11/10/2017
Ngày 6/10/2017, Đô đốc Scott H. Swift, tư lệnh hạm đội
Thái Bình Dương Mỹ đến thăm di tích lịch sử Bạch Đằng Giang ở thôn Tràng Kênh,
huyện Thủy Nguyên, Tp Hải Phòng. Đi cùng đoàn có Đại sứ Ted Osius. Tại đây, vị
đại sứ Mỹ đọc bài thơ “Nam quốc sơn hà” làm vui lòng những người Việt yêu nước.
Tư lệnh Thái Bình Dương và đại sứ Mỹ thăm bãi cọc giả
ở Hải Phòng
Qua chuyến thăm và nhìn hình ảnh khách Mỹ đang ngắm
bãi cọc Bạch Đằng… giả, tôi thấy có những băn khoăn và tiếc sao ông không đến
thăm những bãi cọc Bạch Đằng thật.
Các
bãi cọc Bạch Đằng được phát hiện:
Có khá nhiều tài liệu về bãi cọc Bạch Đằng. Theo đó,
bãi cọc lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1953 tại Yên Giang, thị xã Quảng
Yên, tỉnh Quảng Ninh gọi là bãi cọc Yên Giang. Tới năm 2005 phát hiện thêm bãi
thứ 2 tại phường Nam Hòa gọi là bãi cọc Đồng Vạn Muối. Năm 2010 phát hiện ra
bãi thứ 3 cũng tại phường Nam Hòa gọi là bãi cọc Đồng Má Ngựa. Cả ba đều thuộc
thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh và đang được bảo tồn cẩn thận. Những bãi cọc này
là dấu tích của các trận thủy chiến chống quân xâm lược Trung Quốc vào những
năm 938, 981, 1228. Những dấu tích này cùng với sử chép nói lên nghệ thuật đánh
giặc phong phú của cha ông ta. Chiến thắng Bạch Đằng là niềm tự hào của người
Việt. Trải thời gian 800 đến 1000 năm, dù không còn nguyên vẹn nhưng những gì
còn sót lại đủ minh chứng cho những chiến thắng oanh liệt của cha ông ta trên sông
Bạch Đằng.
Bãi cọc Bạch Đằng tại phường
Yên Giang, TX. Quảng Yên, Quảng Ninh. Hình báo Quảng Ninh ngày 19/5/2017.
Bãi cọc đồng Vạn Muối phường Nam Hòa, TX Quảng Yên.
Hình báo Quảng Ninh ngày 16/4/2013.
Bãi cọc Đồng Má Ngựa tại phường Nam Hòa. Hình báo Quảng
Ninh ngày 13/4/2013.
Bãi
cọc giả
Như vậy, những bãi cọc Bạch Đằng là có thật và đang
hiện hữu. Nhưng tại sao người ta phải làm thêm một bãi giả ở Tràng Kênh, Hải
Phòng. Gọi là bãi giả vì nó không phải là trùng tu, tôn tạo, mà gọi là mô phỏng
hay mô hình cũng chỉ là gọi tạm vì nó không theo những đặc điểm của những bãi
đã khai quật.
Có lẽ những người làm bãi giả này tưởng tượng ra bãi
cọc ban đầu. Gọi là tưởng tượng vì ban đầu nó ra sao thì chỉ có người xưa biết.
Tuy nhiên, có thể dựa vào đặc điểm các bãi đã khai quật để làm. Theo mô tả các
bãi đã khai quật thì bãi cọc Bạch Đằng có những đặc điểm chính sau:
- Một số cọc được cắm thẳng đứng, đa số cọc nằm chếch
theo hướng đông 15 độ (bãi Yên Giang) , cắm theo hình chữ chi. Cọc ở bãi Đồng Vạn
Muối cắm chếch 45 độ.
- Độ dài các cọc khác nhau, đường kính các cây cọc khác
nhau. Mật độ cọc ở mỗi khoảng diện tích có khác nhau.
Còn bãi giả, như ta đã thấy người ta làm không theo
những đặc điểm này.
Hồn
thiêng sông núi
Có thể khi xây dựng Khu di tích Bạch Đằng Giang, người
ta làm một bãi giả cho khách tham quan tiện hình dung và… đỡ công đi đến bãi thật.
Nhưng việc tham quan bãi giả và bãi thật nó khác hẳn nhau. Nếu bãi giả chỉ thấy
những chiếc cọc được coi là “cọc Bạch Đằng” đều tăm tắp, đầu nhọn hoắt, vô hồn,
có thể mô tả chỉ bằng vài dòng chữ thì các bãi thật thể hiện một cách chân thực
như vốn có, vì thế nó có giá trị lịch sử rất lớn. Những chứng tích lịch sử hiên
ra hiện ra sinh động trước con mắt người nay. Ta cảm thấy bùi ngùi trước những
dấu tích của người xưa, hình dung ra những trận huyết chiến với những chiến
binh Đại Việt dũng cảm và cảnh tàn quân của đội quân xâm lược tháo chạy sau khi
máu của chúng đã nhuộm đỏ khúc sông trên đất nước của một dân tộc anh hùng.
Nhìn những chiếc cọc Bạch Đằng, ta có cảm giác như bóng người xưa rất gần, như
đang ẩn hiện đâu đây.
“Nghe như văng vẳng từ đây đó
Tiếng vọng người xưa nhắn giống nòi”
(Thơ Nguyễn Tường Thụy)
Nếu ai đến thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang xin đừng
phí cơ hội mà hãy đến với các bãi cọc Bạch Đằng thật, theo địa chỉ trên đây. Nó
không xa lắm, chỉ khoảng 10 km thôi.
Không hiểu tại sao Ban tổ chức không đưa ông tư lệnh
hạm đội Thái Bình Dương đến thăm các bãi cọc lịch sử ở Quảng Yên mà lại để ông
ngắm bãi cọc giả ở Tràng Kênh. Điều này thật đáng tiếc. Nếu đến thăm các bãi cọc
ở Quảng Yên, ông sẽ có cảm nhận tốt hơn, thật hơn về truyền thống đánh giặc ngoại
xâm Phương Bắc của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Về phía báo chí, không nên viết “Tư lệnh Hạm đội
Thái Bình Dương Mỹ THĂM BÃI CỌC BẠCH ĐẰNG”, không gọi bãi cọc trong Khu di tích
Bạch Đằng là “DI TÍCH bãi cọc Bạch Đằng” (tôi nhấn mạnh bằng các chữ hoa). Viết
như thế là không chính xác, là lập lờ. Nó làm cho người đọc nhầm tưởng là bãi cọc
thật đã được phát hiện ở Quảng Ninh. Tôi tin rất nhiều người nhầm khi đọc những
tin này. Phải gọi cho đúng sự thật, còn diễn đạt ra sao là tùy các nhà báo.
NTT
Được đăng bởi Nguyễn
Tường Thụy vào lúc 10/11/2017 08:14:00 SA
No comments:
Post a Comment