Friday, December 10, 2010

ỦY BAN NOBEL KÊU GỌI TQ TRẢ TỰ DO CHO ÔNG LƯU HIỂU BA

BBC
Cập nhật: 12:38 GMT - thứ sáu, 10 tháng 12, 2010

Lễ trao giải Nobel Hòa bình đã diễn ra tại thủ đô Oslo của Na Uy, giữa lúc xảy ra tranh cãi gay gắt quanh người được giải, nhà đối kháng Lưu Hiểu Ba đang ngồi tù ở Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc tiếp tục đe dọa những người đối kháng quen biết ông Lưu.
Nhiều người đã bị tạm giam, hoặc bị cắt điện thoại.
Phóng viên BBC tại Bắc Kinh cho hay nhiều công an đứng trước ngôi nhà của vợ ông Lưu, bà Lưu Hà, ở Bắc Kinh.
Hai chiếc ghế được để trống tại lễ trao giải.
Chủ tịch ủy ban Nobel Na Uy, Thorbjoern Jagland, đã đọc bài diễn văn tại lễ và kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba.
Bắc Kinh nói quốc gia nào đến dự lễ trao giải Nobel tại Oslo hôm thứ Sáu 10/12 sẽ bị coi là thiếu tôn trọng Trung Quốc.
Hoa Kỳ cho hay giới chức nên cho phép tù nhân bất đồng chính kiến, Lưu Hiểu Ba đến Na Uy để nhận giải.
Ít nhất có 18 quốc gia tẩy chay lễ trao giải Nobel Hòa bình.
Lưu Hiểu Ba, 54 tuổi, là một trong các lãnh đạo chủ chốt của phong trào phản đối tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Năm ngoái ông Lưu bị tuyên án 11 năm tù vì “kêu gọi lật đổ chính quyền”, và sẽ không có mặt tại Oslo. Ủy ban Nobel ca ngợi ông Liu, là người tham dự “cuộc đấu tranh bất bạo động và dài lâu.”

‘Biểu tượng mạnh’
Một tuần trước ngày trao giải, người ta thấy Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch làm mất uy tín Ủy ban Nobel. Tuy vậy Chủ tịch Ủy ban, ông Jagland nhấn mạnh giải thưởng không phải là hành động chống Trung Quốc. “Giải thưởng này ca ngợi người dân Trung Quốc,” ông nói.
Và ông nói thêm: “Đây không phải là hành động phản đối, đây là tín hiệu cho Trung Quốc thấy rằng trong tương lai, phát triển kinh tế cần đi đôi với cải tổ chính trị, hậu thuẫn những người tranh đấu cho nhân quyền.”
“Giải thưởng Nobel Hòa bình thuộc về giá trị nhân quyền phổ quát, không phải là tiêu chuẩn của Tây phương.”
Ông Jagland nói tất cả thành viên của LHQ đều ký tên vào Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, và họ phải có “nghĩa vụ tôn trọng tài liệu này.”
Ông nói ghế dành cho ông Liu tại buổi lễ trao giải sẽ không có người ngồi, đó chính là biểu tượng cho thấy “giải thưởng này cần thiết đến mức nào.”
Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 1936, giải thưởng Nobel Hòa bình trị giá 1,5 triệu USD sẽ không trao tận tay người nhận.
Nhà hoạt động dân chủ tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi bày tỏ tình đoàn kết với ông Lưu. Bà nói là con người với nhau, bà muốn chìa bàn tay chia sẻ khó khăn trong lúc này.
Hôm thứ Năm, giám đốc Chương trình Nhân quyền của LHQ Navi Pillay kêu gọi giới chức hãy thả ông Lưu Hiểu Ba càng sớm càng tốt.
Trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các nước tẩy chay lễ trao giải.
.
.
BBC
Cập nhật: 15:17 GMT - thứ năm, 9 tháng 12, 2010

Lễ trao giải Nobel Hòa bình năm nay - cho nhân vật bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba của Trung Quốc - sẽ được tổ chức vào thứ Sáu 10/12. Giải thưởng này làm bùng lại cuộc tranh luận về hệ thống chính trị của TQ cũng như người dân nước này được hưởng bao nhiêu tự do. Phóng viên Michael Bristow ghi nhận từ Bắc Kinh.
Tại khu mua bán hạng sang ở trung tâm Bắc Kinh, một cửa hàng mới khai trương mang tên ‘Trung Quốc mới’ đang bán quần áo của một số nhà thiết kế thời trang hàng đầu tại nước này.
Hàng bán cũng đa dạng: từ váy ngắn, áo len đan đến áo phông với các khẩu hiệu in trước ngực.
Cách đây chưa đầy 25 năm, đa phần người Trung Quốc đều mặc cùng một kiểu, quần áo thường chỉ ba bốn màu buồn tẻ.
Ít nhất về ăn mặc, người dân TQ giờ đây có thể tự do thể hiện mình.
Quyền kiểm soát cuộc sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều, do chính phủ đã cải cách kinh tế và rút khỏi nhiều lĩnh vực xã hội.
Các công dân giờ có thể lập doanh nghiệp riêng, mua nhà riêng hay đi nước ngoài tự do.
Nhưng trong một khía cạnh, hầu như chẳng có mấy thay đổi. Chính trị vẫn hoàn toàn bị đảng Cộng sản TQ kiểm soát, và giới chức hầu như không tha thứ cho việc chỉ trích.

‘Phá hoại’
Đa phần người dân hầu như không được động chạm đến chính trị. Các quan chức không có thời gian cho những ai thách thức quyền lực của họ.
Khi công bố Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay, chủ tịch ủy ban Nobel, Thorbjorn Jagland, nhận xét rằng hiến pháp TQ hứa hẹn một số quyền, trong đó có tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, ông nói: “Trên thực tế, những quyền tự do này đã bị cắt bớt đi cho công dân Trung Quốc”.
Trung Quốc bảo vệ hệ thống chính trị của mình, nói rằng nó bảo đảm ổn định, cho phép kinh tế phát triển và giúp người dân giàu có hơn.
Các quan chức cho rằng việc ông Lưu gợi ý cải cách chính trị - đề ra trong bản Hiến chương 08 - đe dọa tới những thành tựu của ba thập niên cải cách vừa rồi.
Một công hàm của đại sứ quán TQ tại Na Uy gửi tới giới ngoại giao viết: “Lưu Hiểu Ba làm mọi thứ có thể để phá hoại sự phát triển và ổn định của TQ”.
Công hàm này có vẻ hối thúc giới ngoại giao không tham dự lễ trao giải Nobel Hòa bình.
Nghệ sĩ và là người chỉ trích chính phủ, Ngải Vị Vị, nhận xét hậu quả của những đường lối như thế là một “nhà nước cảnh sát”.
Ông nói: “Người dân bị theo dõi, điện thoại của họ bị nghe lén và bạn cũng có thể bị theo dõi.
“Họ có thể tìm ra bạn, đe dọa, làm bạn sợ, hoặc đưa ra những cáo buộc sai trái đối với bạn”.

Ranh giới
Có những người, như ông Lưu Hiểu Ba, muốn tìm cách phá bỏ ranh giới chính trị đó.
Ngay cả tại gian hàng ‘Trung Quốc mới’ cũng có bán quần áo của các nhà thiết kế tìm cách để lại dấu ấn chính trị trong tác phẩm của họ.
Một nhà thiết kế có bộ sưu tập quần áo với chủ đề gấu trúc - nhưng không phải các hình ảnh đáng yêu mà chính phủ hay dùng để đại diện cho đất nước, mà là những con gấu giận dữ, không vui vẻ.
Đây là những bình luận xã hội hay thời trang cao cấp?
Theo bà chủ tiệm ‘Trung Quốc mới’ là Hong Huang, vấn đề đối với bất cứ ai liên quan đến chính trị tại Trung Quốc là người ta không bao giờ biết họ có thể đi xa đến đâu.
Bà nhận xét: “Tôi nghĩ nước nào cũng có ranh giới mà người ta không thể vượt qua. Vấn đề tại Trung Quốc là ranh giới đó là một mục tiêu di động”.
“Có những lúc bạn nghĩ rằng ranh giới đã dịch chuyển ra xa, nhưng ngay sau đó, bạn mới nhận ra rằng bạn đang đứng trên chính ranh giới đó”.
.
.
.

No comments: