Wednesday, December 1, 2010

WIKILEADS : VỤ RÒ RỈ NGOẠI GIAO LỚN NHẤT TRONG LỊCH SỬ


Trong lịch sử ngoại giao thế giới, Wikileaks là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất cho tới nay. Hơn 250.000  tài liệu ngoại giao từ bộ Ngoại giao Mỹ, các Sứ quán, Lãnh sự, Bộ Quốc phòng trong số hàng triệu tài liệu mà trang mạng này có, vừa được công bố.
Đây là quả bom nổ trên chính trường quốc tế, bởi những tài liệu này có liên quan tới những vấn đề lớn nhất và nóng nhất hiện nay trên thế giới, từ chiến trường Iraq, Afghanistan, tới Israel và thế giới Ảrập, chương trình hạt nhân của Iran, kho vũ khí nguyên tử của Pakistan, quan tâm của Mỹ tới Trung Quốc, Nga.v.v.
Tài liệu công bố lần này chủ yếu là những điện thư trao đổi giữa các cơ quan ngoại giao Mỹ với các đối tác hay những phân tích, đánh giá của Mỹ liên quan tới một vấn đề hay một quốc gia nào đó.
Wikileaks cũng tuyên bố rằng, họ sẽ lần lượt đưa ra ánh sáng vài triệu tài liệu nữa trong những tháng tiếp theo. Bên cạnh việc công bố trực tiếp trên trang mạng của mình, Wikileaks đã gửi những tài liệu này cho nhiều báo như The New York Times của Mỹ, Le Monde của Pháp, Guardian của Anh, Der Spiegel của Đức…

Phản ứng khác nhau
Hôm nay, nhiều nước đã lên tiếng phản ứng trước vụ Scandan thế kỷ này ở những mức độ khác nhau.
Chính phủ Mỹ lên án việc tiết lộ này và bày tỏ sự lo ngại rằng việc rò rỉ thông tin có thể sẽ gây nguy hại cho các nhân viên ngoại giao, tình báo. Trong lúc, một nghị sỹ đảng Cộng hòa ra lời kêu gọi đưa Wikileaks vào danh sách các nhóm khủng bố.
Bộ trưởng ngoại giao Italia cho rằng, trang mạng Wikileaks muốn “phá hủy cả thế giới”  và gọi đây là cuộc “khủng hoảng” chung. Tuy vậy, ông kêu gọi bình tĩnh, không nên bình luận nhiều về những tài liệu này, không nên từ bỏ các phương pháp ngoại giao. Thủ tướng Ý, người “được” nhắc tên đến trong một tài liệu như một tay “Play boy ham chơi và vô tích sự” đã cho báo chí biết, ông không cảm thấy bị xúc phạm và không giận dữ về những bình phẩm này. Ông nói thêm, những điều này đã được báo chí của các phe đối lập ở Ý bình luận từ lâu rồi.
Trái với sự dự đoán của nhiều người, điện Kremlin phản ứng một cách bình tĩnh, dù trong một tài liệu công bố Putin được nhắc tới như một “con đực” thay vì một người đàn ông, còn Medvedev được cho là chính trị gia “nhạt nhẽo” và “thất thường”. Ở một tài liệu khác, Medvedev bị coi là “con tin” của Putin và họ được ví như 2 nhân vật Ronbin và Batman trong bộ phim “Batman và Robin” (bộ phim kể về một siêu nhân đã kiếm cho mình một người giúp việc trẻ và không có kinh nghiệm)!
Mặc dù trong số những tư liệu được công bố có khoảng 970 tài liệu liên quan tới Ba Lan nhưng Ngoại trưởng  Sikorski cho biết, những tiết lộ của Wikileaks “không có giá trị gì nhiều” và “không gây ảnh hưởng tới Ba Lan”. Ông cũng cho rằng, chính phủ Ba Lan đã có những đánh giá đúng đắn trong lĩnh vực ngoại giao với Mỹ, đặc biệt là việc lá chắn tên lửa. Ông nói, chính phủ Ba Lan “không có điều gì phải sợ hãi” và những trang tài liệu mà Wikileaks có chẳng ảnh hưởng gì tới an ninh của Ba Lan.
Trong khi đa phần phản đối sự công bố của Wikileaks và cho đó là cuộc “khủng hoảng ngoại giao” thì một số đánh giá cho rằng, nhờ sự công bố này mà người ta biết, nước Mỹ thực sự nghĩ gì đằng sau những cái bắt tay và nụ cười mang tính ngoại giao.

Một số tiết lộ gây chú ý

Dấu vân tay của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc: Ngoại trưởng Hillary Clinton năm 2009 đã ra lệnh thu thập những dữ liệu sinh học (DNA, dấu vân tay, hình ảnh scan tròng mắt) của các quan chức Liên Hợp Quốc bao gồm cả Tổng thư ký và dữ liệu về các nhà ngoại giao từ Trung Quốc, Nga, Pháp và Anh như số thẻ tín dụng và mật khẩu của điện thoại di động và các truy cập internet…
Tình báo ngoại giao:
Năm 2008, Bộ ngoại Giao Mỹ đã gửi tới các cơ quan Đại sứ và Lãnh sự Mỹ một bức thư yêu cầu các cơ quan này thu thập các thông tin liên quan tới một số cá nhân, tổ chức, văn phòng chính phủ, một số trang web ở nước sở tại. Ngoại giao Mỹ quan tâm tới dữ liệu về thẻ tín dụng, điện thoại, tiểu sử, số liệu sinh học.v.v. vốn thuộc lĩnh vực đảm trách của cơ quan Tình báo CIA. Thông điệp này được cho là đã gửi tới các cơ quan Ngoại Giao ở phương Đông, Mỹ Latin và Đông Âu.
Hai thủ tướng Putin và Berlusconi thân nhau:
Những nhà ngoại giao Mỹ ở Rome đánh giá rằng, thủ tướng Ý Berlusconi  chỉ là “phát ngôn viên” của Putin, rằng 2 người này “thân nhau” và thường tặng nhau những món quà đắt tiền. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, bộ máy hành chính quan liêu khổng lồ của Ý ít khi vâng lệnh thủ tướng của mình!

Hoàng Đế cởi truồng và người phụ nữ ít sáng tạo: Lăng kính ngoại giao Mỹ đã mô tả Tổng thống Pháp Sarkozy như vị “Hoàng Đế cởi truồng” và thủ tướng Đức Merkel như một người phụ nữ thực tế nhưng “cứng đầu” và “ít sáng tạo”. Mỹ cũng tỏ ý nghi ngờ về thiện chí hợp tác của bà Merkel.
Danh sách đen của phu nhân Tổng thống Medvedev: Ngoại giao Mỹ đánh giá rằng, đệ nhất phu nhân nước Nga, bà Medvedev có một bản danh sách đen những người mà bà muốn đuổi việc vì cho rằng họ không trung thành với chồng mình.
Tại sao đệ nhất phu nhân của Azerbaijan không cười?
Vì bà Mahriban Aliyev, phu nhân của Tổng thống Azerbaijan đã trải qua cuộc phẫu thuật căng da mặt để trông giống như cô con gái của mình. Kết quả là, đôi môi của bà gần như không thể chuyển động được!
Phần thưởng cho việc chứa chấp tù nhân Guantanamo:
Các nhà ngoại giao Mỹ đã cố gắng thuyết phục các quốc gia khác nhau để họ chấp nhận những tù nhân tới từ trại tù nổi tiếng Guantanamo. Slovenia đã nhận được lời hứa rằng, Tổng thống của nước này sẽ được gặp Tổng thống Mỹ Obama nếu Slovenia nhận tù nhân từ Guantanamo. Còn đảo Kiribati nhận được lời hứa đầu tư nhiều triệu đô la. Người Bỉ được thuyết phục rằng việc thu nhận các tù nhân từ Guantanamo là một cách tuyệt vời để nâng cao vị thế của mình ở châu Âu.
Nỗi lo hạt nhân:
Từ năm 2007, người Mỹ đã cố gắng để ngăn chặn Pakistan làm giàu uranium vì sợ nó có thể rơi vào tay bọn khủng bố. Nhưng cho đến nay, những nỗ lực đó đã không thành công.

Xúc tác cho quá trình thống nhất Triều Tiên: Hàn Quốc đã khuyến khích người Mỹ trong những mối quan hệ thương mại sinh lợi cho Trung Quốc, qua đó thúc đẩy Bắc Kinh gây áp lực với Bắc Hàn để tạo điều kiện đẩy nhanh sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên dẫn tới thống nhất 2 miền Nam- Bắc.
Phó Tổng thống Afghanistan công du với 52.000.000 USD:
Cơ quan Phòng chống ma túy của Mỹ (DEA)  năm ngoái phát hiện rằng Phó Tổng thống Afghanistan đã mang tới 52.000.000 USD bằng tiền mặt trong một chuyến bay tới Tiểu Vương Quốc các nước Ả Rập Thống Nhất. Cơ quan này cho biết: “Chúng tôi không biết ông đã làm gì với số tiền lớn như vậy”.

Tin tặc Trung Quốc tấn công Google: Thừa lệnh của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Hacker Trung Quốc kể từ năm 2002, thường xuyên đột nhập vào hệ thống máy tính của các công ty Mỹ (bao gồm cả Google), chính phủ Mỹ, phá sập trang web của  Đa Lai Lạt Ma và chính phủ Tây Tạng lưu vong.
Ảrập Xêút tài trợ khủng bố:
Ảrập Xêút đã và đang là nhà tài trợ hào phóng nhất của 2 tổ chức khủng bố Al Qaeda, và Qatar, mặc dù danh chính ngôn thuận thì Ảrập Xêút là đồng minh thân thiện của Mỹ. Ngoại giao Mỹ cho rằng Ảrập Xêút sợ làm bất cứ điều gì chống lại những kẻ khủng bố.
Các nước Ả Rập muốn đánh bom Iran
: Lãnh đạo các nước Ả Rập – từ Saudi Arabia đến Jordan và Ai Cập kêu gọi người Mỹ đánh bom và phá hủy chương trình hạt nhân của Iran. Các chính trị gia Ả Rập gọi Iran là “ma quỷ” và mối đe dọa cho cuộc sống con người ở Trung Đông. Vua Bahrain kêu gọi người Mỹ sử dụng bất kỳ phương pháp nào có thể để ngăn chặn Iran.
Tên lửa Iran vươn tới thủ đô của các nước Tây Âu:
Iran đã có trong tay thiết kế  tên lửa R-27 của Hải quân Liên Xô, cho phép họ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Cùng với Bắc Triều Tiên, Iran đang tiến hành xây dựng hệ thống tên lửa của riêng họ, và những kế hoạch này tiên tiến hơn nhiều so với những đánh giá của các phương tiện truyền thông. Các chuyên gia từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng Hai năm nay đã tin rằng, tên lửa của Iran có thể tiếp cận các thủ đô của Tây Âu.
Tiền của thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ:
Ngoại giao Mỹ đánh giá, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ làm giầu nhờ việc tư nhân hóa các công ty nhà nước và việc áp dụng đạo Hồi
Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ theo dõi và tiếp tục tổng hợp các thông tin đáng chú ý từ những trang tài liệu của Wikileaks, đặc biệt những thông tin liên quan tới Việt Nam, Trung Quốc hay biển Đông.

Tổng hợp từ Wyborcza, PAP, TVN24.
© Mạc Việt Hồng
© Đàn Chim Việt


BBC
Cập nhật: 03:39 GMT - thứ tư, 1 tháng 12, 2010

Interpol ra "cảnh báo Đỏ" đối với người sáng lập trang Wikileaks, Julian Assange, trong khi tổng thống Ecuador rút lại lời mời ông cư trú tại nước này.
Tổ chức cảnh sát quốc tế nói ông Assange, người Australia, đang bị truy nã để điều tra tại Thụy Điển về cáo buộc xâm hại tình dục, mà ông đã bác bỏ.
Cảnh báo Đỏ không phải là lệnh bắt, mà chỉ để yêu cầu mọi người dân cho cảnh sát biết thông tin hiện đối tượng đang ở đâu.
Trong khi đó, Tổng thống Ecuador Rafael Correa nói ông chưa tán thành lời mời ông Assange tới nước này cư trú.
Hôm thứ Hai, Thứ trưởng Ngoại giao Ecuador Kintto Lucas ca ngợi công việc điều tra của ông Assange và nói ông có thể tới sống và giảng dạy tại Ecuador "không cần điều kiện nào".
Thế nhưng nay Tổng thống Correa nói với các phóng viên rằng lời mời này "chưa được Ngoại trưởng Ricardo Patino hay tổng thống thông qua".
Ông Patino nói sẽ phải xem xét lại đề xuất này trên "các phương diện luật pháp và ngoại giao".
Thụy Điển đã bác đơn xin cư trú của ông Assange hồi tháng Mười cho dù luật pháp nước này che chở cho những người rò rỉ thông tin.
Trước đó, ông Assange đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao Thụy Điển về phán quyết của một tòa án quận ở thủ đô Stockholm rằng ông cần bị bắt để thẩm vấn về cáo giác hiếp dâm, xâm hại tình dục và quan hệ tình dục bất hợp pháp trong một chuyến thăm Thụy Điển hồi tháng Tám.
Đơn kháng cáo của ông đã bị Tòa Phúc thẩm Stockholm bác hồi tuần trước.
Australia cũng đang điều tra xem ông có vi phạm pháp luật nước này hay không.
Ông Assange cực lực bác bỏ các cáo buộc, nói đây là nhằm bôi nhọ thanh danh ông.
Hôm Chủ nhật, Wikileaks bắt đầu đăng tải một số trong khoảng 250.000 điện tín ngoại giao Hoa Kỳ trong lần công bố các tài liệu mật lần thứ ba từ trước tới nay.
Hai lần trước là các văn bản về cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.


.
.
.

No comments: