Mai Vân - RFI
Thứ ba 28 Tháng Mười Hai 2010
Từ Hy Lạp cho đến Bồ Đào Nha, trong thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng tuyên bố sẵn sàng bỏ tiền ra để giúp đỡ các nước Châu Âu này vượt qua cuộc khủng hoảng đang đe dọa nền tài chánh của họ. Theo giới phân tích, Bắc Kinh đang lợi dụng thời cơ Châu Âu bị khủng hoảng để tung tiền vào tìm cách khống chế.
Với khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ hàng ngàn tỷ đô la, Trung Quốc đang vươn lên thành một cứu tinh của các quốc gia này thông qua hai hướng chính : đầu tư vào cơ sở hạ tầng và mua công trái nhà nước. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, hành động của Trung Quốc không phải là vô vị lợi, mà nhằm một mục tiêu cụ thể : đó là tăng cường uy lực, nhằm tạo ảnh hưởng quyết định trên một trong những đối tác thương mại chủ chốt của họ.
Vào tháng 10 vừa qua, khi công du Hy Lạp, một nước Châu Âu đang bị lâm vào tình trạng gần như là không còn khả năng trả nợ, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã mang theo nhiều món quà tặng rất giá trị : hàng tỷ đô la hợp đồng kinh doanh và lời cam kết tiếp tục hỗ trợ của một nhà đầu tư nước ngoài cỡ lớn. Bắc Kinh đã hứa giúp Athens qua việc mua trái phiếu chính phủ nước này. Cử chỉ của Trung Quốc lẽ dĩ nhiên đã được chính quyền Hy Lạp hết sức hoan nghênh, xem đấy là một cơ may rất lớn cho một đất nước đang bị công nợ ngập đầu.
Qua tháng 11, trong chuyến đi thăm Bồ Đào Nha, đến lượt Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đề cập đến việc giúp Lisboa đối phó với khủng hoảng. Tại đấy, nhân vật lãnh đạo Trung Quốc đã hứa là sẽ “giúp đỡ Bồ Đào Nha bằng những biện pháp cụ thể”. Dù ông không nói rõ về biện pháp cụ thể, nhưng trước đó, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã hàm ý cho biết khả năng Bắc Kinh bỏ tiền ra mua công trái phiếu của Bồ Đào Nha. Một tháng sau đó, báo chí Bồ Đào Nha tiết lộ : Trung Quốc sẵn sàng mua đến 6,5 tỷ đô la công trái của nước này.
Theo các chuyên gia kinh tế, trường hợp Bồ Đào Nha hay Hy Lạp chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược chinh phục Châu Âu bằng đồng tiền mà Trung Quốc tiến hành trong một vài năm gần đây, lợi dụng thời cơ nhiều nước châu Âu đang hết sức cần tiền để giải quyết các khó khăn tài chánh. Trong tầm ngắm của Bắc Kinh còn có các nước như Ailen, Tây Ban Nha, thậm chí Ý và nhiều nước Đông Âu như Hungary…
Đối với giới phân tích, Trung Quốc đã tính toán kỹ lưỡng những mối lợi về kinh tế, chính trị, khi dùng kho dự trữ ngoại tệ to lớn của mình đầu tư vào Châu Âu. Trước hết, đó là việc Trung Quốc muốn giảm bớt sự lệ thuộc của họ vào đồng đô la Mỹ bằng cách đa dạng hóa các khoản đầu tư tài chính cũng như các loại ngoại tệ dự trữ. Ngoài ra, vì Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, cho nên Bắc Kinh cần nuôi dưỡng một khu vực đồng euro vững mạnh về kinh tế, để người châu Âu tiếp tục mua hàng Trung Quốc. Đây chính là việc áp dụng mô hình quan hệ kinh tế thương mại Mỹ - Trung vào trường hợp Châu Âu.
Trên nhật báo chính thức của Trung Quốc, tờ Global Times số ra ngày 09/06/ 2010, một chuyên gia thuộc Trường Kinh doanh Quốc tế Hoa Âu ở Thượng Hải đã giải thích như sau : "Trước hết, duy trì dự trữ ngoại hối bằng đồng euro là điều phù hợp với chiến lược lâu dài của Trung Quốc là cần phải đa dạng hóa kho dự trữ ngoại tệ của mình, hiện vượt mức 2.400 tỷ đô la, trong đó phần lớn là bằng đô la. Đây là điều cần thiết vì về lâu về dài, việc đồng đô la Mỹ sụt giá không thể tránh khỏi, khiến cho tài sản bằng đô la của Trung Quốc bị tổn thất. Do đó, để duy trì an ninh kinh tế cho mình, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc sẽ phải là dần dần giảm tài sản bằng đồng đô la Mỹ và chuyển sang các loại tài nguyên chiến lược như vàng, các nguyên liệu chủ chốt khác, và các ngoại tệ mạnh không phải là đô la… Vì vậy, lợi ích chiến lược của Trung Quốc vào lúc này là giúp châu Âu vượt qua khó khăn… Trung Quốc nên nắm lấy cơ hội này để tăng khối lượng tài sản bằng euro một cách thích hợp vì lợi ích chiến lược lâu dài của quốc gia".
Ngoài ra, chuyên gia Trung Quốc này còn khuyến cáo chính quyền Bắc Kinh như sau : "Trung Quốc có thể tận dụng cơ may hiện nay để đầu tư vào các nguồn tài nguyên chiến lược của ngành công nghiệp tài chính và khoáng sản châu Âu thông qua việc mua lại cổ phần. Đây là lúc mà Trung Quốc sẽ gặp ít sức đề kháng nhất trên bình diện chính trị, và sẽ thu hoạch lợi lộc trong tương lai".
Trong địa hạt chính trị, ngoại giao, Trung Quốc hy vọng rằng đồng tiền bỏ ra sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường uy lực đối với Bruxelles, giành được lợi thế trong việc giải quyết các mâu thuẫn tồn đọng từ nhiều năm qua như việc Liên Hiệp Châu Âu vẫn duy trì lệnh cấm vận buôn bán vũ khí cho Trung Quốc, hay là việc công nhận là Trung Quốc có một nền kinh tế thị trường đích thực.
Theo nhiều chuyên gia phân tích Châu Âu, mong muốn của Bắc Kinh không đơn thuần là lợi nhuận cho các doanh nghiệp Trung Quốc, mà còn là tác động đến chính sách kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu hiện đang được quyết định tại Bruxelles và tại Berlin.
Giáo sư Pháp François Godement, thành viên cao cấp chuyên về chính sách, tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, đã không khỏi so sánh những gì Trung Quốc đang làm tại Châu Âu với chiến lược mà Bắc Kinh từng thực hiện với Châu Phi : "Điều đang xảy ra là Trung Quốc đang mở rộng hoạt động ở châu Âu như họ đã làm ở châu Phi. Tuy nhiên, tại châu Âu, điều khác thường là họ đã thông qua các quốc gia vùng ngoại vi".
Chiến lược thâm nhập châu Âu của Trung Quốc đã phần nào gây chia rẽ trong nội bộ châu Âu. Nếu các nước đang gặp khó khăn như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ailen hay Hungary rất hoan nghênh bàn tay giúp đỡ của Trung Quốc, các cường quốc như Pháp hay Đức thì dè dặt hơn. Để hiểu rõ thêm về mối quan ngại của Liên Hiệp Châu Âu, RFI đã phỏng vấn Tiến sĩ Âu Dương Thế, chuyên gia kinh tế tai Dortmund (Đức) từng theo dõi hồ sơ này.
EU lo ngại sự đầu tư của Trung quốc vào Âu châu
Những thông tin về việc Trung quốc có ý định bỏ ra một số tiền lớn để mua trái phiếu chính phủ ở Tây Ban Nha hay đầu tư vào Hy lạp…. đúng ra là những việc bình thường trong thương mại quốc tế, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa như hiện nay. Nhưng tại sao người ta lại lo ngại sự có mặt của Trung quốc ? Trong khi đó, các công ty xe hơi của Đức, Nhật… đang đầu tư nhiều tỉ Euro ở Trung quốc từ nhiều năm qua và các loại xe hơi của họ đang bán rất chạy ở Trung quốc. Hoặc trong các dịp TT Pháp Sarkozy thăm Bắc kinh hay Chủ tịch Nước Trung quốc Hồ Cẩm Đào thăm Paris công ty Airbus đã kí những hợp đồng hàng tỉ Euro trong việc bán máy bay cho Trung quốc. Những việc này lại được coi là bình thường.
Sở dĩ nhiều giới quan ngại các hoạt động đầu tư của Trung quốc đang gia tăng ở EU vì người ta thấy rõ những hoạt động này của Trung quốc ở Phi châu và Á châu trong thời gian qua. Riêng ở Phi châu chế độ Bắc kinh đang bỏ những số tiền lớn trên 56 tỉ USD để lập những xí nghiệp khai thác các quặng vàng, đồng, than, Coltan và dầu khí…. ở các nước Congo, Tansania, Mozambique, Angola…Đây là những nguyên liệu và nhiên liệu cần thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế của Trung quốc. Trong các xí nghiệp này người dân bản xứ bị các chủ và cai người Trung quốc bóc lột lao động tàn nhẫn, đối xử rất tàn tệ, kể cả toa rập với các chính quyền độc tài và tham nhũng ở Phi châu. Điều này tương tự như thời thực dân Anh, Pháp… ở Á chậu trước đây bóc lột dân bản xứ, khai thác tài nguyên các nước thuộc địa làm giầu cho mẫu quốc. Không những thế, Trung quốc còn tìm cách di dân sang Phi châu, chỉ trong vài năm hiện đã có khoảng một triệu người Trung quốc đang làm việc ở nhiều nước Phi châu.
Còn ở Đông Nam Á, đặc biệt trong Asean, Trung quốc tìm cách dùng sức mạnh ưu thế về kinh tế và thương mại để mở rộng ảnh hưởng chính trị như ở Miến điện, Kampuchia, Lào và hiện nay cả VN nữa. Ở nhiều nước này Trung quốc đang khai thác nhiêu liệu, quặng mỏ và đưa người Hoa sang lập nghiệp. Bắc kinh còn đang ép các nước Asean dùng đồng Nhân dân tệ làm bản vị tiền tệ trong việc giao thương giữa hai bên.
Nói tóm lại, người ta quan ngại sự có mặt của Trung quốc vì mục tiêu và các chính sách thương mại của Trung quốc đang bộc lộ các đặc tính của thời kì kinh tế tư bản hoang dã đã xẩy ra ở ngay Âu châu trươc đây khoảng 2 thế kỉ và sau đó đã mở rộng ra trên thế giới ở các nước thuộc địa cho tới Thế chiến Thứ 2. Tức là hình thức tư bản bóc lột đang được Bắc kinh tái áp dụng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Trung quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở EU
Vì thế nhiều giới ở EU cũng quan ngại sự có mặt của Trung quốc trong các hoạt động kinh tế, thương mại ở Âu châu. Có một số lí do thời sự : Thứ nhất là đồng Euro đang gặp khó khăn vì một số nước trong khu vực Euro gặp khủng hoảng tài chính- kinh tế như Hy lạp, Ailen, Bồ Đào nhà, Tây ban nha… đưa đến hậu quả đồng Euro đang bị mất giá (từ 1 Euro = 1,60 USD, nay tụt xuống chỉ còn trên 1,30 USD). Một số nước này cần bán trái phiếu nhà nước. Vì thế nhẩy vào EU lúc này thì Trung quốc đang có nhiều lợi điểm.
Thứ hai, Trung quốc đang tích lũy một ngân khoản khổng lồ khoảng 2.500 tỉ USD do thặng dư từ xuất khẩu. Một phần lớn số tiền này Trung quốc đã mua trái phiếu của chính phủ Mỹ và qua đó gây được ảnh hưởng tới các chính sách kinh tế, thương mại và ngoại giao của TT Obama. Nay EU đang gặp khó khăn kinh tế-tài chính nên Trung quốc cũng muốn dùng một phần tiền còn lại để đầu tư vào khu vực EU, đặc biệt muốn mua trái phiếu chính phủ của các nước trong khu vực đồng Euro đang gặp khủng hoảng như Hy lạp, Bồ đào nha và Tây ban nha.
Riêng với Tây ban nha Trung quốc đã bỏ ra 400 triệu Euro để mua trái phiều ở đây. Ngoài ra Trung quốc còn thuê cả hải cảng Piräus ở Hi lạp để làm hải cảng quan trọng đưa hàng Trung quốc vào EU. Ngay tại Đức một số xí nghiệp Trung quốc cũng đã và đang đầu tư. Tin gần đây nhất là ngân hàng Nhà nước Trung quốc còn dự tính cả việc mua lại Ngân hàng Nhà nước của tiểu bang lớn nhất Đức là Nordrhein Westfalen vì ngân hàng này đang gặp khó khăn lớn.
Các trở ngại chính hiện nay
Trong Hội nghị cấp cao giữa EU và Trung quốc vào tháng 10 vừa qua ở Brüssel cho thấy một số trở ngại chính vẫn không được giải quyết. Đó là việc EU vẫn không nhìn nhận nền kinh tế của Trung quốc là nền Kinh tế thị trường. Bởi vì cũng như ở VN, nhiều lãnh vực kinh tế ở Trung quốc trước sau vẫn nằm độc quyền trong tay của nhà nước, tức của ĐCS Trung quốc, đáng ngại nhất là hệ thống Ngân hàng Nhà nước của Trung quốc đang quản trị một số tiền khổng lồ và họ đang muốn dùng số tiền này để mở rộng ảnh hưởng thương mại, kinh tế và cả chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới.
Trở ngại khác là Bắc kinh vẫn tìm cách duy trì đồng Nhân dân tệ ở mức thấp để các sản phẩm của Trung quốc dễ cạnh tranh hơn ở Âu châu. Vấn đề này cũng đã là đề tài tranh cãi trong Hội nghị cấp cao vừa qua ở Bruxelles.
Trở ngại thứ ba là các hành động vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Trung quốc. Đây cũng vẫn là khó khăn lớn trong bang giao về chính trị và kinh tế giữa EU và Trung quốc… Thành thử trong buổi lễ trao giải thưởng Nobel-Hòa bình cho nhà tranh đấu dân chủ Trung quốc Lưu Hiểu Ba vào 10.12 vừa qua, mặc dầu Bắc kinh đe dọa là những nước cử đại diện tham dự buổi lễ này sẽ gặp khó khăn của Bắc kinh, nhưng tất cả các đại sứ các nước thành viên của EU ở thủ đô Na uy Oslo đều có mặt.
Phương cách đối phó
Phương cách đối phó
Muốn biết cách đối phó như thế nào thì có thể so sánh mặt mạnh và yếu của hai bên.Tuy bị ràng buộc với nhau theo các Hiệp ước giao thương của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), nhưng Trung quốc và EU có nhiều khác biệt căn bản. Hai bên theo trật tự xã hội hoàn toàn khác nhau : Trong khi EU là những nước theo dân chủ đa nguyên, pháp trị và kinh tế thị trường trong đó tư nhân đóng vai trò chính trong các hoạt động kinh tế thì Trung quốc là chế độ độc tài toàn trị, các lãnh vực kinh tế chính vẫn nằm độc quyền trong tay của ĐCS Trung quốc, đặc biệt hệ thống ngân hàng của Trung quốc lệ thuộc vào chính quyền. Như vậy là ở đây có sự cạnh tranh giữa chế độ kinh tế thị trường và dân chủ đa nguyên với bên kia là kinh tế tư bản độc quyền dưới chế độ toàn trị của ĐCS.
Sức mạnh của EU là sự hậu thuẫn của đại đa số nhân dân, sự cạnh tranh lành mạnh và tháo vát của giới kinh doanh… Trong khi ấy sức mạnh của Trung quốc chỉ nằm trong kinh tế-tài chánh, nhưng chế độ chính trị chứa nhiều yếu tố bất ổn lớn : tham nhũng, bè nhóm, bất công và tệ hại nữa là độc tài không được lòng dân, chỉ dựa trên đàn áp và bạo lực. Mặt khác mức sống của người dân EU cao hơn nhiều so với Trung quốc. Đáng kể nữa, EU có hai đầu tầu kinh tế mạnh là Đức và Pháp, đồng thời có trình độ kĩ thuật công nghiệp cao. Như vậy chúng ta thấy EU có nhiều mặt mạnh hơn Trung quốc.
Do đó có thể thấy, nếu EU giữ vững các nguyên tắc và lập trường trong quan hệ kinh tế và ngoại giao với Trung quốc thì không có quan ngại lớn trong trường hợp Trung quốc đầu tư vào EU. Vì khi đó mọi hoạt động đầu tư của Trung quốc vào EU đều phải tuân thủ hệ thống luật pháp của EU. Vấn đề chính ở đây là EU nói chung và các nước thành viện EU nói riêng có đủ tự tin không, chủ động trong các cuộc đàm phán cả về kinh tế, thương mại lẫn ngoại giao. Trong đầu tư và giao thương với EU thì Trung quốc không thể áp dụng chính sách kiểu tư bản thời hoang dã mà họ đang thực hành ở Phi châu và một phần ở Đông Nam Á.
.
.
.
No comments:
Post a Comment