Trương Nhân Tuấn
Wed, 12/15/2010 - 13:07
Hai hiệp định phân định lại biên giới trên đất liền và phân định vịnh Bắc Việt đã gây nhiều thiệt hại cho Việt Nam về đất cũng như về biển. Hiệp định phân định vịnh Bắc Việt ký vào tháng 12 năm 2000 là một hiệp ước không bình đẳng. Việc phân định đã không dựa trên một qui tắc công bằng, theo luật Biển hay theo tập quán quốc tế. Nếu so sánh với Công ước Pháp-Thanh 1887 thì Hiệp định tháng 12 năm 2000 đã làm Việt Nam thiệt hại khoảng 11.000 km² biển. Hiệp định phân định biên giới trên đất liền ngày 30-12-1999 đã làm cho Việt Nam bị thiệt hại nhiều vùng lãnh thổ dọc theo biên giới, từ Trà Cổ thuộc Hải Ninh cho đến ngã ba biên giới Việt Trung Lào là ngọn Khoan La San. Những vùng đất bị mất, ngoài những vùng "biết đã mất" nhưng chưa nói đến vì chưa xác định cụ thể, như trường hợp các cao điểm chiến sự đã bị mất trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc 1979-1989 (mất ở các nơi đâu, diện tích bao nhiêu, nguyên do vì sao mất… khi nào có dữ kiện đầy đủ thì sẽ trở lại sau). Những vùng đất khác của Việt Nam mà phía Việt Nam có bằng chứng cụ thể, như đã xác định chủ quyền rõ rệt trên các biên bản phân giới Pháp Thanh 1887-1897, hay trên các bản đồ SGI, tức của Sở Địa Dư Đông Dương, những vùng đất này cũng bị mất thì mới thật là đau.
Người ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao phía VN có đủ bằng chứng để chứng minh rằng đất đó là của mình mà sao vẫn bị mất cho Trung Quốc ? Hoặc: Tại sao việc phân định vịnh Bắc Việt đã không đặt trên một nguyên tắc công bằng mà chỉ phân định một cách tùy tiện, bất kỳ… Mọi người có thể thấy sự phi lý của nó, rõ rệt trên bản đồ phân định, thể hiện qua sự thiếu đồng bộ của các giới điểm đối với hai bờ?
Trên đất liền, chỉ đưa ra một thí dụ cụ thể : vùng đất ở Nam Quan. Từ những năm 2000, cá nhân người viết bài này đã tìm được trong Văn Khố Hải Ngoại Pháp tại Aix-En-Provence (CAOM – Centre des Archives d’Outre-Mer) những bằng chứng địa lý và pháp lý cụ thể, như bản đồ và biên bản cắm mốc khu vực Nam Quan. Những tài liệu này đã công bố nhiều lần trên internet sau đó. Theo đó cột mốc cắm tại Nam Quan là cột mốc số 18, cắm trên đường từ Nam Quan về Đồng Đăng, cách cửa Nam Quan 100 mét về phía Nam. Đến năm 2005 người viết đóng tập các tài liệu đã thu nhặt được trong các văn khố Pháp về biên giới Việt Trung, một mặt công bố ở hải ngoại, một mặt gởi về ban biên giới trong nước, với hy vọng đóng góp phần nào trong việc giữ gìn đất đai bờ cõi của tổ tiên.
Nhưng các học giả Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, nhất định "ải Nam Quan" là của Việt Nam, phải đòi lại cho được. Các tổ chức chính trị hải ngoại cũng nhân dịp này lên tiếng tố cáo "Việt Cộng đã nhượng ải Nam Quan cho Tàu" hay "Việt cộng bán đất nhượng biển"... Dĩ nhiên tiếng nói của những người này sẽ hướng dẫn dư luận. Dư luận hiện nay vẫn còn nhiều người tưởng "Ải Nam Quan là của Việt Nam ". Những tố cáo này có thể đúng trong một mức độ lý thuyết chừng mực, nhưng khi nói đến đất đai, lãnh thổ là phải nói đến bằng chứng cụ thể, như văn bản, bản đồ… Hình như hầu hết những bằng chứng của các học giả này đưa ra để chứng minh Ải Nam Quan là của Việt Nam đều không có một giá trị nào về pháp lý. Ải Nam Quan do Tàu xây trên đất của Tàu, lấy tư cách gì để đòi lại?
Trong khi đó các bằng chứng do người viết đưa ra, thực sự có giá trị pháp lý và lịch sử, hơn nữa đó là các văn bản gốc, thì không ai sử dụng. Phải chăng tài liệu này không có giá trị vì không tố cáo ai, không khóc "hận Nam Quan"? Hay là tài liệu "tố cáo" Việt cộng bán đất ít quá? Hay vì tài liệu chứng minh Ải Nam Quan là của Tàu? Thực ra việc tố cáo này kia là việc của các tổ chức chính trị. Nhân danh một việc làm "tốt" họ có thể (trong chừng mực) bóp méo sự thật. Nhưng người trí thức, nhất là những người viết sử hay làm công tác khoa học, thì không thể nhân danh bất cứ "đấng" hay "lý tưởng" nào, mà chỉ nhân danh lương tâm, đạo đức và chân lý. Vì thế biết đến đâu nói đến đó. Người tự trọng không thể nói hơn cái mình biết được. Hơn nữa, về bổn phận công dân, mọi người dân phải có bổn phận giữ gìn đất nước. Các học giả VN "phóng lao phải theo lao", biết sai nhưng nhất định không chấp nhận mình sai. Ải Nam Quan không đòi lại được là chuyện dĩ nhiên, vì đó là của Tàu, nhưng vùng đất phía trước ải là của Việt Nam, lẽ ra có thể giữ được thì cũng mất luôn.
Theo tôi, thái độ của trí thức VN cũng là một trong nhiều nguyên do khiến VN bị mất đất.
Hãy đọc bản tin ở đây.
Tựa đề bài báo là "VN bị tố cáo cắm mốc lên lãnh thổ Campuchia", trong đó có đoạn:
"Với sự hiện diện của nhiều nhân viên hành chính và công an của Việt Nam, đại diện của Hội đồng giám sát Cambodia xác định cột mốc tạm số 108 đã được Ủy ban biên giới của 2 quốc gia cắm vào 60 mét bên trong lãnh thổ Cambodia. Cột mốc 109 được cắm vào sâu hơn, tới 200 mét về phía Cambodia ."
Vấn đề giải quyết ra sao chưa biết nhưng các viên chức phụ trách cắm mốc Việt-Miên thì cho rằng quí vị trong Hội Đồng giám sát Cam Bốt đã không biết đọc bản đồ! Đúng sai ở đây hậu xét. Điều đáng nể là thái độ và cách làm việc của trí thức Khmer.
Nếu so sánh được vấn đề trách nhiệm công dân giữa trí thức Khmer và trí thức VN, ta thấy trí thức Khmer có phần vượt trội. Rõ ràng trí thức Khmer thực tế và khôn khéo hơn trí thức VN nhiều lần. Trong trường hợp biên giới, trí thức Khmer đã dạy cho trí thức VN bài học "nói và làm" trong tinh thần "tri hành hợp nhất". Trí thức VN đã chỉ nói mà không làm (mà nói phần nhiều cũng không đúng).
Giả sử, trí thức VN cũng làm tương tự như trí thức Khmer ở biên giới Việt-Trung, thành lập tổ chức giám sát. Sau đó đến các mốc giới mới cắm, lấy lại thí dụ Nam Quan, trình bày với quan chức Việt-Trung đôi bên rằng : Theo các văn bản lịch sử xin trình ra đây, cột mốc tại Nam Quan mang số 18 cách cổng 100 mét, cột mốc 19 cắm trên đỉnh núi. Tại sao hôm nay cột mốc 18 lại dời về cột ki-lô-mét zéro, xa hơn ở phía nam, cách cổng Nam Quan khoảng 500m và cột 19 lại cắm dưới chân núi ? Chắc chắn là quan chức Việt Nam cũng như Trung Quốc sẽ không thể nói là quí vị không biết xem bản đồ được! Trong vịnh Bắc Việt cũng có thể làm tương tự như thế.
Nếu được như thế thì VN đã không thiệt hại đất, biển cho Trung Quốc qua hai hiệp ước về biên giới 1999 và 2000. Về trách nhiệm làm mất đất, mất biển dĩ nhiên phần lớn là do đảng CSVN, vì họ lãnh đạo, sử sách sẽ ghi lại. Bia miệng còn mãi ngàn năm. Nhưng việc giữ nước không xong thì kẻ thất phu cũng cảm thấy có trách nhiệm huống chi thành phần kẻ sĩ, thành phần tự nhận là "tinh hoa của xã hội".
Trong vấn đề phân định biển Đông cũng thế. Tôi cũng thấy hiện nay vấn đề này cũng đang đi theo phương hướng của việc phân định trên đất liền hay trong vịnh Bắc Việt. Tức là, nếu thay thế "đất" bằng chữ "Hoàng Sa" hay "Trường Sa", thì câu hỏi đặt ở trên "tại sao phía VN có đủ bằng chứng để chứng minh rằng đất đó là của mình mà sao vẫn bị mất cho Trung Quốc ?" cũng sẽ xảy ra nếu trí thức VN vẫn đi "rìa ngoài" của vấn đề. Tức là "tại sao phía VN có đủ bằng chứng để chứng minh rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của mình mà sao vẫn bị mất (đảo và biển) cho Trung Quốc ?". Vì hậu quả của việc mất này, vùng biển kinh tế độc quyền (ZEE - Zone Economique Exclusive) của VN có thể thu hẹp lại, (tùy theo chủ trương và trường hợp), đến 80% diện tích.
Hình như số phận của trí thức Việt Nam , ngày xưa là kẻ sĩ, luôn gắn liền với triều đình, với nhà nước. Họ chỉ "phù thịnh", phò chế độ theo lối "ngu trung" mà không biết phận nước an nguy ra sao. "Phù thế giáo" nhiều lắm cũng chỉ "một vài câu thanh nghị" là hết mức, tất cả phó mặc cho đảng và nhà nước. Nếu tiếp tục như vậy, tức là cứ tiếp tục để "đảng" độc quyền quyết định số phận đất nước, không nói quá, các thế hệ sắp tới của VN sẽ không còn vủng nước để rửa chân!
Trong hầu hết các tài liệu đã viết hay xuất bản sau 1975, trong và ngoài nước, của các học giả VN về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa mà tôi được đọc, dường như đều có một điểm chung : không người nào thiết lập được hồ sơ pháp lý của Việt Nam hiện nay. Tất cả đều bàn luận chung quanh vấn đề lịch sử, mà thực ra là chỉ lấy lại, hay bàn sâu thêm, các chi tiết lịch sử đã được công bố trước 1975. Các tài liệu gọi là pháp lý, thực ra chỉ là chép lại các ý kiến, các tài liệu của các học giả nước ngoài, nhất là về phần liên quan đến hiệu lực các đảo hoặc các chi tiết kỹ thuật về việc phân định biển theo các điều ước của bộ luật quốc tế về biển.
Hình như mọi người đều yên trí rằng tính "liên tục" của đế quốc An Nam thời Pháp thuộc cho đến nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay là một trình tự liên tục hiển nhiên. Hay là sự "kế thừa" của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đối với nước Việt Nam Cộng Hòa là một sự thụ đắc đương nhiên, không cần chứng minh. Không một tài liệu nào chứng minh cụ thể tính liên tục của quốc gia Việt Nam từ thời thuộc địa đến hôm nay, hay sự kế thừa của các chính phủ hay các quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là phù hợp với quốc tế công pháp.
Một tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải giữa hai hay nhiều quốc gia, nhất là của các quốc gia sau thuộc địa, nếu được phân xử ở một tòa án quốc tế, phần hồ sơ về pháp lý luôn quan trọng mà trong đó tính liên tục quốc gia và vấn đề kế thừa của quốc gia là việc hàng đầu.
Xét Sách Trắng của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa, ta thấy tài liệu này chỉ nói rất sơ lược về vấn đề pháp lý.
Vì sao? Vì nếu phân tích rạch ròi về pháp lý (sẽ nói ở bài tới ) thì sẽ đặt lại tư cách lãnh đạo của đảng CSVN. Từ lâu, trong nước đã có nhiều người nói, Đảng chủ trương thà mất nước (cho Trung Quốc) chứ không để mất quyền. Do đó người ta sẽ không ngạc nhiên về sự im lặng giới nghiêm về mặt pháp lý trong hồ sơ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam . Nói về việc này là nói đến một điều cấm kỵ, như việc "khi quân". Phải chăng lo sợ bị chém đầu nên không trí thức, học giả nào dám nói?
Trong khi đó, nếu không chứng minh được sự liên tục của quốc gia Việt Nam và việc kế thừa đã được xảy ra theo trình tự qui định của công pháp quốc tế, thì nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay không có chính danh. Danh không chính thì ngôn không thuận. Phía Trung Quốc đã nắm cái tẩy này của Việt Nam do đó mới đây họ tuyên bố rằng, đối với vấn đề Hoàng Sa thì "đã xong", không có gì mà thuơng lượng. Họ cho biết chỉ thuơng lượng với VN về các "chồng lấn" vùng kinh tế độc quyền, hay đề nghị khai thác chung, nhưng không từ bỏ danh nghĩa chủ quyền, vùng chung quanh quần đảo Trường Sa.
VN luôn "chắc ăn như bắp" rằng VN có đủ hồ sơ để chứng minh VN có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu chắc ăn như vậy, tại sao VN luôn bótay.com trước tuyên bố trên, hay những hành động ngang ngược từ nhiều năm nay của Trung Quốc mà không đưa vấn đề tranh chấp Hoàng Sa ra tòa án quốc tế?
Nhiều người nại cớ nếu phía TQ không đồng ý đưa ra tòa phân xử thì sẽ không làm được việc gì. Nhưng vấn đề ở đây, muốn biết thái độ của TQ ra sao trong việc này, ít nhất VN phải nộp hồ sơ đi kiện trước. Chưa nộp đơn kiện thì làm sao biết được ý định của đối phương ? Tại sao VN không nộp đơn đi kiện ở vấn đề Hoàng Sa ? Chắc chắn phải có uẩn khúc nào đó, mà vấn đề "Estoppen", tức hồ sơ bị bác vì có tuyên bố hay có hành động chính trị mâu thuẩn, hay tính liên tục và sự kế thừa quốc gia là những nghi vấn, khiến cho phía VN lo ngại.
Tại sao các cuộc Hội thảo về Biển Đông đều chỉ bàn luận chung quanh Trường Sa và vùng biển tiếp cận mà không hề nói, hay chỉ nói rất ít, vấn đề Hoàng Sa? Tại sao việc "Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông" cũng không hề nói đến vùng biển Hoàng Sa mà chỉ nói đến vùng biển Trường Sa, làm như vùng biển Hoàng Sa không thuộc biển Đông?
Hình như mọi người chỉ đơn giản nhận thức rằng, vì Trường Sa có sự tranh chấp của nhiều nước do đó việc giải quyết tranh chấp cần phải đa phương hóa, tức quốc tế hóa. Còn ở Hoàng Sa tranh chấp chỉ ở hai nước là VN và Trung Quốc, do đó giải quyết song phương. Đây là một nhận thức sai lầm, đến từ các nguồn chính thống. Tai hại hơn, vì là nguồn tin chính thống, nó còn là chủ trương của nhà nước và đảng CSVN.
Do đó, nếu không nhanh chóng đưa vấn đề Hoàng Sa trước ánh sáng quốc tế thì Hoàng Sa và vùng biển ở đây sẽ bị nhượng cho Trung Quốc, không khác chủ trương đã áp dụng ở vịnh Bắc Việt và trên đất liền.
Vấn đề là ý nghĩa của việc đưa Hoàng Sa trước ánh sang quốc tế là ra làm sao và việc "đưa" thể hiện thế nào ? Các vấn đề về "Estoppen" cũng như tính liên tục và sự kế thừa quốc gia có phải là những đe dọa thật sự hay không? Nếu có thì làm thế nào để vượt qua? Trí thức VN, nhất là trong nước, có thể làm được gì trước thách thức này?
.
.
.
No comments:
Post a Comment