Friday, December 3, 2010

WIKILEADS BỊ "PHẢN PHÁO"

MAI NGUYÊN 
QĐND - Thứ Sáu, 03/12/2010, 22:53 (GMT+7)

QĐND - Sau đòn “tấn công” gây choáng váng với vụ tiết lộ 250 nghìn văn thư ngoại giao của Mỹ, trang mạng WikiLeaks đang bị tấn công ngược. WikiLeaks đang phải đối mặt với nguy cơ bị “sập” do dồn dập bị tin tặc tấn công trong bối cảnh ông chủ của trang mạng đang bị truy lùng gắt gao.

Trong nỗ lực ngăn chặn các tiết lộ tai hại của WikiLeaks, các nghị sĩ Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm trừng phạt nhà sáng lập WikiLeaks Giu-li-an A-xan-giơ (Jullian Assange) và trang mạng này. Theo dự luật, việc công bố danh tính nguồn tin của quân đội và tình báo Mỹ là phạm luật. Trong khi đó, Thụy Điển cho biết, sẽ công bố lệnh bắt giữ mới đối với A-xan-giơ vì lệnh bắt giữ trước đó có sai sót về mặt thủ tục.
Tên miền của WikiLeaks đã bị từ chối do nhà cung cấp hệ thống tên miền cho trang mạng này là EveryDNS.net của Mỹ vừa thu hồi dịch vụ tên miền wikileaks.org sau khi WikiLeaks liên tiếp trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công của tin tặc. Các cuộc tấn công vào WikiLeaks đe dọa sự ổn định về cơ sở hạ tầng của nhà cung cấp tên miền nên họ không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ cho trang mạng này. Vì vậy,  WikiLeaks đã phải ngừng hoạt động trong 6 giờ đồng hồ và chỉ hoạt động được trở lại sau khi thay tên miền mới của Thụy Sĩ là wikileaks.ch. Trong thời gian bị gián đoạn, trang mạng đóng tại Thụy Điển này đã không thể truy cập được ở châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. Tuy vậy, khả năng tồn tại của WikiLeaks đang bị đặt dấu hỏi vì dường như các bên liên quan và cộng đồng quốc tế đang đồng lòng chống lại trang mạng này. 

Hiện báo chí vẫn tiếp tục khai thác và đăng tải các nội dung nhạy cảm trong số 250 nghìn điện tín ngoại giao của Mỹ mà WikiLeaks công bố. Trong đó đáng chú ý là, tờ “Người bảo vệ” (Anh) cho biết, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã lập một danh sách thường niên các thông tin cần biết về Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki-moon ) và các quan chức khác trong cơ quan này, sau đó chuyển tới Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong số này có tài liệu đề ngày 31-7-2009, đề nghị lấy thông tin về quan điểm của nhà lãnh đạo LHQ về vấn đề I-ran và Trung Đông, đồng thời nghiên cứu "phong cách điều hành và sự quyết đoán" của ông Ban Ki Mun. Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu vừa diễn ra ở Ca-dắc-xtan, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn cũng đã phải gặp để xoa dịu Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun vì những tiết lộ này.

Những thông tin “động chạm” mà WikiLeaks công bố đã khiến một số lãnh đạo các nước khác “nóng mặt”. Thủ tướng Nga V.Pu-tin ngày 2-12 đã kịch liệt phản đối chỉ trích của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết mà WikiLeaks tiết lộ về tình hình dân chủ tại Nga. Trong một bức điện, ông Ghết nói rằng, nền dân chủ của Nga “đã biến mất”. Trên CNN, ông Pu-tin đã rất gay gắt khi mô tả những nhận định của Mỹ về nước Nga như một “nhà nước ma-phi-a”... Còn Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ét-đô-găng (Erdogan) thì tỏ ra rất giận dữ khi được biết ông bị tố cáo có những tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ. Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết đã lên án Mỹ vì trong một bức điện bị tiết lộ, Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ tìm hiểu về sức khỏe tâm thần của nữ Tổng thống Ác-hen-ti-na Cri-xti-na Ki-snê. Một bộ trưởng của Ác-hen-ti-na cũng chỉ trích nặng nề nội dung văn thư này.

Một số nước đồng minh thân cận của Mỹ như Anh cũng đã phải “bối rối” vì những tiết lộ của WikiLeaks. Theo đó, Luân Đôn bị “bóc mẽ” vì mặc dù đã ký Hiệp định cấm bom chùm, nhưng Luân Đôn lại cho phép Mỹ tàng trữ loại bom này trên lãnh thổ Anh. Các nước A-rập cũng rơi vào tình thế tương tự khi các tài liệu WikiLeaks công bố cho thấy, mặc dù ngoài mặt họ kêu gọi giải pháp hòa bình trong vấn đề hạt nhân I-ran, nhưng thực chất các nước này đã ủng hộ giải pháp quân sự chống I-ran.
MAI NGUYÊN           

------------------------

.
.
.

No comments: