Thursday, December 23, 2010

TƯƠNG LAI CỦA TIẾNG ANH (Lê Mạnh Hùng)

Lê Mạnh Hùng
Wednesday, December 22, 2010

Lá thư Luân Ðôn
Lê Mạnh Hùng

Anh ngữ là ngôn ngữ thành công nhất trong lịch sử thế giới. Tiếng Anh được nói trên tất cả mọi lục địa, được dậy cho hầu như tất cả các trẻ em trên thế giới như là một ngôn ngữ thứ nhì sau tiếng mẹ đẻ và là ngôn ngữ chính trong khoa học, doanh nghiệp toàn cầu và cả trong văn hóa bình dân nữa.

Nhiều người cho rằng tiếng Anh sẽ tiếp tục bành trướng mãi. Nhưng theo ông Nichola Ostlers, một nhà nghiên cứu về lịch sử ngôn ngữ, trong cuốn The Last Lingua Franca: English Until the Return of Babel, thì những ngày mà tiếng Anh được coi như là tiếng chung của thế giới có thể không còn bao lâu nữa.

Hiện nay thì đúng là tiếng Anh độc tôn. Không một nhà khoa học nào có thể được thế giới biết đến nếu không trình bày công trình của mình bằng tiếng Anh. Khi Ðức mua hàng của Brazil hoặc là Pháp bán hàng cho Angola, hợp đồng của họ được viết bằng tiếng Anh. Goldman Sachs tiên đoán là Trung Quốc có thể vượt Mỹ về kinh tế vào năm 2027, nhưng thay vì đòi thế giới phải học tiếng Hoa, chính phủ Trung Quốc đang cấp tốc mở rộng chương trình giáo dục tiếng Anh cho các trường trung tiểu học và công ty Walt Disney của Mỹ đã được mời mở một loạt những trường huấn luyện Anh ngữ cho trẻ em tại Trung Quốc.

Nhưng giống như các đế quốc, tất cả mọi tiếng phổ thông (lingua franca) dần đà đều cũng bị mất sự phổ biến của mình. Tuy rằng không có một ngôn ngữ phổ thông nào trong quá khứ có được tầm sử dụng phổ biến như tiếng Anh hiện nay, nhưng một số ngôn ngữ trong qua khứ cũng được phổ biến rất rộng rãi. Giới thượng lưu Châu Âu trong gần một ngàn năm nói chuyện được với nhau bằng tiếng La tinh. Vào năm 100 sau Công Nguyên, một người nói tiếng Hy lạp có thể đi từ Tây Ban Nha cho đến Ấn Ðộ mà vẫn có thể tìm ra được người nói ngôn ngữ của mình.

Chinh phục, thương mại và tôn giáo là ba động lực chính đằng sau việc phổ biến của các ngôn ngữ phổ thông khác. Và ông Ostler vẽ lại sự đi lên của tiếng Anh với đế quốc Anh định cư những người nói tiếng Anh của mình trên khắp thế giới. Sự chi phối của tiếng Anh được mở rộng bởi Hoa Kỳ với sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ, với các trường đại học hàng đầu của thế giới và với vị thế lãnh đạo thế giới trong cả kỹ thuật lẫn giải trí bình dân (Hollywood).

Nhưng liệu tiếng Anh có thể tiếp tục tồn tại như là ngôn ngữ phổ thông nhất của thế giới nếu sự chi phối về kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ không còn nữa? Ðối với tôi, giống như La tinh khi đế quốc La Mã sụp đổ, tiếng Anh sẽ còn tiếp tục là một “lingua franca” cho thế giới trong một thời gian dài dù Hoa Kỳ có sao chăng nữa vì một lý do đơn giản; học một ngôn ngữ mới là một công chuyện khó khăn và mất nhiều thời giờ. Nếu có một thứ ngôn ngữ nào là ngôn ngữ thay thế cho tiếng Anh hiện nay, thì ngay từ bây giờ hàng triệu trẻ em trên thế giới phải bắt đầu làm quen với nó - và như ta đã thấy chúng hầu như chỉ học tiếng Anh.

Tuy nhiên ông Ostler đưa ra bằng chứng rằng đã có những trường hợp mà một “lingua franca” đã biến mất chỉ sau vài thập niên. Trường hợp nổi bật nhất là sự sụp đổ của tiếng Ðức như là ngôn ngữ chung của giới khoa học. Cho đến năm 1910, hầu hết các công trình khoa học chính phải được viết bằng tiếng Ðức.
Nhưng cho đến giữa thế kỷ thứ 20, vị thế của tiếng Ðức đã sụp đổ. Ðó không phải chỉ là vì Ðức thất bại trong hai cuộc thế chiến. Khi những người Quốc Xã lên nắm quyền tại Ðức họ đã đuổi một phần ba số giáo sư đại học tại Ðức, đa số là người gốc Do Thái. Những người này di cư ra khỏi Ðức, phần lớn định cư tại Mỹ và Anh đã bảo đảm cho ưu thế của tiếng Anh như là ngôn ngữ của khoa học. Nhưng tiếng Ðức có thể là một trường hợp đặc biệt. La Tinh như là một ngôn ngữ phổ thông đã tồn tại lâu hơn nhiều: Gần hai ngàn năm. Cho đến thế kỷ thứ 19, khi mà đế quốc La Mã đã chết trên 15 thế kỷ, La Tinh còn được sử dụng như là ngôn ngữ hành chánh tại nhiều nước Ðông và Trung Âu.

Liệu tiếng Anh có tồn tại lâu được đến như vậy hay không? Ông Ostler chỉ ra rằng tuy rằng tiếng Anh được sử dụng phổ biến thật, nhưng sự phổ biến này chỉ có tính cách ngoài mặt mà thôi. Trong số khoảng 1.1 tỷ người được coi như là nói tiếng Anh, chỉ có khoảng 330 triệu người là coi tiếng Anh như là tiếng mẹ đẻ. Và dân số này không tăng bao nhiêu. Tương lai của tiếng Anh vì vậy nằm trong tay những nước bên ngoài những quốc gia nói tiếng Anh và liệu họ có tiếp tục học tiếng Anh hay không?

Một vài nước thuộc địa cũ của Anh đã có lúc tiếp tục như vậy, nhưng chỉ vì tiếng Anh được coi như là một thứ tiếng “trung lập” trong số những ngôn ngữ cạnh tranh dùng làm ngôn ngữ chính thức của tân quốc gia. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, tiếng Anh cũng đã bị loại bỏ tại một số nước như Sri Lanka và Tanzania khi mà những thành phần thượng lưu thuộc tầng lớp đầu nhường chỗ cho những thành phần mới quen sử dụng Sinhala hoặc Swahili hơn. Và quyết định học một thứ tiếng “lingua franca” là một quyết định có tính cách rất thực tế. Nếu nhu cầu thay đổi thì ngôn ngữ cần thiết cũng thay đổi. với các nền kinh tế đang phát triển càng ngày càng buôn bán với nhau, theo ông Ostler dần đà họ sẽ đặt câu hỏi tại sao họ lại dùng một ngôn ngữ mà - với Ấn Ðộ và Nam Phi là hai trường hợp ngoại lệ - không phải của họ. Với Trung Quốc đang thu hút một phần quan trọng tài nguyên thiên nhiên của thế giới, tại sao người ta lại không dùng tiếng Phổ Thông Trung Hoa để thương thuyết?

Ông Ostler biện luận rằng tuy rằng tiếng Phổ Thông Trung Hoa có thể được dùng nhiều hơn trong thương mại giữa Trung Quốc và các nước đang phát triển, nhưng nó cũng sẽ không thay thế được tiếng Anh.
Ngược lại ông đưa ra một nhận định cực đoan hơn: Tiếng Anh sẽ là “lingua franca” cuối cùng của thế giới.
Ðiều làm cho tiếng La Tinh suy thoái là cuộc cách mạng truyền thông tạo ra bởi việc phát minh ra nghề in. Với sự xuất hiện của nghề in, giới tư sản đang lên đã tự tin đủ để viết bằng tiếng nói của mình. Và theo ông Ostler, kỹ thuật điện toán mới có thể sẽ có tác động tương tự đối với tiếng Anh. Mỗi người cứ nói và viết bằng tiếng của mình và máy điện toán sẽ tự động dịch sang các thứ tiếng khác.

Nhưng loại trừ việc máy dịch hãy còn ở một tình trạng rất thô sơ không làm sao diễn tả được hết ý, còn có một vấn đề khác. Liệu ta có thể tưởng tượng được một thế giới mà người ta nói chuyện với nhau bằng cách nói vào máy điện toán? Ðối thoại là cốt lõi của mọi quan hệ giữa con người và con người. Và trong thương mại chỉ có trực diện đối thoại mới có thể giải quyết được những hiểu lầm. Thành ra tuy rằng không biết những gì tương lai sẽ mang lại, nhưng tôi ngờ rằng còn phải một thời gian lâu lắm mới thấy những bằng chứng của một sự suy thoái của tiếng Anh.
.
.
.

No comments: