp Cộng Hòa xảy ra vào lúc Quốc Hội chuẩn bị cho cuộc bỏ
phiếu thất bại, làm chính phủ đóng cửa lần đầu tiên kể từ năm 2013.
Trước
đó, hôm Thứ Năm, Hạ Viện cho đảng Cộng Hòa kiểm soát thông qua dự luật ngân
sách tạm cho đến ngày 16 Tháng Hai.
Tối
Thứ Sáu, Thượng Viện không có đủ phiếu để có một cuộc bỏ phiếu thông qua, làm
chính phủ liên bang bị đóng cửa bắt đầu từ 12 giờ 1 phút sáng Thứ Bảy.
Trước
đó, Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), trưởng khối thiểu số Thượng
Viện, có đến Tòa Bạch Ốc nói chuyện với Tổng Thống Donald Trump, để tránh một vụ
chính phủ bị đóng cửa, nhưng cả hai không đạt được gì nhiều.
“Mặc dù có một số tiến
triển, nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều khác biệt với tổng thống liên quan đến di
trú và chi tiêu,”
ông Schumer nói. (Đ.D.)
No comments:
Post a Comment