06/01/2018
Những ngày cuối năm 2017 tôi đã phải vội trả thuế
nhà đất, dù hạn chót là đến tháng 4/2018. Vừa sang Năm Mới bị cúm lây lan, nằm
bẹp ở nhà mấy ngày không khỏi nên phải gặp bác sĩ.
Những lúc ở sở thuế quận hạt hay khi ngồi chờ gặp
bác sĩ, chờ mua thuốc, tôi lan man nghĩ đến chuyện thuế và bảo hiểm y tế ở Mỹ.
Tổng thống Donald J. Trump làm chủ Bạch Ốc vừa được
một năm và năm qua chính phủ của ông đã đề xuất hai chính sách có ảnh hưởng đến
toàn dân, nhưng ông chỉ đạt được một.
Mới nhận chức ông muốn hủy bỏ Obamacare và thay thế
bằng một chính sách khác, ông thất bại. Chính quyền Trump chỉ đạt được một thay
đổi là, từ nay không ai bị bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế và sở thuế IRS không
được phạt những người dân không mua bảo hiểm như vài năm qua với chính sách
Obamacare.
Obamacare rất phức tạp, vì giá cả tùy thuộc vào các
yếu tố như gia cảnh, thu nhập mỗi năm, tuổi tác, nơi cư trú, đang có bệnh gì
không và sau cùng là muốn mua loại bảo hiểm nào: đồng (Bronze), bạc (Silver),
vàng (Gold) hay bạch kim (Platinum).
Nghe ra mua bảo hiểm y tế ở Mỹ cứ như thi đua thể
thao giành huy chương. Mua loại đồng rẻ nhất thì khi gặp bác sĩ, có mua thuốc,
nhập viện thì bảo hiểm chỉ trả 60%, còn 40% bỏ tiền túi ra. Loại này dành cho
người trẻ, chẳng mấy khi bị bệnh, chẳng biết mặt bác sĩ, y tá hay dược sĩ là
ai.
Loại bạc bỏ 30% tiền túi, loại vàng bỏ 20% tiền túi.
Còn loại cao nhất là bạch kim, dĩ nhiên là giá mắc nhất thì khi phải đi gặp bác
sĩ, phải nhập viện hay qua giải phẫu thì bảo hiểm sẽ trả 90% tốn phí, bệnh nhân
trả 10%. Loại này dành cho những người đã lớn tuổi và hay đau ốm, ra vào bệnh
viện thường xuyên, nhưng chưa đến 65 tuổi, vì từ tuổi này trở lên đã có chính
sách Medicare của nhà nước dành riêng cho các cụ cao niên.
Ở California có bảo hiểm của chính phủ mang tên
Covered California. Các công ti bảo hiểm tư nhân như Anthem Blue Cross, Blue
Shield, Kaiser, Oscar, Aetna, Health Net cũng cho mọi người mua, hoặc đổi với
chương trình của chính phủ.
Theo cách tính từ mạng ObamacareUSA.org để người mua
có thể so sánh, một gia đình gồm vợ chồng và hai người con ở tuổi trung học với
lợi tức 100 nghìn đô, bảo hiểm loại đồng chừng 18 nghìn đô cho một năm, chưa có
bảo hiểm chữa răng và không được chính phủ trợ cấp giảm giá. Mua loại bạch kim
giá chừng 30 nghìn một năm.
Nếu vợ hay chồng làm việc ở những nơi có chính sách
bảo hiểm cho nhân viên, công ty sẽ trả tiền cho quỹ bảo hiểm y tế.
Ba thập niên trước gia đình tôi cũng có bảo hiểm
Kaiser, khi đi gặp bác sĩ, mua thuốc đều không phải trả đồng nào. Nhưng tốn phí
y tế ngày một tăng, giá bảo hiểm cũng tăng và Kaiser tính lệ phí mỗi lần khám bệnh,
gọi là co-pay, 5 đô rồi lên 10 đô và mua thuốc cũng phải trả vài đô.
Đầu thập niên 1990, dưới thời Tổng thống Bill
Clinton, Đệ Nhất phu nhân Hillary muốn có bảo hiểm y tế toàn dân, gọi là
universal care, cho mọi người dân được chữa trị giống nhau, như ở các nước
Canada hay châu Âu. Nhưng dự luật đã không được Quốc hội thông qua.
Với
Obamacare, sau nhiều năm bàn thảo Quốc hội mới ra được chính sách vào năm 2013.
Những gia
đình có lợi tức thấp được lợi nhiều nhất từ Obamacare, vì được chính phủ trợ cấp
tiền bảo hiểm và chỉ phải trả lệ phí thấp khi gặp bác sĩ hay mua thuốc theo
toa. Gia đình có lợi tức trung bình hay cao đã không được chính phủ tài trợ và
còn phải trả giá cao hơn rất nhiều.
Mấy ngày đầu năm bị cảm cúm, tôi vào gặp bác sĩ. Trạm
y tế của Kaiser gần nhà đông kín người bệnh vì năm nay thuốc chủng chỉ hiệu quả
10%. Khi nghe cô thư ký nói co-pay là 125 đô làm tôi giật mình. Hỏi vì sao cao
thế, cô trả lời chính sách đã thay đổi từ đầu năm. Mua thuốc ho, thuốc xịt mũi
tốn thêm 35 đô nữa. Năm ngoái gặp bác sĩ trả 70 đô, mua một ống thuốc ngứa gần
100 đô. Người nhà có chuyện gọi xe cứu thương chở vào cấp cứu tốn 3500 đô.
May là gia đình có chính sách bảo hiểm từ nơi làm việc
nên cũng chưa phải bỏ tiền túi ra. Theo cách tính của Kaiser, ngoài bảo hiểm y
tế nơi làm việc đã đóng, gia đình còn có HAS – Health Savings Account – mà mỗi
tháng cơ quan cho thêm 500 đô nên gia đình phải dùng hết số tiền này trước, vì
thế phải trả co-pay nhiều.
Có bảo hiểm từ nơi làm việc mà còn rắc rối như thế.
Nếu làm chủ cơ sở thương mại như nhà hàng, tiệm sơn móng tay, sửa xe, bán đồ tạp
hóa và phải tự tìm mua bảo hiểm y tế cho mình, cho gia đình, hay là chủ hãng xưởng
nhỏ phải mua bảo hiểm cho nhân viên thì sẽ thấy sự phức tạp của chính sách y tế
Obamacare.
Có lẽ chỉ các cụ cao niên trên 65 tuổi, thuộc diện
nghèo, mới chẳng phải lo tốn phí bảo hiểm sức khoẻ và còn được chăm sóc đầy đủ.
Gặp bác sĩ hay mua đủ các loại thuốc để giảm cao máu, cao mỡ, cao đường hay
phong thấp, đau nhức, an thần đều miễn phí.
Nếu bệnh nặng phải vào nhà thương, nhân viên thử
máu, nước tiểu, đo tim mạch, chụp quang tuyến xương, tim gan, đường hô hấp, soi
ruột non, ruột già, nếu có bệnh được giữ lại chữa trị. Không biết tiếng Anh
cũng chẳng lo, luôn có dịch vụ thông dịch đủ mọi thứ tiếng: Việt, Hàn, Hoa, Mường,
Nga v.v… 24/24. Đủ khoẻ bác sĩ cho về, ít tuần sau nhận hóa đơn gần chục nghìn
đô thì đã có Medicare, Medicaid của nhà nước trả hết.
Nếu có bảo hiểm thì trong trường hợp như trên dù là
loại bạch kim cũng phải bỏ tiền túi một nghìn đô, loại đồng thì bốn nghìn.
Có phức tạp
hay không và lợi cho ai nhiều nhất, sau bốn năm áp dụng Obamacare, đa số dân Mỹ
vẫn thích chính sách này nên dù Quốc hội và hành pháp đều do Đảng Cộng hòa lãnh
đạo nhưng Tổng thống Trump đã không thể thay thế nó bằng một chính sách khác.
Nếu bảo hiểm y tế là một chính sách khó hiểu thì
chính sách về thuế mới được ông Trump ký thành luật vào những ngày cuối năm
2017 xem ra rất dễ hiểu và chỉ cần làm một hai con tính cộng trừ là có thể nhìn
ra ngay.
Với chi phiếu tiền lương của tháng 1/2018, so với
tháng 12/2017 người thọ thuế sẽ nhìn thấy ngay mức thuế của mình tăng hay giảm
theo chính sách thuế mới.
Luật thuế mới đơn giản nếu chỉ có những khoản khấu
trừ căn bản. Phức tạp hơn nếu khai chi tiết với những số tiền đầu tư hay khoản
chi được luật thuế cho phép khấu trừ như học phí đại học, chi phí y tế, thuế
nhà đất hay tiền đóng góp cho nhà thờ, trường học, cho các hội từ thiện. Những
chi tiêu hay đóng góp này được phép trừ đi để giảm lợi tức phải chịu thuế.
Để cho dễ hiểu, lấy thí dụ một người độc thân đi làm
và sau khi trừ đi các khoản khấu trừ cho phép, nếu lợi tức phải chịu thuế liên
bang là 30 nghìn đô thì sẽ phải nộp thuế 15% theo mức cũ, 12%, theo mức mới.
Như thế đem về thêm được 900 đô.
Nếu lợi tức phải chịu thuế là 50 nghìn đô, một người
độc thân phải nộp thuế 25% theo mức cũ, 22% mức mới, tức là được giảm thuế 1500
đô.
Nhà nào có hai vợ chồng cùng đi làm, khai thuế chung
và lợi tức phải đóng thuế là 100 nghìn đô, theo mức thuế cũ là 25%, mức mới
22%, như thế đem về cho gia đình thêm 3 nghìn đô.
Nếu lợi tức phải chịu thuế là 200 nghìn đô thì mức
thuế sẽ giảm từ 28% xuống 24%. Như thế vợ chồng sẽ đem về thêm 8 nghìn đô.
Cặp vợ chồng có lợi tức thọ thuế 300 nghìn đô, sẽ được
giảm từ 33% xuống 24%, đem về cho gia đình được 27 nghìn đô.
Chính sách thuế của chính quyền Trump có điều khoản
sẽ giới hạn mức khấu trừ các khoản thuế tiểu bang không cho quá 10 nghìn đô. Vì
thế rất nhiều cư dân California trong những ngày cuối năm 2017 đã vội đến văn
phòng quận hạt lo trả thuế nhà đất trước ngày 31/12 để được khấu trừ vào hồ sơ
thuế 2017. Giá nhà trung vị ở vùng Vịnh San Francisco hiện nay là 800 nghìn và
thuế nhà đất khoảng 10 nghìn đô một năm.
Cư dân California chờ trả thuế nhà đất sớm hơn thời hạn để được khấu trừ
trong hồ sơ thuế 2017 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Sống ở Mỹ thường nghe nói có hai điều không thể
tránh được là thuế và cái chết. Tôi thì cho là thuế và bệnh, vì người chết rồi
sẽ không còn cơ hội lên tiếng.
Chắc chắn không ai tránh khỏi thuế. Mua một món hàng
hay đổ xăng là người tiêu dùng đã phải trả nhiều thứ thuế. Có việc làm là nhà
nước đã lấy thuế ngay.
Bệnh cũng không tránh được nhưng không biết khi nào
nó len lỏi vào thân thể. Nếu có việc làm, có thu nhập mà không có bảo hiểm thì
sẽ trả nợ lâu dài nếu phải nhập viện.
Chính phủ nào đưa ra các chính sách về thuế và bảo
hiểm y tế hợp lý, tốt cho nhiều người, chính phủ đó sẽ được lòng dân.
© 2018 Buivanphu
-------------------------------
XEM
THÊM :
Để
giải thích đạo Luật Giảm Thuế, chính phủ đang rêu rao câu “giảm thuế để tăng
thâu”; câu nói vô lý vì hai việc “giảm thuế” và “tăng thâu” cho ngân sách không
có cách nào cùng đi thuận chiều với nhau được.
*
Posted on September 11, 2017
No comments:
Post a Comment