Friday, January 5, 2018

BẢN TIN TỐI 5/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin Trong Nước

Tin Biển Đông
Trang Nghiên Cứu Biển Đông bàn về Tập Cận Bình, PLA và tranh chấp Biển Đông. Tác giả ghi nhận: trong cuộc họp diễn ra trước tuyên bố của tòa trọng tài ngày 12/7/2026, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi thực hiện chiến lược “phủ đầu” trên Biển Đông, “nếu không sự hiện diện của Trung Quốc trên Trường Sa qua thời gian sẽ trở nên trống rỗng và chỉ là những tuyên bố trên giấy”.

Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là thế lực đứng đằng sau quá trình điều chỉnh chiến lược ở Biển Đông của Bắc Kinh, và là “bên khởi xướng và thực thi hoạt động cải tạo đảo”. Đối với PLA, hoạt động bồi lấp đảo “là một nhiệm vụ bắt buộc để đảm bảo việc kiểm soát hiệu quả các chiến trường quan trọng trên Biển Đông”.


Chuyện chính trường Việt Nam đầu năm 2018
Trang BBC ghi nhận: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ‘muốn rà soát đất đai’. Theo nội dung chỉ thị mới về “chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố “chịu trách nhiệm tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai ở các cấp, các ngành”.

Lâu nay, những sai phạm trong quản lý đất đai đã tạo nên căng thẳng tiềm tàng giữa người dân và chính quyền. Một số trường hợp trường hợp như biến cố ở Đồng Tâm, vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, vụ nông dân Đặng Văn Hiến nổ súng giữ đất, đã cho thấy người dân có thể phản ứng quyết liệt đến mức nào.

Một quy luật mà lãnh đạo vừa nhận ra: Không có giám sát phản biện, Đảng không đi vào lòng dân. Phát biểu chỉ đạo trong hội nghị của Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 8 khóa VIII tổ chức ngày 5/1/2018, Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta có một đảng lãnh đạo, không có giám sát, không có phản biện, sẽ thành một đảng không đi vào lòng dân”.
Tuy nhiên, ngài Thủ tướng có khách quan không khi cho rằng Mặt trận Tổ quốc có thể “giám sát”, “phản biện” các lãnh đạo Đảng và nhà nước? Về bản chất, Mặt trận Tổ quốc vẫn do Đảng lãnh đạo. Cuối năm 2017, đã có một lãnh đạo hỏi thẳng: Mặt trận làm sao giám sát được Bí thư.

Yêu cầu khó dành cho các lãnh đạo: “Đề nghị công khai 1.000 cán bộ Ban Bí thư quản lý để dân giám sát“. Một đại biểu đã đề nghị như vậy trong Hội nghị của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần 8. Tuy nhiên, thực hiện được không lại là chuyện của lãnh đạo. Đến cả yêu cầu công khai tài sản lãnh đạo của ban bí thư còn bị phớt lờ.


“Củi mạ nhôm” vào lò
Bước tiếp theo trong vụ Vũ “nhôm”: Bắt được Vũ “nhôm” có thể làm sáng tỏ dấu hiệu vi phạm hình sự khác. TS. Dương Thanh Biểu, cựu Phó viện trưởng VKSND Tối cao, cho rằng đã đến lúc giải đáp toàn bộ những nghi vấn bấy lâu nay của dư luận xung quanh Vũ “nhôm”, và tại sao chỉ trong thời gian ngắn Vũ có thể “thâu tóm rất nhiều nhà, đất công sản ở vị trí đắc địa như vậy tại Đà Nẵng”.

Theo LS. Phạm Văn Phất, thông tin công chúng nắm được về những hành vi “có dấu hiệu vi phạm hình sự của ông Phan Văn Anh Vũ” không liên quan nhiều đến tội danh “làm lộ bí mật nhà nước”. Vậy nên, chuyện khởi tố tội danh này “chỉ là bước đầu để điều tra những dấu hiệu tội phạm tiếp theo”.

Báo Người Lao Động viết: Vũ “nhôm” có quyền im lặng chờ luật sư! Theo quan điển pháp lý của LS Huỳnh Công Thư, Bộ luật Tố tụng hình sự mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, nên quá trình điều tra, truy tố, xét xử Vũ “nhôm” diễn ra “hoàn toàn theo luật mới”, Vũ “có quyền khai báo hoặc giữ im lặng cho đến khi có luật sư của ông hoặc gia đình thuê có mặt tham gia hỏi cung”.

Trang Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Luật sư nước ngoài của Vũ “nhôm” có được tranh tụng tại Việt Nam? LS. Vũ Quang Bá trả lời: “Theo luật Luật sư quy định… không được cử luật sư nước ngoài… tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa trong vụ án hình sự”. Vậy nên, LS Remy Choo của Vũ “nhôm” bên Singapore “sẽ không được tham gia bào chữa trong phiên tòa hình sự tại Việt Nam”.

Một vấn đề trong vụ Vũ “nhôm”: Cần làm rõ vì sao Vũ ‘Nhôm’ có 3 hộ chiếu. Thông tin từ Bộ Nội vụ Singapore cho biết: lúc bị bắt, Vũ “nhôm” đã dùng hộ chiếu mang tên giả “trong khi còn mang 2 hộ chiếu khác, trong đó có 1 hộ chiếu mang tên thật”. Theo quy định của nhà nước, mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp hộ chiếu với chính tên mình, “vậy tại sao Vũ lại có đến 2 hộ chiếu? Hộ chiếu này là thật hay giả? Do cơ quan nào cấp?”.

Truyền thông quốc tế và Vũ “nhôm”: Báo Đức đưa tin bắt Vũ nhôm. Tác giả ghi nhận: hãng truyền thông DW của Đức, tờ The Strait Times của Singapore, hãng tin Reuters và một hãng tin của Pháp đã đưa tin về sự kiện Vũ “nhôm” bị bắt ở Việt Nam sau khi bị Singapore trục xuất.

Báo Tuổi Trẻ thống kê bốn lần dân đặt vấn đề về đại gia đất vàng Vũ ‘nhôm’. Từ buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng với cử tri quận Cẩm Lệ, ngày 4/10/2017, đã có người đặt câu hỏi: “Vũ “nhôm” là ai mà người ta đặt ra biệt danh “mafia” của Đà Nẵng? Tại sao để Vũ “nhôm” tác động nhiều đến Đà Nẵng như thế?”.

Tuy nhiên, hơn 2 tháng sau, an ninh, công an Việt Nam mới khám xét nhà Vũ “nhôm”. Do thông tin bị lộ từ trước, Vũ đã kịp chạy sang Singapore, trước khi bị Cơ quan Nhập cư và Hải quan Singapore (ICA) tạm giữ.

Nhà báo Song Chi bình luận“Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ và rất nhiều quan chức khác khi tháo chạy… bèn tính đến chuyện xin “tỵ nạn chính trị” ở các nước dân chủ, nhưng tỵ nạn chính trị đâu phải là chuyện dễ. Các nước họ thừa biết đó là những quan tham và chỉ là những vụ đấu đá nội bộ mà thôi”.

Báo Tiền Phong có đồ họa về 15 ngày trốn truy nã của Vũ ‘nhôm’.

Đồ họa về 15 ngày trốn truy nã của Vũ ‘nhôm’


Tiếp tục chuyện “thái tử Đảng”
Báo Tiền Phong đưa tin: ‘Quan lộ’ được vun vén của Hoài Bảo: Tỉnh ủy Quảng Nam họp đột xuất. Sáng 5/1/2018, BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã tiến hành “họp Hội nghị Tỉnh ủy đột xuất để triển khai kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương”. Trước đó, Đoàn công tác Ủy ban KTTƯ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam để chính thức công bố kết quả kiểm tra sai phạm “đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam”.

Đằng sau hiện tượng “thái tử Đảng” là vấn đề tham nhũng quyền lực. Theo chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, “khi miếng bánh của con mà to hơn miếng bánh của cha thì không phải là có phúc”. Các “thái tử Đảng” đã được xếp ghế trong chính trường Việt Nam trước khi họ có thể hiểu những nguyên tắc làm chính trị gia.

Chuyện liên quan đến “củi tẩm dầu”
Báo Người Đưa Tin viết: Sếp lớn từng bị ông Đinh La Thăng “trảm” về ghế cũ: Người trong cuộc nói gì? Bàn về một hiện tượng một “khúc củi” được ra lò, sau khi ông Đinh La Thăng vào lò, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Đoàn Duy Hoạch cho rằng: “Đây là thủ tục thuyên chuyển, điều động hết sức bình thường trong nội bộ ngành đường sắt”.

Về chuyện ông Đinh La Thăng cách chức ông Nguyễn Viết Hiệp do quyết định mua tàu cũ từ Trung Quốc, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, giải thích: “Không có bất cứ quyết định nào kỷ luật ông Hiệp”, nên chuyện ông Hiệp về lại “ghế cũ” là phù hợp.


Vụ án Đặng Văn Hiến
Về bản án tử hình dành cho người nông dân nổ súng giữ đất, báo Dân Việt bình luận: Sau phiên tòa vụ bắn chết 3 người: Sự vô cảm của cán bộ địa phương? Tác giả ghi nhận: “ngay sau khi phiên tòa kết thúc, hàng chục người dân đã tỏ ra vô cùng bức xúc, gây mất trật tự ngay trước cửa TAND tỉnh Đắk Nông”.

LS.Vũ Thái Hà cho rằng: “Khi có kẻ trộm vào nhà chúng ta cũng buộc phải tự vệ, bảo vệ tính mạng, tài sản gia đình mình”. Trong vụ Đặng Văn Hiến, chính quyền địa phương đã tỏ ra thiếu trách nhiệm, họ đã “buông lỏng quản lý một thời gian dài, dẫn tới những việc từ tưởng chừng rất nhỏ đã biến thành việc lớn, rất nghiêm trọng”.

Báo Tuổi Trẻ đánh giá: Một bản án tử hình thiếu thuyết phục. Theo TS. Đinh Thế Hưng, “vụ án xảy ra vì tranh chấp đất đai kéo dài nhưng chính quyền địa phương lại không có biện pháp giải quyết triệt để”. Thực tế là chính quyền địa phương đã để mặc cho Công ty Long Sơn đưa người, vũ khí, xe ủi đến cưỡng chế đất, phá hoại tài sản của nông dân.

Ông Vũ Phi Long, cựu phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, cho rằng: “Hành vi của Công ty Long Sơn tại thời điểm tổ chức lực lượng (đông người, trang bị khiên chắn, dao rựa…) để phá hoa màu, quyết tâm lấy đất của bị cáo Hiến rõ ràng là trái pháp luật”. Hành vi trái pháp luật của “nạn nhân” đã khiến bị cáo Hiến không thể không tự vệ.

Nhà báo Mai Quốc Ấn đặt câu hỏi: Mạng người nào không quý? Một số “thành tích” của chính quyền đã đẩy nông dân tới bước đường cùng: “giao đất sai quy định (theo bản đồ, chưa đo đạc thực tế), được gọi điện báo tin “có đánh nhau to” trước đó nhưng không can thiệp kịp thời, thậm chí có cán bộ biến chất đã đánh dân khi dân lên tố cáo tội phạm”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Facebooker Lê Anh Hùng đưa tin: Thầy giáo Vũ Văn Hùng “hiện đang bị giam tại Công an quận Thanh Xuân. Vợ anh đến công an quận và được họ trao cho tờ thông báo tạm giữ 3 ngày. Họ không cho chị gặp anh mà bảo chị về mang quần áo và tiếp tế đồ cho anh”.

Thông báo của phía công an về chuyện bắt giữ thầy giáo Vũ Văn Hùng. Ảnh: FB Lê Anh Hùng

LS. Lê Văn Luân viết: Bị công an bắt: Nên im lặng, nên khai lúc nào? Quá trình tra hỏi là thời điểm mà phía an ninh, công an thường vận dụng những thủ đoạn hỏi cung, thậm chí tra tấn. Theo LS Luân, khi bên cạnh mình không có luật sư thì đừng nên nói gì cả. Nếu phải nói thì chỉ thừa nhận những điều đúng sự thật. Phải đọc kỹ trước khi đặt bút ký vào bất kỳ văn bản nào do phía an ninh, công an đưa.



Tin quốc tế

Mỹ
Cuốn sách của Michael Wolff về những thâm cung bí sử của gia đình Trump tiếp tục gây bão. Trump nói  Sách của Michael Wolff ‘đầy dối trá’










Trung Đông







Triều Tiên






Trung Quốc







Tin khác















No comments: