Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Bài đã được xuất bản.: 23/12/2010 05:00 GMT+7
Có lẽ, ASEAN và Trung Quốc cần xây dựng một Hiệp ước về quy tắc ứng xử trên Biển Đông, mang nhiều nội dung tương đồng với COC mà các nước đang dự tính xây dựng, có bổ sung thêm các điều khoản quy định về hiệu lực.
LTS: Trong hai ngày 22 -23.12, các quan chức ASEAN và Trung Quốc gặp nhau tại Côn Minh, Trung Quốc, bàn về việc thực thi Tuyên bố của các bên về các nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông DOC, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý cao hơn.
Nhân dịp này, Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn riêng của tác giả Lê Hồng Hiệp, Khoa Quan hệ quốc tế, ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM về câu chuyện xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông cũng như những hạn chế của nó, từ đó gợi ý một giải pháp. Mời bạn đọc cùng tranh luận thêm.
Nỗ lực hướng tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông
Để góp phần kiểm soát những xung đột tiềm tàng tại Biển Đông, thời gian vừa qua ASEAN đã nỗ lực thuyết phục Trung Quốc đàm phán xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct - COC) nhằm thay thế cho Tuyên bố về cách ứng xử (Declaration of Conduct - DOC) của các bên ở Biển Đông được ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.[1]
Tại Hội thảo về Biển Đông diễn ra tại TP.HCM trong hai ngày 11-12/11/2010 vừa qua, nhiều học giả cũng nhấn mạnh việc xây dựng COC như là một bước đi cần thiết không những nhằm ngăn ngừa và quản lý xung đột mà còn nhằm thúc đẩy hợp tác vì hòa bình và phát triển trong khu vực Biển Đông. Nhiều ý kiến cũng coi việc Trung Quốc, trong một loạt động thái được coi là "xuống giọng" từ khi Mỹ tuyên bố tăng cường quan tâm tới vấn đề Biển Đông, bước đầu có thái độ tích cực hơn trong việc thương thảo COC với ASEAN như là một động thái đáng mừng đối với tình hình khu vực.
Nguyên nhân quan trọng nhất khiến ASEAN mong muốn ký COC với Trung Quốc là COC được coi là có giá trị pháp lý và tính ràng buộc cao hơn so với DOC. Trong khi DOC chỉ là một "tuyên bố" nên chủ yếu thể hiện ý chí chính trị của các quốc gia mà hầu như không có tính ràng buộc pháp lý, thì COC với tính ràng buộc pháp lý cao hơn được kỳ vọng sẽ khiến các quốc gia có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ các quy tắc ứng xử trên Biển Đông, nếu không họ có thể thậm chí bị "trừng phạt".
Các biện pháp chế tài dù chưa chắc chắn sẽ xuất hiện trong COC, nhưng nếu có thì chúng sẽ trở thành điểm khác biệt lớn nhất giữa COC và DOC.
Tuy nhiên, cho đến nay quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về xây dựng COC hầu như chưa bắt đầu. Các quốc gia liên quan vẫn chưa hình dung được hình hài của COC sẽ như thế nào và các biện pháp chế tài vì vậy nếu có cũng chưa định hình.
Cũng không ai dám chắc quá trình đàm phán COC sẽ kéo dài trong bao lâu bởi một số quốc gia quan trọng, đặc biệt là Trung Quốc, lại không hứng thú với một COC mang tính ràng buộc pháp lý cao, vốn có thể cản trở Trung Quốc tự do hành xử trên Biển Đông. (Bản thân quá trình để hình thành DOC vốn không có tính ràng buộc pháp lý đã mất 8 năm).
COC cũng có hạn chế
Trong khi quá trình đàm phán COC được dự kiến sẽ rất khó khăn như vậy, thì trong quan điểm của người viết, kết quả của quá trình đó cũng không chắc chắn sẽ đáp ứng được kỳ vọng của các bên tham gia.
Bởi bản thân một Bộ quy tắc ứng xử sẽ khó có thể có được giá trị pháp lý và tính ràng buộc cao bắt nguồn từ những đặc điểm của chính nó cũng như các quy định liên quan của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia.
Thứ nhất, khái niệm COC chủ yếu được áp dụng cho các cơ quan tổ chức, như các cơ quan chính phủ hay các công ty, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia (MNC), hơn là cho các quốc gia. Việc xây dựng các COC giúp cho các cơ quan, tổ chức này đảm bảo các nhân viên của mình làm việc theo những chuẩn mực nhất định do họ đề ra.
Một số học giả, tiêu biểu như Anne-Marie Slaughter, cho rằng các cách tiếp cận theo chủ nghĩa tự do coi trọng việc nâng cấp các quy tắc ứng xử của các cá nhân và các tổ chức hoạt động trong môi trường xuyên quốc gia trở thành các quy tắc ứng xử giữa các quốc gia, biến chúng trở thành một nguồn bổ sung của công pháp quốc tế truyền thống.[2]
Tuy nhiên quan điểm này không phù hợp với các xu hướng phản ánh tinh thần của chủ nghĩa hiện thực vẫn đang áp đảo trong quan hệ quốc tế hiện nay vốn coi trọng vai trò của các quốc gia hơn các cá nhân và tổ chức, và xây dựng luật pháp quốc tế theo cách tiếp cận từ trên xuống, tập trung vào vai trò của quốc gia.
Thực tế cho thấy hiện nay trên thế giới hầu như không tồn tại một bộ Quy tắc ứng xử nào, trên bất cứ lĩnh vực nào, mang tính ràng buộc pháp lý chính thức giữa các quốc gia.
Thứ hai, trong các văn kiện pháp lý quốc tế hiện nay về các điều ước quốc tế, đặc biệt là Công ước Viên về luật điều ước quốc tế năm 1969,[3] không có điều khoản nào đề cập đến các Bộ Quy tắc ứng xử cũng như giá trị pháp lý của nó. Điều tương tự cũng diễn ra ở cấp độ luật pháp quốc gia. Ví dụ, Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước quốc tế năm 2005 của Việt Nam cũng không hề đề cập đến các bộ quy tắc ứng xử và ý nghĩa pháp lý của chúng.[4]
Nói cách khác, để các văn kiện quốc tế có hiệu lực và mang tính ràng buộc pháp lý với các quốc gia nói chung cũng như Việt Nam nói riêng thì về hình thức văn kiện đó nên là một Điều ước quốc tế.
Thứ ba, về mặt kỹ thuật, ngay cả khi đã là một điều ước quốc tế thì để có hiệu lực đối với một quốc gia, văn kiện đó cũng phải trải qua những thủ tục pháp lý trong nước nhất định. Ví dụ, đối với Việt Nam , những văn kiện liên quan đến "hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia" phải được ký nhân danh nhà nước và phải được Chủ tịch nước hoặc Quốc hội phê chuẩn mới có hiệu lực.[5]
Với hình thức là một bộ Quy tắc ứng xử, COC sẽ không được hưởng quy chế của một điều ước quốc tế và vì vậy sẽ không được phê chuẩn, cho dù về bản chất đó là một văn kiện liên quan đến "hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia" của Việt Nam. Điều này gây nên những trở ngại cho việc áp dụng COC đối với Việt Nam và có thể cả các quốc gia liên quan khác.
Chính vì vậy, việc tiên lượng và giải quyết trước những vấn đề nêu trên sẽ giúp tránh được tình trạng các quốc gia bỏ ra rất nhiều công sức để xây dựng COC nhưng cuối cùng kết quả mang lại có thể chỉ là một văn kiện không có địa vị pháp lý rõ ràng và không có giá trị ràng buộc nào đáng kể hơn so với DOC như nó được kỳ vọng.
Vậy đâu là giải pháp cho các vấn đề trên?
Cần hướng tới một Hiệp ước về quy tắc ứng xử trên Biển Đông
Thứ nhất, biện pháp đơn giản nhất là ASEAN và Trung Quốc cần xây dựng một Hiệp ước về quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Hiệp ước này có thể mang nhiều nội dung tương đồng với COC mà các nước đang dự tính xây dựng, có bổ sung thêm các điều khoản quy định về hiệu lực.
Các bên cũng có thể dùng Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (Hiệp ước Bali) năm 1976, vốn cũng là một Hiệp ước mang tính chất quy định cách ứng xử giữa các quốc gia Đông Nam Á với nhau, như một mô hình tham khảo để áp dụng cho khu vực Biển Đông.
Thứ hai, nếu như việc xây dựng một Hiệp ước về quy tắc ứng xử trên Biển Đông được coi là không thực tế vào thời điểm hiện nay vì việc xây dựng một COC cũng đã quá khó khăn và thử thách cho ASEAN và Trung Quốc lúc này, thì các bên liên quan cũng cần lập một lộ trình cho việc hướng tới xây dựng một Hiệp ước như đã nêu.
Như GS. Carl Thayer đến từ Đại học New South Wales đã trao đổi trong Hội thảo về Biển Đông lần thứ 2 diễn ra tại TP.HCM vừa qua thì COC chủ yếu phục vụ mục đích "xây dựng chuẩn tắc" (norms setting). Các nội dung của COC muốn trở thành các chuẩn tắc hay tập quán được thừa nhận rộng rãi và có giá trị ràng buộc pháp lý quốc tế đối với các quốc gia cần trải qua một quá trình lâu dài, thậm chí không bao giờ kết thúc hay mang lại kết quả cụ thể.
Vì vậy, việc xây dựng một Hiệp ước về quy tắc ứng xử trên Biển Đông cho dù sẽ khó khăn hơn so với việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử, nhưng thực tế rằng mức độ khó khăn đó không quá khác biệt trong khi giá trị pháp lý của hai văn kiện lại hoàn toàn khác nhau cho chúng ta thấy sớm hay muộn Hiệp ước về quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ là một mục tiêu mà Việt Nam và ASEAN cần chủ động đề xuất và tích cực hướng tới.
Lê Hồng Hiệp (Khoa Quan hệ quốc tế, ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM)
--------------------
[1] Có thể tham khảo toàn văn bản tiếng Anh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông tại địa chỉ: http://www.aseansec.org/13163.htm
[2] Anne-Marie Slaughter. "A Liberal Theory of International Law" trong Proceedings of the 94th Annual Meeting (American Society of International Law, 2000), trang 242.
[3] Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế 1969. Có tại địa chỉ: http://untreaty.un.org/ilc/texts/instruments/english/conventions/1_1_1969.pdf
[4] Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước quốc tế năm 2005. Có tại địa chỉ: http://www.trade.hochiminhcity.gov.vn/data/vbpq/docs/20050719-lu-kh-in-41.htm
.
.
.
No comments:
Post a Comment