Hoàng Mỹ Uyên
Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017
Nhiều người mình từ trong nước lẫn ngoài nước khi gặp
tôi đều hỏi, tại sao khi mọi thứ trong đời xem chừng yên ổn mà bà mẹ hai con lại
lên tiếng về mấy vấn đề xã hội chi cho phiền thân. Đi đâu cũng nghe hỏi động cơ
nào, động lực nào, nguồn cơn nào dẫn tới… nghe hỏi miết bắt quen luôn.
Gần đây, khi có mặt ở Oslo Freedom Forum, tôi gặp
nhiều nhà hoạt động nhân quyền đến từ nhiều Quốc Gia trên Thế Giới. Có những nước
thậm chí còn phải nhìn chữ viết đặng đọc cho đúng tên chứ nghe qua thấy mơ hồ.
Ở đó tôi gặp một em sinh viên năm nhứt, mười chín tuổi
đời, dân New York xịn. Vì em không là khách mời nên phải xếp hàng mua vé hay
đăng ký vào dự. Tôi hỏi em tại sao em lại quan tâm về Human Righs? Em cười, gãi
đầu cảm thán “quào, một câu hỏi thú vị” rồi mất một lúc em bảo “em muốn tới để
biết chuyện gì đang xảy ra trên Thế Giới. Ba mẹ em đều là luật sư và chị biết
đó, New York là nơi dân nhập cư từ khắp nơi đổ về. Em được ba mẹ chia sẻ khá
nhiều về công việc họ làm trong những bữa tối. Và em biết, ngay tại Mỹ, đất nước
tiến bộ và vấn đề Nhân Quyền được đặt lên hàng đầu thì những bất công trong xã
hội vẫn cứ xảy ra. Chắc hẳn các quốc gia khác còn tệ hơn. Em muốn biết”. Tôi hỏi
tiếp “tuổi trẻ như em, em có đủ điều kiện để vui chơi và tận hưởng mọi thứ. Em
có nhiều mối quan tâm hơn sao lại chọn Human Rights và các vấn đề của các quốc
gia khác?” Em bảo “thí dụ như hôm nay em gặp chị, chị tới từ Việt Nam. Em chưa
bao giờ biết gì về đất nước chị nhưng rõ ràng nói chuyện với chị em rất vui. Biết
đâu chúng ta sẽ là bạn và nếu như em có thể chia sẻ với chị câu chuyện đất nước
của chị thì tuyệt hơn đúng không? Biết đâu chúng ta có thể làm gì đó để giúp
người khác. Ba mẹ em luôn giúp người khác và em cũng muốn như họ”. Tôi chào em
vì thời gian không nhiều , tôi trao đổi với em số điện thoại, nhìn cậu trai mà
tôi như chợt thấy Saphia của mình tám chín năm nữa vậy. Nhân Quyền đôi khi cũng
chỉ là quyền được yêu thương, giúp đỡ người khác thôi mà. Cần gì phải lý do.
Tôi gặp nhiều những người khác và trong cuộc trò
chuyện, dù biết là ngớ ngẩn tôi vẫn cứ thử hỏi họ cùng câu hỏi trên. Và rồi,
không ai trong số họ có câu trả lời nào “ra hồn”. Họ toàn có vẻ bị khựng lại
chút rồi “hông biết nữa”.
Không phải ai trong số những người được mời tham dự
conference đều có câu chuyện đầy thương đau và đầy cảm hứng liên quan đến vấn đề
Nhân Quyền. Họ, những con người đến từ những đất nước có nền Tự Do Nhân Quyền
mà tôi và bạn bè ao ước mãi vẫn cứ đặt chân mình vào lãnh địa này, chẳng một lý
do. Bởi vì sao? Vì nếu như có ai đó hỏi chúng ta, tại sao chúng ta lại ăn và uống
mỗi ngày? Nghe há chẳng phải kỳ lạ lắm sao. Nó hiển nhiên và căn bản đến thế
kia mà.
Nhưng đi, nói, hỏi, nghe, ngẫm mới thấy xót xa cho
quê hương mình. Nhân Quyền là cái gì đó rất là Phản Động. Nhân Quyền là thứ gì
đó rất xa xỉ và ngoại bang. Nhân Quyền là thứ mơ mộng rất hão… Bởi thế, nên ta
vẫn cứ đặt cho nhau hàng vạn lần câu hỏi “động cơ là gì? Nguyên do từ đâu?”…
Tôi nghe câu chuyện của Leyla Hussein và campaign
FGM (Female Genital Multilation) ở UK khi cô là nạn nhân của hủ tục cắt bỏ âm vật
những trẻ em lên bẩy lên tám, để đảm bảo sự trinh tiết của đứa bé gái cho tới
khi em lấy chồng cũng như giảm đi những ham muốn sinh lý phụ nữ bình thường
hòng giữ sự thuỷ chung về sau. Liên đới, sau những vết cắt đầy hủ tục và man rợ
đó, sẽ không thể nào phân biệt nỗi đứa bé gái nào bị tổn thương do tục lệ, đứa
bé nào bị xâm hại tình dục…Leyla đã trải qua những điều đó từ khi cô bẩy tuổi,
ám ảnh cô tới tận bây giờ và để bảo vệ con gái mình, cô đã đứng lên đấu tranh
và trở thành nhà hoạt động danh tiếng bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Nhân Quyền là
quyền được bảo vệ mình và con cái đó chứ đâu. Phản động chăng?
Tôi được nghe câu chuyện của Marina Nemat, người phụ
nữ đã thoát chết từ Iran và đang sống tại Canada với hai quyển sách nổi tiếng
viết về đời mình, chặng đường tới nay chưa dừng để đấu tranh đòi quyền được hát
ca, được khiêu vũ, được tự do biểu đạt, biểu diễn khi còn là trẻ vị thành niên.
Rồi trải qua những tháng ngày bị tra tấn khủng khiếp trong nhà tù. Những cơn
đau tra tấn đến độ chị quên cả lời cầu nguyện, chỉ bật cười. Những người bạn
cùng đứng lên đấu tranh với chị người thì bị hiếp, người thì bị giết… Chị bị một
gã quản tù dùng quyền hành của mình để cưỡng ép. đe doạ gia đình chị để kết hôn
với chị, đối với chị đó không khác gì bị hãm hiếp và để ép chị, một người Công
Giáo phải theo đạo Hồi… Câu chuyện của chị là máu và nước mắt. Hành trình của
chị không phải để riêng mình được đặt chân tới đất nước tự do. Chị vẫn đấu
tranh để mong ngày được quay về trên quê hương… Nhân Quyền là quyền được nói,
được hát, được tự do tín ngưỡng, thế thôi. Phản động chăng?
Tôi được nghe câu chuyện của Maria Toorpakai , vận động
viên squash hàng đầu Thế Giới người Canada gốc Taliban. Taliban là nơi mà cô
sanh ra và lớn lên, phụ nữ không được quyền chơi thể thao. Cô may mắn được cha
mẹ ủng hộ sự khác biệt nên đã mặc nhiên ăn bận, sống và chơi thể thao như một đứa
con trai để lách luật. Cô đã đứng lên để đòi Quyền Phụ Nữ và thể thao là con đường
để cô đấu tranh hoà bình. Nhân Quyền là quyền được sống đúng con người mình, là
quyền được thực hiện điều mình đam mê bất kể giới tính, thế thôi. Phản động
chăng?
Tôi được nghe câu chuyện của Wuilly Arteaga cùng cây
đàn violon của mình đến từ nhà tù Venezuela. Em mặc đúng bộ quần áo mang sắc cờ
dân tộc mà em từng mặc. Cả Thế Giới đã thấy em ôm cây violon chơi bản Quốc Ca
không ngừng, chân vẫn bước xuyên qua làn hơi cay, vũ lực từ phía quân đội. Một
mình em đứng kéo đàn giữa tứ bề quân đội bao vây. Em và đồng đội bị bắt, nhiều
bạn em đã hy sinh. Em không được đi học, khi biết tới internet, em học vĩ cầm
qua youtube, em biết tới những khái niệm dân chủ, văn minh và quyền con người
cũng qua internet. Đứng trước khán phòng hàng ngàn người. Em hát bằng ngôn ngữ
mẹ đẻ, em kéo vĩ cầm, loại nhạc cụ nhỏ nhứt nhưng âm thanh cao nhứt trong các
loại vĩ cầm. Như em vậy, xác người nhỏ bé nhưng trái tim quả cảm. Lời cuối, em
chơi nhạc cho bạn mình đã khuất, cho quê hương mình và kêu gọi sự giúp đỡ để
quê hương được tự do đúng nghĩa.
Trong nhiều câu chuyện của nhiều con người tuyệt vời,
tôi nhớ câu chuyện của Vladimir Kara-Murza. Một nhà báo, nhà làm phim và hơn hết
là một chính khách đối đầu với điện Kremlin, là nhà hoạt động đấu tranh dân chủ
của Nga. Một phần nhỏ trong nhiều câu chuyện trên hành trình đấu tranh dân chủ
anh kể, tôi mỉm cười trước bức ảnh hoa hồng trên nòng súng xe tăng. Anh và hàng
ngàn người biểu tình ôn hoà đã dùng hoa hồng đặt lên nòng súng và những chiếc
tăng cuối cùng đã dừng rồi quay đầu. Nói vậy, không có nghĩa là con đường đấu
tranh của anh dễ dàng, ngược lại đầy chông gai và suýt mất mạng đôi lần. Nhưng
cuối cùng, tôi cũng lại nhớ mãi điều anh nói “ cuộc chiến này là của chúng tôi,
chúng tôi sẽ tự lo liệu” và rồi anh kêu gọi những người đang nghe anh, hãy giúp
phong trào dân chủ của nước Nga bằng cách duy nhứt là đừng ủng hộ nhà độc tài
Putin lẫn chính phủ độc tài dân tộc của ông ta. Còn lại người dân Nga sẽ phải
lo việc của người Nga. Chợt nhớ tới câu nói của cựu tổng thống Hoa Kỳ Obama
trong chuyến ghé thăm Việt Nam cuối nhiệm kỳ dường như ông cũng nhắn nhủ nhân
dân Việt Nam y vậy và dường như cũng khiến người dân VN hờn lắm vì cho rằng ông
phủi tay trước sự trông mong vào tiếng nói của ông. Quả thật, chuyện nước mình
nếu không là người dân mình nói, làm thì kêu ai cũng bằng bấy.
Sau những ngày ngắn ngủi dự OFF tôi nhìn thấy một
khái niệm tổng quát thật dễ hiểu về cái gọi là Nhân Quyền.
Ai cũng là nhà đấu tranh nhân quyền cả.
Quyền được hát, quyền được chơi thể thao, quyền được
nói, quyền được bảo vệ bản thân, quyền được đòi hỏi sự thay đổi… Và cả quyền được
ủng hộ những người đang đấu tranh vì những quyền căn bản chung.
Nếu ai đó cấm bạn hát một bài hát và bạn bỏ hát bài
hát bạn yêu thích ấy tức là bạn chối bỏ quyền con người của bạn.
Nếu ai đó cấm bạn hoạt động thể thao, vui chơi, bạn
bè, tụ hội và bạn dừng làm việc đó tức là bạn chối bỏ quyền con người của bạn.
Nếu ai đó cấm bạn bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, chánh
kiến và cấm bạn thảo luận với người khác và bạn im tiếng, dừng bày tỏ tức là bạn
đang chối bỏ quyền con người của bạn.
Nếu ai đó làm điều gì tổn hại tới thân thể, tương
lai và hạnh phúc của chính bạn, con cái bạn, gia đình bạn mà bạn im lặng không
dám lên tiếng bảo vệ những điều đó tức là bạn đang chối bỏ quyền con người của
bạn.
Nếu bạn thấy một thể chế độc tài và bất công. Nếu bạn
tin những thế hệ người mới có thể làm tốt hơn. Hoặc chí ít bạn tin xoá bỏ độc
tài, đa nguyên là một hình thức tiến bộ và giảm thiểu bất công trong xã hội và
bạn lên tiếng để có được điều đó thì đó cũng là NHÂN QUYỀN.
Nhân Quyền suy cho cùng rất đơn giản. Đâu cần tổ chức,
hội đoàn, nhà chánh trị, luật sư mới có thể lên tiếng nhân danh Nhân Quyền. Bất
cứ ai nhân danh bất cứ một quyền lợi căn bản đáng có nào và chống bất công để
đòi hỏi có nó, lên tiếng ôn hoà dưới mọi hình thức từ dùng lời ca, tiếng nhạc đều
là đã đặt chân mình lên vùng văn minh nhân loại mang tên Nhân Quyền.
Thực phẩm, nước uống, không khí, giáo dục, giải
trí,…và nhân quyền. Căn bản từ cốt lõi cho đến tiến bộ, văn minh. Không thể
tách rời.
Vậy, tụi mình đừng hỏi nhau câu kỳ khôi đó nữa được
không. Bình thường thôi mà. Tại sao lại không khi chúng ta đang tạo ra cả thế hệ
loài người mới. Lẽ nào yêu chúng đến thế, cho chúng cơm nước lớn lên lại giựt lại
Nhân Quyền khiến chúng lùi lại thêm bao lâu nữa so với Thế Giới đang vận động
ngoài kia tụi mình mới vừa lòng mà hèn?
Lẽ nào đấu tranh chỉ để nhân danh vì tụi nhỏ? Tụi
mình cũng cần mà. Giờ mình hổng nói, mai bắt tụi nhỏ nói cho hay sao?
–Ubee Hoàng–
FOODS,
WATERS AND HUMAN RIGHTS
-------------------------
No comments:
Post a Comment