Wednesday, January 17, 2018

BẢN TIN SÁNG 17/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Nhân quyền ở Việt Nam
BBC đưa tin: Cựu tù nhân Vũ Văn Hùng ‘đột ngột bị bắt’. Bà Lý Thị Tuyết Mai, vợ thầy giáo Vũ Hùng nói với BBC hôm 16/1/2018: “Tôi hỏi ‘anh bị sao’ thì anh Hùng nói ‘anh bị người ta vu khống và đánh anh’. Tôi hỏi tại sao lại thế thì họ không cho tôi lại gần, rồi họ mở khóa đưa anh ấy đi đâu không biết”. Một cán bộ công an nói rằng “ông Hùng bị bắt vì ‘gây rối trật tự công cộng’,” nhưng lệnh tạm giam lại lấy lý do “cố ý gây thương tích”.

LS Ngô Anh Tuấn, người hỗ trợ pháp lý cho ông Hùng, nhận định: “Việc bị bắt vì một tội và tạm giam vì một tội khác hay xảy ra đối với giới bất đồng chính kiến”. Theo đúng luật, sau 2 tháng tạm giam, “ông Hùng sẽ phải được thả về, và triệu tập khi tòa xét xử vụ án”. Thầy giáo Vũ Hùng là người thường viết blog về những vấn đề xã hội, đã bị nhà chức trách biến thành “tội phạm”.

RFA đưa tin: Hai nhà hoạt động phản đối Formosa sẽ ra tòa ngày 25/1. Ngày 12/1/2018, TAND huyện Diễn Châu, Nghệ An đã công bố quyết định tiến hành xét xử “anh Hoàng Đức Bình, Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, và anh Nguyễn Nam Phong, vốn là tài xế chở linh mục Nguyễn Đình Thục” trong ngày 25/1/2018, theo điều 257 và 258 của Bộ luật Hình sự.

Mặc dù tòa án lấy lý do “chống người thi hành công vụ” để kết tội ông Hoàng Đức Bình, nhưng thực tế chính những người “thi hành công vụ” đã tổ chức bắt cóc ông Bình khi ông đi cùng với linh mục Nguyễn Đình Thục.

RFA cho biết: Dân biểu Úc lên tiếng về tình trạng nhân quyền Việt Nam. Ông Chris Hayes, một dân biểu Úc, đã gửi thư yêu cầu Ngoại trưởng Úc Julia Bishop “thúc giục chính quyền Hà Nội trả tự do cho ba nhà hoạt động Việt Nam là cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Trần Thị Nga và anh Nguyễn Văn Oai” trong ngày 16/1/2018.

Với tư cách “một công dân Úc được sống trong tự do, dân chủ và thể chế tam quyền phân lập”, ông Chris Hayes “quan ngại trước tình trạng đàn áp, bắt bớ và bị kết tội với những điều luật mơ hồ ngày càng nhiều ở Việt Nam”, và bày tỏ niềm mong mỏi, “bà ngoại trưởng Úc mạnh mẽ thúc giục chính quyền Việt Nam trả tự do cho ba nhà hoạt động trên”.

VOA đưa tin: Phúc trình Freedoom House 2018: Việt Nam không có tự do. Trong bản phúc trình năm 2018 về tự do toàn cầu của 195 quốc gia trên thế giới của Feedom House, một tổ chức giám sát độc lập ở Hoa Kỳ, rằng “Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí là một nước không có tự do và không có dấu hiệu cải thiện”.

Các nhà hoạt động đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, từ trái sang: Ông Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức. Ảnh: VOA

Việt Nam y án nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai 5 năm tù, theo VOA. Tác giả dẫn tin từ Reuters: “Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên toà xét xử phúc thẩm đối với nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai với cáo buộc tội danh “chống người thi hành công vụ” theo điều 257, và “không chấp hành án quản chế tại địa phương” theo điều 304, Bộ luật hình sự”. LS Hà Huy Sơn nhận định với Reuters: “Bản án phúc thẩm đối với ông Oai là ‘không công bằng và không khách quan’.”

Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bình luận: “Việc chính quyền trừng phạt ông Nguyễn Văn Oai mang tính chất trả đũa và không xác đáng. Đáng lẽ ông Nguyễn Văn Oai không bị xử có tội ngay trong phiên tòa sơ thẩm”.


Facebooker Đoàn Huy Chương chia sẻ về tình hình Mục sư Đoàn Văn Diên: “Họ vẫn còn giam giữ một cách bất hợp pháp và vô nhân đạo. Vì tuổi ông đã cao thêm vào đó là ộng bị cụt một chân. Cứ vào mùa đông là nó lại hành ông đau nhức… đến hôm nay đã hơn 22 ngày trôi qua nhưng gia đình tôi vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời nào của nhà cầm quyền cả”.


Khi công an trở thành công cụ
VOA có bài: Ông Trọng đang ‘cải tổ’ Bộ Công an? Ngày 15/1/2018, bác Tổng tham dự Hội nghị Công an toàn quốc, rồi “tiện thể” phát biểu chỉ đạo, nhấn mạnh vấn đề “còn Đảng còn mình”: “Trong bài phát biểu, ông Trọng liên tục đề cập đến vai trò chỉ đạo ‘tuyệt đối’ và ‘trực tiếp’ của Đảng. Ông nhắc lực lượng công an phải ‘luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí’ và thực hiện cho bằng được chân lý ‘Còn Đảng thì còn mình’.”

Tác giả cho biết: “Tại hội nghị của lực lượng công an, ông Nguyễn Phú Trọng còn đề cập đến vấn đề ‘lợi ích nhóm’ khi nhắc nhở về những biểu hiện ‘suy thoái’ của công an nhân dân”. Thậm chí bác Tổng còn đặt vấn đề “sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị Công an toàn quốc vào ngày 15/1/2018. Ảnh: TTXVN/VOA

BBC có bài: ‘Ưu, khuyết’ công an VN được nêu tại hội nghị toàn quốc. Theo cách nhìn của bác Tổng trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị Công an toàn quốc, chỉ cần công an bảo vệ được Đảng Cộng sản, thì xem như đã bảo vệ được “an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. Một ông đảng trưởng công khai ra lệnh cho lực lượng công an một quốc gia phải sống chết chỉ vì quyền lợi của một đảng chính trị.

Ông Trọng không quên đặt ra một số nhiệm vụ cho lực lượng công an trong năm 2018. Các nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là: “Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng Công an”“phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lôi kéo, móc nối, tác động, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ trong nội bộ”.

RFA đưa tin: Bộ Công an Việt Nam thành lập Cục An Ninh Mạng. Thông tin do chính ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, xác nhận: “Bộ Công an Việt Nam đã thành lập Cục An ninh Mạng hay còn gọi là Cục A68 với mục tiêu được cho biết nhằm bảo vệ an ninh mạng và đấu tranh chống lại các thế lực chống lại Đảng và Nhà nước”.

Ông Nam có nói thêm về nhiệm vụ “định hướng dư luận” của lực lượng dư luận viên phía công an, bao gồm chuyện “kiểm soát thông tin” trong những nghi vấn về “vụ án Vũ ‘nhôm’ hay tin đồn ông Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát dính líu đến một vụ đánh bài”.

Nhà báo Trân Văn viết: Bao giờ công an bớt ngô nghê. Về chuyện tay Trung úy CSGT Nguyễn Tấn Phước gây ra cái chết của ông Bùi Việt Hải, công an tỉnh Đồng Nai cho rằng, “đồng đội của họ không bắn ông Hải… Phước đến tận nơi tìm ông Hải rồi móc súng ngắn, đánh vào mặt ông Hải. Súng… va trúng má trái của ông Hải rồi… cướp cò và đạn đi thẳng vào đầu ông!”

Tác giả cho biết: “Không có độc giả nào của các tờ báo chính thống và người dùng mạng xã hội tiếng Việt tin rằng ông Hải thiệt mạng do… tai nạn như công an tỉnh Đồng Nai trình bày”. Đã có một số định hướng viên cảnh báo “mọi người coi chừng… ‘tin giả’.” Dư luận mạng xã hội lập tức dẫn nguồn chứng minh đấy là thông tin từ công an tỉnh Đồng Nai.


Phiên xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm sau ngày thứ 9
Báo Pháp Luật TPHCM đưa tin: Vụ PVN: Sáng nay, các bị cáo nói lời sau cùng. Đến cuối phiên xử ngày 16/1/2018, khoảng 16 giờ 30 chiều, “HĐXX tuyên bố chấm dứt phần tranh luận, chuyển sang phần nghị án. Trước khi nghị án, các bị cáo được phép nói lời sau cùng vào 8 giờ sáng 17/1”.

Nhà báo Mạc Việt Hồng viết về hai phiên tòa và giọt nước mắt quan chức. Một dấu ấn của “phiên tòa lịch sử”: “Bị cáo Thăng cũng xót xa vì chắc sẽ không có cơ hội về được về đưa tiễn cha mình, khi ông ấy qua đời. Ngay sau đó, đến lượt Trịnh Xuân Thanh khóc than về thân phận sẽ làm ‘con ma tù’ của mình”.

Trong khi “hai người đàn ông nước mắt lã chã ở tòa”, thì chỉ cách đó vài tháng, tòa án và dư luận Việt Nam đã chứng kiến “hình ảnh trái ngược của hai người phụ nữ kiên cường mặc dù bị tuyên án hết sức nặng nề”. Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhà hoạt động Trần Thị Nga, đều là người mẹ có con nhỏ, “mặc dù hoàn cảnh riêng tư éo le và bị khủng bố tinh thần trong quá trình giam giữ cũng như xét xử”, nhưng họ không có “một giây yếu lòng hay một lời than vãn”.

VOA đưa tin: Ông Thăng xin tại ngoại giữa lúc nhiều người ‘thông cảm’. Trong phiên xử chiều 16/1/2018, ông Đinh La Thăng xin được tại ngoại, vào đúng thời điểm “xuất hiện nhiều ý kiến ‘thông cảm’ với ông Thăng, kể cả một trang Facebook kêu gọi giảm án cho ông với hàng chục nghìn người ‘thích’.”

Nhà báo Đoan Trang trao đổi với VOA về trang Facebook “Cần 10 triệu người dân xin giảm án cho ông Đinh La Thăng”, rằng“admin là người ‘trẻ’, ‘có lẽ không học cao lắm’ và ‘không suy nghĩ duy lý’.”  Theo bà Trang, “đây là một ‘kết cục buồn cười’ khi… người bị đem ra xét xử là ông Đinh La Thăng lại được nhiều người dân ‘ủng hộ, ca ngợi’.”

Nhà báo Bùi Tín viết: Ai kiểm soát quyền lực các phiên tòa xử đại án? Theo tác giả, toàn bộ quyền kiểm soát ngành tư pháp trong “phiên tòa lịch sử” đều thuộc về Đảng Cộng sản: “Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì tất cả trong tay đảng, trong tay Bộ Chính Trị, trong tay Tổng bí thư, vừa đá bóng vừa thổi còi! Không thể tin được”.


Vụ án Phạm Công Danh: Càng xử càng mơ hồ
Một trong các diễn biến chính của phiên xử chiều 16/1/2018: Tranh cãi gay gắt việc Phạm Công Danh chi lãi ngoài, báo Zing đưa tin. Vai trò của Tập đoàn Tân Hiệp Phát trong đại án VNCB: “Bị cáo Mai Hữu Khương khai Phạm Công Danh đã phải chuyển tiền trả cho nhóm Trần Quý Thanh hơn 20 lần. Trong khi đó, đại diện của ông Thanh phủ nhận”.
Tác giả cho biết: “Người đại diện nhóm Dr. Thanh khai ngược hoàn toàn với lời của các bị cáo trước toà. Đối với khoản tiền 43 tỷ đồng, người đại diện Phan Vũ Tuấn nói không nắm rõ số tiền này”.

Báo Pháp Luật TPHCM nhận định: Luẩn quẩn với hàng ngàn tỉ trong đại án ngân hàng. Về khoản tiền trên 6.000 tỷ do ông Danh gây thiệt hại, “VKS cho rằng VNCB có trên 6.000 tỉ đồng trong tài khoản. Sau đó bị cáo Danh mang đi thế chấp cho ba ngân hàng TPBank, BIDV và Sacombank”. Đến khi hỏi thì những người cầm trịch hoặc không nhớ, hoặc đổ cho người khác trả lời.

“Đại gia vắng mặt” mắc thêm bệnh: Ông Trần Bắc Hà vắng mặt tại phiên tòa xử “đại án” Phạm Công Danh do điều trị khối u tuyến giáp“Căn bệnh trên được bác sỹ Andrew C H See, Chuyên gia tư vấn phẫu thuật tại Trung tâm Phẫu thuật Andrevv See có văn bản gửi cơ quan chức năng”. Trước đó, ông Hà gửi hồ sơ đến tòa cho biết ông bị ung thư gan. Có lẽ do bệnh gan chưa đủ nghiêm trọng nên cơ thể ông… tự sinh bệnh mới.

Một “đại gia vắng mặt” khác có liên quan đến đại án VNCB, vốn đã phức tạp: Vụ Hứa Thị Phấn : Tách thành hàng loạt án con. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố kết luận điều tra vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín”.

Trước đó, HĐXX đại án VNCB đã triệu tập bà Hứa Thị Phấn, nhưng bà lấy lý do bệnh nặng, mất khả năng đi lại để vắng mặt từ lúc bắt đầu xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 đến nay.


Vụ cho phá sản ngân hàng ở Việt Nam
BBC có bài: Việt Nam: Cho phá sản ngân hàng là ‘hợp xu hướng quốc tế’? Ông Nguyễn Việt Khoa, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, nói với BBC rằng: “Một số ngân hàng không đủ chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hoặc kinh doanh không hiệu quả buộc phải hợp nhất, sáp nhập hoặc buộc phải phá sản bắt buộc”.

TS Nguyễn Văn Phú, Đại học Strasbourg, Pháp, cảnh báo: “Khi một ngân hàng bị phá sản, nguy cơ là các ngân hàng khác cũng bị liên đới, chẳng hạn vì có sở hữu chéo. Những điều này sẽ gây hiệu ứng dây chuyền và ảnh hưởng rộng lên các hoạt động kinh tế”.

RFA đặt câu hỏi: Ngân hàng phá sản: Người dân lo gì? TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng độc lập, trao đổi với RFA: “Với việc phá sản ngân hàng, không phải ngân hàng yếu kém là tự động bị phá sản mà phải qua một trình tự rất lâu dài cũng như qua các bước từ việc Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp phục hồi hay không phục hồi”.

RFA dẫn lời đại diện một doanh nghiệp tư nhân ở Sài Gòn: “Đối với những doanh nghiệp nhỏ, lẻ, tư nhân thì họ sẽ chết. Tại vì tài sản của họ thế chấp chỉ được 50% trên giá trị tài sản thật, nên khi ngân hàng phá sản rồi thì tài sản của họ có thể bị mất luôn”.


Chuyện “lực lượng nòng cốt”
Một công nhân viết: Làm sao để cứu mình, cứu công ty?Tác giả chia sẻ: “Chuyện bị nợ lương hay lương một tháng phải lĩnh 3-4 lần không phải mới xảy ra lần đầu nhưng lần này CN ngừng việc vì bị nợ lương gần 2 tháng. Giải thích về lý do nợ lương, giám đốc chỉ nói là công ty đang gặp khó khăn”.

Công ty đối tác gặp sự cố, không thể thanh toán đúng thời hạn, nên công nhân ở nơi tác giả làm việc quyết định đình công: “Sau khi chúng tôi ngừng việc, giám đốc hứa sẽ trả lương ngay khi nhận được tiền từ đối tác; đồng thời liên tục vận động, thậm chí năn nỉ từng người trở lại làm việc để kịp giao hàng”. Vấn đề đáng lưu ý là sự vắng mặt của hệ thống công đoàn do Đảng “chuẩn bị” sẵn, người công nhân phải tự xoay sở để bảo vệ quyền lợi của mình.


BOT chỉ muốn “hút máu” dân
Báo Tiền Phong đưa tin: Không được thu phí, nhà đầu tư BOT ‘xin’ rời công trường. Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn khẳng định “sẽ dừng thi công hạng mục cao tốc nếu Bộ GTVT không cho phép nhà đầu tư này thu phí tại hợp phần dự án trên QL 1A đã hoàn thành”. Không được “hút máu” người dân thì chẳng còn lý do để thi công nữa.

Trước đó, “Bộ GTVT từng khẳng định nếu hợp phần cao tốc giải phóng xong mặt bằng, triển khai thi công trên diện rộng, có cam kết vốn cho vay vốn của ngân hàng, chủ đầu tư sẽ được thu phí trên QL 1A”. Đến khi các điều kiện được đáp ứng, Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn gửi “văn bản đề nghị Bộ GTVT cho thu phí”, nhưng Bộ GTVT không trả lời.

Lãnh đạo bắt đầu “mạnh miệng” với người dân: Cấm dừng xe quá 5 phút tại các trạm thu phí BOT, báo Dân Trí đưa tin. Tổng cục Đường Bộ Việt Nam đặt quy định: “Các tài xế không được dừng xe quá 5 phút tại trạm thu phí và không đỗ xe cách trạm khoảng 100-200m”, trong văn bản gửi đến các nhà đầu tư BOT.

Quan chức muốn dùng an ninh, công an “đối thoại” với dân: Liên quan BOT Cai Lậy, nhiều tài xế bị công an mời làm việc. Ông Châu Thế Hiển, ông Trịnh Hồng Phương và một tài xế ở tỉnh Tiền Giang chia sẻ chuyện công an mời mọi người lên “làm việc” với lý do “gây rối trật tự” trong vụ BOT Cai Lậy.

Đầu tháng 12/2017, nhiều tài xế đã tổ chức đấu tranh “bất tuân dân sự” ở BOT Cai Lậy, bằng cách dùng tiền lẻ và lý lẽ để phản đối cách “tận thu” bằng BOT, nhưng vẫn bị quy tội “gây rối trật tự công cộng”.


***

Tin quốc tế

Chuyện nước Mỹ 
Báo Người Việt có bài: Khách sạn của TT Trump bị chiếu chữ ‘hố xí’ vào cửa chính. Bài viết cho biết, khách sạn Trump International Hotel ở Washington, DC đã bị hệ thống đèn chiếu ngay cửa ra vào dòng chữ “s***hole” (hố xí). Ngoài ra, các dòng chữ “Không phải là cư dân DC? Cần một chỗ ở? Hãy thử hố xí” cũng được chiếu “khuyến mại” vào khách sạn của gia đình Trump.

Chữ s***hole được chiếu vào trong khách sạn của Trump. Nguồn: Periscope

Báo chí trong nước có bài phân tích vì dự luật thuế mới được thông qua của Mỹ. Bài viết có tựa đề: Gói cải cách thuế của Tổng thống Trump khiến kẻ khóc người cười. Theo đó, gói cải cách thuế trị giá 1.500 tỷ USD của ông Trump mới được ban hành dịp Giáng Sinh là luật về thuế lớn nhất ở Mỹ trong vòng 30 năm qua.

Những người ủng hộ luật thuế mới cho rằng, gói cải cách sẽ giúp tạo ra thêm việc làm và giúp nền kinh tế tăng trưởng trong thời gian sắp tới. Những người giàu, các công ty lớn, trong đó có công ty gia đình TT Trump, sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất từ chính sách thuế mới này. Những người giàu sẽ càng giàu hơn, vì khi kiếm càng nhiều tiền nhưng thuế đóng càng ít.

Những người phản đối cho rằng, luật thuế mới này là “lấy của người nghèo chia cho người giàu”, nó sẽ tạo ra khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Luật thuế mới hầu như không đem lại lợi ích cho người nghèo, những người thu nhập thấp.

Một yếu tố bị phản đối gay gắt nữa là: Việc giảm thuế cho người giàu sẽ kéo theo ngân sách Mỹ bị thâm hụt 1.500 tỷ USD trong trung – dài hạn. Điều này buộc chính phủ phải giảm hoặc cắt bỏ những chính sách phúc lợi, an sinh xã hội của người nghèo như Medi-cal, Medicare, Medicaid… để bù vào những khoản thiếu hụt này.

Một hình ảnh rất xấu xí, có thể nói là thể hiện “bản chất” của TT Mỹ hiện nay, đó là hình ảnh ông Trump cầm ô đi trước vợ con giữa trời mưa. Theo các hình ảnh được đăng tải, ông Trump một mình cầm ô đi trước Đệ nhất Phu nhân Melania và con trai út Barron trong lúc bước lên chiếc Airforce One giữa trời mưa gió.

Donald Trump cầm ô che mình, bỏ vợ con lẽo đẽo theo sau. Ảnh: TMZ

Hình ảnh này, một lần nữa đặt ra cho người Mỹ dấu hỏi “Liệu TT Trump có thật sự trưởng thành chưa?”. TT tiền nhiệm, Barack Obama là người đàn ông rất lịch lãm và có văn hóa. Trong các phát biểu trước công chúng hay báo chí, ông Obama đều thể hiện tư duy và lời nói của nguyên thủ cường quốc số 1 thế giới. Cựu TT Obama còn nổi tiếng vì tôn trọng phụ nữ, khi đích thân ông che dù cho một bà trợ lý.

Mời xem lại clip TT Obama che dù cho nhân viên của mình:


Căng thẳng Trung Đông
Quan hệ Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ thêm căng thẳng sau khi Mỹ thành lập “Lực lượng an ninh biên giới”. Lực lượng này bao gồm những dân quân người Kurd và người Arab, được thành lập ở miền Bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara phản đối rất quyết liệt việc Mỹ giúp lập lực lượng an ninh biên giới, mà Thổ coi là “khủng bố”.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tiếp đưa ra các tuyên bố phản đối gay gắt, cho rằng, “đó là một sự khiêu khích, một hành động điên rồ…”. Chính phủ của TT Recep Tayyip Erdoğan, thậm chí còn đe dọa sẽ mở các chiến dịch quân sự, nhằm vào khu vực người Kurd kiểm soát trên lãnh thổ Syria, để tiêu diệt “Lực lượng an ninh biên giới” do Mỹ thành lập, từ trong “trứng nước”.

Về tình hình Iran, RFI có bài phân tích: Viễn cảnh ”hậu Khamenei” : Iran có tìm ra lối thoát ?. Bài của Giáo sư Yann Richard, Đại học Université Paris 1 Panthéon-Sorbonne, một chuyên gia về Iran. GS Richard cho rằng, người dân Iran nên có sự chuẩn bị cho “thời kỳ hậu giáo chủ Khamenei”. 

Bài viết đưa ra những phân tích về tình hình Iran, đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Trong đó, GS Richard chỉ ra thực tế với cơ chế bầu cử được dàn xếp và thao túng, người Iran hết thất vọng rồi lại hy vọng, khi các TT mang tư tưởng “bảo thủ” hay “cải cách” thay nhau lên nắm quyền. Nhưng có một thực tế là, lực lượng Vệ binh Cách mạng cùng với đại giáo chủ Ali Khamenei mới là những kẻ có quyền lực thực sự.

Những xung đột của các phe phái trong nội bộ giới cầm quyền ở Iran, cũng như xung đột giữa những kẻ cực kỳ bảo thủ trong tôn giáo và những người trẻ, người dân cấp tiến, ngày càng sâu sắc. Đó cũng là nguồn cơn gây bất ổn vừa qua ở Iran. Việc giáo chủ Khamenei đã 80 tuổi có thể chết bất cứ lúc nào, đòi hỏi Iran phải tìm cho ra giải pháp ổn thỏa, nhằm tránh khoảng trống quyền lực tạo thêm bất ổn trên đất nước này.


Tình hình bán đảo Triều Tiên
Trên VOA có bài: Người đào tị Triều Tiên lên tiếng sau khi vợ con ông bị Trung Quốc hồi hương. Theo đó, người đào tị Triều Tiên Lee Tae-won đang đau khổ tuyệt vọng sau nỗ lực đưa vợ và con tới Hàn Quốc không thành. Vợ và con trai 4 tuổi của ông Lee đã bị Trung Quốc cưỡng chế về nước. Khi về Bắc Hàn, chắc chắn họ sẽ bị cầm tù, thậm chí là tử hình.

Các cuộc chạy trốn khỏi Triều Tiên đã tăng lên nhanh chóng, khi sự khốn cùng trong đất nước kiệt quệ do tham vọng hạt nhân của Kim Jong-un càng làm cho sóng người đào tị ngày càng nhiều. Trung Quốc cũng tăng cường bắt giữ và ép hồi hương những người dân đang tìm cách chạy trốn khỏi địa ngục Bắc Hàn.

Sau Mỹ, TQ chuẩn bị cho chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên là bài viết trên Zing về những lo lắng chiến tranh ở Triều Tiên. Theo bài viết, các cuộc tập trận, huy động quân sự của Trung Quốc với quy mô, con số lớn chưa từng thấy, là chỉ dấu Bắc Kinh đang âm thầm chuẩn bị cho cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên.

Các phương án được Bắc Kinh tính đến gồm: Quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ tránh đụng độ với quân Mỹ, khi đó Trung Quốc sẽ lựa chọn việc đổ bộ vào Triều Tiên bằng đường biển. Các phương án chiến tranh với sự tham gia của Thủy quân Lục chiến Trung Quốc cũng được tính đến. Bằng mọi giá, Bắc Kinh không thể để cho Mỹ và đồng minh áp sát “mạng sườn” và đe dọa vùng đệm an ninh. Do đó, Trung Quốc cần sẵn sàng cho cuộc chiến này.


Bành trướng Bắc Kinh
Báo Người Lao Động có bài: Trung Quốc xây đập bằng cả thế giới. Trung Quốc hiện sở hữu 86.000 con đập trong đó có gần 30.000 đập lớn, lớn hơn phần còn lại của thế giới.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc xây dựng đập nước trên sông nhiều như vậy? Theo các chuyên gia, nước ngọt sẽ trở thành con át chủ bài trong thế kỷ này của các quốc gia. Việc kiểm soát nguồn nước ngọt là mục tiêu mới trong chiến lược vơ vét tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc, bất chấp các tác hại khổng lồ về sinh thái.

Hiện Trung Quốc đã kiểm soát sông Mê Kông, với 8 con đập đã hoàn thành. Trung Quốc còn có kế hoạch xây dựng tiếp 20 con đập ở đó nữa. Hàng trăm triệu người ở hạ lưu khu vực Đông Nam Á, sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào “lòng thương” của Bắc Kinh.

Các con sông ở Nam Á bắt nguồn từ Trung Quốc cũng đang bị Trung Quốc kiểm soát và chi phối gắt gao. Ấn Độ cũng như Đông Nam Á, đang đứng ngồi không yên với việc “bành trướng” bằng các con sông của Bắc Kinh.


***
Các tin thế giới khác:










No comments: