Friday, October 13, 2017

THIÊN TAI hay KẾT CỤC ĐƯỢC BIẾT TRƯỚC?! (FB Nguyễn Sơn)





Thiệt hại do lũ lụt mấy ngày qua về cả nhân mạng và vật chất là hết sức kinh khủng. Trong những người được cho là mất tích cũng có một phóng viên của TTXVN.

Nếu như cách đây 8-10 năm, chắc chắn mình sẽ là một trong những phóng viên “xông pha” vào hiện trường đầu tiên. Nhất là khi mình vừa kết thúc công việc cũng ở Yên Bái, chỉ cách những chỗ kia chưa đầy 100km. Tấm ảnh dưới mình chụp năm 2008 khi cuốc bộ tầm 15km giữa mưa với 13kg máy móc, đồ đạc trên lưng, ở QL279 đi từ đất Quang Bình (Hà Giang) sang Phố Ràng (Lào Kai). Đường 70 lúc ấy tan hoang, để lên được Bát Xát, mình đã phải thuê taxi từ Hà Nội đi vòng qua Bắc Quang (Hà Giang), đi bộ rồi thuê xe ôm đi từng đoạn suốt 70km tới tp Lào Kai, mượn xe máy chạy vào Trịnh Tường, Bát Xát. Không hề thấy vất vả hay mệt mỏi gì. Thế mà giờ đây mình không hề có ý định đi, dù thoáng qua.

Nhiệt huyết của mình với nghề giảm? Lòng trắc ẩn của mình với những số phận người dân đang bị lũ lụt vùi dập kia không còn? Không! Tất cả vẫn nguyên đấy. Nhưng thực sự mình thấy bất lực và nản. Vì những “kịch bản” như thế này đều đã được đoán trước. Đoán biết trước mà không thể làm gì…

Báo chí nói rát họng nhiều lắm rồi. Dư luận cũng nói nhiều lắm rồi. Quốc hội cũng đưa ra bàn nhiều lắm rồi.

Tấm ảnh trên thì mình chụp trong khuôn khổ dự án “Hành trình Việt Nam xanh”, năm 2011- phá rừng, làm thủy điện tràn lan, xả lũ không theo cam kết… cũng đã được nói hết rồi…

Và những năm gần đây, lũ lụt năm nào cũng để lại những hậu quả ngày càng bi thương. Thiên tai, biến đổi khí hậu ư?! Có chứ, tất nhiên rồi nhưng mình tin là chỉ 1 phần không lớn. Đừng đổ mọi “tội lỗi” lên Ông Trời. Diện tích rừng nguyên sinh dần biến mất sạch và thay thế bởi những khu rừng cây công nghiệp ngắn ngày, “rừng dịch vụ” với những cây như keo, tràm, cao su… không thể giữ đất, giữ nước ngăn lũ. Diện tích rừng “tái phủ xanh đất trống đồi trọc” là lớn nhưng chất lượng rừng thì thê thảm. Chỉ có số lượng và chất lượng… gỗ tại nơi ở của những nhà giàu, nhà quan chức từ to đến nhỏ tại các địa phương thì chắc chắn tăng lên.

2 nhiệm kỳ trước của ông X cũng là thời gian mà các dự án thủy điện, hồ, đập được xây dựng bùng nổ. Hiếm có nơi nào mà thủy điện bậc thang được xây nhiều thế, hiếm có nước nào cho làm thủy điện công suất bé nhiều thế (lên Sapa chứ chả đâu xa, các nhà máy 1MW, 2 MW thậm chí nhỏ hơn 1MW cũng có. Kinh khủng!).

Bây giờ, và có thể thời gian tới nữa, chỉ cần những đợt mưa dài ngày, không cần to, không cần có bão lớn là nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất đều có thể hiển hiện, nhất là khi tình cờ cùng dịp với các nhà máy thủy điện trên sông Li Xian (Đà), sông Hong He (Hồng) đoạn thượng nguồn bên nước “bạn vàng 4 tốt” xả lũ thì những kết cục tang thương như vừa xảy ra ở miền Bắc rất có thể lặp lại.

Buồn và nản vô cùng…



------------------------------------------------------------

XEM THÊM :


Gần 80 người chết, còn nhiều người mất tích và vô số tài sản thiệt hại cho tới lúc này, chỉ trong một đợt lũ vài ngày. Mưa lũ về và những tang thương giống như một sự “mặc định” đều đặn hàng năm. Bài viết này không muốn nói về sự tang thương do mưa lũ mang lại mà là những “cơn lũ” khác vẫn đều đặn xảy ra mấy mươi năm nay.

Cơn lũ đầu tiên mang tên phá rừng. Tôi viết về phá rừng chục năm nay và nhận ra rằng ham muốn phá rừng sẽ không dừng lại. Nhưng món đồ gỗ đẹp đẽ và bằng gỗ xịn thể hiện đẳng cấp là nhu cầu có thực của một số người. Có cầu, ắt có cung. Và đầu nậu gỗ hay lâm tặc xuất hiện như một tất yếu. Và kiểm lâm của nước ta thì…

“Cơn lũ” đầu tư cao su một thời đã tạo ra những cánh rừng “không phải rừng”. Các tầng cây trở nên đơn điệu hơn với cao su và cỏ. Chúng cũng hút nước và giữ đất, giữ nước nhưng chắc chắn là kém hơn rừng nguyên sinh rất rất nhiều. Và nơi nào có “rừng” cao su hiện ra thì gần như hồ sơ gốc của nơi đó từng là rừng thật.

Cơn lũ tiếp theo là đầu tư thủy điện. “Làm thủy điện đầu tiên là làm gỗ. Sau đó là làm đường. Và cuối cùng mới làm điện.”- là khẳng định của một đại gia thủy điện (nay đã thoái vốn) tâm sự. Đừng ngạc nhiên nếu có những công trình thủy điện muốn (hoặc đã) được đặt giữa tim rừng. Sẽ có những “Con đường đâm thẳng tim rừng” (tên bài viết của tôi trên Sài Gòn Tiếp Thị năm 2012) xuất hiện.

Cơn lũ thứ tư mang tên quy trình xả lũ. Không người dân nào chạy nhanh hơn sức nước đổ về cả. Nhà cửa, tài sản, thú nuôi,… dĩ nhiên càng không. Và điệp khúc đúng quy trình vẫn được lặp lại hàng năm. Và những người dân mất mát tài sản hay thậm chí mất mạng vì xả lũ vẫn xuất hiện hàng năm.

Nhưng tất cả những điều ấy sẽ không xuất hiện nếu không có những “cơn lũ” cấp giấy phép hợp thức hóa phá rừng!

Và những “cơn lũ” vừa nêu tạo ra những cơn lũ khác: Cơn lũ di dân, cơn lũ (nghĩa đen) hàng năm, cơn lũ các đoàn cứu trợ, cơn lũ chi phí y tế và các gánh nặng xã hội, an ninh trật tự và quốc phòng,.v.v.. Nguồn lực đất nước vì thế mà suy yếu.

Và những nỗi đau lòng xót dạ cứ như lũ về…

Đều đặn, như sự im lặng của đám đông vô cảm và xu phụ quyền lực!

(Trong lòng bạn có cơn lũ nào không?)

Ảnh: Google


-------------------------------------------


Dân nước Nam hiền như cây lúa trên đồng, quật cường rồi mềm mại, ngẩng cao đầu rồi ngả nghiêng, trong gian khổ ngoại xâm mới bừng khí chất.

Rồi không hiểu sao gió giông đâu mà lắm vậy, mới lũ cuốn ở Mù Cang Chải đó, mới bão bùng ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đó… Nay lại là Sơn La, Yên Bái, là Hoà Bình, là Thanh Hoá…

Cả một quốc gia mỏi mệt bởi những cơn mưa, từ thành đô đến chốn nhà quê, từ đồng bằng trải dài vùng cao.

Tự bao giờ một quốc gia sợ hãi những cơn mưa? Có phải tự khi những cánh rừng ngã rạp trước lòng tham, những hồ thủy điện hiện hữu vô tội vạ trước những cái bắt tay bí mật, từ những khoảng xanh trong thành phố bị chặt hạ, những kênh rạch bị thu hẹp, những toà cao ốc lừng lững và hãnh tiến nối đuôi nhau.

Tự bao giờ những biệt phủ, những căn nhà phủ tràn gỗ quý nghiễm nhiên thành điều bình thường, những Bí thư Tỉnh, Bí thư Phường nghênh ngang trên xuồng có người kéo tung tăng với mỹ từ thị sát vùng lũ.

Tự bao giờ người dân oằn mình với sự thoái hoá biến chất của cán bộ lãnh đạo, giờ lại bỏ mình trước những biến chuyển của thiên nhiên, của thời tiết.

Tự bao giờ nhân dân vẫn cứ loay hoay trong một mớ bòng bong càng gỡ càng mờ mịt, càng hy vọng càng mịt mù.

Những cán bộ đầu Tỉnh thành bị lũ lụt, những cán bộ đầu địa phương có nhân dân đang chịu cảnh tai ương, những cán bộ đầu thành phố nơi nhân dân bì bõm trong nước ngập.. Đôi lúc tôi tự hỏi rằng, đêm nay trong chăn ấm nệm êm, họ nhìn những hình ảnh mà nhân dân đang gánh chịu ấy, có thật sự cảm thấy đau lòng, có thật sự cảm thấy xấu hổ một chút nào không?

Hay thôi một can qua, những câu chuyện cũ vẫn hoàn những câu chuyện cũ…








No comments: