Friday, December 3, 2010

JULIAN ASSANGE - "NGƯỜI HÙNG" KHÔNG CHỐN DUNG THÂN

Đình Nguyễn
03/12/2010
Thứ tư, 1/12/2010, 12:06 GMT+7

Với những người ủng hộ thì sáng lập viên trang Wikileaks Julian Assange là người hùng của sự thật, còn với với những người chỉ trích, anh là kẻ chỉ thích làm rùm beng những thứ nhạy cảm khiến nhiều người gặp nguy.
Cuộc sống của Julian Assange đã thay đổi hoàn kể từ khi anh và các cộng sự cho ra đời trang Wikileaks năm 2006. Khi đó, người đàn ông Australia 39 tuổi này đã quyết định sử dụng kinh nghiệm trong những năm tháng làm hacker khét tiếng và chỉ số thông minh được bạn bè tán tụng để xây dựng trang Wikileaks, mà sau đó được mệnh danh là “quả bom sự thật”.
Sự nổi tiếng của Wikileaks gắn liền với việc thu thập những thông tin bí mật với khối lượng lớn, lưu trữ chúng bằng công nghệ làm sao để chính phủ và các tổ chức khác không thể thu hồi, sau đó công bố trên phạm vi toàn cầu. Những đợt công bố thông tin gây chấn động của Wikileaks gồm 250.000 thư tín ngoại giao của Mỹ vừa qua cùng hơn 90.000 tài liệu mật của Mỹ về chiến tranh Afghanistan và 400.000 tài liệu tương tự về Iraq, đều diễn ra trong năm nay.

Tuổi trẻ “dữ dội”
Julian Assange sinh ra tại thành phố Townsville, bang Queensland, miền bắc Australia năm 1971 và có một tuổi thơ “dữ dội”. Cha mẹ anh gặp nhau trong một lần đi biểu tình phản đối chiến tranh tại Việt Nam và có lẽ điều này đã góp phần khiến đứa con của họ mang trong mình một tinh thần “ưa nổi loạn”. Sự bất ổn về cư trú bắt đầu đeo bám Assange ngay từ khi còn thơ với 37 lần phải đổi trường học, vì cha mẹ điều hành một nhà hát lưu động nay đây mai đó.
Những nguồn tin từ Australia cho rằng Assange đã bỏ nhà đi bụi từ năm 17 tuổi và có thời gian sống vất vưởng ở thành phố Melbourne. Dù yêu thích toán và vật lý, Internet mới là niềm đam mê đích thực của cậu thanh niên có bản lý lịch khác người này. Niềm đam mê đã dẫn dắt Assange trở thành một phần của thế giới ngầm trong làng máy tính khi ở độ tuổi mới lớn. Anh tìm cách học làm hacker để đột nhập vào tài khoản email của những người giàu có hoặc có ảnh hưởng, rồi khai thác bí mật của họ.
Duy trì lối sống ưa tự do nhưng Assange đã lên chức bố ngay từ năm mới 18 tuổi. Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, năm 1995, Assange đã suýt phải vào bóc lịch trong nhà tù vì 25 cáo buộc liên quan đến tội danh tấn công hệ thống máy tính. Cuối cùng Assange lĩnh án phạt vài nghìn đô la Australia và chỉ may mắn thoát cảnh ngồi tù với điều kiện không được tái phạm.

Qua thời ‘nông nổi’
Sau lần vướng vào vòng lao lý, Assange quyết định đi theo một hướng khác có tính chất khá hàn lâm, khi làm việc suốt 3 năm với nhà nghiên cứu Suelette Dreyfus, chuyên nghiên cứu về các ảnh hưởng của Internet, và viết chung một cuốn sách với bà. Dreyfus mô tả Assange là “nhà nghiên cứu rất có tài”, người khá quan tâm đến những vấn đề vĩ mô như khái niệm chủng tộc và công lý, cũng như những việc mà các chính phủ nên và không nên làm.
Bước đi mang tính “hàn lâm” tiếp theo của Assange là vào học tại Đại học Melbourne và theo đuổi nghiên cứu môn toán và vật lý. Tại đây anh đã trở thành một thành viên nổi tiếng của hiệp hội những nhà nghiên cứu về toán học của trường. Nhưng bước ngoặt thực sự của chuyên gia xuất thân từ hacker này đến từ năm 2006, khi anh và những người bạn cùng niềm đam mê lập ra trang Wikileaks với lời giới thiệu là “trang Wikipedia không thể kiểm duyệt”.
Trang web phi lợi nhuận này được Assange điều hành với sự cộng tác của một nhóm tình nguyện viên, chuyên công bố những tài liệu nhạy cảm hoặc bí mật về những sai trái của các chính phủ cũng như tổ chức, đồng thời chuyển những thông tin đặc biệt này cho giới truyền thông.
Một trong những tài liệu gây chấn động đầu tiên mà Wikileaks công bố là đoạn băng video bí mật ghi lại cảnh một trực thăng chiến đấu Apache của Mỹ bắn giết 12 thường dân, gồm hai phóng viên Reuters, tại Baghdad năm 2007. Tiếp theo là đợt công bố thông tin ồ ạt về các bí mật của tình báo Mỹ liên quan đến chiến tranh Afghanistan và Iraq vào tháng 7 và tháng 10 vừa qua. Mới đây nhất là đợt tung ra 250.000 thư tín, phơi bày hậu trường nền ngoại giao Mỹ từ ngày 28/11 có liên quan đến khắp thế giới.
Dù là người sáng lập và điều hành trang web Wikileaks đã trở nên nổi tiếng khắp nơi, Assange sống khá bí hiểm và rất hiếm khi xuất hiện. Bình thường cuộc sống của Assange nay đây mai đó, luôn mang theo một chiếc máy tính và ít quần áo trong ba lô. Tiền đi lại của anh được lấy từ “các nguồn kiếm trên Internet”. Assange được nhận diện với mái tóc bạc không tương xứng với độ tuổi, cùng vẻ ngoài không lấy gì làm phong trần và phong cách luôn bỏ ngoài tai những lời chỉ trích.
Một phóng viên của tạp chí New Yorker là Raffi Khatchadourian, người từng có dịp theo chân Assange đi khắp nơi trong vài tuần, đã mô tả cha đẻ của trang Wikileaks là người có thể đi những quãng đường dài mà không cần ăn, có thể tập trung làm việc rất lâu và ngủ rất ít.
Chấp nhận “gieo gió” bằng cách tung ra bàn dân thiên hạ những thông tin nhạy cảm đụng chạm đến những “ông lớn” có quyền lực không giới hạn, nên Assange “gặp bão” là điều không thể tránh khỏi. Cuộc sống không ổn định thời trai trẻ của anh đang được tiếp nối bằng hành trính trốn chạy khắp thế giới của một người đàn ông đã gần 40 tuổi nhưng vẫn không có địa chỉ nhà cố định.

Hành trình trốn chạy
Ngay khi Wikileaks chưa tung ra “quả bom sự thật” gây sốc trong năm nay về chiến tranh tại Afghanistan và Iraq, cả Lầu Năm Góc và Bộ Tư pháp Mỹ đều mang Luật tình báo năm 1917 ra để “đe” Assange và yêu cầu anh phải trả lại tất cả các tài liệu của chính phủ mà mình đang có, đồng thời họ nhấn mạnh không được công bố chúng dưới bất kỳ hình thức nào.
Nhưng câu trả lời của Assange là từ chối làm theo và chấp nhận cuộc sống trốn chạy khắp nơi, trong hoàn cảnh gần như không còn nơi nào trên trái đất muốn chứa chấp. Khi tranh cãi về các tài liệu mật liên quan đến chiến tranh Afghanistan được Wikileaks công bố còn đang còn nóng vài tháng trước, Assange đã bay tới Thuỵ Điển và tìm cách xin định cư và hy vọng được bảo vệ vì quyền tự do báo chí nổi tiếng ở nước này.
Ban đầu Assange đã được chào đón nhiệt tình tại đất nước Bắc Âu. Tờ New York Times dẫn lời kể của anh về những ngày đầu tại Thuỵ Điển: “Họ gọi tôi là James Bond của báo chí. Tôi có rất nhiều người hâm mộ ở đó và thậm chí một vài trong số họ đã gây cho tôi chút rắc rối”.
Rắc rối mà anh nhắc tới chính là việc mối liên lạc với hai người phụ nữ Thuỵ Điển đã dẫn tới việc Thuỵ Điển bất ngờ phát lệnh bắt Assange với cáo buộc hãm hiếp và quấy rối tình dục. Assange phủ nhận cáo buộc này và cho rằng đó chỉ là một âm mưu được sắp đặt nhằm chống lại cá nhân mình và trang Wikileaks.
Trong khi cảnh sát Thuỵ Điển còn đang điều tra, cuối tháng 9 vừa qua, Assange quyết định rời Stockholm đi Berlin (Đức). Trong lần di chuyển này, chiếc túi anh làm thủ tục lên chuyến bay khá vắng đã không cánh mà bay, trong đó có chứa 3 chiếc laptop được mã hoá. Đến nay chúng vẫn không bao giờ được tìm thấy và Assange cho rằng đã có người can thiệp vào vụ này.
Ở Đức không được bao lâu, Assange lại sang London mang theo mối lo có thể bị bắt ngay khi vừa đặt chân tới xứ sở sương mù. Theo luật của Anh, tấm hộ chiếu Australia cho phép Assange có quyền ở lại nước này trong thời gian 6 tháng. Assange cũng tính nơi đến tiếp theo của mình có thể là đảo quốc Iceland, nơi cũng có nền tự do báo chí khá thoải mái và có nhiều người ủng hộ Wikileaks. Nhưng sau đó anh cho rằng chính phủ tại đây cũng giống như ở Anh, rất dễ chịu ảnh hưởng từ Washington, nên không thể là “miền đất hứa” của mình. Hiện theo nhiều nguồn tin phỏng đoán, người sáng lập trang Wikileaks vẫn có mặt tại Anh.
Trong khi đó quê nhà Australia thậm chí còn trở thành “miền đất dữ” đối với hoàn cảnh của Assange, vì các quan chức nước này đã bóng gió rằng họ sẵn sàng hợp tác với Mỹ nếu Washington quyết định truy tố người sáng lập Wikileaks. Anh kể lại việc một quan chức Australia từng nói với anh rằng: “Anh đã chơi không đúng luật nên anh sẽ bị xử ngoài luật”.
Hiện không chỉ các chính phủ lên án Assange, mà ngay cả những cộng sự thân thiết cũng từ bỏ anh vì tính khí thất thường và độc đoán. Họ cũng nhận thức được rằng những thông tin nhạy cảm mà Assange tung ra trên Internet có thể khiến họ phải trả giá bằng máu. Một số đồng nghiệp tại Wikileaks cho biết Assange đã tự mình quyết định tung các tài liệu mật về Afghanistan mà không bỏ nguồn tin tình báo người địa phương làm cho NATO. Họ mô tả hình ảnh Assange là người sáng tạo và có khả năng hấp dẫn người khác, nhưng cũng giống như các ngôi sao đã ngày càng trở nên độc đoán, lập dị và đồng bóng.
Tuy vậy, không hẳn cả thế giới đều quay lưng với Assange. Ngay khi trang Wikileaks công bố những tài liệu thư tín nhạy cảm của các sứ quán Mỹ trên khắp thế giới, một nước có quan điểm khác Washington tại Nam Mỹ là Ecuador tuyên bố sẽ cho Assange được định cư ở nước mình. BBC dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Ecuador hôm qua cho biết: “Chúng tôi để ngỏ việc mời Assange đến sống tại Ecuador mà không có bất cứ điều kiện hay rắc rối nào”.
Nhưng dường như cánh cửa Ecuador sẽ không thể giúp Assange tìm được cuộc sống yên ổn. Ngay khi Wikileaks công bố các thư tín ngoại giao mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên án là “hành động tấn công vào thế giới”, lực lượng cảnh sát quốc tế Interpol vừa phát đi lệnh truy nã Assange. Lý do vẫn là cáo buộc hãm hiếp và quấy rối hai phụ nữ Thuỵ Điển. Hơn nữa, Tổng thống Ecuador Rafael Correa cũng vừa lên tiếng rút lại đề nghị do thứ trưởng ngoại giao đưa ra.

Những hệ luỵ của Wikileaks
Trước khi công bố các tài liệu về AfghanistanIraq gây chấn động thế giới, trang Wikileaks đã có những động thái gây chú ý mạnh. Họ công bố các tài liệu về nhà giam nghi phạm khủng bố của Mỹ ở Guantanamo, dữ liệu về tài khoản email Yahoo cá nhân của cựu ứng viên phó tổng thống Mỹ Sarah Palin, những báo cáo về các vụ giết chóc ngoài vòng pháp luật tại Kenya và Đông Timor, danh sách thành viên đảng tân phát xít tại Anh và đoạn video quay cảnh các trực thăng chiến đấu Apache của Mỹ đang bắn giết ít nhất 12 người tại Baghdad năm 2007.
Nhưng khi sự tò mò và thậm chí là độ sốc đã qua đi, Wikileaks bắt đầu đối mặt với sự chỉ trích và nghi ngờ. Các tổ chức bắt tay với Lầu Năm Góc lên án trang web này đã khiến cuộc sống của nhiều người gặp nguy hiểm bằng cách công bố các tài liệu chiến tranh, trong đó phơi bày tên của những người Afghanistan đang làm việc cho người Mỹ hoặc làm “tay chân” cho quân Mỹ.
Một phát ngôn viên của Taliban tại Afghanistan là Zabiullah Mujahid cho biết qua một cuộc trả lời phỏng vấn bằng điện thoại rằng, Taliban đã thành lập một “uỷ ban” gồm 9 thành viên sau khi các tài liệu về Afghanistan được Wikileaks công bố. Mục đích của họ là “truy lùng những người Afghanistan đang làm gián điệp” cho kẻ thù Mỹ. Nguồn tin này cho biết thêm hiện Taliban có danh sách truy nã 1.800 người Afghanistan đã được Wikileaks công bố tên tuổi.
Đình Nguyễn
Nguồn: VNExpress
.
.
.

No comments: