Saturday, October 28, 2017

VUA NHƯNG CHƯA BẰNG LÃNH TỤ (Lê Phan)




Lê Phan
October 28, 2017

Trong một đoạn video được phổ biến online hôm Tháng Sáu vừa qua, Tổng Thống Vladimir Putin của Nga và các cố vấn của ông ngồi đối diện với Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc. Chủ tịch nước Trung Quốc ngồi một mình, chờ toán phụ tá của ông tới. Với một cái tặc lưỡi đầy thán phuc và kiểu Bố Già Godfather, ông Putin nắm hai nắm tay lại và nói hai chữ “odin boyets.” Hai chữ đó tiếng Nga có nghĩa là “chiến sĩ đơn độc,” hay “người hùng cô đơn.”

Ông Putin có lẽ không ngờ là ông đúng đến mức nào. Theo sau đại hội của họ, đảng Cộng Sản Trung Quốc cho ông Tập một vị thế chỉ có thể thua ông Mao Trạch Đông mà thôi. Ông Tập nay đứng một mình trên đỉnh quyền lực của đảng ông và của Trung Quốc.

Những quan sát viên bên ngoài, kể cả Tổng Thống Donald Trump, vốn sẽ sang Trung Quốc vào tháng tới, có vẻ hết sức thán phục khả năng của ông Tập thu thập tước hiệu và danh xưng, kể cả chính thức đưa tên mình vào điều lệ đảng.

Trong một cái tweet hôm Thứ Tư, ông Trump chúc mừng chủ tịch Trung Quốc về sự “vinh thăng phi thường” và sau đó nói với Fox News: “Nay một số có thể gọi ông ấy là Vua Trung Quốc.”

Rõ ràng là ông Tập có được một năm thật tốt, mở đầu với bài diễn văn hôm Tháng Giêng của ông ở Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, Thụy Sĩ. Ở đó, ông tìm cách diễn tả Trung Quốc như là một công dân trách nhiệm của thế giới quyết tâm chống lại nạn hâm nóng toàn cầu và bảo vệ một hệ thống mậu dịch quốc tế mở. Vài ngày sau, Tổng Thống Trump đăng quang, chào đón chính sách “America First” trong bài diễn văn nhậm chức.

Kể từ bài diễn văn ở Davos, ông Tập chủ trì trên ba tam cá nguyệt của tăng trưởng kinh tế mạnh, thanh trừng vài chục đối thủ chính trị tiềm tàng về những cáo buộc tham nhũng. Trong tuần qua, đại hội đảng lần thứ 19, mà như ông Trump nhận xét, có thể diễn tả tốt hơn là một sự đăng quang, chỉ là chiến thắng mới nhất của một năm đầy phép lạ hay như tờ Financial Times nói “annus mirabilis.”

Nhưng giữa tất cả những ồn ào về “lãnh tụ quyền hành nhất kể từ Mao,” có lẽ cũng nên nhớ lại Davos 2016.

Nay thì chuyện đó có vẻ như là từ một thế kỷ trước, nhưng vào Tháng Giêng, 2016, thị trường cổ phiếu và tiền tệ của Trung Quốc đang hỗn loạn, dự trữ ngoại tệ đang sụt giảm ở mức $100 tỷ một tháng, và đã có một sự im lặng như tờ từ trung ương. Chỉ có hai viên chức cấp thấp của Trung Quốc được gửi đến Davos.

Rồi có ba diễn biến hoàn toàn tình cờ xảy ra. Một phần do những cú sốc thị trường từ Trung Quốc, bà Janet Yellen, chủ tịch Fed, quyết định trì hoãn việc tăng lãi suất ở Hoa Kỳ, vốn giúp giải tỏa áp lực xuất huyết đang tăng ở Trung Quốc. Khi bà Yellen đến Thượng Hải hồi Tháng Hai, 2016 cho hội nghị G20, có thể nói là lúc đó bà, chứ không phải ông Tập, mới là người có uy quyền nhất Trung Quốc.

Vài tháng sau, Anh quyết định rút lui khỏi Liên Hiệp Âu Châu, và Tháng Mười Một, ông Trump tạo cú sốc cho thế giới với sự thắng thế trong các cử tri đoàn Hoa Kỳ. Ở bất cứ một quốc gia dân chủ nào khác ngoài Hoa Kỳ thì ông không thắng nổi vì ông thua phiếu bầu trực tiếp từ dân chúng. Những nhà phân tích và đầu tư vốn đang âu lo về khả năng của các nhà làm chính sách Trung Quốc đột nhiên có những quan ngại lớn hơn từ các nơi khác.

Kết quả là, số rất nhiều người đưa ra những dự đoán đường thẳng cho các chiều hướng kinh tế toàn cầu vốn đã được coi như là thần thánh vào đầu năm 2016 trông ra có vẻ chả có gì đúng cả. Việc đó cũng có thể xảy ra cho những ai nay tiên đoán về sự thăng tiến và thăng tiến mãi của ông Tập khi ông đi vào năm thứ sáu nắm quyền.

Đối nghịch với ông Tập là ông Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình, người kiến tạo ra chiến lược “cải tổ và mở cửa” cho Trung Quốc, cai trị đảng Cộng Sản và nhân dân Trung Quốc trong 42 năm và 17 năm. Họ là những nhà cách mạng dày chiến công, và dầu tốt hay xấu, uốn nắn những người khác theo ý chí cứng rắn của các nhà cách mạng như họ. Ông Tập không có những đối thủ bao quanh có đủ khả năng như vậy.

Ông Đặng Tiểu Bình đặc biệt không cần một danh xưng hay một tu chính điều lệ đảng nào để bày tỏ quyền lực. Năm 1992, khi đã từ bỏ cả chức vụ “chủ tịch hội chơi cờ Bridge Trung Quốc,” ông đơn phương một mình thúc đẩy một quyết tâm tái tục cải tổ vốn đã đưa Trung Quốc trên con đường trở thành cường quốc mậu dịch lớn nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới. Ông đâu có cần ai nêu danh gì đâu. Lúc đó ông rút ra khỏi ngay cả khu lãnh tụ ở Trung Nam Hải, về ở một căn nhà nhỏ ở Bắc Kinh, ấy vậy mà bất cứ một điều gì các “lãnh tụ” cũng phải hỏi ý kiến ông. Tên tuổi và những lý thuyết phát triển của ông chỉ được đưa vào điều lệ đảng sau khi ông qua đời, bởi vì những đàn em yếu kém hơn mà ông đã truyền lại sự nghiệp.

Tạp chí The Economist, trong một số gần đây, gọi ông Tập Cân Bình là “người quyền uy nhất địa cầu này.” Tờ tạp chí nổi tiếng này nhắc lại là Tổng Thống Trump đã nói ông Tập “có lẽ là người quyền thế nhất” Trung Quốc từ một thế kỷ nay. Nhưng theo họ, “ông Tập Cận Bình là lãnh tụ nhiều quyền uy nhất thế giới” ngày nay.

The Economist viết: “Tuy chắc chắn, nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn đứng thứ nhì về tầm cỡ so với Hoa kỳ và quân đội của họ, tuy đã ngày càng có nhiều bắp thịt, không so sánh nổi. Nhưng sức mạnh kinh tế và súng ống đạn dược không phải là tất cả. Lãnh tụ của thế giới tự do (ý chỉ ông Trump) có một thái độ hẹp hòi tùy tiện đối với người ngoại quốc và có vẻ không có khả năng thi hành nghị trình của mình trong nước. Hoa Kỳ vẫn còn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, nhưng lãnh tụ của Hoa Kỳ yếu trong nước và ít hữu hiệu ở ngoại quốc hơn bất cứ người tiền nhiệm nào của ông, một phần không nhỏ bởi vì ông chê bai những giá trị và liên minh vốn đặt nền tảng cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ.”

Tờ báo tiếp: “Chủ tịch của quốc gia độc tài lớn nhất thế giới, ngược lại, đi một cách vênh váo ở ngoại quốc. Sự kiểm soát của ông tại Trung Quốc chặt chẽ hơn bất cứ lãnh tụ nào kể từ ông Mao. Và trong khi Trung Quốc của ông Mao rối loạn và nghèo thảm hại, Trung Quốc của ông Tập là một động cơ chế ngự cho tăng trưởng toàn cầu.”

Có lẽ như The Economist nói, so với ông Trump hay ngay cả với ông Putin, ông Tập quả là “người quyền hành nhất.” Nhưng người hùng cô đơn của Trung Quốc vẫn còn phải lâu lắm nữa mới có thể dám nhận là ngang hàng với ông Đặng chứ đừng nói đến ông Mao. (Lê Phan)






No comments: