Tôi chia sẻ vài dòng ngắn nếu ai đó không may vướng
vòng lao lý thì biết vận dụng để tự bảo vệ mình.
1)
Khi bị mời/triệu tập nhưng chưa có quyết định khởi tố vụ án/khởi tố bị can. Đây là trường hợp mà một bên "lợi dụng" uy quyền của công an để
"đe doạ", thường rơi vào các giao dịch dân sự/kinh tế thuần tuý.
Nếu rơi vào trường hợp này, tốt nhất bạn đến gặp luật
sư và trình bày sự việc để được xem xét, tư vấn. Luật sư có kinh nghiệm họ sẽ
đánh giá và xác định vụ việc đó là giao dịch dân sự hay có dấu hiệu "tội
phạm" và dự liệu các câu hỏi/tình huống, sau đó chỉ cho bạn cách trả lời.
Thắc mắc đặt ra, công an hỏi những câu nằm ngoài dự
liệu, phải trả lời ra sao ? Lúc này im lặng và tiếp tục tìm đến luật sư. Nếu bị
"đe doạ, đập bàn, đập ghế..." bình tĩnh, không sợ, cứ im lặng. Nếu
căng quá có thể nói "tôi muốn gặp sếp anh...". Giai đoạn này, việc
xét hỏi/lấy thông tin công khai ở phòng làm việc không phải phòng hỏi cung nên
an tâm.
Tốt nhất là có luật sư đi cùng đến công an.
2)
Khi bị khởi tố vụ án/khởi tố bị can.
Nghĩa là bạn đang bị điều tra về một hành vi mà CQĐT
cho rằng có dấu hiệu "phạm tội". Khi gặp những câu hỏi nhưng bạn
không biết và không chắc chắn điều mình khai là bất lợi hay có lợi, hãy im lặng.
Ngoài ra, trường hợp bạn cho rằng không làm/bị oan
hoặc nghĩ hành vi của mình không vi phạm pháp luật nhưng nói ra có khi "chết",
hãy im lặng.
Gặp những câu hỏi kiểu mớm cung như "Bị can, tối
hôm qua...bị can dùng gậy đánh vào đầu, phía sau gáy....gì nữa ?". Đây là
dạng câu hỏi mớm cung, hãy im lặng.
3)
Lúc nào không im lặng.
Dù quyền im lặng đã được hiến định nhưng nếu "vận
dụng thái quá và cứng nhắc" không phải là phương án tốt nhất, bởi nó gây sự
"không thiện cảm" cho Điều tra viên...và, bạn sẽ đối diện những
"bất lợi phiền toái" không đáng có.
Nếu câu hỏi của Điều tra viên rõ ràng, rõ ý và bạn cảm
thấy đúng sự thật thì nên khai. Tuy nhiên, điều lưu ý bạn phải đọc kỹ bản khai
trước khi ký, nếu thấy không đúng lời mình trình bày, hãy nhẹ nhàng bảo điều
tra viên sửa, nếu không sửa, không ký.
Trên thực tế, bạn khai ý "X" nhưng ĐTV ghi
vào bản cung là "Y", điều đó có thể do "vô ý" hoặc "cố
ý". Điều tra viên tôn trọng sự thật khách quan, họ không ngại sửa còn điều
tra viên bảo "có gì đâu, lời khai không phải là chứng cứ duy nhất..."
và bạn ký, hãy coi chừng.
4)
Tôi vừa nhận lời bảo vệ cho một Thân chủ ở Miền Trung (cô gái gọi điện với thái độ khủng hoảng, khóc lóc). Cô làm trong một
doanh nghiệp, được sự uỷ quyền, cô ký và thực hiện các giao dịch dân sự thuần
tuý, không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản nhưng Giám đốc tố ra công an. Hơn 1
năm nay, công an "mời lên làm việc" và, cô gái đã chịu sức ép kinh khủng
từ "đe doạ có", "vuốt ve có" nhưng may mắn cô không chịu ký
nhận theo hướng dẫn.
Được sự đồng ý, tôi chia sẻ vài dòng tin nhắn và cô
gái muốn công khai để cảnh báo cho người khác.
P/S: Bài viết không thể chi tiết lúc nào nên im lặng/khai vì mỗi vụ án sẽ có
phương thức khác nhau. Nhiều lần tôi đề cập đến tầm quan trọng đặc biệt của
giai đoạn điều tra phải có luật sư vì quá trình hỏi cung "luật sư sẽ ở bên
bạn" nhận diện được lúc nào lên tiếng bảo vệ nếu quá trình lấy lời khai vi
phạm pháp luật. Bạn là một người không am hiểu về luật thì tôi tin chắc rằng, bạn
không bao giờ nhận ra được những thủ thuật "tinh vi" và điều đó ra
toà sẽ giết chết chính bạn.
Quá trình hành nghề, tôi gặp nhiều anh chị công an tốt
bụng/có tâm và tôi biết ơn/kính trọng.
Sài Gòn, 05/01/2018
LS Lê Ngọc Luân
LS Lê Ngọc Luân
No comments:
Post a Comment