Tư Ngộ
Chuyện Vỉa Hè
Sunday, December 19, 2010
Một người quen của tôi nói rằng, khác với báo chí các nước có tam quyền phân lập rành rẽ không được… ba là một, ở Việt Nam, báo chí vừa làm thầy, vừa làm quan tòa, vừa làm cảnh sát, còn làm nhiệm vụ thông tin trung thực theo đúng nghĩa báo chí thì không có.
Thấy tôi thắc mắc, người này giải thích thêm: Lúc nào cũng nghe lãnh đạo báo đài, các quan chức nhà nước lặp đi lặp lại rằng báo chí có nhiệm vụ “định hướng quần chúng,” “định hướng dư luận,” chẳng phải là làm thầy người đọc hay sao? Chỉ người ngu không biết phân biệt đúng sai mới cần người ta định hướng, chớ người khôn sẽ biết đánh giá sự việc đúng sai và biết phải làm gì. Rồi còn bày ra chuyện báo chí phải có nhiệm vụ “cảnh giác” cho quần chúng, cái này chẳng phải báo chí giành luôn phần việc của cảnh sát thì là cái gì? Chuyện “báo ta” tự cho mình cái quyền thay Tòa án xét xử, tuyên án luôn cho người bị bắt trên mặt bao trước cả Tòa án thì không cần phải nói nhiều, ai cũng biết, nếu cần bằng chứng cứ vào Google gõ mấy chữ: Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Hải, Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, v.v… thì thấy liền. Nói thế thì người nghe không “tâm phục khẩu phục” mới là chuyện lạ.
Sau đây chỉ là một vài dẫn chứng trong hàng ngàn hàng vạn bản tin, bài viết của cái hệ thống báo đài giới thiệu cho quý vị xem để “mục tận sở thị” viết báo kiểu Việt Nam là như thế nào. Sở dĩ tôi chọn hai bào báo này vì nó có tính thời sự, dễ kiểm chứng và nội dung bài nói về nước khác, không phải tình hình chính trị xã hội Việt Nam cho nó khách quan.
Bài thứ nhất là “Lễ trao giải Nobel 2010” (Thanh Niên 11 tháng 12, 2010):
“Lễ trao giải Nobel Hòa Bình năm nay diễn ra hôm qua tại Oslo, Na Uy, theo AFP. Chiếc ghế dành cho người đoạt giải được để trống vì ông Lưu Hiểu Ba bị giam ở Trung Quốc vì tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Ngoài Trung Quốc, vốn kịch liệt phản đối kết quả này, 18 nước không nhận lời mời tham dự lễ trao giải. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Khương Du gọi buổi lễ là một “sân khấu chính trị” nhằm chống lại nước này. Cùng ngày, các giải Nobel khác cũng được trao tại Stockholm, Thụy Ðiển.
Hôm 9 tháng 12, lễ trao giải Khổng Tử Hòa Bình cũng diễn ra tại Bắc Kinh, theo tờ Nhân Dân nhật báo. Reuters dẫn thông cáo của ban tổ chức nói giải thưởng hòa bình đầu tiên của Trung Quốc, vốn lập ra nhằm “đáp trả Nobel Hòa Bình 2010,” được trao cho cựu phó lãnh đạo Ðài Loan Liên Chấn vì những đóng góp cho hòa bình xuyên eo biển Ðài Loan. Ông Liên không đến nhận nên giải thưởng trị giá 100,000 nhân dân tệ (15,000 USD) được trao tượng trưng cho một bé gái. Theo AP, ban tổ chức giải là một nhóm trí thức có liên hệ với Bộ Văn Hóa Trung Quốc.”
Không thấy bài báo cho biết có tổng số bao nhiêu nước được mời tham dự, và có bao nhiêu nước nhận lời mời. Theo toán học, từ số 2 trở lên được coi là số nhiều, con số 18 nước không tham gia dự lễ đọc lên có cảm giác quá xá nhiều, có vẻ như giải Nobel Hòa Bình này không được ai ủng hộ. Nhưng nếu thêm vào ý con số 18 đó chỉ là 1/3 số quốc gia từ chối thì hẳn người đọc sẽ hiểu rõ vấn đề hơn. Tác giả bài viết cũng đã để cho đại diện Trung Quốc là bà Khương Du phát biểu vung vít bằng từ ngữ thóa mạ các nước khác, nhưng lại “bịt mồm” không đăng ý kiến của ban tổ chức giải Nobel Hòa Bình.
Ðoạn dưới, đọc xong người ta không thể biết ai là chủ nhân giải Khổng Tử Hòa Bình, những người này có “ân oán giang hồ” gì với ban tổ chức Nobel mà phải “đáp trả,” nguồn tiền thưởng giải này từ đâu ra, ông Liên Chấn đã làm gì, tại sao ông Liên Chấn không đến dự lễ trao giải cho ông, ông đồng ý hay phản đối, bé gái được nhận tiền tượng trưng thay ông Liên Chấn có lý lịch như thế nào (có dây mơ rễ má gì với Liên Chấn không), sau khi bé gái nhận rồi thì có chuyển tiền cho ông Liên Chấn không hay cháu cũng bị người lớn sử dụng trong một “màn diễn” để chống lại giải Nobel?
Không thể bào chữa rằng khuôn khổ bài báo có giới hạn nên phải thiếu thông tin, nếu vậy thì không được đăng lời phát biểu của bà Khương Du, chớ sao lại “bịt mồm” một bên còn một bên thì cho “văng ra” đủ thứ? Chỉ cần thêm vài câu là giải đáp được những mù mờ của vấn đề, nhưng có lẽ người ta cố tình làm vậy, trong khi phía trên bài báo này là bài tường thuật rất chi tiết (không cần thiết). Những câu hỏi đặt ra ở trên quý vị có thể đọc được bất cứ chỗ nào trên các trang báo, website nước ngoài.
Bài thứ hai là: “Baidu qua mặt Google như thế nào?” (Tuổi Trẻ 11 tháng 12, 2010).
Mở đầu, bài báo giật hàng chữ đậm:
“Ðứng thứ hai trong danh sách 400 người giàu nhất Hoa lục do chuyên san kinh tế Forbes tháng 11, 2010 (ấn bản Châu Á) bình chọn, tỉ phú Lý Ngạn Hoành, 42 tuổi, với tài sản 7.2 tỉ USD, đã đánh bại Google để thống lĩnh thị trường công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc bằng website Baidu.com (Bách Ðộ).” Chữ “đánh bại” được tác giả bài báo dùng thay thế chữ “qua mặt” với mức độ tác động tăng dần lên, hàm ý nhấn mạnh một cách cố ý, gây sự tò mò cho người đọc báo Việt, không biết Baidu làm cách nào “đánh bại” người khổng lồ (được cả thế giới công nhận) Google?
Sau một hồi dông dài kể về “thời thơ ấu” của Baidu, tít nhỏ phần cuối bài báo, một lần nữa, tác giả tăng cường độ gây ấn tượng bằng cách dùng từ “hạ gục Google” thay thế cho từ “đánh bại.” Ðánh bại thì có thể đối phương chưa chết, chớ hạ gục là kể như chết ngắc.
Tác giả viết tiếp: “Tuy nhiên, Google vẫn không thể địch lại Baidu, khi Baidu được ‘người nhà’ ủng hộ và đặc biệt khi Google liên tục bị ‘chơi’ (người sử dụng gõ Google.cn sẽ được dẫn tức thì đến trang Baidu.com). Tháng 11, 2009, lúc Lý Khai Phục tuyên bố rời Google để thành lập công ty web riêng, cùng với loạt đòn ‘tra tấn’ của tin tặc, Google hiểu rằng cuộc chiến của họ với Baidu đã ngã ngũ.”
Ðến đây, người đọc mới té ngửa hóa ra Google chịu thua Baidu không phải vì chất lượng dịch vụ kém hơn mà vì bị áp chế bằng quyền lực chính trị của nhà cầm quyền Trung Quốc và kiểu cạnh tranh bẩn thỉu (tin tặc). Chẳng biết ông chủ Baidu Lý Ngạn Hoành có đọc được bài báo này hay không, nếu có, và là người có lòng tự trọng, hẳn ông Lý Ngạn Hoành phải đập đầu vào tường mà chết cho bớt xấu hổ vì cách tự hào kiểu mặt thớt, cạnh tranh bẩn mà còn nhơn nhơn tự đắc khoe ra.
Ðoạn cuối kết luận: “Không chỉ là trang web tìm kiếm, Baidu đã phát triển thành một công ty Internet khổng lồ. Chỉ riêng công cụ tìm kiếm, Baidu hiện có một thư mục với hơn 740 triệu trang web, 80 triệu hình ảnh, 10 triệu tập tin đa phương tiện, theo Wikipedia. Ngoài ra, còn có Baidu Map (bản đồ), Baidu News (tin tức), Baidu Knows (chia sẻ kiến thức), Baidu MP3 Search (tìm kiếm file nhạc), Baidu Space (trang mạng xã hội), Baidu Encyclopedia, Baidu Dictionary, Baidu Youa (mua sắm trực tuyến)… Nhưng Lý Ngạn Hoành chưa dừng lại. Mục tiêu tương lai là thị trường game, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử… và ‘xuất khẩu’ Baidu. Lý cho biết một nhóm chuyên gia đang dịch website Baidu sang hơn 10 ngôn ngữ và ‘tôi hi vọng trong 10 năm nữa, Baidu sẽ trở thành cái tên quen thuộc của 50% thế giới.’”
Ðọc xong, tôi có cảm giác đang đọc một bản báo cáo thành tích của cơ quan, đơn vị nào đó ở Việt Nam, hay là mấy bài viết “thành tựu 10 năm (20, 30 năm…) thường thấy trên “báo ta” mỗi dịp lễ tết. Hoặc là bản báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam do nhà cầm quyền Việt Nam trình bày ở các kỳ đại hội Liên Hiệp Quốc: “Việt Nam có hơn 700 tờ báo giấy, báo điện tử, có mấy chục (số cụ thể) đài phát thanh truyền hình, có mấy chục (số cụ thể tờ tạp chí), Bla… Bla… Bla…’
Ở Việt Nam, hai tờ báo được coi là tiến bộ nhất, thông tin có thể tin được nhất, có số phát hành khủng nhất (300,000 bản/số) là Tuổi Trẻ và Thanh Niên mà còn viết báo như vậy. Hơn 700 tờ báo khác, cũng chỉ là con cái trong cùng một bọc đi… lề phải, có lẽ nên miễn bình lựng thêm.
Tư Ngộ
.
.
.
No comments:
Post a Comment