Saturday, January 31, 2015

Sức mạnh mềm của Trung Cộng (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Friday, January 30, 2015 7:16:23 PM

Vụ thành lập Viện Khổng Tử ở đại học Hà Nội được nhiều người coi là một bước trong cuộc tấn công của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trên toàn thế giới bằng “Sức mạnh mềm” (Soft Power). Nhưng thật sự trong thế kỷ 21 này Trung Cộng có sức mạnh mềm nào có thể dùng, ít nhất để cạnh tranh với các nước khác hay không?

Sức Mạnh Mềm cũng giống như những cô ca sĩ trẻ đẹp lại hát hay. Không cần dùng tiền bạc mua chuộc, không cần dọa nạt, cưỡng bức, nhưng người ta vẫn mê, vẫn muốn hát theo, và vẫn muốn bỏ tiền mua vé đi nghe hát. Các đế quốc mạnh về quân sự hay về kinh tế mà thiếu Sức Mạnh Mềm thì không bền, không để lại ảnh hưởng nào lâu dài. Ngược lại, những nền văn minh có Sức Mạnh Mềm thì tràn lan khắp thế giới.

Trung Cộng đang sử dụng hai thứ sức mạnh “cứng” để bành trướng ảnh hưởng. Thứ nhất là tiền, gây hiệu quả dễ trông thấy nhất. Thứ hai là quân đội. Nhờ sức mạnh đồng tiền, Trung Cộng đang gây ảnh hưởng trên các nước nghèo để được ủng hộ trên trường ngoại giao.

Cộng Sản Trung Quốc tập trung tài sản và lợi tức của hơn một tỷ người dân lại, dành cho một nhóm người độc quyền sử dụng. Họ tung tiền ra mua các thứ tài nguyên tại châu Phi, châu Mỹ La tinh, dùng thương mại gây ảnh hưởng chính trị. Trong tay sẵn có đồng tiền, họ hối lộ các quan chức những nước nghèo; nhưng có khi cũng không hiệu quả, như vụ dự án thủy điện Myitsone bị chính quyền quân phiệt Miến Điện chấm dứt nửa chừng. Các công ty Trung Cộng đang cố bước vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên sau gần 30 năm họ vẫn chưa tạo được một thương hiệu nổi bật nào trong thị trường cạnh tranh toàn cầu, như Gucci của Ý, Nokia của Phần Lan hay Hyundai, Samsung của Nam Hàn.

Còn lực lượng quân sự của Trung Cộng thì vẫn còn yếu. Chỉ nói riêng trong vùng Á Đông, nửa thế kỷ nữa chưa chắc Trung Cộng có thể so sánh với hải quân Mỹ, Nhật, chưa kể các nước đồng minh của hai nước này. Ngày Thứ Năm, 29 Tháng Giêng 2015, bộ trưởng quốc phòng Philippines và Nhật Bản, ông Voltaire Tuvera Gazmin và Tướng Nakatani, đã ký kết bản ghi nhận về hợp tác quân sự giữa hai nước. Cùng lúc đó, Đô Đốc Robert Thomas lên tiếng ủng hộ việc chính phủ Nhật sẽ cho máy bay thám thính xuống vùng Biển Đông Nam Á. Đô Đốc Robert Thomas cũng chỉ trích “Đường Chín Đoạn” của Trung Cộng, là hoàn toàn trái luật. Lời tuyên bố này có trọng lượng vì ông Thomas là chỉ huy Hạm Đội Số Bảy của Mỹ. Hạm đội này có 40,000 thủy thủ trên 80 chiếc tàu thủy chạy chung quanh mẫu hạm USS George Washington, với khả năng phóng lên 140 máy bay chiến đấu.

So với hạm đội đó thì chiếc mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Cộng, với khả năng phóng 36 chiếc máy bay, và chưa hề có một hạm đội đi kèm, có thể làm một chiếc tàu huấn luyện, chứ chưa thể chiến đấu. Lực lượng quân sự của Trung Cộng chỉ vừa đủ mạnh để dọa các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Phùng Quang Thanh, và mấy anh nhát gan khác trong Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam mà thôi.

Còn Sức Mạnh Mềm thì sao? Viện Khổng Tử có giúp thêm sức mạnh cho Trung Cộng bành trướng hay không? Có thể trả lời ngay là Không! Zero! Nada! Nyet! Nein!

Thực ra thì các hoàng đế Trung Hoa đã sử dụng Khổng Tử như một sức mạnh mềm trong hơn hai ngàn năm, từ hai thế kỷ trước Công Nguyên. Nhưng ngay trong thời gian đó, Khổng Tử cũng chỉ là một trong nhiều “mũi dùi xâm lấn” của các đế quốc Đại Hán, Đại Đường. Khí cụ mạnh nhất của họ là chữ viết, thứ sức mạnh mềm này được sử dụng hữu hiệu nhất. Tần Thủy Hoàng đã tiêu chuẩn hóa thứ chữ viết này, giúp cho đế quốc Trung Hoa vừa có một phương tiện thống nhất hữu hiệu vừa là khí cụ đồng hóa các sắc dân khác. Lục địa Trung Hoa đã trở thành “nước Tàu,” dân các vùng Sở, Việt, Ngô, Mân, ... đã trở thành “người Tàu” mãi mãi, là nhờ chữ Hán. Chữ Hán có thể dùng để viết bao nhiêu tiếng nói khác nhau, cho nên các sắc dân khác vừa học nó, vừa cảm ơn. Đó là một sức hấp dẫn mãnh liệt, đúng là một “sức mạnh mềm” vô song! Chữ Hy Lạp, chữ La Tinh đã được truyền bá rộng không khác gì chữ Hán, nhưng sau mấy thế kỷ thì dân các nước chung quanh cũng quên, vì họ không thể đọc chữ La Tinh hay chữ Hy Lạp mà thành tiếng nói của họ được. Ngược lại, dân Mân ở Phúc Kiến, dân Ngô ở Thượng Hải, dân “Việt” ở Quảng Đông vẫn dùng chữ Hán để viết tiếng nói của họ. Thế là họ tự biến thành “người Tàu!”

Người Nhật Bản, Hàn Quốc cũng học chữ Hán như người Việt Nam. Ngày nay Nhật vẫn còn dùng nhiều chữ Hán khi viết báo; một nửa tiếng Nhật là “gốc Hán” mà nhiều người Nhật tưởng là tiếng nước họ. Trong cuốn tiểu thuyết A Tale for The Time Being của Ruth Ozeki, một cô gái Nhật Bản nghe bài Bát Nhã Tâm Kinh, mà không biết người ta đang tụng chữ Hán. Câu kinh được phiên âm sang tiếng Anh là “Shiku fu i ku, ku fu i shiku;” mà người Việt nào đã đi chùa có thể đoán ra, đó là câu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Người mình nghe biết đó là chữ Hán Việt. Nhưng nhân vật Nao của Ozeki lại nghĩ đó là tiếng Nhật. Nao nghĩ đây là tiếng cổ nên cô không hiểu! Một sức mạnh mềm của đế quốc Trung Hoa là Chữ Hán. Người Nhật và người Hàn quốc không bị đồng hóa, mặc dù trong tiếng nói của họ dùng đầy chữ Hán. Vì hai sắc dân này nói những ngôn ngữ đa âm, không có thanh điệu, khác hẳn chữ Hán, kể cả văn phạm.

Dân Việt Nam phải khó khăn hơn mới thoát nạn đồng hóa, không những vì 1000 năm đô hộ, mà còn vì ngôn ngữ dân mình cũng đơn âm và cũng có thanh điệu không khác gì tiếng Mân, tiếng Ngô, giống như tiếng Tàu! Nhớ lại như vậy, để cảm nhận được sức quật cường của tổ tiên chúng ta!

Nếu suốt hai ngàn năm trước dân Việt đã không bị đồng hóa, thì ngày nay chúng ta khỏi lo sẽ biến thành người Trung Quốc! Không lẽ tổ tiên mình anh dũng như thế lại đẻ ra một lũ con cháu hèn yếu, nhu nhược đến nỗi mất giống! Hơn nữa, ngày nay Cộng Sản Trung Quốc không còn sức mạnh mềm nào như 2000 năm trước!

Trong nửa sau thế kỷ 20, Bắc Kinh đã sử dụng một sức mạnh mềm khi muốn chinh phục thế giới. Đó là Chủ Nghĩa Mác Lê Nin, qua cách diễn giải của Mao Trạch Đông. Quả thực, nó có sức mạnh và nó đã thành công. Cộng Sản Việt Nam đã ghi Tư Tưởng Mao Trạch Đông vào cương lĩnh. Đã thi hành các chính sách do Mao Trạch Đông đề ra, từ Chỉnh Huấn, Lao Động Cải Tạo, đến Cải Cách Ruộng Đất. Nếu không vì mắc chiến tranh thì chắc chắn cũng nhập cảng đủ các món Công xã Nhân dân, Cách mạng Văn hóa, vân vân. Việt Cộng đã tình nguyện làm tay chân cho cuộc bành trướng của đế quốc Trung Cộng. Cho đến khi Trung Cộng giã từ chính sách và tư tưởng Mao Trạch Đông thì Việt Cộng cũng chưa dám bỏ. Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu vẫn còn sang bên Tàu xin được che dưới cái dù một tổ chức “Quốc Tế Mới.” Trung Cộng gạt đi vì họ ngu gì mà lập ra một “Quốc Tế Mới” để bị cả thế giới nghi ngờ, trong lúc chính họ cũng chỉ muốn tỏ ra mình thành tâm thay đổi, chỉ mong được bán hàng rẻ tiền cho Mỹ lấy đô la và được tư bản Đài Loan, Hương Cảng bỏ vốn vào làm ăn!
Nhưng trong thế kỷ 21 này, Trung Cộng có sức mạnh mềm nào chăng? Chắc chắn không phải là Viện Khổng Tử. Chắc chắn ông Khổng Tử không thể giúp tạo thêm uy thế cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc, vì chính họ Mao đã từng đem ông ta ra tố khổ. Có lúc thành phố Bắc Kinh đã dựng một cái tượng Khổng Tử ở Thiên An Môn, qua một tháng đã lẳng lặng đem đi đâu mất, không kèn không trống! Những quy tắc tu thân và xử thế của Khổng Tử còn nhiều điều có thể áp dụng, nhưng nếu ai học theo thì cũng không làm tăng uy tín của người Tàu. Vì truyền thống luân lý khắp nơi đều cũng dậy những quy tắc tương tự. Trong khi người Trung Hoa bây giờ có mấy người giữ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đâu?

Muốn biết nước nào có sức mạnh mềm, phải đặt những câu hỏi. Thí dụ: Nước nào xuất bản nhiều sách, báo, làm nhiều phim ảnh được dịch ra các ngôn ngữ khác và nhiều người muốn đọc, nhiều người muốn coi nhất? Nước nào tạo ra nhiều sản phẩm mới, có nhiều bằng sáng chế, phát minh mà nước khác chịu thua? Tiếng nói nào được nhiều người ngoại quốc học nhất? Thời trang ở nước nào được thế giới theo dõi và bắt chước nhiều nhất? Khi người dân một nước muốn thay đổi thể chế chính trị thì họ muốn nghiên cứu và mô phỏng thể chế của nước nào nhiều hơn cả? Thanh niên khắp thế giới muốn được vào đại học nước nào nhiều, nước nào ít? Nước nào thu hút nhiều di dân, nước nào không ai muốn đến xin cư ngụ?

Trả lời những câu hỏi trên rồi, chúng ta thấy trong cuộc cạnh tranh sức mạnh mềm trên thế giới bây giờ, Trung Cộng thua tất cả các nước lớn, từ Châu Á, Châu Âu, nhất là thua nước Mỹ. Khắp thế giới người ta thích coi phim bộ Nam Hàn, trẻ em thích hoạt họa và các trò chơi Nhật Bản, phụ nữ thích thời trang Ý, Pháp, và gần một nửa loài người đang muốn lên Facebook, vào google. Không thể dùng một đạo quân nào đi chinh phục thế giới rồi bắt người ta dùng Microsoft hay Apple. Không thể ua chuộc người ta để họ coi phim Avatar hay nghe dàn nhạc giao hưởng Berlin. Đó là những biểu hiện của sức mạnh mềm. Nước Trung Hoa hiện nay không có gì để thu hút được lòng ngưỡng mộ của loài người, trừ sức chịu đựng. Họ đã nằm dưới một chế độ độc tài hơn nửa thế kỷ rồi mà vẫn cúi đầu nhịn nhục, giỏi thật! Nhưng có dân tộc nào muốn noi theo tấm gương nhẫn nhục đó chăng?

Chỉ có tại nước Việt Nam thì Trung Cộng mới thi thố được những “sức mạnh mềm” đặc biệt của họ. Thí dụ, Cục Thú Y Việt Nam mới cho biết, các loại gà, vịt ở Phú Thọ, Bắc Giang, vào tới Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi có dấu hiệu chứa loại vi rút gây bệnh cúm A/H5N6. Mà các vi rút này rất giống, giống đến 99%, các vi rút của bệnh cúm H5N6 trong tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Làm sao gà, vịt Tứ Xuyên đem vi rút sang tới nước mình? Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bỏ ngỏ biên giới từ bao giờ! Năm 1950 giống vi rút MAO đã tràn qua tàn hại dân Việt, chết đến mấy triệu người. Bây giờ tới lượt vi rút H5N6!

------------------------





No comments: