Friday, December 10, 2010

TRUNG QUỐC : LẦN HIỆN ĐẠI HÓA THỨ TƯ (The Economist)

Nguồn: The Economist

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Trung Quốc đang trở thành một lực lượng quân sự đáng gờm trong khu vực tây Thái Bình Dương. Hoa Kỳ nên phản ứng như thế nào?

Ba mươi lăm năm trước Đặng Tiểu Bình đã lên án Quân đội Giải phóng Nhân dân về tội "phô trương, vô kỷ luật, kiêu ngạo, ngông cuồng và trì trệ". Tuy thế, ba năm sau, khi ông bắt đầu công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc, ông đã để QĐGPND vào vị trí cuối cùng, sau nông nghiệp, công nghiệp và khoa học. Và vào năm 1982, khi vị tư lệnh hải quân đưa ra kế hoạch biến Trung Quốc thành một cường quốc trên biển, ông đã không nghĩ rằng mục tiêu của mình sẽ trở thành hiện thực trước năm 2040.
Về sau việc hiện đại hóa quân đội đã trở thành ưu tiên hơn, nhờ đến hai lần phô trương vũ lực của người Mỹ. Lần đầu, việc Hoa Kỳ đã dùng những vũ khí chính xác trong Chiến dịch Bão Sa mạc trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất đã thuyết phục Trung Quốc rằng họ không thể nương tựa khả năng phòng thủ của mình lên số đông được nữa. Lần thứ hai, khi QĐGPND đang uy hiếp Đài Loan với việc bắn thử tên lửa vào năm 1996, Tổng thống Bill Clinton đã ra lệnh đưa hai nhóm tàu sân bay vào khu vực, dẫn đầu một trong hai nhóm này là chiến hạm mang tên đầy kích động USS Independence. Trung Quốc đã phải thối lui.
Việc Liên Xô sụp đổ đã thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng một cuộc chạy đua vũ trang với siêu cường duy nhất của thế giới sẽ có thể tiêu phí nhiều tiền bạc, đủ để tạo ra nguy hiểm đối với sự kiểm soát của đảng. Thách thức trực diện với Mỹ thì không hợp lý lắm. Thay vì thế Trung Quốc đã dồn nỗ lực vào việc phát triển những loại vũ khí "bất đối xứng" có thể xoay trở được.
Chiến lược không chính thống này đã khiến cho việc đo lường mức tiến triển của QĐGPND trở nên khó khăn hơn. Quan điểm của phương Tây bị chia rẽ sâu sắc. Các nhà phân tích quân sự đang báo động về cái mà họ cho là một đe doạ ngày càng tăng đối với vị trí thống lĩnh hàng hải của Hoa Kỳ trong vùng tây Thái Bình Dương. Các chuyên gia về an ninh Trung Quốc lại xem thường những tin đồn gây hoảng hốt trên. Thế thì ai đúng?
Có ba lĩnh vực nổi bật trong quá trình hiện đại hoá của QĐGPND. Trước hết, Trung Quốc đã tạo ra cái mà Lầu Năm Góc gọi là "chương trình tên lửa đạn đạo và hành trình hoạt tính nhất thế giới". Quân đoàn Pháo binh Đệ nhị có khoảng 1.100 tên lửa tầm ngắn hướng về Đài Loan và đã đang mở rộng tầm bắn, tăng cường độ chính xác và trọng tải. Quân đoàn Pháo binh Đệ nhị cũng đang phát triển dàn tên lửa đạn đạo tầm trung, có thể mang được đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân. QĐGPND đã triển khai vài trăm tên lửa hành trình tầm xa phóng từ đất và từ không trung. Và họ đang chế tạo loại tên lửa đạn đạo chống tàu chiến đầu tiên trên thế giới, được gắn vào một phương tiện quay lại trái đất để thêm phần nguy hiểm.
Thứ hai, Trung Quốc đã chuyển hoá và mở rộng hạm đội tàu ngầm của mình, hiện đang thả neo tại căn cứ vừa hoàn tất trên đảo Hải Nam nằm ở bờ biển phía nam Trung Quốc. Trong vòng tám năm trước 2002 Trung Quốc đã mua từ Nga 12 chiếc tàu ngầm hạng Kilo, một tiến bộ lớn so với những tàu ngầm tự chế hạng Minh và Romeo ồn ào. Kể từ đó hải quân QĐGPND đã có những chủng loại tàu ngầm tầm xa và êm ả hơn do chính Trung Quốc thiết kế, bao gồm hạng Tấn chạy bằng động cơ hạt nhân mang các tên lửa đạn đạo, và hạng Thương, một loại tàu tấn công có động cơ hạt nhân. Trung Quốc có khoảng 66 tàu ngầm so với 71 chiếc của Hoa Kỳ, mặc dù tàu của Hoa Kỳ tối tân hơn. Đến năm 2030, theo tổ chức nghiên cứu Úc Kokoda Foundation, Trung Quốc có thể có từ 85-100 tàu ngầm.
Và thứ ba, Trung Quốc đã chú tâm vào cái mà họ gọi là "thông tin hoá" (informatisation", một khái niệm khó đọc do Giang Trạch Dân đặt ra vào năm 2002 để diễn tả việc QĐGPND cần phải hoạt động như một lực lượng duy nhất, dùng những bộ phận cảm ứng, thông tin, chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng. Trung Quốc hiện biết rõ những gì xảy ra tận vùng Thái Bình Dương nhờ hàng loạt những vệ tinh, radar vượt tuyến chân trời, radar sóng vi ba tầm trung, những máy bay thám thính và dàn cảm ứng dưới nước.
Trung Quốc cũng đang thiết kế vũ khí chống vệ tinh. Các vệ tinh của Mỹ đã bị "loá mắt" vì những tia lazer bắn từ mặt đất. Và trong năm 2007 một tên lửa đạn đạo bắn từ trung tâm vũ trụ Tây Xương ở Tứ Xuyên đã làm nổ tung một vệ tinh theo dõi khí hậu - một thành tựu vượt bậc, mặc dù những quốc gia khác đã nổi giận vì việc này tạo ra hơn 35 nghìn mảnh rác mới trong vũ trụ.
Giới tin tặc Trung Quốc cũng đang rất bận rộn. Vào tháng Ba năm ngoái các nhà nghiên cứu Canada đã khám phá ra một mạng lưới tình báo chứa hơn 1.300 máy tính, đa phần từ Trung Quốc, đã đột nhập vào hệ thống của các chính phủ. Các mục tiêu từ Đài Loan và phương Tây từng phải chịu đựng những cuộc tấn công mạng nghiêm trọng từ Trung Quốc ít nhất là 35 lần trong thập niên trước năm 2009, theo Northrop Grumman, một công ty quốc phòng Mỹ. Lầu Năm Góc thừa nhận rằng họ không chắc là QĐGPND đứng sau những cuộc tấn công này, nhưng cho rằng những nhà phân tích có "quyền lực" trong QĐGPND nhận thấy rằng chiến tranh mạng là quan trọng.

Kho vũ khí mới
Điều này sẽ dẫn đến việc gì? Các chuyên gia quân sự ở Mỹ, Úc và Nhật cho rằng kho vũ khí mới của Trung Quốc mang mối đe doạ lớn hơn cả dự định đầy đình đám nhằm hạ thuỷ những chiếc tàu sân bay trong khoảng một thập niên tới. Alan Dupont thuộc Đại học Sydney ở Úc nói rằng "tên lửa và vũ khí mạng tương đương đang trở thành loại vũ khí được ưa chuộng cho những ai không có sức mạnh từ vũ khí qui ước."
Căn cứ theo Trung tâm Nhận định Chiến lược và Ngân sách, một học viện nghiên cứu Hoa Kỳ, hoả lực của Trung Quốc đang đe doạ các căn cứ của Mỹ tại châu Á, vốn cho đến nay vẫn được bình yên ngoại trừ việc bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Các tên lửa của Quân đoàn Pháo binh Đệ nhị có thể tràn ngập hệ thống phòng thủ của các căn cứ và phá huỷ đường băng cũng như phần đông các chiến đấu cơ và chiến hạm. Nhật hiện đã nằm trong tầm tên lửa của Trung Quốc, đa số hiện đang hướng về Đài Loan. Đảo Guam sẽ sớm lọt vào tầm bắn (xem hình 1).

Các tàu ngầm, tên lửa và tên lửa hành trình chống tàu chiến của Trung Quốc đang đe doạ các hạm đội hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ trong vòng 1.000 đến 1.600 hải lý ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Theo Ross Babbage, một nhà phân tích quốc phòng và người sáng lập Kokoda Foundation, nếu Trung Quốc có được một tên lửa đạn đạo chống tàu chiến, nhanh chóng tiến công và không đưa ra cảnh báo thì sẽ càng khó khăn hơn để phòng chống. Và các vũ khí không gian và mạng của Trung Quốc có thể được sử dụng như các nhà lập kế hoạch Trung Quốc gọi là "chuỳ sát thủ" trong một tấn công bất ngờ được thiết kế để đập tan hệ thống điện tử phức tạp nhưng mỏng manh của Hoa Kỳ. Việc này sẽ khiến cho quân đội mù và điếc phân nửa, và các căn cứ cũng như các hàng không mẫu hạm của họ vẫn dễ bị tổn thương.
Tóm lại, khả năng tấn công của Trung Quốc đã vượt quá xa việc tìm cách ngăn cản sự can thiệp của Hoa Kỳ trong những tranh chấp tương lai giữa lục địa và Đài Loan. Hiện nay Trung Quốc có thể chứng tỏ sức mạnh từ vùng duyên hải ra xa hơn giới hạn 19 km mà người Mỹ từng không e dè tiếp cận. Ông Okamoto, chuyên gia an ninh Nhật cho rằng chiến lược của Trung Quốc là có "toàn quyền kiểm soát" cái mà các nhà hoạch định gọi là Đệ Nhất Chuỗi Đảo. Rốt cuộc thì Trung Quốc dường như muốn ngăn chặn hạm đội Mỹ để không thể bảo đảm được quyền lợi của họ trên khu vực tây Thái Bình Dương.
Các quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đã lưu ý điều này. Năm ngoái bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đã đưa ra cảnh báo rằng "những đầu tư [từ các quốc gia như Trung Quốc] vào chiến tranh mạng và vệ tinh, các loại vũ khí đối không và chống chiến hạm và tên lửa đạn đạo có thể đe doạ con đường chủ lực của Hoa Kỳ trong việc biểu dương sức mạnh và giúp đỡ đồng minh trong vùng Thái Bình Dương - đặc biệt là đối với những căn cứ tiền phương và các hạm đội tàu sân bay của chúng ta."
Ông Babbage thì thẳng thừng hơn: "kế hoạch phòng vệ hiện tại thì vô giá trị," ông nói. Ông và những nhà phân tích khác tại CSBA cho rằng Hoa Kỳ cần xem lại chiến lược của mình trong vùng Thái Bình Dương. Họ cần nên tăng cường các căn cứ và phải có thể ngăn chặn những cuộc tấn công của Trung Quốc bằng cách nghi trang cũng như triển khai thêm máy bay và tàu chiến trong khu vực. Các lực lượng Hoa Kỳ phải có hệ thống hậu cần tốt hơn và phảI có thể chiến đấu trong hoàn cảnh mạng lưới thông tin bị tê liệt. Điều tối trọng là họ phải nằm trong vị thế để ngăn chặn khả năng dọ thám điện tử, theo dõi và khả năng nhận định tổn thất giao chiến của Trung Quốc, một số các phương tiện này được bảo vệ bởi một hệ thống đường hầm mà vũ khí của Hoa Kỳ không dễ gì vươn tới.

Thái Bình Dương chỉ trên danh nghĩa mà thôi
Các nhà chỉ trích nói rằng các chiến binh của chiến tranh lạnh đang bị mắc chứng "mất địch thủ". Trước tiên, ấn tượng rằng chi phí quốc phòng Trung Quốc đang tăng vọt là không đúng. Ngân sách của QĐGPND phần lớn đã tăng trưởng theo tỉ lệ GDP trong thập niên qua, sau hai thập niên mà tỉ lệ phần trăm của nó trong số GDP bị giảm (xem hình 2). Các chuyên gia có nhận định khác nhau về ngân sách quốc phòng Trung Quốc, vốn chỉ được tiết lộ một phần. Sam Perlo-Freeman thuộc Học viện Nghiên cứu Hoà bình Thế giới Stockholm cho rằng tổng số chi phí quân sự của Trung Quốc năm 2009 ở khoảng 99 tỉ Mỹ kim, mặc dù có những dự đoán cao hơn và tổng số chính thức là chỉ 70 tỉ. Trong khi đó Hoa Kỳ dự tính sẽ chi tiêu 663 tỉ Mỹ kim. Theo tỉ lệ phần trăm GDP, Trung Quốc chi phí ít hơn phân nửa con số của Hoa Kỳ và ít hơn cả bản thân họ chi tiêu vào thời gian đầu của giai đoạn 1990s. "Không có nhiều bằng chứng về chạy đua vũ trang," ông Perlo-Freeman nói.
Một số người khác nghi ngờ về chất lượng của vũ khí Trung Quốc. Một đô đốc Hoa Kỳ đã về hưu nói rằng đa số những vũ khí quốc gia này mua từ Nga là đồ "phế thải". Bất chấp tiến triển, Trung Quốc vẫn thiếu hệ thống hướng dẫn và kiểm soát, các động cơ tuốc bin, dụng cụ bằng máy, các phương tiện chẩn đoán và phân tích cũng như bộ phật thiết kế và sản xuất được hỗ trợ bởi vi tính. "Trung Quốc đã tiến nhanh và dài," Giáo sư Dupont nói, "nhưng quá trình hiện đại hoá quân sự trở nên khó khăn hơn từ đây."
Một số cũng nghi ngờ về nhân lực của Trung Quốc. QĐGPND đã trở nên chuyên nghiệp hơn nhiều so với thời kỳ còn là một đội quân nông dân, nhưng họ lại thiếu kinh nghiệm. Nigel Inkster thuộc Học viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhớ lại một trong những người sáng lập nghành hải quân Trung Quốc từng nói với ông rằng: "Không phải là tôi không biết nhiều về việc đi biển, chỉ là tôi chưa bao giờ được thấy biển."
Những vấn đề phức tạp như chiến tranh tàu ngầm cần nhiều năm để học được. "Nếu bạn chiến đấu, sẽ có những lổ hổng ," Christian Le Mière thuộc IISS nói. "Và cho đến khi bạn thật sự lâm trận, bạn sẽ không biết chúng là gì." Viên đô đốc về hưu nghĩ rằng quân đội Trung Quốc đang gánh chịu tình trạng thiếu lòng tin, điều có thể cản trở họ trên chiến trường. "Chúng tôi trao cho binh sĩ của mình trách nhiệm và sự chủ động," ông nói. "Điều ấy trở thành lời nguyền của họ."
Robert Ross, một giáo sư tại Harvard cho rằng những kẻ bi quan đã đánh giá cao mối đe doạ của Trung Quốc và đánh giá thấp sức mạnh của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ theo dõi tàu ngầm của đối phương dễ dàng hơn, chiếm thế thượng phong hơn trong chiến tranh mạng và ít bị đe doạ hơn so với Trung Quốc trên không gian - chỉ vì họ xây dựng những phương tiện dư thừa. Trung Quốc sẽ phải vất vả để thâm nhập hệ thống đối phó và ngụy trang điện tử được dùng để bảo vệ các chiến hạm của Hoa Kỳ. Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc lưu ý rằng Hoa Kỳ đã huy động 31 trong số 53 tàu ngầm tấn công nhanh và ba tàu ngầm hạng Ohio với động cơ hạt nhân đến khu vực Thái Bình Dương.
Với những điều không chắc chắn trong cuộc tranh luận này, có ba điều không cần tranh cãi. Thứ nhất, Trung Quốc đã khiến cho các tàu chiến Hoa Kỳ nghĩ đến việc họ phải làm gì và khi nào họ tiếp cận bờ biển Trung Quốc. Các tàu chiến Hoa Kỳ càng đến gần thì càng phải đối điện nhiều hơn các tên lửa và tàu ngầm và ít thời gian hơn để ứng phó một cuộc tấn công. Những ai vận hành một hàng không mẫu hạm trị giá từ 15 - 20 tỉ Mỹ kim với 6000 thuyền viên sẽ phải suy nghĩ kỹ về việc mạo hiểm thêm. Qua việc từ chối khả năng chiếm giữ mặt biển của Hoa Kỳ, nơi họ đã thống lĩnh trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã không cần phải bảo vệ vùng bờ biển của mình; họ chỉ cần có khả năng đe doạ tàu chiến của Hoa Kỳ trong khu vực. Hugh White, cựu nhân viên an ninh và quốc phòng Úc, đã tiên liệu rằng vùng tây Thái Bình Dương sẽ trở thành một "khu vực hải quân không được đi lại".
Thứ hai, khả năng phô trương sức mạnh của Trung Quốc đang tiến triển dần. Những tàu ngầm, máy bay chiến đấu, tên lửa, và khả năng chiến tranh mạng và điện tử, vốn từng nghèo nàn, nay trở thành một mối đe doạ. Các vũ khí của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và quân đội của họ sẽ có thêm kinh nghiệm. Nếu nền kinh tế không bị đình trệ thì ngân sách cũng sẽ tăng lên, chắc chắn và có thể theo tỉ lệ của GDP. Với những điều bình đẳng khác, Trung Quốc có thể phô trương sức mạnh của mình tại sân sau dễ dàng hơn nhiều so với việc Mỹ phải phô trương sức mạnh của mình xuyên qua biển Thái Bình Dương. Điều đang bị đe doạ chính là cái mà ông Gates gọi là "nơi lưu trú mà hải quân chúng ta đã được hưởng trên vùng tây Thái Bình Dương trong hầu hết sáu thập niên qua".
Thứ ba, mặc dù Hoa Kỳ có thể đáp trả lại Trung Quốc, trước hết họ phải vượt qua vài khó khăn. Chi phí quân sự của Hoa Kỳ tại châu Á đang bị đe doạ bởi việc cần thiết phải cắt giảm toàn bộ chi phí của chính phủ và bởi những ưu tiên quân sự khác như Afghanistan. Jonathan Pollack thuộc Học viện Brookings chỉ ra rằng một số ý kiến, ví dụ như thay thế các tàu sân bay bằng nhiều tàu ngầm, chắc chắn sẽ gặp phản đối từ ngành hải quân và từ những chính trị gia có cử tri bị ảnh hưởng vì việc này. "Đối với nhiều sĩ quan thì hình ảnh chính thức cốt lõi không phai mờ của ngành hải quân gắn liền với những hàng không mẫu hạm và những nhiệm vụ phô trương sức mạnh mà chúng thực hiện," ông nói. "Cắt giảm bớt chúng sẽ là một quá trình đầy đau đớn." Trên hết, việc thay đổi này trong kế hoạc quân sự sẽ cần nhiều thập niên: Hiện nay Hoa Kỳ cần phải nghĩ đến Trung Quốc của năm 2025.
Tất cả những điều này đều hướng về một nguyên lý quan trọng. Việc hoạch định quân sự được hình thành khác với ngoại giao. Những nhà ngoại giao chỉ quan tâm đến gì họ cho là chính phủ muốn thực hiện, nhưng các nhà hoạch định quân sự phải làm việc với những gì họ cho là chính phủ có thể thực hiện. Ý định thường thay đổi và chính phủ có thể đi sai đường lối. Nếu anh chịu trách nhiệm bảo vệ quốc gia mình, anh cần phải đối phó cả với những đe dọa khó xảy ra.
Lý lẽ này cũng hợp với Trung Quốc. Hoa Kỳ đã không e ngại tham gia chiến tranh trong những năm qua. Cách đây không lâu một đô đốc Trung Quốc về hưu đã so sánh hải quân Hoa Kỳ như là kẻ có tiền án "lai vãng ngoài cổng nhà người ta". Sức mạnh của Hoa Kỳ trong những năm 1990s đã làm cho Trung Quốc cảm thấy bất an, vì thế họ đã chuyển hoá QĐGPND để củng cố chính sách của mình đối với Đài Loan và bảo vệ vùng bờ biển có vai trò quan yếu đối với kinh tế. Nhưng với việc tăng cường an ninh của mình, Trung Quốc cũng đã tước đi mối an ninh từ các quốc gia láng giềng và từ Hoa Kỳ. Có lẽ Trung Quốc không bao giờ có ý định sử dụng vũ khí của mình một cách hung hãn. Nhưng các nhà hoạch định quốc phòng của Hoa Kỳ không thể tin vào điều này, vì thế họ phải phản ứng.
Bằng cách này, hai quốc gia vốn chẳng bao giờ có ý định xâm hại nhau bắt đầu xem nhau như một mối đe doạ ngày càng lớn. Nếu anh không vũ trang, anh sẽ dễ bị tấn công. Nhưng nếu anh vũ trang, anh lại đe doạ quốc gia khác. Herbert Butterfield, một sử gia người Anh gọi đây là "một tình huống hoàn toàn khó xử và bất khả qui". Đây là một nguyên nhân tại sao quan hệ giữa Trung Quốc có thể sẽ trở nên xấu đi.
.
.
.

No comments: