Saturday, October 14, 2017

CUỘC CHIẾN TRANH DÀI NHẤT CỦA THẾ KỶ (Trọng Đạt - Dàn Chim Việt)





14/10/2017

Nhân dịp cuốn phim tài liệu mười tập The Vietnam War mới thực hiện làm sống lại cuộc chiến đã qua tử hơn bốn mươi năm, tôi xin làm một bảng tổng kết ngắn về giai đoạn này.
Trước hết xin sơ lược cuốn phim do đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick thực hiện. Giống các phim tài liệu cùng đề tài như Vietnam, A Television History (Việt Nam Thiên Sử truyền hình) mười ba tập, thực hiện năm 1983 hay Last days in Vietnam năm 2014, nhà đạo diễn lựa chọn trong đống phim cũ để ráp nối thành tác phẩm. The Vietnam War rất giống Việt Nam Thiên Sử truyền hình (mà tôi đã xem hết) ở chỗ cùng là phim nhiều tập, diễn tả lại cuộc chiến tranh Việt Nam dài như vô tận nhưng kết thúc khác nhau, một phim tại 1975, phim sau tại 1990.

Người Việt hải ngoại có kẻ khen người chê, bá nhân bá tính, theo ý kiến tôi về phương diện điện ảnh, The Vietnam war khá hơn những phim tài liệu khác cùng loại về hình ảnh, âm thanh, mầu sắc và nhạc đệm, tôi nghe thoáng thấy điệu nhạc không lời rất hay bản Nhớ Người Thương Binh của Phạm Duy.. Chiều về trên cánh đồng xanh, có nàng gánh lúa cho anh ra đi diệt thù….Ngoài ra dữ kiện, tài liệu dồi dào hơn. Về nội dung thì nghiêng ngả, nói về miền Bắc nhiều mà không nói gì mấy về miền Nam, là nạn nhân, bãi chiến trường vai chính trong cuộc chiến.

Về trận chiến, nhà đạo diễn đã đưa lên nhiều trận đánh cấp tiểu đoàn, đại đội giữa Mỹ và bộ đội Bắc Việt thời Johnson đến mức nhàm chán, không thấy đưa ra những trận đánh lớn cấp Quân đoàn, Sư đoàn giữa VNCH và BV thời Nixon.

Những lời phát biểu của hai nhà văn nổi tiếng (cựu cán binh) thiếu trung thực: Huy Đức nói tinh thần thanh niên cao vô cùng, ai nấy nô nức tham gia nhập ngũ vào Nam. Tôi không hiểu nổi, chẳng lẽ lên đường vào chốn tử địa y như Kinh Kha sang Tần, ra đi không hẹn ngày về, cầm chắc cái chết trong tay lại hồ hởi phấn khởi được sao? Bảo Ninh nói Mỹ là quân xâm lược, tôi nghĩ xâm lược là đem quân đánh chiếm nước khác, khuân đồ, vơ vét của cải đem về thì mới gọi là xâm lược, còn quân Mỹ không chiếm đất, không lấy một cây kim sợi chỉ của miền Nam, còn viện trợ cho dân ta hàng tỷ đô la mỗi năm thì sao lại gọi là xâm lược?

Bảo Ninh nói đây là nội chiến, một ông Giáo sư Việt Nam Hải ngoại nói đây là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, có người nói đây là cuộc chiến ý thức hệ, nhưng ông Bùi Tín cựu Đại tá Bắc Việt lại nói mấy năm trước: đây chỉ là một cuộc ăn cướp vĩ đại, ông cũng nói 16 tấn vàng mà Hà Nội cướp của miền Nam sau 30-4 nay không còn gì cả, không có sổ sách, chia chác nhau hết…

Phim này tôi chưa xem đầy đủ hoàn toàn, sẽ coi lại và tường trình quí độc giả sau, bây giờ tôi xin trở lại cuộc chiến tranh Việt Nam từ 1945 tới cuối thập niên 80. Khởi đầu là cuộc chiến chống thực dân của Việt Minh 1946-1954, sau đó là cuộc chiến từ cuối thập niên 50 tới ngày sụp đổ miền nam 1975, và cuối cùng cuộc chiến tranh giữa các chế độ Cộng sản Việt-Miên, Việt- Hoa…từ cuối thập niên 70 tới cuối thập niên 80, bài sẽ không trích dẫn tài liệu tham khảo vì phạm vi giới hạn.

Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Giữa thập niên 60, báo Constellation có đăng bài của một ký giả Pháp “Cuộc chiên tranh dài nhất thế kỷ” (La Guerre la plus longue du siecle) diễn tả lại trận đánh lịch sử tối 19-12-1946 Võ Nguyên Giáp ra lệnh tấn công quân Pháp tại Hà Nội mở đầu cho cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ. Trung đoàn Thủ đô chiến đấu anh dũng trong khi quân chính qui VM rut vào hậu phương, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Việt Minh tuy đông nhưng thiếu thốn, trên vĩ tuyến thứ 16, Pháp chỉ có hơn một sư đoàn nên chỉ đủ lực lượng giữ các thành phố lớn. họ tiến nhanh chiếm Phủ Lý, mỏ than Hòn Gay, Sơn La, Lai Châu…đầu năm 1947. Gần cuối 1947 Pháp hành quân lên miền rừng núi Việt Bắc để tiêu diệt các lực lượng chính qui Việt Minh, chiếm Thất Khê, Đông Khê, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Sang năm 1948, Pháp mở rộng vùng chiếm đóng tại Quảng Yên, Kiến An, Hà Đông, Ninh Bình… Những năm 1947, 1948, 1949 VM tháo chạy, Pháp truy kích ráo riết để tận diệt chủ lực địch, họ sẽ đưa thêm quân từ trong nam ra hoặc từ bên Pháp tới để tiêu diệt nốt đám VM còn lại.

Tháng 10 năm 1949 một phép lạ đã cứu Việt Minh thoát chết, Mao Trạch Đông chiếm được phần lớn Hoa Lục, tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Sau khi tiến sát biên giới Việt-Hoa cuối năm 1949, Trung Cộng viện trợ nhiều vũ khí đạn dược và huấn luyện cho VM, họ giúp thành lập nhiều sư đoàn chính qui 304 và 308, 312, 316, 320 và sư đoàn vũ khí nặng 351 những năm năm 1950 và 1951. Việt Minh ngày càng lớn mạnh, mới đầu kháng chiến là một phong trào yêu nước, sau thành phong trào Cộng Sản.

Đây là một thời điểm vô cùng quan trọng: trước hết nó khởi đầu sự cáo chung của chế độ Thực dân Pháp tại Đông Dương và đặt ra nhiều thử thách lớn lao cho người Mỹ. Khi bỏ rơi người bạn đồng minh Trung Hoa Dân Quốc năm 1948, 49 họ không ngờ tới cái hậu quả khốc liệt để rồi phải trả giá đắt cho tới tận ngày hôm nay. Chỉ sáu tháng sau khi chiếm được Hoa lục, Mao yểm trợ cho Bắc Triều Tiên (Cao Ly) xua quân xâm chiếm miền Nam và giúp Việt Minh chống Pháp.

Nay người Mỹ mới biết sự đe dọa của Cộng sản, họ vội đưa quân vào bảo vệ Nam Triều Tiên, cuộc chiến khốc liệt giữa Mỹ và Bắc Tiều Tiên, Trung Cộng diễn ra cho tới tháng 7 năm 1953 mới chấm dứt.

Từ 29-9 tới 7-10-1950 tại Bắc Việt, Việt Minh đánh thắng trận Cao-Bắc-Lạng, chiến thắng đã làm rung động cả nước Pháp, thực dân bị thiệt hại nặng: trên 7,000 người bị giết và mất tích, VM tịch thu được nhiều chiến lợi phẩm.

Những năm sau đó 1951, 52, 53… Việt Minh ngày càng mạnh, kiểm soát đa số đất đai, Pháp chỉ còn giữ được các thành phố lớn. Ngay từ 1950 Mỹ đã giúp Pháp đánh Việt Minh, mấy năm đầu 1950, 51, 52 Mỹ chỉ viện trợ tượng trưng vì còn phải tham gia cuộc chiến Triều Tiên. Tháng 7-1953 khi Triều Tiên đình chiến, Trung Cộng quay sang giúp Việt Minh là lúc Mỹ cũng tăng viện trợ cho Pháp, năm 1953 họ chi một nửa chiến phí cho Pháp, năm 1954 viện trợ Mỹ lên tới trên 75%. Hoa Kỳ giúp Pháp bảo vệ Đông Dương để ngăn chận Cộng sản bành trướng tại Á châu, nói cho ngay vì quyền lợi của chính họ.

Pháp và Việt Minh đánh lớn tại Điện Biên Phủ. Ngày giao chiến đầu tiên 13-3-1954 hai tiền đồn Pháp tại đây bị đánh sập. ĐBP ngày càng nguy ngập chỉ còn tiếp tế bằng thả dù. Từ cuối tháng 3-1954, Tòa Bạch Ốc đã nghiên cứu kế hoạch cứu nguy ĐBP bằng oanh tạc ồ ạt với gần 100 oanh tạc cơ hạng nặng B-29, cùng với 400 máy bay chiến đấu hộ tống. Kế hoạch này lấy mật danh Kên Kên do Đô đốc Arthur Radford, Tham mưu trưởng liên quân đề nghị được Tổng thống Eisenhower, Phó Tổng thống Nixon, Bộ trưởng ngoại giao Foster Dulles ủng hộ, chấp thuận.

TT Eisenhower cẩn thận hỏi ý kiến Quốc hội trước khi thực hiện chiến dịch. Tám vị dân cử đại diện Lập pháp sau khi hội thảo với đại diện Hành pháp đòi sự can thiệp của Mỹ phải có Liên minh với các nước Đông Nam Á, Anh Quốc. Đây là ý kiến của Thượng nghị sĩ Lyndon Johnson đã được các vị dân cử đồng thuận. TT Eisenhower không thành lập được Liên minh, không thực hiện được chiến dịch Kên Kên khiến ĐBP thất thủ ngày 7-5-1954. Hơn hai tháng sau Pháp ký Hiệp định Geneve với Hồ Chí Minh chia đôi Việt Nam từ Vĩ tuyến 17 để rút quân bỏ Đông Dương, chính Phủ Quốc Gia và quân Pháp rút vào Nam sau thời hạn 300 ngày.

Năm 1948-1949 người Mỹ bỏ Trung Hoa và đã phạm một lỗi lầm tai hại, nay tháng 4-1954 họ lại bỏ lỡ cơ hội cứu nguy ĐBP để rồi lại gánh chịu hậu quả lớn lao khác. Tại ĐBP Việt Minh  đã đưa hầu hết các sư đoàn chính qui của họ vào trận đánh, tổng cộng khoảng 63,000 người, trong khi quân Pháp ước lượng 16,000 người, vào khoảng 5% quân số của họ tại Đông Dương. Một trận oanh tạc trải thảm của 100 B-29 đủ sức tiêu diệt chủ lực quân Việt Minh không những cứu nguy ĐBP mà còn cứu được cả Đông Dương.

Cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai
Năm 1954 Lê Duẩn được phân công ở lại miền Nam lãnh đạo. Cuộc Tổng tuyển cử thống nhất mà Bộ Chính trị hy vọng nhưng bất thành vì nhiều lý do: Nga và Trung Cộng không ủng hộ Việt Minh, họ muốn hai miền ở đâu ở đó, tại miền Nam Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mặc dù hoan nghênh thống nhất nhưng không tin tưởng miên Bắc có tự do đầu phiếu. Về cơ bản điều khoản Tổng tuyển cử không có ghí trong Hiệp định ký ngày 20-7 mà ghi ngày hôm sau 21-7 trong bản Tuyên bố cuối cùng của ba bề bốn bên, nó chỉ là lời nói miệng với nhau (oral statements) và không có chữ ký (unsigned document) của bất cứ phái đoàn nào, nó thiếu cơ sở pháp lý, chỉ là nói chơi cho vui thôi.

Năm 1956 Lê Duẩn gửi từ trong Nam ra Hà Nội bản Đề cương cách mạng miền Nam chủ trương dùng vũ lực thống nhất đất nước. Bộ Chính trị miễn cưỡng chấp nhận giới hạn đường lối của Duẩn vì họ chủ trương xây dựng Xã hội chủ nghĩa miền Bắc trước hết, vả lại sợ Mỹ đem chiến tranh vào Đông Dương. Năm sau 1957 Lê Duẩn được Hồ Chí Minh gọi ra Bắc nhận chức quyền Tổng bí thư thay thế Trường Chinh từ chức vì Cải Cách Ruộng Đất, đây là một khúc quành rất quan trọng của cuộc chiến VN. Năm 1960 Duẩn được Đại hội đảng chính thức bầu làm Bí thư thứ nhất (Tổng bí thư), thực ra do Hồ Chí Minh cất nhắc.

Cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai có thể chia làm 4 giai đoạn

1-Thời TT Kennedy từ 1961-1963.
Cuối thập niên 50, cán bộ CS nằm vùng bắt đầu nổi dậy như ong vỡ tổ tại miền nam, chúng gây chiến tranh du kích, giết hại xã trưởng, trưởng ấp. Mặt trận giải phóng miền Nam được thành lập tháng 12- 1960.

Năm 1961 chiến tranh lan rộng hơn nhiều, Việt Cộng đầu năm có 5,500 người tới cuối năm 1961 tăng lên 25,000. Tổng thống Kennedy cho tăng quân số VNCH từ 170,000 lên 200,000 người, tăng cố vấn huấn luyện lên 3,200 người. Năm 1962 chính phủ Mỹ vội viện trợ cho quân đội VNCH ba đại đội trực thăng H-21, 16 phi cơ vận tải C-123, hai chi đoàn thiết giáp M-113. Việt Cộng bị bao vây tiêu diệt dần, quân đội VNCH nhờ chiến thuật và vũ khí mới đã đạt thắng lợi năm 1962, phiến quân bị mất tinh thần.

Năm sau1963, chính phủ Ngô Đình Diệm bị sa lầy vì vụ Phật giáo khởi đầu từ giữa cho tới cuối năm 1963 thì hoàn toàn sụp đổ.

Kennedy có mục đích rõ ràng về VN, ông chỉ gửi cố vấn sang huấn luyện không gửi quân tác chiến. Trong giai đoạn này cuộc chiến chỉ là du kích cấp đại đội hoặc tiểu đoàn vì Nga Sô thời Khrushchev chủ trương sống chung hòa bình với Mỹ, chỉ giúp Hà Nội giới hạn. Cuộc chiến leo thang dần, năm 1961 số cố vấn Mỹ tăng lên 3,000, năm sau 1962 thành 11,000, năm sau 16,000.

Phía CS Hà Nội, từ sau khi Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất, Lê Đức Thọ cánh tay phải của Duẩn đã cài đặt nhiều bộ hạ vào guồng máy đảng, củng cố địa vị cho Duẩn.

2-Thời TT Johnson từ 1964 tới 1968.
Tại Nga Xô, Khrushvhev bị lật đổ năm 1964, Brehznev lên thay giúp Hà Nội mạnh hơn, tại miền Nam TT Ngô Đình Diệm bị đảo chánh tháng 11-1963, ba tuần sau TT Kennedy bị ám sát, Phó TT Johnson lên thay. Tại miền Bắc Lê Duẩn con người hiếu chiến ngày càng nắm nhiều quyền, phe chủ hòa Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và cả ông Hồ bị cô lập dần. Từ 1965 trở đi, Hồ Chí Minh đau ốm hay sang Tầu chữa bệnh, Lê Duẩn nắm trọn quyền hành trong tay, tha hồ làm trời làm đất, y bắt đầu đưa nhiều trung đoàn chính qui vào Nam leo thang chiến tranh.

Các nhà sử gia Bernard Fall, Logevall, Ted Morgan đã nhận định: Mỹ tránh can thiệp oanh tạc Điện Biên Phủ năm 1954 để rồi mười năm sau phải đương đầu với cuộc chiến lớn 1964, 65… Năm 1954, TNS Johnson đóng vai chính trong việc ngăn cản Eisenhower cứu nguy ĐBP và bây giờ năm 1964, một sự tình cờ lịch sử ông trở thành Tổng Thống lại gánh chịu hậu quả sự sai lầm của chính mình mười năm trước đây.

Hoa Kỳ vội đưa quân vào cứu miền Nam mà thực ra vì quyền lợi của chính họ vì mất Đông Dương, toàn vùng Đông Nam Á sẽ sụp đổ y như ván bài Domino. Năm 1965 TT Johnson đưa 184,000 quân vào miền nam VN, cho đến năm 1968 con số này lên tới 530,000 người. Sau này McNamara, Tướng Westmoreland, McNamara, Tướng Ngô Quang Trưởng nói nếu Mỹ không đổ quân vào miền Nam có thể mất trong sáu tháng.

Mục tiêu chính của Johnson là giúp VNCH đánh bại VC và CSBV, buộc Hà Nội phải rút, ngăn chận Trung Cộng bành trướng. Chiến lược của ông gọi là chiến tranh giới hạn (limited war), trong Nam cho bộ binh lùng và diệt địch (search and destroy), cho không quân oanh tạc miền Bắc, các tuyến đường xâm nhập. Mục đích chính của Johnson-McNamara chỉ là đánh cho nó sợ phải thương thuyết rút về Bắc.

Phong trào phản chiến ngày càng lên cao khi số lính Mỹ thiệt mạng gia tăng, năm 1965 có 1,928 lính Mỹ tử trận, năm 1968 đã tăng lên 16,899 người, gần 9 lần, đáng lẽ TT Johnson phải thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh sớm từ 1965, 66. Ngoài ra ông cũng sai lầm ở chỗ khi chống đối trong nước ngày càng mạnh lại áp dụng chiến tranh giới hạn (limited war) chậm như rùa bò. Một sai lầm trầm trọng nữa là TT lại trao hết quyền hành cho Bộ trưởng quốc phòng McNamara, một người dân sự, không có kinh nghiệm về quân sự bị các Tướng lãnh chống đối. Mặc dù giết được nhiều Việt Cộng tính tới 1968 có khoảng trên 200,000 tên thiệt mạng nhưng địch vẫn gia tăng xâm nhập.

Năm 1968 Lê Duẩn đốt giai đoạn, cho mở trận Tổng công kích Tết Mậu thân trên toàn cõi VNCH, 84,000 cán binh được dưa vào cuộc thí quân kinh hoàng. Riêng trận này, Lê Duẩn đã mất gần 70 ngàn quân, trong đó hơn 58 ngàn người bị giết, 9,460 tên bị bắt làm tù binh,16 ngàn chạy thoát chưa tới 20%. Số tổn thất của Cộng quân gấp mười lần phía VNCH, mặc dù Mỹ và VNCH đánh thắng một trận lớn nhưng thua cuộc chiến khi chống đối lên cao hơn bao giờ hết. Người dân Mỹ quá chán nản, biểu tình dữ dội đòi chính phủ phải rút ra khỏi Đông Dương ngay. Trận Mậu thân coi mở đầu cho sự kết thúc, The beginning of the end.

Nay miền Bắc sống dưới sự cai trị theo kiểu Staline khi Lê Duẫn đã nắm được quyền lực tối cao trong đảng. Từ 1967 tới 1973 Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn đã cho bắt giam không xét xử tổng cộng ba trăm đảng viên vì tội theo chủ nghĩa xét lại, chống đảng, trong đó ba mươi người là đảng viên cao cấp.

Cuộc chiến này được coi là của Hà Nội như Giáo Sư Liên Hằng đặt tên cho cuốn sách Hanoi’s war của bà, thực ra là cuộc chiến của Lê Duẩn.

3-Thời TT Nixon từ 1969-1974
Nixon đắc cử Tổng thống tháng 11-1968, vào Tòa Bạch Ốc đầu năm 1969 để hốt đống rác lớn do Johnson-McNamara để lại, trên 500 ngàn quân Mỹ còn đóng tại miền nam. Dân Chủ sa lầy vì chiến tranh Đông Dương, người dân bầu cho Cộng Hòa hy vọng rút ra khỏi cuộc chiến. Năm 1968 ông Thiệu ủng hộ Nixon, sau này ông cho biết nếu Humphrey (Dân Chủ) đắc cử TT Mỹ năm 1968, sáu tháng sau họ sẽ bắt VNCH phải vào Liên Hiệp với CS sau đó sẽ rút quân, tôi tin là ông nói đúng.

Một nhà nghiên cứu sử Mỹ gọi cuộc chiến thời Nixon là A War To End A War, cuộc chiến để chấm dứt chiên tranh. Năm 1969, 1970 biểu tình chống chiến tranh sang giai đoạn bạo động, chết người. Nixon cứng rắn hơn chính phủ trước, ông thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, giúp VNCH tăng quân số và viện trợ quân sự.

Ông cũng giúp VNCH hành quân sang Miên bắt đầu từ 29-4-1970 tới 22 -7-1970 giết hàng chục ngàn cán binh, tịch thu được trên 20 ngàn vũ khí, phá hủy nhiều cơ sở quân sự, làm suy yếu áp lực địch tại miền Nam. Năm sau ông giúp VNCH hành quân sang lào (Lam Sơn) bắt đầu ngày 8-2-1971, giữa tháng 3 ông Thiệu cho rút quân bị địch truy kích thiệt hại nhiều, cho tới 25-3-1972 cuộc hành quân coi như chấm dứt, tổng cộng chỉ kéo dài 45 ngày. Mặc dù VNCH phải tháo chạy nhưng CSBV chịu tổn thất khá nặng, hơn 10,000 người bị giết, cơ sở hậu cần bị phá hủy.

Lê Duẩn phải đương đầu với một Tổng thống Mỹ cương quyết và mạnh tay hơn nhưng ông ta không chùn bước, vẫn tiếp tục đẩy hàng trăm ngàn thanh niên vào cuộc chiến qui mô lớn. BV chịu thiệt hại nặng nề hơn trước, họ chấp nhận tổn thất 10 hoặc trên 10 cán binh để giết một tên lính Mỹ đẩy mạnh phong trào phản chiến. Cuối tháng 3 năm 1972 khi TT Nixon đi thăm Bắc Kinh về, quân Mỹ đã hồi hương gần hết, Lê Duẩn đánh một canh bạc táo bạo. Ông ta mở trận Tổng tấn công lớn qui mô nhất từ trước tới nay, đưa 14 sư đoàn chính qui và 26 trung đoàn độc lập, khoảng 500 xe tăng và pháo binh vào miền nam đánh theo qui ước. CSBV nghĩ là sẽ đè bẹp quân đội VNCH bằng một lực lượng hùng hậu, dù Mỹ yểm trợ không quân cũng không cứu vãn được. TT Nixon đáp trả mãnh liệt bằng một lực lượng chưa từng thấy trong chiến tranh Đông Dương: 4 Hàng không mẫu hạm, 409 máy bay chiến thuật F-4, F-5, 171 pháo đài bay B-52, một Tuần dương hạm lớn, bốn Tuần dương hạm nhỏ, 44 Khu trục hạm.. . đã được đưa tới ngoài khơi VN hỗ trợ cuộc chiến.

Nixon mở chiến dịch Linebacker, không yểm quân đội VNCH tại Quảng trị, Kontum, An Lộc bằng pháo đài bay B-52 đồng thời cho phong tỏa cảng Hải phòng để ngăn chận tiếp liệu. Cuộc tấn công vũ bão của BV phần bị không quân Mỹ oanh tạc, phần bị quân đội VNCH phản công dữ dội. Tính tới tháng 10-1972 có khoảng từ 80 ngàn cho tới 100 ngàn cán binh bị giết, VNCH từ 25 tới 30 ngàn người thiệt mạng. Ngày 11 tháng 10-1972, BV nhượng bộ tại bàn Hội nghị phần vì thảm bại trên chiến trường và sợ Nixon tái đắc cử ông sẽ mạnh tay hơn, họ không đòi TT Thiệu từ chức, không đòi Liên hiệp, hai bên dự trù ký kết cuối tháng 10. Ông Thiệu phản đối không chịu ký vì BV không chịu rút về Bắc, Hiệp định bất thành. Hòa đàm Ba Lê ngày càng khó khăn trở ngại, tháng 12 đại diện BV phá hòa đàm hy vọng Quốc hội mới nhóm họp ngày 3-1-1973 sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh. TT Nixon giận dữ cho B-52 oanh tạc Hà Nội, Hải phòng mười một ngày đêm cuối năm 1972 khiến BV phải trở lại bàn Hội nghị.

Hiệp định Paris ký ngày 27-1-1973 nhưng BV không giữ cam kết, họ vi phạm ngay sau đó. Quốc hội đa số Dân chủ phản chiến ra luật trói tay Tổng thống giữa tháng 8-1973, cắt hết ngân khoản của Hành pháp xử dụng tại Đông Dương, cuối năm họ cắt giảm quân viện cho VNCH từ hơn hai tỷ năm 1973 xuống còn một tỷ năm 1974 và 700 triệu năm 1975.

4- Thời kỳ TT Ford từ 1974-1976.
Ngày 8-8-1974, TT Nixon từ chức vì vụ Watergate, phó TT Ford lên thay gần như bù nhìn trong khi Quốc hội mới nằm trong tay đối lập. Cuối năm 1974 Cộng quân đánh thăm dò Phước Long sau đó tháng 3-1975 chúng tiến đánh Ban Mê Thuột, Quảng trị, Huế… quân đội VNCH kiệt quệ vì tiếp liệu đạn dược tan rã nhanh chóng. Chưa đầy hai tháng sau khi mở chiến dịch, CSBV đánh chiếm được Sài Gòn ngày 30-4-1975, miền nam VN hoàn toàn sụp đổ.

Nhờ phong trào phản chiến lên cao mà BV đã chiếm được miền Nam, chính phong trào đã cứu mạng nhiều triệu thanh niên miền Bắc mà Lê Duẩn chuẩn bị đẩy vào tử địa. Ông ta đã từng nói giải phóng miền Nam bằng mọi giá cho dù phải hy sinh thêm hàng triệu chiến sĩ. Nếu không có phản chiến cho dù Duẩn đưa thêm mấy triệu cán binh vào trận địa cũng chỉ làm mồi cho B-52 một cách vô ích.

Dựa theo nhiều thống kê, số tổn thất về quân sự của ba phe như sau:

Mỹ: 58,220 người, trong đó chết tại mặt trận (killed in action) là 40,934, còn lại (hơn 17 ngàn) chết vì nhiều lý do khác như tai nạn, bệnh tật, thất tình tự tử…

VNCH: ước lượng 230,000 tử trận

Quân đội BV một triệu, VC 100 ngàn thiệt mạng, con số này do phía CSVN đưa ra năm 1995
Tổn thất thường dân: số thống kê không thống nhất, họ nói từ một tới hai triệu

Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba
Từ sau trận Mậu Thân 1968, Hà Nội đàm phán với Mỹ tại Paris khiến Trung Cộng bất bình, dần dần Lê Duẩn thân Nga chống Tầu. Giữa năm 1977 Trung Cộng khuyến khích Khmer đỏ tấn công biên giới Việt-Miên, một năm sau, Trung Cộng cắt hết viện trợ cho CSVN. Từ đầu tới cuối tháng 12-1978, Hà Nội huy động 18 sư đoàn đánh sang Miên cho tới giữa tháng 1-1979 thì hoàn toàn làm chủ tình hình tại xứ Chùa Tháp.

CSVN phải chiếm đóng xứ Chùa Tháp 10 năm giao tranh với Khmer đỏ tại biên giới Thái Lan, tới cuối năm 1989 mới hoàn toàn rút khỏi Campuchia. Phía CSVN cho biết họ thiệt hại 55,300 người tử thương, phía Khmer đỏ khoảng 100,000 người bị giết.

Một năm sau, Bắc Kinh mở cuộc tấn công vĩ đại vào biên giới Việt Hoa để trừng trị CSVN chiếm đóng Cao Miên. Họ huy động 9 quân đoàn chủ lực tổng cộng 32 sư đoàn hơn 300,000 người, 550 xe tăng, 480 đại bác, 1,200 súng cối, hỏa tiễn, 200 tầu chiến, 1,700 máy bay ở hậu cứ. CSVN khoảng từ 60,000 tới 100,000 người, 7 sư đoàn, 15 trung đoàn độc lập cùng lực lượng biên phòng. Phần lớn các sư đoàn chính qui VN đang đóng ở Campuchia. Cuộc tấn công ngắn nhưng khốc liệt từ 17-2-1979 cho tới 16-3-1979 , Trung Cộng rút sau khi đã chiếm và tàn phá các tỉnh Lạng Sơn, Lào cai, Cao Bằng.. Sau đó chiến tranh còn tiếp diễn 10 năm, 13 năm sau mới bình thường hóa quan hệ. Phía VN nói họ có 20,000 người tử trận, Trung Cộng thiệt hại gấp ba lần.

Lê Duẩn chết năm 1986 khi ấy đất nước mới hết loạn lạc, binh đao. Hồ Chí Minh lãnh đạo tám năm kháng chiến từ 1946 tới 1954 cộng thêm hơn ba mươi năm chiến tranh do Lê Duẩn khởi xướng từ 1956 tới 1990, vị chi cũng được gần nửa thế kỷ núi xương sông máu. Cuộc chiến hơn bốn mươi năm máu chẩy thịt rơi, tang thương đau khổ do CSVN gây lên đã kéo lùi đất nước trở lại tới mấy chục năm.

Cho tới ngày nay người Mỹ vẫn kết án cuộc chiến VN là sai lầm, chết người, tốn của, nhưng nhờ xương máu của miền nam VN mà họ đã bắt tay được Trung Cộng tháng 2 năm 1972, giải quyết được tận gốc thuyết Domino. Cái bắt tay giữa TT Nixon và Chủ tịch Mao đã thay đổi cả một kỷ nguyên, xương máu của miền Nam đồng thời cũng đóng góp cho sự hòa hoãn (detente) của Mỹ với Nga tháng 5-1972 tại Mạc Tư Khoa. Nhờ cuộc chiến VN mà đất nước Hoa Kỳ yên hưởng thái bình từ đó đến nay.

Người Mỹ vờ than van trách móc lờ đi không nói sự thật, họ chỉ nói cái mất mà giả vờ quên cái được.

Trọng Đạt

















No comments: