27/05/2020
Nhiều năm trước trong một
chuyến thăm Hoa Kỳ tôi gặp một người bạn. Có lẽ bạn cũng có theo dõi một số bài
viết của tôi và hỏi tôi nghĩ ở Việt Nam có điều gì tốt không. Nếu tôi hiểu
không nhầm, bạn tôi muốn hỏi sao tôi cứ nhìn vào những điểm tiêu cực ở Việt
Nam.
Trong thời gian làm cho
BBC, tôi cũng có những lúc tranh luận với các đồng nghiệp về chuyện vấn đề gì
nên đưa tin, đưa tin khi nào và theo cách nào. Quan điểm của tôi luôn là truyền
thông tự do cần chú ý tới những chuyện gì liên quan tới quyền căn bản của người
dân và rọi đèn pha vào những sai trái của chính quyền sống nhờ vào tiền thuế của
dân. Điều này càng đúng hơn khi chính quyền ở Việt Nam sở hữu toàn bộ các kênh
thông tin chính thống, từ TV tới radio, các sản phẩm thông tin trên sạp báo
cũng như trên mạng. Số tiền họ chi để đánh bóng tên tuổi của đảng và nhà nước
thật khổng lồ còn ngân sách truyền thông tự do hướng về Việt Nam bé như hạt
thóc đang ngày càng teo lại.
Tại Anh, nếu có tiền tôi
có thể mở kênh TV, đài phát thanh, báo in, báo mạng… mà chẳng phải mất ngủ vì
chuyện liệu tôi có được cấp phép hay bị kiểm duyệt hay không. Có chăng là tôi tự
kiểm duyệt vì muốn làm hài lòng ai đó nếu như tôi là nhà báo tồi. Nếu thích,
tôi có thể lập cả trăm đảng để may ra có chân trong chính trường. Tôi không rõ
bao giờ Việt Nam có được điều này nhưng cho tới khi đó Việt Nam vẫn chỉ là xứ bạn
có thể ăn nhậu thả cửa nhưng đừng mơ tới tự do ngôn luận và tự do hội họp, những
thứ con người sinh ra nghiễm nhiên đã phải có.
Ba người tuổi gộp
quá 200
Mấy ngày qua tôi suy nghĩ
nhiều về ba người cùng nghề viết mới bị bắt trong hai tháng qua. Ông Nguyễn
Tường Thuỵ đã 69, hai cây viết kia, ông Phạm
Chí Thành và Trần Đức Thạch đều
đã 68. Tuổi tính gộp của họ là 205. Họ bị bắt vì các cáo buộc ‘chống nhà nước’
hay có hoạt động ‘lật đổ’ chính quyền. Những điều luật này hoàn toàn võ đoán và
không tồn tại ở những nước người dân có thực quyền. Chống nhà nước và lật đổ mà
không dùng vũ lực là quyền căn bản của dân chúng. Hệ thống truyền thông Hoa Kỳ
vẫn chống và kêu gọi lật đổ chính quyền của Tổng thống Trump từ bốn năm nay mà
phủ tổng thống chẳng thể đưa ai ra toà. Đó là quyền của báo chí và người dân
nói chung. Tôi giờ chẳng có thời gian mà đi chống nhà nước Anh nhưng bên này
cũng thừa người chống rồi.
Ông Nguyễn Tường Thuỵ là
quyền Chủ tịch Hội nhà báo độc lập vào lúc bị bắt. Trước đó vài tháng vị chủ tịch,
ông Phạm Chí Dũng, cũng đã bị bắt và đang chờ ngày ra toà. Nhà văn Phạm Chí Thành
cũng có chân trong hội được lập ra từ tháng 7/2014. Đây là những gì ông Thuỵ viết hồi tháng 8/2014 sau
một trong những cuộc họp của ban lãnh đạo [BLĐ] Hội:
“Tôi lặng người khi Phạm
Chí Dũng, thay mặt BLĐ công bố thứ tự thay thế vị trí Chủ tịch Hội nếu có mệnh
hệ gì. Giờ phút ấy, lòng tôi xúc động khôn tả. Đây là Hội nghị của những người
dấn thân, dám chấp nhận sự hy sinh vì một nền báo chí độc lập và cao hơn nữa,
vì tất cả những điều tốt đẹp cho tương lai của Đất Nước, của Dân Tộc. Cho đến
lúc gõ những dòng chữ này, lòng tôi lại dâng lên nguyên vẹn cảm xúc ấy.”
‘Nhỏ ở nhà tù lớn,
lớn ở nhà tù nhỏ’
Và đúng như Hội dự liệu từ
sáu năm trước, cả ông Dũng và ông Thuỵ giờ đều đã từ nhà tù lớn về nhà tù nhỏ. Tại
sao nói nhà tù lớn? Hãy nghe ông
Thuỵ kể lại lần đón anh vợ từ Sài Gòn ra thăm hồi tháng 2/2018:
“9h50’ anh
chị tôi đi taxi đến. Lập tức, đội quân canh sẵn xông vào khống chế ngay trước cửa.
“Phản động” đây rồi. Hai “phản động” đến nhà tôi gồm một ông già và một bà già
đều đã trên 70 tuổi.
“Bọn chúng
bu đến như ruồi nhặng, đứa nào cũng bịt mặt. Anh tôi vô cùng ngạc nhiên, hỏi lý
do, mang lẽ mang luật mang đạo lý ra nói chuyện thì bị chúng chửi láo và xô đẩy.
Chúng chỉ có một cái “lý” duy nhất: đây là lệnh trên.
“Vợ tôi bế
cháu ra đón anh chị cũng bị xô đẩy, xưng hô mày tao và chửi bằng những bài đã
được dạy sẵn: mày bán nước hại dân, mày thế này thế nọ… Tôi mở điện thoại ra
phát trực tiếp, chúng sấn đến như những con thú, cướp máy, chửi bới, nhổ nước bọt,
hất nước bẩn vào người. Sợ bị cướp máy, tôi lùi vào trong đóng cửa lại và tiếp
tục quay qua lỗ tò vò. Lúc này, điều quan trọng nhất của tôi lúc này là phải
ghi được hình ảnh. Chúng đạp cửa thình thịch, chửi bới, và tiếp tục đe dọa, tỏ
ra sẵn sàng giết người đến nơi. Thật là kinh khủng.”
Còn đây là những gì ông Thuỵ kể về lần nhận tiền
chuyển cho ông tại nhà để giúp tù nhân lương tâm vài tháng sau sự cố trên:
“Chiều ngày
6/5/2018, nhân viên ngân hàng đến giao cho tôi 3200 USD. Khi nhận tiền xong thì
khoảng 10 tên mặc thường phục ập vào nhà. Chúng bóp cổ, bịt mồm vợ tôi không
cho kêu. Nhưng lúc ấy, tôi đã kịp lên phòng và chốt cửa lại. Chúng gọi cửa phòng
không được nên bỏ đi. Trước vợ tôi và những người nghe hô cướp chạy đến, chúng
xưng chúng tôi là công an và bảo không có gì đâu.”
Ông Nguyễn Tường Thụy
(phải) trong một lần đến thăm cụ Lê Đình Kình hồi 2018. (Hình: RFA)
Khi xem lại các blog ông
Thuỵ viết cho Đài Á châu Tự do, cơ quan chỉ chọn cung cấp dịch vụ bằng chín
ngôn ngữ châu Á cho những vùng trũng về tự do ngôn luận, tôi cũng thấy bức ảnh ông tới thăm cụ Lê Đình
Kình hồi tháng 2/2018. Giờ người đã về nơi chín suối, người trong chốn ngục
tù vì những lý do mà ở nơi tôi sống họ sẽ là người hùng và được cả hệ thống
truyền thông và toà án bảo vệ. Tiếc thay ở nơi xa xôi tôi từng coi là nhà, truyền
thông và toà án dường như chỉ có vai trò tát hôi.
No comments:
Post a Comment