Thursday, December 23, 2010

VINASHIN TRỄ HẸN THANH TOÁN, MUỐN THẢO LUẬN VỚI CHỦ NỢ (Reuters)

Nguồn: Reuters

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Công ty đóng tàu nhà nước Vinashin của Việt Nam đã sai hẹn trả nợ cho nhóm chủ nợ quốc tế và đã báo cho họ biết hôm thứ Năm rằng họ chỉ sẽ trả phần tiền lãi, một nguồn cung cấp tin hiểu rõ về sự dàn xếp này cho biết.

Vụ việc này được các nhà đầu tư và các nhà phân tích theo dõi sát sao như là một phong vũ biểu đo lường mức hậu thuẫn của Hà Nội đối với các doanh nghiệp nhà nước của mình kể từ khi chính phủ tuyên bố vào tháng Bảy rằng Vinashin, còn có tên là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, gần bị phá sản với món nợ khoảng 4,4 tỉ Mỹ kim.

Khoản thanh toán 60 triệu Mỹ kim từ món nợ 600 triệu được ký vay vào năm 2007 với một nhóm các nhà đầu tư hiện đã đến hạn chi trả vào hôm thứ Hai và thời gian gia hạn ba ngày cũng đã chấm dứt vào hôm thứ Năm.

"Chắc chắn là họ bị trễ nợ," một nguồn tin không tiết lộ danh tính cho biết.

Người cung cấp tin trên cũng như một nguồn tin khác hiểu biết về trường hợp này nói rằng công ty đóng tàu này đã thông báo với các chủ nợ bằng một bức thư đề hôm thứ Năm rằng khoản tiền lãi đã được gửi đi và nó sẽ có mặt trong tài khoản của chủ nợ vào thứ Sáu. Một trong những nguồn tin nói rằng khoản tiền lãi này vào độ 6,8 triệu Mỹ kim.

Vinashin cũng đề nghị một cuộc họp với các chủ nợ vào tuần lễ thứ hai của tháng Giêng tại Hà Nội để thảo luận lịch trình và thời hạn thanh toán khoản nợ, nguồn tin cho biết.

Một quan chức cao cấp của Vinashin đã từ chối cho biết ý kiến khi được gọi điện thoại phỏng vấn, và phóng viên không thể liên lạc được với Chủ tịch Nguyễn Ngọc Sự và người phát ngôn viên của công ty.

Mặc dù Vinashin là một trong khoảng mười tập đoàn doanh nghiệp nhà nước mà chính quyền đã hậu hĩnh hỗ trợ về chính trị lẫn tài chính trong những năm qua, các quan chức chính phủ nói rằng công ty này phải tự xoay trở để trả nợ cho mình.

Thái độ của Hà Nội đối với cơn khủng hoảng này đã khiến cho các nhà phân tích tái nhận định lại khả năng chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước khác cũng như về những ảnh hưởng có thể xảy ra từ hệ quả trên đối với các ngân hàng trong nước, vốn đã cho lĩnh vực nhà nước vay mượn rất nhiều.

Công ty Moody's đã giảm mức tín nhiệm nợ chính phủ của Việt Nam vào tuần trước và công ty Standard & Poor cũng đã giảm mức tín nhiệm vào hôm thứ Năm. Cả hai cũng đã đánh tụt điểm xếp hạng của các ngân hàng Việt Nam và đã xem lại tình hình của tập đoàn khai thác mỏ nhà nước Vinacomin.

Chuyển biến tích cực

Chi phí bảo hiểm nợ xấu của Việt Nam đã tăng vào mức cao nhất trong vòng 18 tháng qua khi việc chậm trễ trả nợ của Vinashin gần kề. Tỉ giá để mua bảo hiểm nợ chính phủ của Việt Nam nằm ở mức 310/320 điểm cơ bản hôm thứ Năm.
Về lâu dài, việc điều chỉnh lại mức độ kỳ vọng vì sự kiện của Vinashin sẽ mang tính tích cực, Kevin Grice, kinh tế gia quốc tế hàng đầu tại Capital Economics ở London nói.
"Đây là một diễn biến lành mạnh trong khoảng thời gian trung và dài trong khía cạnh phát triển công tác quản lý và giám sát các doanh nghiệp trên và những ai có ý định đầu tư vào những doanh nghiệp này sẽ nhận thức rõ đây không phải là một sự bảo đảm tự động từ chính phủ," ông nói.

Hôm thứ Năm, Vinashin cũng đã báo cho các chủ nợ rằng họ sẽ tiến hành một "cuộc giám định thấu suốt" về hoạt động cũng như nguồn tiền, kết quả điều tra sẽ được trình bày với các chủ nợ và để tạo ra một nền tảng cho cuộc thảo luận vào tháng Giêng.
"Tôi cho rằng có vài chuyển biến tích cực. Chuyển biến tích cực là hiện nay họ đang có những chuyên gia cố vấn bắt đầu nắm bắt sự việc một cách chuyên nghiệp," một nguồn tin cho biết.

Bức thư vào hôm thứ Năm được gửi một ngày sau khi giới lãnh đạo Đảng Cộng sản cầm quyền vừa bế mạc hội nghị bí mật để tiến hành việc thay đổi nhân sự trong giới lãnh đạo sẽ diễn ra vào tháng Giêng.

Các nhà phân tích chính trị nói rằng vấn đề Vinashin đã là một yếu tố trong việc tranh giành quyền lực của những người lãnh đạo, và khi tầm cỡ về những tiêu cực của công ty được công khai, một số người đã cho rằng đây là một tấn công vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
.
.
.

No comments: