Friday, October 23, 2015

Văn học, Nghệ thuật ở Việt Nam nếu muốn “dẫn đường” cho nhân cách con người... (Nguyễn Trọng Bình)





Nguyễn Trọng Bình
viet-studies ngày 22-10-15

1. Được biết vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức hội thảo với chủ đề “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”. Chủ đề  của cuộc hội thảo quả là mang tính thời sự nếu nhìn ở phương diện sự suy thoái và xuống cấp về đạo đức, văn hóa của “một bộ phận không nhỏ” người Việt hôm nay.

Tuy vậy, ở góc nhìn khác, chủ đề của cuộc hội thảo này ít nhiều cũng cho thấy tầm nhìn và nhận thức của những người làm văn hóa văn nghệ ở VN (nhất là những người quản lý) quả là có lắm chuyện để bàn. Hãy thử đặt lại vấn đề như thế này, nhân loại giờ đã đi gần hết một tư thế kỷ 21, nhưng người Việt chúng ta vẫn đang loay hoay tổ chức Hội thảo cấp... quốc gia nhằm “bàn bạc để thống nhất khái niệm nhân cách con người và làm rõ mối quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách” [1] thì có khác gì đang nhạo báng nền “văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” – vấn đề đã được ghi trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và triển khai trong thực tế suốt mấy mươi năm qua hay không? Không những vậy, một hội thảo mà theo nhiều người là rất quan trọng và bức thiết nhưng hiệu ứng của nó đối với công chúng nói chung và giới văn nghệ sĩ nước nhà nói riêng như thế nào? Hóa ra, thành phần tham dự nhìn chung chỉ mang tính “nội bộ” của những người “cùng hội cùng thuyền”; hội thảo cấp Trung ương nhưng chỉ lèo tèo vài ba tờ báo trong nước đưa tin vài dòng ngắn ngủi... Như vậy, có khác gì đây là chuyện“ta nói mình nghe/mình nói ta nghe” còn chúng dân có nghe hay không thì mặc xác?

2. Có lẽ, không cần phải lý luận nhiều thì mọi người cũng đã biết những tác phẩm văn học, nghệ thuật (đích thực) đương nhiên sẽ tác động rất lớn đến đời sống tâm hồn của con người hay cụ thể hơn là góp phần lành mạnh hóa tâm hồn con người; giúp con người nhận ra tất cả sự cao quý lẫn hèn hạ của mình. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là văn học không có những giới hạn của nó. Đặc biệt ở một đất nước vốn còn tồn tại nhiều định kiến về vai trò, vị trí của các văn nghệ sĩ trong xã hội; hay sự hẹp hòi, bảo thủ trong thưởng thức và thẩm định giá trị của những tác phẩm nghệ thuật như Việt Nam thì những giới hạn ấy càng phải được quan tâm nhiều hơn nữa. Cho nên, theo thiển ý, giá như chủ đề của cuộc hội thảo trên được đổi thành “Những giới hạn của văn học, nghệ thuật ở Việt Nam trong vấn đề xây dựng nhân cách con người” thì có khi sẽ phù hợp và thiết thực hơn chăng?

3. Vậy thì, trong tương lai nền văn học, nghệ thuật nước nhà cần phải vượt qua những giới hạn nào thì may ra mới hoàn thành cái sứ mệnh cao cả là góp phần làm lành mạnh hóa tâm hồn của Người Việt trong thời buổi xô bồ và nhốn nháo hôm nay?

Trước hết, để trả lời cho câu hỏi này, thiết nghĩ những người đang nắm quyền cai quản nền văn học, nghệ thuật nước nhà hôm nay phải thận trọng với những cách nói kiểu như “xây dựng nhân cách con người là sứ mệnh cao cả của văn học”. Nói thế này, nếu không phải vô tình làm buồn lòng các nghệ sĩ ở các bộ môn nghệ thuật khác mà có khi lại rơi vào những vết xe đổ năm xưa. Tức là, không khéo vẫn lại là cái nhìn đánh đồng tác phẩm văn học với những bài học đạo đức theo quan điểm do tự mình “chế” ra,  từ đó bắt các văn nghệ sĩ nước nhà tiếp tục kiêm nhiệm luôn công việc của các nhà tuyên giáo, tiếp tục làm cái loa phát thanh và minh họa cho các chủ trương hay phong trào này nọ... Lịch sử văn học nước nhà chẳng phải đã từng xác nhận một giai đoạn văn học mà chính những người đã tham gia trực tiếp vào việc kiến tạo nó về sau đã phải đớn đau thú nhận đây là giai đoạn “văn học phải đạo”, “văn học minh họa”, văn học “suy tư tưởng” và “suy học thuật” cần phải “đọc lời ai điếu” để tiễn nó xuống mồ đó sao? Hay có không ít văn nghệ sĩ, những người cầm bút có nhân cách chỉ vì muốn tách ra khỏi dàn đồng ca “văn học phải đạo” ấy đã phải trả hứng chịu hậu quả rất thảm thương ­– vấn đề chưa bao giờ thôi là nỗi ám ảnh đối với những người cầm bút có lương tri ở VN suốt mấy chục năm qua.  

Cho nên, nếu muốn văn học, nghệ thuật “dẫn đường” cho nhân cách con người thì những người đã, đang và sẽ tiếp tục “cầm tay chỉ cách viết” cho các văn nghệ sĩ nước nhà, trước hết phải đường hoàng và công khai trả lời câu hỏi: từ nay về sau nếu có văn nghệ sĩ nào không muốn ngồi chung con thuyền văn học, nghệ thuật “phải đạo” thì có bị chụp mũ, bị xem là có vấn đề về lập trường tư tưởng – thực chất là lập trường về chính trị như trước đây nữa hay không?

Vấn đề tiếp theo, nếu nói “xây dựng nhân cách con người là sứ mệnh của văn học”, thì vấn đề đặt ra là ở xã hội Việt Nam hiện nay, đối tượng nào, thành phần nào đang “có vấn đề” về nhân cách, hay nói trắng ra mất nhân cách, suy thoái nhân cách? Theo tôi, ở xã hội Việt Nam hiện nay đa phần những bác nông dân, chị bán vé số, cô công nhân, anh chạy honda ôm, hay thậm chí các cô gái “bán thân nuôi miệng”... là những thành phần mà xã hội không phải bận tâm lắm về vấn đề nhân cách của họ. Bởi lẽ, cuộc sống của những người này tuy vất vả nhưng đa phần họ sống rất nghĩa tình và lương thiện nhất là chưa bao giờ có “cơ hội” để tham ô, lãng phí tiền bạc của Nhà nước và nhân dân dù chỉ một cắc, một đồng.

Họ “không biết nói lời bãi buôi để mua lòng người khác/nên thua thiệt một đời vì không thể dối lừa ai” [2]. Hơn nữa, quanh năm suốt tháng, họ phải đầu tắt mặt tối để tìm miếng ăn, có người còn không biết chữ nữa thì nói chi đến chuyện đọc sách văn học nghệ thuật.  
Cho nên,  điều quan trọng ở đây là cần phải “khoanh vùng” và xác định rõ đối tượng và thành phần nào trong xã hội Việt Nam hôm nay để... ưu tiên cứu lấy nhân cách cho họ trước. Và sau khi đã “khoanh vùng” rồi thì bước tiếp theo là xem những người này có thiết tha với việc đọc sách nhất là đọc sách về văn học, nghệ thuật hay không! Nhất là có cách nào để những kẻ này thoát ly khỏi cái không gian đặc quánh và nồng nặc mùi tiền và quyền cũng như thói quen dùng tiền và quyền để mua lấy nhân cách cho mình hay không? Không phải cha ông ta đã từng đúc kết: “trâu không uống nước thì ai đè đầu trâu?” đó sao!

Cuối cùng, ở chiều ngược lại, thời buổi vàng thau lẫn lộn hôm nay, chỉ riêng mỗi chuyện những người cầm bút biết tự cứu lấy nhân cách của mình thôi đã khó rồi huống hồ là sáng tạo ra tác phẩm có giá trị nhằm cứu lấy nhân cách người khác. Một nền văn học, nghệ thuật mà nếu không phải là sân chơi của riêng bọn trọc phú hám danh, xem văn chương thơ phú như một thứ trang sức phủ quanh mình cũng là nơi tụ tập của bọn bồi bút “đông như quân Nguyên”, lúc nào cũng trong tư thế của kẻ đánh thuê, sẵn sàng sát hại không thương tiếc số ít những người lao động nghệ thuật chân chính lại đặt tham vọng  “dẫn đường” cho nhân cách người khác thì quả không có gì khôi hài cho bằng. Đó là chưa nói đến những “nhà văn”, “nhà thơ” tuy không thuộc hai nhóm trên nhưng thỉnh thoảng lại “nổi hứng” coppy ý tứ, chữ nghĩa của người khác làm cái của mình thì thử hỏi công chúng, độc giả còn đâu niềm tin mà tìm đến văn học để nhờ nó định hướng hay rọi đường cho mình?

4.  Ai đó nói rằng văn học nghệ thuật là lương tâm của thời đại, của xã hội, vì thế, nếu muốn cái lương tâm này không bị vẩn đục thì trước hết những người đã, đang và sẽ tham gia dù gián tiếp hay trực tiếp vào việc kiến tạo nền văn học nghệ thuật nước nhà phải tự soi lại lương tâm mình trước. Văn học nghệ thuật tuy có sứ mạng cao cả nhưng cũng có những giới hạn của nó chứ không phải là những cây đũa thần. Và cho dù có muốn như thế đi nữa thì điều quan trọng là phải xem ở Việt Nam bây giờ những ai đang cầm trong tay cây đũa thần ấy. Sự suy thoái nhân cách của một bộ phận không nhỏ người Việt hôm nay là điều đã được dự báo từ lâu, ai ai cũng đều nhìn thấy. Vậy nên, nền văn học, nghệ thuật nước nhà sắp tới đây nếu muốn cứu lấy nhân cách người Việt thì trước hết phải làm tròn bổn phận và sứ mạng với chính bản thân nó trước. Nghĩa là tất cả những người nào muốn văn học, nghệ thuật sẽ dẫn đường cho nhân cách con người, trước hết phải nghiêm túc ngồi xuống và tự đối thoại với cái nhân cách của mình. Con người, nói cho cùng không ai có thể tự nắm tóc để nhấc mình lên khỏi mặt đất cho được. Hơn nữa, đã là muối nhưng lại không biết tự mặn thì làm sao mà “muối” những thứ khác nhằm bảo quản cho nó không bị thối rửa, ôi chua. Vấn đề này, không phải cách đây mấy mươi năm, nhà thơ Bùi Chí Vinh đã phát biểu rồi sao?

“Trót sinh ra nhầm buổi nhiễu nhương
Bất lương bàn chuyện hiền lương
Thi sĩ cúi đầu làm binh sĩ
Thơ quốc doanh cười cợt thơ Đường!”   

---------------------------
Chú thích nguồn tham khảo:

[1]: “Nghệ thuật dẫn đường cho nhân cách”. Báo Tuổi trẻ, số ra ngày 04/10/2015. Xem tại: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20151004/nghe-thuat-dan-duong-cho-nhan-cach/979510.html
[2]: “Trăng nghẹn” – Thơ Hoài Tường Phong.

CT, 22/10/2015
NTB

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 22-10-15







No comments: