Tuesday, January 9, 2018

BẢN TIN TỐI 9/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên đưa tin: Mỹ tái khẳng định cam kết ở Biển Đông. Ông Brian Hook, cố vấn cấp cao về chính sách của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, cho biết: “Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson đều luôn nhắc đến cam kết về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận những hành động đơn phương của Trung Quốc “nhằm thay đổi hiện trạng khu vực”.

Về quan hệ Mỹ – Việt, ông Hook nói rằng, “Mỹ và Việt Nam đang tăng cường mối quan hệ, tập trung vào an ninh và thương mại”. Gần đây, Hoa Kỳ đã chuyển giao tàu cảnh sát biển cho Việt Nam, điều đó thể hiện “Mỹ muốn hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải”.

Báo Người Lao Động đưa tin: Philippines tố Trung Quốc thất hứa ở biển Đông. Về chuyện Bắc Kinh hứa không quân sự hóa các đảo nhân tạo, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana tuyên bố: “Nếu đó là sự thật và chúng tôi có thể chứng minh rằng họ đã đưa binh lính và thậm chí cả hệ thống vũ khí, thì đây sẽ là hành động vi phạm những gì họ cam kết”.

Phát ngôn viên tổng thống Philippines, ông Harry Roque, khẳng định: “Chúng tôi luôn chống lại hành động quân sự hóa trong khu vực. Chắc chắn là không ổn bởi điều này đe dọa hơn nữa đến hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Philippines phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Đáp lại phản ứng từ Chính quyền Manila, người phát ngôn Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Đương nhiên, Trung Quốc cần phải có các trang thiết bị quốc phòng cho vùng lãnh thổ của mình. Chúng không có dụng ý nhắm vào bất cứ quốc gia nào”.

Những công trình Trung Quốc xây trong năm 2017 (màu đỏ) trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP/TT


Ngày thứ hai của phiên tòa lịch sử
Trong phiên xử sáng nay, hầu hết báo chí trong nước ghi nhận tình tiết: Ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm do nóng vội ‘đốt cháy giai đoạn’. Phần chất vấn chủ yếu xoay quanh những sai phạm ở dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Ông Đinh La Thăng thừa nhận: “Bị cáo nhìn lại dự án trong bối cảnh 10 năm trước, do sức ép nên bị cáo có lúc nóng vội, chỉ đạo nhanh, đốt cháy giai đoạn, bị cáo xin nhận trách nhiệm”.

Yếu tố đáng chú ý trong lời khai của ông Thăng: PVN đã xin phép Thủ tướng cho phép PVC làm tổng thầu. Lý do chính dẫn đến quyết định “nóng vội” của ông Thăng: “Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ 2/2009… ‘Với việc cấp bách như vậy, bị cáo đã thay mặt HĐTV ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, xin phép giao PVC làm làm tổng thầu’, bị cáo Đinh La Thăng khai”.

Từ lúc bác Tổng bắt đầu “nhặt củi” ở PVN, đây là lần đầu tiên ông Thăng công khai thừa nhận vai trò của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong những sai phạm thời ông Thăng còn làm lãnh đạo PVN. “Phiên tòa lịch sử” bắt đầu có dấu hiệu chuyển động theo hướng mà nhà báo Bùi Tín và một số nhà quan sát chính trị từng dự báo trước đây: Mục tiêu cuối cùng vẫn là cựu Thủ tướng Việt Nam giai đoạn 2006 – 2016.

Chuyện chỉ định PVC làm tổng thầu cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng khai: Chỉ định thầu là ‘do chủ trương của Bộ chính trị’. Về câu hỏi của Hội đồng xét xử: “Có nắm được năng lực tài chính và kinh nghiệm của PVC không mà lại chỉ định thầu cho đơn vị này”, ông Đinh La Thăng trả lời rằng, chuyện chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên của PVN là “do chủ trương của Bộ Chính trị”.

Facebooker Nguyễn Tấn Thành bình luận“Hôm nay Đinh La Thăng khai ra trước toà, bổ nhiệm ông ta là Bộ Chính trị, Chỉ định thầu là Bộ Chính trị … Nó là điều rõ ràng cho thấy Bộ Chính trị đã và đang đứng sau mọi sai phạm của đất nước này”.

Lời khai của Trịnh Xuân Thanh: Cấp dưới báo như khóc mới biết sai. Về những bất ổn trong hợp đồng số 33, ông Thanh thừa nhận đã không đọc hợp đồng 33, vì “nếu đọc thì sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu cái này, thiếu cái kia”. Ông Thanh kể: “Khi đó anh Đạt lên phòng bị cáo báo cáo, gần như là khóc, bị cáo mới biết việc sử dụng nguồn tiền sai”.

Thêm tình tiết trong vụ án tham nhũng ở PVN: Lời khai về những túi đựng tiền tỷ vụ Đinh La Thăng. Thông tin từ bản cáo trạng cho biết: “Bị cáo Lương Văn Hòa… đã cùng bị cáo Nguyễn Anh Minh (Phó Tổng giám đốc PVC) lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ  đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch”. Lương Văn Hòa khai rằng, đã báo cáo đầy đủ chuyện lập khống hồ sơ với Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. Ảnh: TTXVN

Trong phần chất vấn buổi chiều, Bị cáo Trịnh Xuân Thanh phủ nhận cầm 4 tỷ tiền ‘đối ngoại’. Bắt đầu xuất hiện mâu thuẫn trong lời khai của các “đồng chí”: Buổi sáng, nhân chứng Nguyễn Văn Kế khẳng định, đã chuyển một bao tiền 4 tỷ đến tài xế của Trịnh Xuân Thanh, theo lời dặn của bị cáo Lương Văn Hòa, đến chiều, “bị cáo Trịnh Xuân Thanh khẳng định không có việc chỉ đạo hay nhận số tiền này”.

Trong khi ông Đinh La Thăng vẫn giữ bình tĩnh, thì Trịnh Xuân Thanh dần tỏ ra căng thẳng: Thẩm vấn Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh: Người bình tĩnh đối chất, người căng thẳng trả lời“Bị cáo Thanh có xin chủ tọa phiên tòa được ngồi để trả lời thẩm vấn. Chủ tọa phiên tòa phải trấn an bị cáo Thanh bình tĩnh trước khi trả lời các câu hỏi”.

Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: Zing

Lời cảm thán để kết lại ngày thứ 2 của “phiên tòa lịch sử”: Ông Đinh La Thăng thốt lời day dứt muộn màng“Bị cáo day dứt đối với những tồn tại gây ra, bị cáo xin được nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Do đôn đốc quyết liệt, nóng vội của mình mà khiến anh em lãnh đạo tập đoàn vi phạm”. Ông Thăng cho biết thêm rằng ông không có “động cơ cá nhân” nào để gây ra những sai phạm ở PVN.

VTC có clip: “Đinh La Thăng khẳng định PVC đủ năng lực thầu”.

Tiếp tục phiên xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và đồng phạm
“Đại gia” có liên quan vẫn tiếp tục vắng mặt: Ông Trần Bắc Hà có thể bị cưỡng chế đến phiên xử Phạm Công Danh. Sáng nay, đại diện VKSND TP HCM công bố “bản cáo trạng dài 130 trang” truy tố ông Phạm Công Danh, ông Trầm Bê, và 44 đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, bởi những sai phạm “gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng cho VNCB trong thời gian tham gia tái cơ cấu ngân hàng này”.

Tòa đã triệu tập 3 “đại gia” liên quan “đến thất thoát của VNCB”. Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Đoàn Ánh Sáng, ông Trần Lục Lang, 2 cựu phó tổng giám đốc BIDV vẫn tiếp tục vắng mặt. Một cựu thẩm phán TAND Cấp cao cho biết: “với ‘người làm chứng’, cơ quan tố tụng được quyền dẫn giải đến tòa để phục vụ công tác xét xử”.

Ông Phạm Công Danh liên tục có biểu hiện mệt do bị bệnh nặng. Ảnh: VNE

Trong phiên xử sáng, có 2 bị cáo từ chối luật sư bào chữa toà chỉ định. Bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân cho biết, “sẽ thực hiện quyền tự bào chữa cho mình”. Gia đình bị cáo Phạm Quang Huy từ chối một luật sư bào chữa: “Bị cáo vẫn còn luật sư khác tham gia bào chữa trong phiên toà”.

Về chuyện ông Trần Bắc Hà liên tiếp vắng mặt trong 2 ngày xử Phạm Công Danh, Facebooker Nguyễn Thiện Nhân viết: Muốn trốn. Tác giả cho biết, ông Trần Bắc Hà là một người “hét ra lửa”. “Vì lệnh của ông ta mà vô số món vay trăm tỷ, ngàn tỷ được duyệt vô tội vạ, trong đó có BOT Cai Lậy của Bắc Ái, BOT Việt Trì của Út trọc và loạt sân sau của Phạm Công Danh”.

Bị cáo Trầm Bê. Ảnh: DV

Lý do vắng mặt: Trần Bắc Hà xin vắng mặt tại phiên xử Phạm Công Danh vì bị ung thư gan. Trong phiên xử chiều nay, HĐXX cho biết, “đã nhận được đơn xin vắng mặt, kèm bệnh án của một số người được toà triệu tập. Đặc biệt, ông Trần Bắc Hà xin phép vắng mặt vì đang điều trị ung thư gan”. Ba “đại gia” có liên quan đã vắng mặt trong buổi sáng, cùng nữ đại gia Hứa Thị Phấn, đều viện lý do sức khỏe để tiếp tục “xin vắng mặt tại phiên toà”.

Kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, thiệt hại “không xảy ra tại BIDV” nên các “đại gia” liên quan tại BIDV không phạm tội. “Kết quả điều tra chưa đủ căn cứ để xác định vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh vì không có tài liệu, chứng cứ, lời khai nào”. Nên cơ quan điều tra chỉ “kiến nghị kiểm điểm và xử lý hành chính” đối với ông Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng, và một số người có liên quan.

BBC bình luận: ‘Rất khó để dẫn giải ông Trần Bắc Hà’. Về đơn xin vắng mặt với lý do “đang điều trị bệnh ung thư nên không đủ sức khỏe tham dự tòa”, LS Phùng Thanh Sơn cho biết, “tòa án triệu tập ông Trần Bắc Hà tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”, theo quy định tại Khoản 3 Điều 65 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, chuyện ông Trần Bắc Hà “vắng mặt và cử luật sư mình đại diện tham gia tố tụng là không đúng luật”.

Tuy nhiên, vì ông Hà đã đưa ra lý do chính đáng, “rất khó để dẫn giải ông Hà, trừ khi tòa án thay đổi hoặc bổ sung địa vị tố tụng của ông Hà từ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sang nhân chứng”, LS Sơn giải thích.


Ông Đoàn Ngọc Hải giữ chữ tín
Sự kiện ông Đoàn Ngọc Hải, phó Chủ tịch UBND Quận 1 nộp đơn xin từ chức với lý do “thấy mình đã không thực hiện được lời hứa trước nhân dân“, xin từ bỏ tất cả mọi chức vụ: Phó Chủ tịch UBND Quận 1, ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy Quận 1… trở về làm dân thường, đã nhận được nhiều lời tán thưởng của cư dân mạng và người dân Sài Gòn. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, một quan chức bậc trung đã hứa và đã làm đúng lời hứa.

Trang 2, đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải. Ảnh: Quang Khải/ báo TT

Facebooker Lê Văn Sơn bình luận: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đáng “xách dép cho ông Đoàn Ngọc Hải về bài học giữ chữ tín trong lời hứa“. Bởi ông Phúc đã từng “phán câu xanh rờn ‘Không an toàn, không sản xuất, nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cửa’. Vậy mà cái uy của ông thủ tướng Phúc lại bị rác thải và độc tố Formosa cuốn đi cùng năm tháng”.
Báo VietNamNet có bài: Chủ tịch TP.HCM nói về việc ông Đoàn Ngọc Hải từ chức. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, “việc giải quyết đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải đang chờ ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy vì vị Phó chủ tịch quận 1 thuộc diện cán bộ Thành ủy quản lý“.


Vụ nhà báo bị vạ miệng
Báo Pháp Luật TPHCM đưa tin: Nhà báo Đào Tuấn xin lỗi hoa hậu H’Hen Niê và cộng đồng. Ông Đào Tuấn viết, “tôi đã có một post xúc phạm, miệt thị tới H’hen Niê với những lời lẽ không thể chấp nhận được. Dù facebook cá nhân bị report chưa mở lại được, nhưng tôi thấy cần gửi lời xin lỗi tới H’hen Niê, tới các bạn vì những lời lẽ xấu xí của mình“.
Hôm nay 9-1, tôi đã làm tường trình gửi Bộ Thông tin và truyền thông cũng như cơ quan nơi tôi đang làm việc. Sẽ có phạt. Sẽ có kỷ luật nặng. Nhưng đó là cái giá phải trả cho những lời lẽ, cho những phát ngôn đáng lẽ phải là tối kỵ với một phóng viên, một người làm truyền thông. Tôi phải chịu trách nhiệm. Và những gì các bạn đang viết, tôi xin được lắng nghe để tự sửa mình“.

Nhà báo Đào Tuấn. Ảnh: Mai Thanh Hải

Về yêu cầu xử lý phóng viên miệt thị Hoa hậu Hoàn vũ 2017, TC Luật Khoa có bài bình luận của ông Trịnh Hữu Long: Đòi xử lý Đào Tuấn, Bộ TT-TT lại ngồi lộn mâm. Vụ Bộ Truyền thông – Thông tin chỉ đạo Hội Nhà báo Việt Nam và báo Lao Động phải xử lý phóng viên Đào Tuấn, cũng như yêu cầu báo Lao Động phải báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Long cho rằng:

Bộ 4T “không có phận sự liên quan đến công tác riêng của một hội nghề nghiệp, cũng như không có quyền chỉ đạo hội cần phải làm cái gì..Bộ TT-TT là một cơ quan nhà nước, vốn không có thẩm quyền chỉ đạo tờ báo của một tổ chức dân sự này phải báo cáo cho một cơ quan của một đảng phái nọ“.

Ông Long viết tiếp: “Cổ xuý cho việc Bộ TT-TT đòi xử lý Đào Tuấn không có gì khác hơn là cổ xuý cho hành vi lạm dụng công quyền để xâm hại đến tự do của xã hội. Ngày hôm nay ta có thể hài lòng với việc nhà nước xử lý việc Đào Tuấn chê bai cô hoa hậu, ngày mai ta sẽ phải nghĩ lại khi nhà nước xử lý một blogger chê bai quan chức chính quyền, ngày mốt ta sẽ không còn thấy hợp lý nữa khi nhà nước xử lý một phóng viên viết bài về chủ quyền biển đảo“.


Nhân quyền ở Việt Nam
LS Lê Văn Luân viết: Vụ án đặc biệt nghiêm trọng không được xử lý đúng luật. Một vụ trộp cắp tài sản đã tìm được thủ phạm, có camera ghi hình, thu được số tiền bị trộm, thế nhưng “đã gần 20 tháng trôi qua nhưng cơ quan điều tra và viện kiểm sát nhân dân thành phố HCM chưa ra bất cứ văn bản, quyết định tố tụng nào theo luật pháp“.

Ông Luân viết: “Ngược lại, gia đình nạn nhân kể từ sau khi xảy ra việc mất cắp tài sản đó cho đến nay lại gặp nhiều rắc rối và chịu nhiều sức ép từ nhiều phía. Và có nguy cơ từ nạn nhân trở thành người bị cáo buộc“.

Đơn đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết chuyện một đối tượng trộm cắp tài sản chưa bị xử lý trách nhiệm hình sự. Ảnh: FB Lê Văn Luân


BOT tiếp tục “đấu” với dân
Dân phản đối, lãnh đạo BOT Sóc Trăng vẫn không lùi bước: Kiên trì trò “cút bắt”. Sáng nay, hiện tượng ùn tắc tiếp diễn, “tài xế vẫn phản đối việc thu phí, trong khi nhà trạm quyết giữ lối ứng xử mềm dẻo, thu được ai thì thu, kẹt xe quá thì cho xả trạm”. Nghĩa là, khi tình hình “căng quá” thì “toàn bộ nhân viên thu phí rút về khu vực điều hành”. Các tài xế “chờ lâu không thấy thu phí, rút đi thì trạm lại tổ chức thu”.

Trước hành vi thu phí “cà dựt” của BOT Sóc Trăng, nhiều tài xế phản ứng. Các tài xế cho rằng, “đã đóng phí bảo trì đường bộ nên không phải đóng thêm bất kỳ loại phí nào khi chạy ôtô trên quốc lộ 1”. Một tài xế chia sẻ: “Tôi đã đóng phí đường bộ khi đăng kiểm xe nên không phải đóng nữa. Vì vậy, tôi không mua vé”.

Lãnh đạo BOT Sóc Trăng cho biết: ‘Dù tài xế tiếp tục phản ứng thì trạm vẫn thu phí bình thường’. Trả lời báo chí trong nước, chiều nay, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch HĐQT BOT Sóc Trăng, nói: “Không có chuyện xả luôn. Cứ mỗi khi có ùn tắc, trạm sẽ xả rồi thu lại ngay khi tình hình ổn định”. Lý do tiếp tục thu phí: “bình quân mỗi tháng chủ đầu tư phải bù lỗ hơn 3 tỷ đồng… trung bình mỗi ngày, BOT Sóc Trăng phải bù lỗ khoảng 100 triệu”.

Báo VnExpress có đồ họa về 35 trạm BOT được giảm phí:


Không “đối thoại” được thì lãnh đạo chọn “đối đầu”: Đề nghị xử nghiêm hành vi quấy rối tại trạm thu giá BOT. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, “tình hình tại các trạm thu giá trên toàn quốc có chiều hướng diễn biến phức tạp, không loại trừ khả năng có kẻ xấu lợi dụng gây kích động”.

Từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, các tài xế đã không ngừng đấu tranh “bất tuân dân sự” để phản đối các trạm BOT. Đó là một hệ thống “tận thu” đang gây ảnh hưởng đến nguồn thu nhập và kế sinh nhai của cánh tài xế, nhà xe. Sau một thời gian gây áp lực ngầm không được, các lãnh đạo lại dùng trò “bôi nhọ” quen thuộc: “có kẻ xấu lợi dụng gây kích động”.


***


Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
VOA có bài: Tổng thống Trump có thể bị ‘thẩm vấn’. Dẫn nguồn từ báo Washington Post đưa tin, TT Trump có thể sẽ bị Công tố viên đặc biệt Robert Mueller thẩm vấn, liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào chuyện bầu cử ở Mỹ năm 2016.

Ông Trump cũng đã đồng ý “thẩm vấn”, nhưng cũng đã lên tiếng bác bỏ chuyện ông và những người trong chiến dịch tranh cử của ông thông đồng với Nga. Ông nói: “Không có chuyện thông đồng, không có tội phạm nào cảChúng tôi có thể im tiếng và việc này có thể kéo dài nhiều năm. Nhưng một khi mình không làm gì sai trái, hãy cởi mở và giải quyết cho xong”.

Không riêng gì ông Trump và các cộng sự của ông gặp rắc rối, mà cả công ty của con rể ông bị điều traCông ty bất động sản Kusher Cos của của chàng rể quý Jared Kushner, kiêm cố vấn cấp cao của ông Trump, sẽ bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) điều tra, vì bị nghi ngờ “liên quan đến việc dùng một chương trình của chính phủ liên bang khuyến khích người nước ngoài giàu có đầu tư vào Mỹ“.

Vấn đề Mỹ rút viện trợ cho Pakistan, ngày 8/1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Rob Manning nói: Pakistan phải hành động cụ thể chống khủng bố, nếu muốn nhận tiếp viện trợ từ Mỹ. Theo đó, Mỹ vẫn chưa dùng tiền viện trợ cho Islamabad vào việc khác. Phía Mỹ vẫn đang thảo luận với Pakistan về vấn đề này.

Ông Rob Manning nêu rõ: “Pakistan cần chặn đứng hoàn toàn hoạt động của thủ lĩnh của Taliban, mạng lưới Haqqani hay những kẻ cực đoan mưu toan tấn công khủng bố trên lãnh thổ nước này”. Những lo ngại về việc Pakistan trả đũa hay Pakistan sẽ “ngả vào Trung Quốc” cũng khiến Mỹ phải tính toán cẩn thận về vấn đề Pakistan.


Tình hình bán đảo Triều Tiên
Hôm nay, Nam – Bắc Hàn chính thức bước vào cuộc đàm phán liên Triều sau hơn 2 năm bị gián đoạn. Những tín hiệu nồng ấm cũng đã được phát đi. Với Bắc Hàn, nước này đồng ý cử phái đoàn tham gia Olympic PyeongChang 2018Đáp lại, Nam Hàn tuyên bố, sau đàm phán nước này sẽ cân nhắc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Triều Tiên.

Trước đó, trong bài bình luận đêm 8/1, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết: Bình Nhưỡng tái khẳng định mong muốn sớm thống nhất hai miền Triều Tiên. Theo đó, ông Kim Jong-un đã khẳng định “làm rõ lập trường cứng rắn và yêu nước, cũng như những đề xuất về cải thiện quan hệ liên Triều“.

KCNA bình luận, “sự đấu tranh nhằm thống nhất đất nước sẽ được thực hiện ở một cấp độ mới, cao hơn“. Bài bình luận còn nói thêm, “thống nhất đất nước là nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng nhất đối với Triều Tiên“. Không biết lãnh đạo Triều Tiên có giữ lời hay không, dù sao những dấu hiệu nồng ấm mới đây trên bán đảo Triều Tiên cũng giúp thế giới “đỡ rét” phần nào.


 Tin Trung Quốc
Báo Dân Việt có bài phân tích, Trung Quốc sẽ “chiếm” Bình Nhưỡng trước khi Mỹ-Hàn kịp động binhBài viết đưa ra các nhận định về tình hình bán đảo Triều Tiên, coi đây là khu vực dễ xảy ra xung đột. Câu hỏi đặt ra là: Nếu chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ hành động thế nào?

Theo bài viết, các cường quốc lớn sẽ không đánh nhau trực diện khi có xung đột, họ thường ủy nhiệm cho “đàn em” ra trận. Do đó Trung Quốc cũng không mạo hiểm dàn quân để đánh với Mỹ. Nhưng Trung Quốc cũng không thể khoanh tay ngồi nhìn vùng đệm “bị đe dọa”, kịch bản được đưa ra là, Trung Quốc “chớp thời cơ, thần tốc đưa quân vào chiếm Bình Nhưỡng trước khi liên quân Mỹ – Hàn kịp kéo lên“.


Tình hình Trung Đông 
Trong một tuyên bố mới đây của Bộ Ngoại giao Iran, người phát ngôn Bahram Qassemi nói: Trump sẽ ‘hối hận’ nếu tổn hại đến thoả thuận hạt nhânTrước việc Mỹ dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, giới chức ngoại giao Tehran liên tục đưa ra các cảnh báo.

Trong cuộc điện đàm giữa Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử của Iran, Ali Akbar Salehi và Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano, Iran tuyên bố: “Nếu Mỹ không đáp ứng được cam kết của họ, Cộng hoà Hồi giáo Iran sẽ có những quyết định có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác hiện nay với IAEA”.

Về phía Mỹ, ông Bahram Qassemi tuyên bố, “‘việc rút khỏi hoặc các hành động bất hợp lý’ của Washington về thoả thuận hạt nhân sẽ là một sai lầm nghiêm trọng mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ ‘hối hận’”.

Xung quanh vấn đề Iran, VOV có bài phân tích: Rạn vỡ quan hệ Nga-Iran “mở toang cánh cửa” cơ hội cho MỹBài phân tích khá dài và đầy đủ về mối quan hệ tay 3 gồm: Nga, Iran và Mỹ. Tác giả chỉ ra, mối quan hệ Nga- Iran chỉ là sự lợi dụng nhau và nó đang “rạn vỡ“. Và Mỹ có thể phá tan mối quan hệ “mạt cưa-mướp đắng” này.

Trong bài, mối quan hệ giữa Nga và Iran được đem ra mổ xẻ, phân tích. Qua đó có thể thấy, đây không phải là quan hệ bền chặt dạng đồng minh đích thực, mà chỉ vì những lợi ích chung: Chống  Mỹ và chiếm tiện nghi ở Trung Đông. Với quan hệ kiểu “Đồng sàng dị mộng” này, Nga và Iran sẽ rất dễ tan vỡ khi các lợi ích chung không còn và các lợi ích riêng xung đột nhau.

Về phần Mỹ, chỉ cần tập trung vào chia rẽ “liên minh hắc ám” này sẽ dễ dàng thành công. Theo bài viết, một trong những cách  mà Mỹ có thể làm là, phát tín hiệu để Nga hài lòng và thấy rằng “họ đang ngang hàng, chung mâm” với Mỹ.


***
Các tin thế giới khác











No comments: