Việt Kiều – Quác
12:01:am 25/12/10
Tôi phải đính chính ngay: “Quác” không phải là âm thanh phát ra từ con vịt, mà nó là hình tượng để chỉ hành vi ngốc nghếch, ngớ ngẩn, nhiều khi là thô kệch của người nông thôn ra tỉnh. Nhưng ở đây ta đang nói chuyện Việt Kiều. Phải! Việt Kiều trong con mắt của không ít người, đặc biệt là những người trong nước vốn luôn coi Việt kiều là những người hào hoa, phong nhã, lịch thiệp và còn rất… chịu chơi nữa. Vậy nhưng bạn tôi bảo: Những “khúc ruột ngàn rặm” xa quê càng lâu bao nhiêu, càng trở nên “quác” bấy nhiêu, thậm chí ngay cả những người thường xuyên về nước cũng vẫn không lọt nổi mạng lưới sàng lọc của dân chúng chốn thị thành. Vì lý do đó mà không ít tay “quác” sau khi trở lại quê hương thứ hai của mình đã phải thốt lên rằng: Đứng giữa họ mình không “quác” không được.
Chào cờ buổi sáng
Tôi nhìn người bạn mới qua phép, hoài nghi bảo:
- Ông đừng nói với tôi là 5h45 hàng sáng, ông đã tỉnh dậy để cùng gia đình làm lễ chào cờ buổi sáng đấy chứ?
Người bạn tôi nhăn răng cười, bảo:
- Ông đúng là thằng “quác”. Chỉ có dân “khúc ruột ngàn rặm” như tôi và ông mới chăm chăm hàng ngày “phục” đến giờ để “Đoàn quân Việt Nam đi…” thôi, tiết mục ấy nó xưa lắm rồi ngài ơi. Ở nhà bây giờ vẫn “Đoàn quân Việt Nam đi…” nhưng không phải là vai bồng súng rồi hiên ngang lao vào chỗ chết. Mà dân ở nhà bây giờ nó hò nhau đi du học, đi xuất khẩu lao động và di dân vào “lòng địch” để làm giàu. Bọn nhà giàu (gọi chung là các đại gia), vốn chẳng bao giờ đủ thời gian để giáo dục con cái, bởi giờ giấc vàng ngọc chỉ đủ để các ông, bà đó mánh mung, áp phe và du hí với đám bồ nhí. Đến khi sực nhớ mình còn có đám con, cháu ở nhà, chúng cũng cần tới sự chăm sóc, giáo dưỡng của bố mẹ… thì đứa đã bỏ đi bụi đời, đứa đã chích choác nặng. Nhiều đứa còn mang cả bệnh Aids về nhà nhưng mặt mũi chúng vẫn cứ tỉnh bơ, hệt như chuyện ông bà, bố mẹ nó phải cặp bồ nhí, rồi nay “công tác gấp”, mai có việc “đột xuất” nước này, nơi nọ…
Nhiều người bảo: Đó là mô hình mở của xã hội Việt thời quá… độ. Nghĩa là: Người nào việc nấy. Thế hệ nọ không được “chọc ngoáy” (còn gọi là xâm lấn) vào đời tư của thế hệ kia. Mà thôi ngài ơi, đó là con đường tất yếu mà xã hội Việt sẽ phải đi qua. Điều tôi muốn nói là “những đoàn quân Việt Nam” ra đi kìa. Họ đi đâu? Ai đi? Thời bao cấp, để được một xuất học bổng ra nước ngoài như tôi và ông, không phải gia đình cốt cán, tam, tứ đời tận trung báo quốc, thì cũng phải phấn đấu tới lòi… rom đít may ra mới “đủ điểm” để ra đi. Bây giờ Việt Nam Âu hoá từ A-Z rồi. Mà không – bạn tôi đính chính. – Mình phải gọi là Tư bản hoá nó mới chuẩn. Nghĩa là: “Đoàn quân Việt Nam đi…” được phân ra làm nhiều Classes. Business Class là dành cho con cháu các đại gia – những kẻ có quyền chức từ trung ương tới địa phương – những người vì trăm công ngàn việc, thời gian chỉ đủ lo việc… nước, nên không còn đủ thời gian để mắt, giáo dưỡng con cháu. Vì vậy khi họ sực nhớ, hoặc ý thức được trách nhiệm của những bậc làm cha, mẹ thì đám con cháu đã trở thành những thứ đồ phế thải mất rồi. Do vậy biện pháp tối ưu nhất là các đại gia lo khắc phục hậu quả. Mà xã hội Việt thì bất cứ nơi đâu, bất cứ xó xỉnh nào trên dải đất hình chữ “S” đều luôn luôn phải nỗ lực khắc phục những hậu quả tồn đọng cả. Nghĩa là: Đồng chí luật này ban ra, còn chưa ráo mực, đồng chí luật khác đã ngồi bệt lên đầu. Các đồng chí kế tiếp sẽ tiếp tục hồn nhiên ngồi bệt lên đầu những đồng chí trước. Cứ vậy, đồng chí nọ nối đuôi đồng chí kia, rồi hân hoan: chúng mình cùng phẹt lên… đầu nhau nhé. Việt Nam luôn bị khủng hoảng về khâu ứ… thừa là vì thế. Vậy là đám con, cháu hư hỏng nọ sẽ buộc phải lên đường ngay lập tức. Dĩ nhiên nơi họ đến sẽ không có mùi của thuốc súng và đạn bom gì cả. Thời nay, ngay cả những thằng người ngu, độn, “chí phèo” nhất cũng ý thức được: Thuốc súng sẽ chỉ đem lại sự chết chóc, tang thương, mất mát, thù hận chứ chẳng đổi lại được một cắc chính nghĩa nào. Do vậy cách khắc phục hậu quả duy nhất là đám con cháu mất nết kia sẽ buộc phải “lên đường”, nhưng không phải cập bến những thiên đàng XHCN, mà chúng sẽ phải đặt chân tới sào huyệt của bọn chuyên “diễn biến hoà bình” – Tây Âu. Phải. Những đứa con họ là sản phẩm của nền văn hoá Tây Âu du nhập, chi bằng gửi thẳng chúng đến đúng trường, đúng thầy, may ra mới có cơ hội hoàn lương?!
Xã hội Việt cũng lạ lắm. Có những thằng người mở miệng ra là chửi Tư bản lem lẻm, vậy nhưng con, cháu mình thì lại tìm đủ mọi cách để “tống cổ” chúng mày sang bằng được cái xứ thối rữa đó. Dân tình bảo: Đó là bệnh ghét người, ưa của. Mà bệnh này nó lở loét chủ yếu trong giới thượng tầng xã hội. Còn một Class nữa là Economic class – Loại này chỉ dành riêng cho đám con em thuộc giai tầng: Công-Nông-Binh – Một giai tầng vốn được xem là trụ cột trong xã hội, nhưng khốn thay đám con em, cháu, chắt họ sinh ra, lớn lên luôn trở thành những khúc ruột… thừa trong xã hội. Vì thế, thôi thì nhà cửa, trâu, bò, lợn, gà, ruộng, nương… tất tật những thứ gì có thể gom lại thành một món, họ sẵn sàng qui đổi ra Dollar, rồi lo cho đám con, em ra đi “tìm đường cứu nước”. Chỉ khốn nạn một điều, 9 đứa ra đi thì 10 đứa không hẹn ngày trở lại…
Tôi sốt ruột, nhắc bạn.
- Ngài đang nói chuyện “chào cờ buổi sáng” hay nói chuyện xuất khẩu lao động thế?
- Ờ, không! – Người bạn tôi cãi rồi thoáng ngẩn mặt. – Ừ nhỉ! Tôi đang tính kể chuyển “chào cờ buổi sáng” cho ông nghe lại thành chuyện “xuất khẩu” đám con cháu các đại gia. Ngài thông cảm! Anh bạn cười toét – Phong cách XHCN – mà không, phải gọi là bệnh lè phè XHCN không dễ gì thay đổi được. Trở lại chuyện “chào cờ buổi sáng”. Tôi không hâm như ngài nghĩ đâu, mà “chào cờ buổi sáng” là uống rượu buổi sáng.
- Ông bảo sao? Tôi hỏi bạn – mở mắt đã uống rượu?
Bạn tôi lại cười toét, bảo:
- Yes, Sir! Ông đúng là một thằng “quác”. Mà không – bạn tôi xua xua tay – dân ở nhà gọi ngài là “bigger Quác” mới phải. Chương trình “nghị sự” của dân ở nhà bây giờ là thế. Cứ 6 giờ sáng là phải có một cút rượu trong cơ thể. Thằng nào mà thiếu tiết mục này là hơi bị rườm rà đấy. Trên thế giới này có lẽ chỉ có dân Việt mình mới có lối sống đế vương như vậy. Sáng rượu! Trưa rượu! Tối rượu. Rượu tràn cung mây. Những nhà thơ “con cóc” ở nhà bảo: Nếu bác Hồ mà sống lại, chắc chắn Người cũng phải tự hào tới rơi lệ. Bởi thời của Bác nhàn tản lắm cũng chỉ: Sáng ra bờ suối, tối vào hang… là cùng. Vậy nhưng thời nay – thời mở cửa – dân ở nhà, thằng nào cũng trong tình trạng đi trên… mây cả, vậy mới thú chứ. Nhưng ngài biết không? Trên đường ô tô vẫn chạy rầm rầm. Xe máy vẫn lao vào nhau như rắn lượn. Còn các bác xe đẹp, xích lô, xe thồ và đi bộ thì thôi rồi… Cứ đường ông, ông “quất”. Thằng nào va, quệt, đụng, chạm vào “ông” là thằng đó tận mạng. Tôi hình dung, nếu cho gom tất cả đám đàn ông trên đường phố lại một chỗ, rồi bắt họ phải thổi bóng để kiểm tra nồng độ rượu trong cơ thể, tôi dám chắc với ngài: 10 thằng thì có 9,5 thằng đang say rượu. Vậy nhưng xã hội ta vẫn êm… trôi.
Mấy thằng tây ba lô gặp tôi, toe toét bảo: Người Việt number one!
Tôi lại nghĩ: Mẹ cha chúng mày! Giá ông có thực quyền, ông cấm toàn dân ông nốc rượu một ngày thôi, chắc chắn hình tượng Việt Nam của ông trong mắt chúng mày sẽ là “number one” lộn ngược. Đời là thế.
Khi tỉnh táo người Việt vốn không đủ dũng khí để nói những gì mình đang nghĩ. Vì thế người ta phải say. Khi say hai đầu gối con người ta vốn rũ xuống, lời nói dường như cũng trơn tru, mượt mà và mạch lạc hơn. Bọn tây nó nhầm vì lẽ đó chăng? Ngài hình dung xem, nếu cơn say triền miên, tất người ta sẽ mất đi cảm giác thăng bằng. Người Việt mình đang hoà mình vào cơn say đó. Đám bạn tôi tếu táo bảo: Giá như Quốc hội Việt Nam có đủ thẩm quyền để ra một nghị luật “khuyến khích và bảo vệ quyền uống rượu cho người dân” rồi triển khai tới từng cơ sở, thì đất nước mình tưng bừng, phấn khởi biết nhường nào. Chỉ tiếc là hơn 400 cụ nghị ngồi trong Quốc hội, chưa say nhưng ngoài mục ngồi gà gật tới chai đít quần, rồi nhiệt tình biểu quyết, thì họ chẳng làm được tích sự chó gì cho dân, cho nước cả.
Vậy nên nhiều người ví: Rượu là nguồn động lực duy nhất giúp cho mọi thế hệ trong xã hội này quên được những cảm giác vinh-nhục, mất mát, đói rách, nhức nhối thường nhật. Văn vẻ hơn: Rượu là liều thuốc bổ mà đảng ban phát cho dân, giúp họ quên đi sự tồn tại của chính mình, của thời cuộc.
Cái đích tối thượng của chủ nghĩa CNXH và Cộng sản vốn dĩ là thế.
© Việt Hà
(còn tiếp)
© Đàn Chim Việt
--------------------------------
Cùng tác giả :
.
.
.
No comments:
Post a Comment