Nhất Nam
Thứ Hai, 20/12/2010
Không phải một chính trị gia, không phải nhà hoạt động xã hội… đang làm thế giới phải rùng mình về những tiết lộ gây chấn động, đó chính là hacker có tên Julian Assange, ông chủ của tờ báo Wikileaks. Tiết lộ của Wikileaks đã lột tả bản chất “hai mặt” của nền ngoại giao thế giới, trong đó ngoại giao Mỹ là một điển hình.
Người đời vẫn thường nhận định về một ai đó khi ta biết được bản chất dối trá khi họ cư xử theo kiểu “nói vậy nhưng không phải vậy”, Wikileaks đã đưa ra ánh sáng hậu trường của ngành ngoại giao Mỹ, xưa nay Mỹ luôn tỏ rõ thái độ rõ ràng với các nước “thù địch”, tìm mọi cách hạ bệ các nhà lãnh đạo, đưa những người có quan điểm, chính sách thân Mỹ lên nắm quyền. Còn các nước đồng minh, vốn gọi là sân sau, Mỹ vẫn ve vãn, lợi dụng. Có thể nói, sau những tiết lộ động trời, ông chủ của Wikileaks đã “đốt” hết thành quả sau bao năm gầy dựng của ngành ngoại giao Mỹ, giờ đây bà Hallary Clinton khó ăn nói với người đồng cấp, đây cũng là một đòn “hiểm” nhằm vào uy tín của chính quyền Tổng thống Obama.
Số phận của Julian Assange từ một người hùng trong mắt những kẻ tò mò, trở thành kẻ phải sống ẩn danh, không chốn nương thân, đang đứng trước cáo buộc phạm tội hiếp dâm, lạm dụng tình dục và nguy cơ phạm tội gián điệp. Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vụ việc này, người ủng hộ tự do báo chí cho rằng Wikileaks đã làm được những việc không thể, còn những người không ủng hộ Wikileaks cho rằng, những tiết lộ của Wikileaks đã gây tổn hại tới thân phận cũng như tính mạng các nhà ngoại giao. Nhưng họ không biết trước rằng, ngay sau khi thông tin được tiết lộ, thì Julian Assange đã bước vào vòng lao lý, nếu hành vi tiết lộ tài liệu mật của Mỹ bị gép vào luật thì Julian Assange đứng trước nguy cơ phải “bóc lịch” dài dài.
Nhiều người hài hước ví von rằng, nước Mỹ như cái “loa” đi khắp nơi nói rằng mình tôn trọng tư do báo chí, đưa ra các giá trị buộc người khác phải tôn trọng. Nhưng chính những giá trị do Mỹ tạo nên, lại có thể bị Mỹ phủ nhận khi nó gây nguy hại an ninh quốc gia. Đến đây có thể khẳng định, có khi những giá trị do Mỹ tạo ra nhưng vì lợi ích quốc gia có thể bị bóp méo cho phù hợp với đường lối đối ngoại của Mỹ. Câu chuyện của một quốc gia từng được ví như trung tâm quyền lực để đặt trật tự thế giới, nơi mà tự do cá nhân được đặt lên hàng đầu, tưởng chừng không gì có thể xâm phạm được, nay nó đã bị thay đổi bởi một hacker.
Vẫn chưa thấy những tiết lộ quan điểm ngoại giao của Mỹ đối với Việt Nam, đặc biệt đối với phong trào dân chủ trong nước, có phải vị trí, ảnh hưởng của phong trào dân chủ trong nước chưa đủ lớn đến mức Mỹ phải quan tâm? Chính giới Mỹ khi đề cập đến tinh hình dân chủ, tự do báo chí đều chung nhận xét, Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, không có tự do báo chí, yêu cầu Việt Nam thả tù nhân chính trị, không đàn áp những người bất đồng chính kiến… đây cũng là điều kiện trong việc mở rộng quan hệ ngoại giao,… Thực hư như thế nào? Chắc phải đợi tiết lộ mới của Wikileaks.
Ông Hà Sĩ Phu, một nhà hoạt động dân chủ trong nước, nhiều lần bị chính quyền Cộng sản đàn áp, khi trả lời phóng viên đài BBC đã nhận định, đánh giá về sự ủng hộ của Mỹ đối với phong trào dân chủ trong nước, ông “chua chát” bộc lộ đại ý rằng: Với nhân dân Mỹ thì Mỹ rất dân chủ, nhưng đối ngoại Mỹ có khi dân chủ có khi không dân chủ tuỳ theo quyền lợi toàn cầu của Mỹ. Nếu nhân dân VN anh dũng đứng lên đòi dân chủ thì chắc chắn Mỹ ủng hộ hết lòng. Nhưng nếu phong trào dân chủ trong nước yếu ớt thì Mỹ chỉ mong ước chế độ CS ở VN tồn tại mãi thôi, vì khi VN ở dưới thể chế CS Mỹ thu được rất nhiều điều lợi (trong thể chế CS, nhân dân VN chỉ là con số không thì ĐCS VN có thể bán quyền lợi đất nước cho Mỹ cũng như cho Trung Quốc một cách dễ dàng. Khi ấy ĐCS và nhân dân VN không thực tâm đoàn kết! Khi cần làm việc với nhà cầm quyền VN Mỹ luôn ở thế thượng phong của một nước dân chủ, Mỹ cứ lên án nhà cầm quyền VN là không có nhân quyền nhưng chỉ nói miệng cho sang thế thôi, trong bụng không muốn VN có dân chủ thực sự…). Đặc biệt trong mối lo chống TQ thì Mỹ không dại gì chống nhà cầm quyền VN mà cần mua chuộc ĐCS VN và dành sức chống TQ… Tóm lại, những người dân chủ VN nếu tinh khôn thì có thể tận dụng sự giúp đỡ của Mỹ trong từng việc cụ thể, chứ ỷ lại hay trông chờ tất cả vào Mỹ thì thật dại dột. Ngoài miệng tất nhiên Mỹ cỗ vũ dân chủ nhưng trong mưu toan Mỹ cần ĐCS VN chứ không cần nhân dân VN! Các nhà dân chủ VN đừng tưởng bở!
Những nhận định của ông Hà Sĩ Phu như một lời cảnh tỉnh đối với những nhà hoạt động dân chủ, không nên quá lệ thuộc, tin tưởng, chờ đợi nhiều ở Mỹ, bởi sự ủng hộ của Mỹ đối với dân chủ VN không thể cao hơn lợi ích quốc gia thiết thân và lợi ích toàn cầu của Mỹ! “Nhân dân Việt Nam ở tầm nào Mỹ sẽ chơi ở tầm đó”! [*]
Sài Gòn, tháng 12/2010.
______________________________
______________________________
.
.
.
No comments:
Post a Comment