Friday, October 23, 2015

Việt Nam : Dự luật tôn giáo cản trở tự do tín ngưỡng ? (Thụy My - RFI)





Thụy My  -  RFI
Đăng ngày 23-10-2015

« Tại Việt Nam, người công giáo được yêu cầu phải thỏa hiệp với chính quyền »,đó là tựa đề bài viết của đặc phái viên Le Monde Bruno Philips tại Hà Nội. Chính quyền cộng sản muốn áp đặt một đạo luật đưa các tôn giáo vào khuôn phép, mà theo các vị giám mục Việt Nam thì đó là một bước thụt lùi « bóp nghẹt tự do ».

Tác giả mô tả trong gian phòng đơn sơ của Tòa Tổng giám mục Hà Nội – một công trình xây dựng từ thời Pháp thuộc, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn thận trọng từng từ ngữ trước sự hiện diện của người phiên dịch chính thức. Nhưng điều này không ngăn trở ngài chỉ trích thẳng thừng một dự luật về tín ngưỡng và tôn giáo mới đây. Dự luật này cho thấy ý định của chính quyền muốn đưa ra các quy định trong quan hệ giữa Nhà nước cộng sản và các cộng đồng tôn giáo.

Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn giải thích bằng một thứ tiếng Pháp chải chuốt : « Một mặt, chính quyền Việt Nam tỏ ra ngày càng cởi mở hơn đối với tôn giáo, mặt khác lại đề nghị một dự luật thực sự là một bước lùi đối với những tiến bộ đã đạt được trước đây ».

Vị giáo phẩm 77 tuổi người miền Nam được Đức Giáo hoàng Phanxicô phong Hồng y hồi tháng Giêng, cho biết thêm : « Tại các thành phố lớn Việt Nam, mọi việc khá tốt đẹp giữa các tín đồ và chính quyền. Nhưng tại các tỉnh lẻ, lại là chuyện khác : đôi khi các cuộc họp của Hội đồng giáo xứ bị chính quyền địa phương cấm đoán. Ngoài ra, chúng tôi còn mong muốn được nhận lại các tài sản của Giáo hội bị tịch thu sau khi những người cộng sản lên nắm quyền, năm 1954 ở miền Bắc và năm 1975 tại miền Nam ».

Giáo hội công giáo Việt Nam đã bị bất ngờ khi dự luật trên đột ngột được loan báo hồi tháng Tư. Hội đồng Giám mục phản đối ý tưởng về một đạo luật « bóp nghẹt tự do » trong một đất nước mà quyền tự do tôn giáo được ghi trong Hiến pháp. Theo đó, dự luật này không nhìn nhận sự hiện diện thực tế một cách hợp pháp của các tổ chức tôn giáo ; gây phức tạp thêm cho người công giáo đối với việc đấu tranh chống hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính chẳng hạn, và rất mơ hồ nhất là về vấn đề tài sản nhà đất.

Tất nhiên là Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, ông Dương Ngọc Tấn không đồng ý. Ông nói : « Luật này nhìn nhận các tổ chức tôn giáo, mang lại cho các tổ chức này một sự tự do rộng rãi. Hẳn là phải xác định điều gì có thể làm và điều gì không thể ».

Giới công giáo Việt Nam vẫn là một lực lượng quan trọng, với 6,6 triệu tín đồ trên tổng số 95 triệu dân, tương đương 6,93% dân số, cho dù số lượng không tăng. Đây là một cộng đồng mà chính quyền không thể làm lơ, và đôi khi họ là một thử thách đối với quyền lực của đảng Cộng sản.

Tâm trạng nghi ngờ cũng liên quan đến các tôn giáo khác ở Việt Nam như Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài…ở những mức độ khác nhau. Nhà nghiên cứu Trần Thị Liên đã viết : « Để cản trở tôn giáo trở thành lực lượng cạnh tranh chính trị, Nhà nước do Đảng lãnh đạo muốn duy trì kiểm soát toàn bộ các hoạt động tín ngưỡng. Cũng như truyền thống Khổng giáo trước đây, chính quyền cộng sản luôn tìm cách khống chế qua việc tấn phong hàng giáo phẩm ».
Tình hình này hiện nay vẫn mang tính thời sự. Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo thuộc giáo phận Xuân Lộc nói : « Các quy định đã được giảm nhẹ, nhất là việc tấn phong linh mục, nhưng các buổi lễ phong chức vẫn phải được ủy ban nhân dân địa phương cho phép ».

Nhận định này nói lên nhiều điều về ý định kiểm soát của chính quyền tại một địa phương mà một phần ba dân số là tín đồ công giáo. Càng đi về gần phía Saigon, những tháp chuông nhà thờ liên tiếp hiện ra dọc theo tuyến đường. Xuân Lộc là một địa phương quan trọng đối với hàng giáo phẩm : sau trận Điện Biên Phủ năm 1954, hàng trăm ngàn giáo dân miền Bắc đã vào đây tị nạn. « Tự do tín ngưỡng dần dà từng bước có tiến bộ hơn » - vị giám mục thận trọng nói.

Tương tự với Giám mục Phêrô Bùi Văn Đọc, Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh. Ngài nói : « Chúng tôi sống trong một xã hội đang thay đổi, và Giáo hội cũng thay đổi, cho dù bản thể của thông điệp vẫn vậy. Cần phải xây dựng các cầu nối giữa chúng tôi và Nhà nước, chứ không phải dựng lên những bức tường. Cần có lòng kiên nhẫn ».

Về phần nhà sử học Đỗ Quang Hưng, một trong những người soạn thảo dự luật thì cho rằng văn bản này đã « mở rộng các lãnh vực tự do, chẳng hạn lần đầu tiên chấp nhận tù nhân có quyền hành đạo ». Tuy nhiên ông cũng nói thêm : « Nhưng điều quan trọng là dành tư cách pháp nhân cho các tôn giáo và giảm bớt sự kiểm soát của Nhà nước ».


----------------------------

Người Việt
Friday, October 23, 2015 3:42:39 PM 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) - Tờ Le Monde của Pháp vừa có một phóng sự ghi nhận suy nghĩ của một số tu sĩ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau tại Việt Nam về dự luật tôn giáo: Không ai hoan nghênh dự luật này. 

Trước đây, trong nhiều cuộc đối thoại với Liên Hiệp Quốc, đại diện chính quyền nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế về nhân quyền tại Việt Nam, các viên chức đại diện chính quyền Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh, việc soạn thảo dự luật tôn giáo là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam đang cố gắng cải thiện tình trạng nhân quyền và càng ngày càng tôn trọng tự do tôn giáo. Song khi dự luật được công bố để mời gọi dân chúng góp ý thì nhiều người khẳng định, dự luật vừa kể chỉ gây thêm lo ngại.

Trong bài viết “Tại Việt Nam, người Công Giáo được yêu cầu phải thỏa hiệp với chính quyền” trên tờ Le Monde, phóng viên Bruno Philips kể và RFI lược thuật thì dù buổi gặp Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn, tổng giám mục Tổng Giáo Phận Hà Nội, có một “phiên dịch” do chính quyền cử đi theo ông Philipis, vị chủ chăn của tổng giáo phận này vẫn chỉ trích dự luật tôn giáo một cách thẳng thừng.

Với thứ tiếng Pháp được mô tả là “chải chuốt,” vị hồng y nói trực tiếp với ông Philips rằng, Công Giáo Việt Nam hoàn toàn bất ngờ về nội dung dự luật tôn giáo bởi nó phủ nhận sự hiện diện một cách hợp pháp của các tổ chức tôn giáo trên thực tế dù tự do tôn giáo là quyền đã được minh định trong Hiến Pháp.

Theo vị hồng y, quan hệ giữa Công Giáo Việt Nam và chính quyền “khá tốt đẹp” tại các thành phố lớn nhưng ở các tỉnh thì không được như vậy. Hội đồng điều hành các giáo xứ có thể bị cấm họp. Những tài sản của Công Giáo Việt Nam bị tịch thu tại miền Bắc sau năm 1954 và tại miền Nam sau năm 1975 vẫn chưa được trả lại. Nếu dự luật tôn giáo trở thành luật, các mắc mứu sẽ trở nên nan giải hơn.

Theo nhận định của Hồng Y Nhơn, chuyện trở thành khó hiểu khi một mặt, chính quyền Việt Nam tỏ ra cởi mở hơn đối với tôn giáo nhưng mặt khác lại muốn có một bộ luật kiểm soát tôn giáo như dự luật tôn giáo. Vị hồng y này bảo đó thực sự là một bước lùi so với những tiến bộ đã từng đạt được.

Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam kiêm tổng giám mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn, nói thêm, mọi thứ đang thay đổi nên cần phải xây dựng những cây cầu nối các tôn giáo với chính quyền chứ không phải là dựng lên các bức tường.

Theo ông Philips, không riêng Công Giáo mà những tôn giáo khác như Phật Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo... cũng nghi ngại dự luật tôn giáo.

Bà Trần Thị Liên, một người nghiên cứu về tôn giáo, nhận định chính quyền Việt Nam không muốn có lực lượng nào cạnh tranh về chính trị nên duy trì sự kiểm soát toàn bộ các hoạt động tín ngưỡng, khống chế tôn giáo qua việc kiểm soát chuyện tấn phong hàng giáo phẩm.
Ông Philips cũng đã trao đổi với các viên chức Việt Nam chịu trách nhiệm về tôn giáo.

Giới ngoại giao Việt Nam phủ nhận các nghi ngại từ bên ngoài về tự do tôn giáo tại Việt Nam còn những viên chức này thì phủ nhận các nghi ngại từ bên trong.

Ông Dương Ngọc Tấn, phó Ban Tôn Giáo Chính Phủ, vẫn khăng khăng bảo rằng dự luật tôn giáo là một “tiến bộ” vì “nhìn nhận các tổ chức tôn giáo, mang lại cho các tổ chức này sự tự do rộng rãi” và đã là luật thì phải xác định cái gì có thể làm và cái gì không thể làm.
Ông Đỗ Quang Hưng, một trong những người tham gia soạn dự luật, cho rằng, dự luật đã mở rộng sự tự do, ví dụ cho phép tù nhân có quyền thực hành tín ngưỡng. (G.Đ.)

--------------
Bài liên quan:








No comments: