Tuesday, December 7, 2010

VỤ NOBEL HÒA BÌNH : TRUNG QUỐC ĐIÊN QUÁ HÓA . . . LOẠN NGÔN (Lê Diễn Đức)

Lê Diễn Đức - RFA

Quyết định trao Giải thưởng Hòa bình năm 2010 cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, Ủy ban Nobel Hòa Bình của Na Uy đã làm Bắc Kinh nổi giận, điên khùng và cuối cùng đâm... loạn ngôn!

Nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba là một trong những người lãnh đạo sinh viên biểu tình đòi tự do, dân chủ vào năm 1989 trên Quảng trường Thiên An Môn và là đồng tác giả của “Hiến chương 08”, một hồ sơ quan trọng nhất của phong trào đòi cải cách chính trị tại Trung Quốc.

Sau khi “Hiến chương 08” được phổ biến trên Internet với hơn 10 ngàn người ủng hộ, ông Lưu Hiểu Ba bị nhà cầm quyền Bắc Kinh bắt giam và kết án 11 năm tù vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Mặc dù nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và những người đã đoạt Giải thưởng Nobel Hòa Bình trước đó, cùng với các tổ chức nhân quyền quốc tế, kêu gọi trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn tuyên bố rằng, việc trao giải thưởng cho Luu Hiểu Ba là can thiệp vào cộng việc nội bộ của Trung Quốc và làm mất ý nghĩa của Giải thưởng.

Từ đó đến nay, Bắc Kinh liên tục thực hiện chiến dịch nhằm giảm đi sự long trọng của buổi lễ trao giải thưởng diễn ra vào ngày 10 tháng 12 tại Oslo.

Việc trao giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay sẽ trở thành trường hợp đầu tiên trong lịch sử của giải Nobel nếu như không có người nhận.

Ngay cả trong năm 1935, khi Hitler không cho tù nhân Carl von Ossietzki tới Oslo, luật sư của ông đã đứng ra thay thế.

Sau trường hợp của Ossietzki, quy tắc nhận giải thưởng được thắt chặt hơn. Người nhận thay chỉ có thể là thành viên trong gia đình của người được trao giải. Năm 1983, Lech Walesa, Thủ lĩnh “Công đoàn Đoàn kết” Ba Lan sợ rằng nếu qua Oslo ông sẽ không được trở lại Ba Lan, nên vợ ông, bà Danuta, đã nhận thay chồng. Tương tự vào năm 1975 với nhà văn Nga Andrei Sakharov. Ông cũng sợ không thể trở về Liên Xô, nên vợ ông đã đại diện. Giải thưởng Nobel vào năm 1991 của nhà dân chủ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, đã được các con bà nhận thay.

Với trường hợp của Lưu Hiểu Ba, ông đang ngồi tù, vợ ông đang bị quản thúc tại gia, còn hai người anh em của ông bị công an giám sát chặt chẽ và bị cấm không được ra khỏi biên giới.

Nhưng ngay cả khi có ngoại lệ, nếu Ủy ban Nobel xem xét lại khả năng cho phép một ai đó được gia đình ủy quyền, thì cũng rất khó khả thi, vì nhà cầm quyền Trung Quốc bằng mọi cách ngăn chặn điều này xảy ra. Họ kiểm soát nghiêm ngặt tại các sân bay vào thời điểm nhạy cảm này.

Trước khi bị công an cách ly với thế giới bên ngoài, vợ của ông Lưu Hiểu Ba đã kịp chuyển lời kêu gọi tới 140 nhà hoạt động nhân quyền của Trung Quốc và các nghệ sĩ, đề nghị họ cố gắng tới Oslo vào ngày 10 tháng 12.

Trong ngày 2/12, nghệ sĩ được thế giới biết đến rộng rãi, người đồng thiết kế sân vận động hình tổ chim nổi tiếng cho Thế vận hội Bắc Kinh vào năm 2008, ông Ai Wei Wei, khi lên đường đi Seoul đã bị biên phòng chận lại vì lý do “đe dọa an ninh của Trung Quốc”.

Mặc dù nghệ sĩ Ai Wei Wei trong một thời gian dài chỉ trích chính phủ Trung Quốc và đã gặp những rắc rối với an ninh, cho đến nay nhà cầm quyền vẫn cho phép ông ra khỏi nước. Nhưng lần này khác. Bắc Kinh sợ Ai Wei Wei sẽ lợi dụng chuyến đi, bay đến Oslo tham dự lễ của trao giải Nobel Hòa bình, trong thực tế ông có cuộc triển lãm nghệ thuật tại Seoul, sau đó ông dự định tới Đức, Đan Mạch và Ukraine.

Một ngày trước, 1/12, nhà kinh tế 81 tuổi, ông Mao Yushi, người cũng đã ký tên vào “Hiến chương 08”, đã không thể bay đến Singapore cũng vì lý do tương tự: “đe dọa an ninh của Trung Quốc”. Sự hành xử vô lý này đã khiến vị giáo sư liên tưởng Trung Quốc hiện nay với Cách mạng Văn hóa thời Mao Trạch Đông, khi đội quân cuồng tín Hồng Vệ binh tàn phá chùa chiền, lăng mộ lịch sử và “sản xuất” ra đủ loại kẻ thù của cách mạng, bao gồm cả trí thức đại học như ông.

Về mặt đối ngoại, Trung Quốc không từ bỏ cả những biện pháp áp lực khiếm nhã, trái với thông lệ ngoại giao quốc tế.

Tuyên bố hăm dọa các nước tham dự buổi lễ trao giải thưởng bằng trừng phạt thương mại, Bắc Kinh còn chỉ thị cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Oslo viết thư cho các đại sứ quán nhiều nước kêu gọi tẩy chay buổi lễ.

Để răn đe một số nước còn do dự, trong tuần trước Bắc Kinh đã ngưng vô thời hạn ký kết thỏa thuận về thương mại tự do với Na Uy.

Tuy nhiên, Trung Nam Hải có thể đưa nắm đấm lợi ích thượng mại cho những kẻ yếu bóng vía, tham lam hoặc “cùng hội cùng thuyền”, chứ với Na Uy, chỉ là quả đấm vào không khí! Bởi vì Na Uy là nước công nghiệp phát triển cao, có mức thu nhập trên đầu người và chất lượng sống cao nhất hành tinh từ nhiều năm qua, và là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đứng thứ 5 trên thế giới.

Có vẻ như thấy các hoạt động của mình không được kết quả như mong muốn, Trung Quốc lại càng cau có hơn.

Tin của hãng thông tấn Ba Lan PAP cho hay, trong thứ Ba ngày 7/12, bà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Jiang Yu lại lên tiếng, gọi các thành viên của Ủy ban Nobel là những “chú hề chống Trung Quốc” và việc trao giải thưởng cho nhà bất đồng chính kiến là “can thiệp vào hệ thống chính trị và pháp lý của Trung Quốc” và “chính sách của đất nước sẽ không phải chịu áp lực bên ngoài và sẽ không đi chệch con đường của mình”.

Nực cười nhất là, khi nhấn mạnh có nhiều nước sẽ không tham dự buổi lễ trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, Jiang Yu có vẻ tức quá hóa... loạn ngôn. “Có hơn 100 nước ủng hộ chúng ta!”- Bà ta nói.

Ngay lập tức Ủy ban Nobel đã bác bỏ tuyên bố “hùng hồn” của Trung Quốc. Không phải 100 mà chỉ là 19.
Theo thông tin từ Oslo, tại lễ trao giải trong ngày thứ Sáu ngày 10/12, có 19 quốc gia không tham dự là: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Colombia, Tunisia, Ả Rập Saudi, Pakistan, Serbia, Iraq, Iran, Việt Nam, Afghanistan, Venezuela, Philippines, Ai Cập, Sudan, Ukraine, Cuba và Morocco.

Trước đó khi được hỏi buổi lễ sẽ như thế nào khi không có nhân vật chính, ông Geir Lundestad, Tổng thư ký Ủy ban Nobel trả lời: "Sẽ tuyệt vời và xứng đáng!”.

Ông cho biết trong ngày 10 tháng 12 khoảng một nghìn khách mời sẽ có mặt tại phòng Khánh tiết của thành phố Oslo. Nữ diễn viên Na Uy nổi tiếng Liv Ullman sẽ đọc một bài luận ngắn của người đoạt Giải thưởng Nobel, một trong những bài cuối cùng mà ông Lưu Hiểu Ba đã viết về tự do, dân chủ. Ủy ban Nobel vẫn sẵng sàng đợi tới giờ chót, nhưng nếu không một ai trong gia đình ông Lưu Hiểu Ba có thể tới, nghi lễ sẽ buộc phải bỏ đi 2 hay 3 phút là thời gian dành cho việc trao huy chương và bằng chứng nhận.
Trong khi đó, bạn bè của ông Lưu HIểu Ba, những nhà tranh đấu dân chủ và nhân quyền Trung Quốc nêu sáng kiến, yêu cầu Ủy ban cho đặt một cái ghế trống trên bục.

NGUỒN: Hãng thông tấn PAP / Nhật báo "Gazeta Wyborcza" 2010-12-07: http://wiadomosci.gazeta.pl/Wiadomosci/1,80277,8779275,Chiny__Wiekszosc_...

Copyright © 2010 Radio Free Asia

-------------------------------

Tú Anh  -  RFI   -   Thứ ba 07 Tháng Mười Hai 2010

.
.
.

No comments: