Lê Phan
October 14, 2017
Khi Tổng Thống Donald Trump lên tiếng đe dọa sẽ rút
lui khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, ở bên kia bờ Thái Bình Dương, một nhà độc
tài sung sướng chỉ ra là ông đã đúng. Nhà độc tài đó là ông Kim Jong Un của Bắc
Hàn.
Nếu nghe tổng thống nói về lãnh tụ họ Kim của Bắc
Hàn, chúng ta phải tưởng tượng đó là một nhân vật hí họa – một “người hỏa tiễn”
đang theo đuổi một “sứ vụ tự tử.” Nhưng nếu nhìn vào hành động của tổng thống
Hoa Kỳ thì chúng ta khám phá ra là lãnh tụ Bắc Hàn không điên khùng như ông nhiều
khi cố tình tạo cái cảm tưởng vậy.
Điều đó còn đúng hơn trước chính sách về Iran của tổng
thống. Ông Trump có vẻ đang tính đến chuyện không xác nhận là Iran tuân thủ
đúng thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết với các cường quốc của thế giới năm
2015. Nếu đặt mình vào địa vị ông Kim, hẳn chúng ta cũng phải kết luận là mình
đúng hoàn toàn ngay từ đầu:
Không thể tin Hoa Kỳ được, ngay cả khi Washington đặt bút ký tên vào một thỏa
thuận quốc tế. Chả cũng Hoa Kỳ đã ký kết vào Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái
Bình Dương (TPP) đó sao? Nhưng rồi cũng Hoa Kỳ xé hiệp ước đó, thản nhiên bỏ
rơi các đồng minh của mình.
Nhìn từ Bình Nhưỡng, cách duy nhất để chặn một cuộc
xâm lăng của Hoa Kỳ đã luôn luôn là phải đưa Bắc Hàn trở thành một cường quốc hạt
nhân có đủ khả năng và sẵn sàng tấn công phủ đầu hay phản công vũ bão. Theo một
số chuyên gia ở Á Châu, đó chính là lý do Bắc Kinh lập luận chống lại áp lực
quá mức lên chế độ Bình Nhưỡng. Ông Kim, một viên chức ở Bắc Kinh giải thích, sẽ
“chọn cái chết để chống cự” thay vì chịu thua Hoa Kỳ.
Và nay ông Kim cảm thấy mình được chứng minh là
đúng, và tin tưởng là chương trình hạt nhân của ông, tiến xa hơn của Iran nhiều,
sẽ là cái vé để bảo vệ cho sự sống còn của chế độ của ông.
Tổng Thống Trump là người thường thích để cho người
ta không biết ý định của ông là thế nào. Chả thế mà ông đã đưa ra một câu nói lửng
lơ hồi cuối tuần rồi, “gió lặng trước cơn bão,” một việc mà sau đó ông công nhận
là ám chỉ Bắc Hàn. Không hiểu vì ảnh hưởng từ đâu, nhưng tổng thống có vẻ tin
hoàn toàn là Iran vi phạm thỏa thuận lịch sử vốn đã giúp đình chỉ và lật ngược
lại các hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy giảm cấm vận. Mặc dầu Cơ Quan
Nguyên Tử Năng Quốc Tế (International Atomic Energy Agency- IAEA), cơ quan mà
nhiệm vụ là bảo đảm Iran phải tuân thủ, nói là không có bằng cớ gì là Iran không
tuân thủ, mặc dầu tất cả các cường quốc còn lại đã ký kết vào thỏa thuận không
đồng ý, tổng thống Hoa Kỳ vẫn tin mình đúng.
Trong khi vụ Iran đang tiếp diễn, từ Bắc Hàn, ông
Kim sẽ theo dõi kỹ. Nhưng số phận của Iran không phải là vấn đề duy nhất ông
chú tâm theo dõi. Điều mà chính hệ thống tuyên truyền của ông đã nhiều lần nhắc
nhở, đó là số phận của các lãnh tụ Trung Đông có thời ao ước có khả năng vũ khí
hạt nhân. Ông biết rõ về họ lắm vì chế độ của ông từng hợp tác với họ. Những
người ngần ngại trong việc theo đuổi chương trình hạt nhân, hay bị buộc phải từ
bỏ chương trình của họ, bị đánh bại và giết chết thảm thương.
Trước hết là chuyện ông Saddam Hussein, nhà độc tài
Iraq từng cho phát triển một chương trình vũ khí hạt nhân, hóa học, và sinh học
hồi thập niên 1980. Sau vụ phiêu lưu tấn công chiếm đóng Kuwait và thất bại
trong cuộc chiến vùng Vịnh, Iraq bị buộc phải từ bỏ vũ khí có sức hủy diệt hàng
loạt. Nhưng ông Saddam đã chơi một cái trò mèo vờn chuột với các thanh tra của
IAEA, tạo thêm nghi ngờ là ông đã giấu một phần kho vũ khí của mình. Những nghi
ngờ này cho Hoa Kỳ cái cớ tổ chức cuộc tấn công vào Iraq năm 2003. Kết quả là
ông Saddam bị bắt, bị đưa ra xử ,và bị treo cổ.
Tuy vậy, những cuộc tìm kiếm rộng rãi sau cuộc chiến
đã không tìm thấy vũ khí nào cả, dẫn đến việc một số quan sát viên đồn đoán là
ông Saddam đã duy trì huyền thoại sở hữu vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt để tạo
một bầu không khí sợ hãi giúp ông tiếp tục nắm quyền.
Rồi còn chuyện Đại Tá Muammar Gaddafi, lãnh tụ Libya
mà Tổng Thống Ronald Reagan gọi là “con chó dại” của vùng Trung Đông. Năm 2003,
sau khi điều đình với Hoa Kỳ và Anh, ông Gaddafi tuyên bố hủy bỏ chương trình hạt
nhân của mình. Quyết định đó đã mở đường cho việc Libya được thế giới công nhận.
Chưa đầy một thập niên sau, khi cuộc cách mạng bùng nổ ở Libya, và ông Gaddafi
đe dọa tấn công vào thành phố Benghazi ở miền Đông ly khai, một liên minh do
NATO cầm đầu can thiệp và đẩy cán cân quyền lực về phía các phiến quân Libya.
Ông Gaddafi bị các nhóm dân quân bắt và hạ sát.
Chúng ta không chờ đợi Tổng Thống Trump có thể tự đặt
mình vào địa vị của lãnh tụ Bắc Hàn để xem ông tính toán ra sao, nhưng những
nhà ngoại giao Hoa Kỳ, nhất là Ngoại Trưởng Rex Tillerson, đã cố gắng để tìm một
cách nào đó cho tình hình bớt căng thẳng. Bởi vì, cũng như Thượng Nghị Sĩ Bob
Corker (Cộng Hòa-Tennessee), chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, ông
Tillerson hiểu rằng trong khi một thỏa thuận ngoại giao với Bắc Hàn có thể
không đạt được, cải thiện liên lạc với Bắc Hàn là tối cần thiết để giảm triển vọng
một cuộc chiến tình cờ.
Ông Kim chắc sẽ có những vụ thử hạt nhân nữa. Mới tuần
rồi, hai dân biểu Nga từ Bắc Hàn trở về nói là Bình Nhưỡng sắp thử một hỏa tiễn
có tầm bắn đến California. Tháng rồi, ngoại trưởng Bắc Hàn đề nghị là chính phủ
của ông có thể thử hỏa tiễn hạt nhân trên bầu trời Thái Bình Dương, một thử
nghiệm hạt nhân trên không đầu tiên từ nhiều thập niên nay. Với sự bất định về
chuyện không biết một thử nghiệm hạt nhân như vậy sẽ rớt xuống đâu, chính phủ
Trump có thể cảm thấy là phải phản ứng bằng cách bắn hạ hỏa tiễn có đầu đạn hạt
nhân.
Nhà bình luận Nicholas Kristof của tờ New York Times
mới đây viết “Tôi đã tường thuật về Bắc Hàn kể từ thập niên 1980, và chuyến đi
năm ngày (của ông đến Bình Nhưỡng) làm cho tôi cảm thấy lo sợ hơn bao giờ hết về
nguy cơ một sự đối đầu sẽ mang lại thảm họa.” Ông khuyên “hãy thương thảo không
cần điều kiện, dầu chỉ là để bàn luận về chuyện thương thảo” nhằm ngăn cản “cuộc
khủng hoảng leo thang.”
Theo tạp chí The Atlantic, Hoa Kỳ quả có những ngả để
thảo luận với Bình Nhưỡng, mà quan trọng nhất là ở New York, nơi Bắc Hàn có sứ
bộ. Ngay sau khi lên làm ngoại trưởng, ông Tillerson đã mở lại con đường đó,
trong hy vọng là để có một mối liên lạc. Đó chính là điều ông nói với các nhà
báo, về những con đường hai bên có thể tiếp xúc. Nhưng Tổng Thống Donald Trump,
khi Bắc Hàn phóng hỏa tiễn lần thứ nhì qua Nhật, đã bỏ cuộc. Ông công khai bảo
rằng ông ngoại trưởng của ông đừng “tốn thời giờ vô ích.”
Điều đáng ngại là những người như Thượng Nghị Sĩ Bob
Corker hay Ngoại Trưởng Rex Tillerson biết rõ vấn đề. Họ hẳn biết những nguồn
tin tình báo hơn chúng ta về khả năng vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Họ hẳn cũng
biết là Bắc Hàn nay sở hữu vũ khí hạt nhân. Chẳng bao lâu nữa, Bắc Hàn sẽ có khả
năng bắn vào Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ, dù có công nhận hay không, chỉ
còn trông cậy vào phòng ngừa để ngăn cản chiến tranh. Và phòng ngừa chỉ có thể
hữu hiệu khi hai bên có thể nói chuyện với nhau. Đó là lý do của hệ thống điện
thoại đỏ giữa Hoa Kỳ và Liên Sô.
Hoa Kỳ và Bắc Hàn không có một liên lạc nào tương tự,
nhưng ông Tillerson đang cố gắng tạo một cái gì thay thế. Tổng Thống Trump, vốn
tiếp tục đe dọa chiến tranh, đang cố gắng hết sức để bảo đảm là ông Tillerson sẽ
thất bại. Và đó là điều đã làm ông Bob Corker hoảng sợ. Có lẽ chúng ta cũng nên
lo sợ đi là vừa.
No comments:
Post a Comment