Friday, December 10, 2010

LUẬT PHÁP TRUNG QUỐC và NỖI LO CỦA AUSTRALIA

Minh Anh
December 10, 2010

Trung tuần tháng 11-2010 chỉ mới vài tuần qua, một trong các doanh nhân được coi là thành công nhất của Úc là Matthew Ng đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc bắt giữ với lý do cần “phục vụ điều tra”. Matthew bị bắt sau khi tung ra một chiến lược kinh doanh mang tính cạnh tranh thương trường khá gay gắt giữa công ty của anh với các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc đang liên doanh với công ty của mình.
Cảnh sát Quảng Châu cho đến hôm nay vẫn chưa tiết lộ tội danh liên quan đến trường hợp họ cho bắt giữ Matthew Ng, và trong tuần này từ chối đơn xin tại ngoại cho anh ta. Câu chuyện đang được bộ Ngoại giao và các nhà Tư pháp Úc khá quan tâm về cách hành xử theo “luật rừng” của Trung Quốc trong việc tuân thủ những ký kết của họ trong các công ước quốc tế và các Hiệp định lãnh sự song phương giữa China và Australia, mời bạn đọc theo dõi các tình tiết mới nhất liên quan đến vụ án kinh tế trong bang giao giữa hai nước… ooOoo Matthew Ng, là người Úc gốc Hoa kiều thứ hai bị chính quyền Trung Quốc bắt chỉ sau 9 tháng khi một người Úc gốc Hoa kiều khác là Stern Hu một viên chức của công ty bán quặng sắt Rio Tinto của Úc bị bắt năm 2009 và bị kết án tù 11 năm trong phiên tòa của Trung Quốc xử kín, không được thông báo hay có sự tham dự của phía Úc.

Sự kiện hai người Úc gốc Hoa đã bị bắt liên tục trong chưa đầy năm, qua những tội danh không rõ ràng minh bạch, đã làm cho giới doanh nhân nước ngoài tại Trung Quốc khá lo ngại. Người ta cho rằng sân chơi kinh doanh của Trung Quốc đang ngày càng nghiêng qua phía không thuận lợi cho những người kinh doanh đến từ nước ngoài.

Cả hai, Ng và Hu đều có điểm giống nhau là họ liên quan đến việc điều hành doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của Úc tại Trung Quốc, và cả hai đều là Hoa kiều sinh ra tại Trung Quốc, di dân đến Úc, được thừa nhận quốc tịch Úc. Họ trở lại Trung Quốc phát triển chuyện kinh doanh với nhà nước nơi quê hương cũ của mình, và cuối cùng bị bắt trong hệ thống pháp luật Trung Quốc.

Cũng như Hu lúc trước, Matthew Ng hiện đang bị giam giữ Quảng Châu trong hai tuần qua mà không có một tội danh rõ rệt nào, và cũng như vụ án của Stern Hu trước đây, rất được sự quan tâm và sự chuyện can thiệp của chính phủ Úc ở cấp cao nhất ngay trong những ngày đầu. Chuyện của Matthew Ng, tuy ít có sự lên tiếng chính thức từ cấp cao của chính quyền, nhưng Tổng Lãnh Sự Úc tại Trung Quốc cũng đang trực tiếp theo dõi ngày đêm trường hợp này.

James bị tù qua tội danh “tham ô và biển thủ quỹ công ty” do anh thành lập, làm chủ và điều hành. Tù mới được có 4 năm, 1999 James được nhà nước Trung Quốc cho tự do vì thấy anh có biểu hiện lòng “ăn năn hối lỗi” và sau khi ép James phải ký cam kết các điều hứa sẽ “tốt” với “quê cha” sau này, trong bất cứ mọi điều gì liên quan đến “quyền lợi của đất nước”.
Tuy nhiên, trong trường hợp người Úc ra nước ngoài bị đối xử như là họ không được hưởng các quyền cơ bản của con người, và nếu những quyền này là những điều được ghi nhận theo luật quốc tế nhân quyền, đã không được tôn trọng, thì chính phủ Úc có quyền can thiệp với nhà nước sở tại nơi xảy ra chuyện để bảo vệ họ.

Trung Quốc tự cho mình có quyền thực hiện “chủ quyền” đối với nhân dân của họ, bất kể sự vi phạm nhân quyền trên cách thực hiện chủ quyền lên đầu dân chúng của họ, và “phạm trù chủ quyền” của Trung Quốc cũng đã được thể hiện qua các khiếu nại lãnh hải quan trọng, trong các quốc gia có chung biên giới ở Biển Đông, hoặc “chủ quyền” ở các phiên tòa xử kín như vụ Stern Hu, mà không cần phía Úc biết đến, hay không tuân thủ các điều chính yếu đã ký kết trong Hiệp định Lãnh sự song phương với các nước như Australia.
Matthew Ng, 44 tuổi, thành lập và điều hành một công ty có tên Et-China, rất được ủng hộ bởi các thế lực kinh doanh mạnh mẽ của Úc và quốc tế bao gồm các quỹ đầu tư lớn của James Packer, Ellington Capital. Ngoài ra Matthew Ng đã giành được giải thưởng để xây dựng Et-Trung Quốc thành một trong những công ty du lịch “tư nhân” lớn nhất Trung Quốc, và được niêm yết trên sàn chứng khoán ở London.
Theo giới quan sát thạo tin tại địa phương thì sự thành công trong thương trường của Matthew đã tự thắt nút một dây thòng lọng tròng lên đầu anh, Matthew đã tự tạo “mối tử thù” với các công ty địa phương đang có lợi nhuận, đã bị cạnh tranh bởi Et-China công ty của anh, như công ty du lịch Quảng Châu GZL, tập đoàn Quảng Châu Lĩnh Nam Group… hai công ty này được sự ủng hộ của Phó thị trưởng Ngô Yimin, của thành phố Quảng Châu.
Như đã dẫn, Matthew Ng là một doanh nhân lớn trong giới kinh doanh Úc, và người Hoa tại Úc. Vào tháng 5 năm 2009, Hội liên hiệp cựu sinh viên Úc-Trung Quốc tôn vinh Matthew Ng là doanh nhân tiêu biểu trong năm. Dù là một người khá nổi tiếng trong thương trường của Úc và Trung Quốc nhưng việc bắt giữ Matthew đã không được nhà nước Trung Quốc công bố công khai. Phía chính quyền Trung Quốc chỉ ban hành một tuyên bố đơn giản nói rằng ông Ng đã bị bắt là do “nghi ngờ biển thủ tài sản công ty” do chính ông sáng lập và làm CEO (Chair Executive Officer-Chủ tịch hội đồng quản trị).  Sinh ra ở Quảng Châu, ông Ng di cư đến New Zealand vào năm 1986 và Úc vào năm 1992.

Câu chuyện của Matthew Ng, đã làm người ta nhìn lại trường hợp tương tự hồi năm rồi của Stern Hu.
Stern Hu đã làm việc cho công ty Rio Tinto của Úc, Rio có chi nhánh tại Trung Quốc và bổ nhiệm Hu như là một giám đốc điều hành của Rio Tinto tại chi nhánh Trung Quốc. Hu bị khép tội ‘điệp viên kinh tế” khi Trung Quốc cho rằng Hu “ăn cắp bí mật nhà nước” của họ. Nội vụ được ngã ngũ rõ hơn vào thời điểm giữa năm 2009 khi các phiên tòa khép tội Hu công bố các chi tiết là họ dựa trên những “đàm phán nhạy cảm’ của Hu về giá cả mà Hu đại diện cho công ty Úc của mình đang làm, để đàm phán với đối tác mua bán là phía Trung Quốc. 
Ở một cách biệt thời gian có vẻ như hoàn toàn là ngẫu nhiên, nhưng hai trường hợp tương tự đã phát sinh trong năm 2009-2010, một quá trình liên tục chỉ trong hai năm liền. Vì đâu mà những Hoa kiều tại Úc, những doanh nhân mang thông hành (passport) với quốc tịch Úc, gần đây khi trở về làm việc, hay kinh doanh trên quê hương gốc của họ, lại được nhà nước Trung Quốc đưa vào tầm ngắm và trở thành đối tượng của sự “chú ý đặc biệt” để dẫn đến bị bắt giữ của chính quyền Trung Quốc?
Ngược dòng thời gian một thập niên về trước, trong những năm 1990, James Peng, một người Úc (gốc) Hoa kiều thuộc thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên ở Úc, James mang thông hành với quốc tịch sanh đẻ tại Úc, đến Trung Quốc như một doanh nhân ngoại kiều Úc để làm ăn. Năm 1995 sau 5 năm tại “quê cha đất tổ” (chứ không phải quê mình vì James đẻ tại Úc), anh đã bị “nền luật pháp Trung Quốc” gõ một cái hết… 16 cuốn lịch.
Có một khoảng cách mười năm, sau lúc Peng được tự do cho đến lúc bắt giữ Stern Hu của Rio Tinto, dường trong khoảng này như các doanh nhân Hoa kiều mang quốc tịch Úc, dù là quốc tịch sanh đẻ, như Peng, hay quốc tịch thừa nhận, như Hu & Ng, đã không phải là mục tiêu trong tầm ngắm của chính quyền Trung Quốc. Họ được Trung Quốc cho chút lơi là để quên rằng mình đang ở bên móng vuốt của con cọp dữ.
Tuy nhiên, câu chuyện của Hu và Ng, liên tục bị nhà nước “quê mẹ’ của mình bắt giữ trong hai năm qua cho thấy có sự khác biệt về luật pháp trên căn bản phân biệt giữa người “ngoại kiều gốc Hoa” và “ngoại kiều gốc… ngoại kiều” khi đến Trung Quốc làm việc hay làm ăn.
Tưởng cũng nên biết theo công ước Vienna 1963 khi người Trung Quốc đi ra nước ngoài, và đã trở thành công dân nhập tịch của các nước khác ngoài Trung Quốc, khi trở về sống, làm việc hay làm kinh doanh ở Trung Quốc, quốc tịch gốc (Trung Quốc) của họ vẫn ưu tiên hơn quốc tịch do nhập cư ở nước ngoài và được thừa nhận. Những người này có thể đặc biệt bị nguy cơ đe dọa về pháp lý, bởi một phạm trù được quy định trong hệ thống pháp luật quốc tế, mà hệ thống này lại không ảnh hưởng đến các người có quốc tịch nước ngoài thuần túy (không có gốc Trung Quốc) Khi người Úc đi du lịch, hay sống và làm việc ở nước ngoài, họ tất nhiên phải tuân thủ theo pháp luật địa phương của nước họ đang đến. Điều này đã làm chính phủ Úc rất đau đầu để ghi xuống một phổ biến là trong thập kỷ qua, luật pháp Úc và tiêu chuẩn pháp lý của Úc không thể nào theo sát người dân Úc, ở tất cả mọi nơi ngoài nước Úc mà họ đến.. Nói dễ hiểu hơn, khi bạn đang du lịch hay làm việc, kinh doanh cư sống dài hạn tại Trung Quốc, Việt Nam, Mã Lay v.v… bạn không thể lấy luật pháp Úc làm tiêu chuẩn cho việc cư sống ở bên ngoài nước Úc.
Trong trường hợp của Úc tại Trung Quốc, những quyền lợi cho công dân Úc đã được phụ lục bởi một Hiệp định năm 1999 về “Bang giao lãnh sự” của Úc. Hiệp định này dựa trên nhu cầu bổ sung của bản “1963 Công ước Vienna” như đã dẫn, về bang giao lãnh sự mà cả Australia và Trung Quốc, và nhiều nước khác là các bên có ký kết, nhưng theo lời của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc thì, đây không chỉ là “xác nhận và khuếch đại” của Công ước, mà còn “mở rộng quy định của nó trong một số khía cạnh”.
Điều này rất là quan trọng. Bởi, Công ước Vienna đại diện cho các tiêu chuẩn quốc tế cho các mức hỗ trợ lãnh sự, các nước có thể cung cấp cho công dân của họ, khi họ bị giam giữ trong các nhà tù nước ngoài.
Hiệp định bang giao lãnh sự 1999 của Úc-Trung Quốc, là một ký kết “vượt quá tiêu chuẩn thường lệ”, và cung cấp cho các công dân Úc “nhiều quyền lợi hơn” khi họ ở Trung Quốc, hơn là trường hợp của công dân nước ngoài khác ở Trung Quốc.
Khởi đầu, khi mới xẩy ra vụ bắt Stern Hu, phía Trung Quốc tuân thủ những quy định phù hợp với Hiệp định Lãnh sự song phương giữa hai nước. Các quan chức lãnh sự Úc đã được thông báo về vụ bắt giữ Stern Hu vào tháng Bảy năm 2009 theo đúng quy trình, và đã được tiếp cận, gặp, thăm viếng với anh ta. Không có chuyện bất thường nào phát sinh trong quá trình bắt giữ và thông báo cho phía Úc biết họ đã bắt giữ Stern Hu, dựa theo các điều lệ của Hiệp định đã ký kết. Nhưng cho đến tháng Ba năm 2010 thì phía Trung Quốc bỗng trở chứng. Họ đã làm cho giới chức Úc bị hụt hẫng, khi các quan chức Úc đã bị Trung Quốc từ chối quyền tham khảo của Úc trong hồ sơ tư liệu của vụ án. Đa phần những cáo buộc về ‘tội trạng” của Stern Hu đã được phía Trung Quốc tiến hành trong bí mật không có sự hiện diện của phía Úc.  Và ngày tòa xử Stern cũng là một phiên xử kín giữa nội bộ Trung Quốc, không cần đến sự có mặt hay biết đến của Úc. Trong thời điểm này, một phát ngôn viên bộ Ngoại giao của Trung Quốc lưu ý rằng; “Chúng ta không nên nhầm lẫn sự thỏa thuận lãnh sự với chủ quyền của Trung Quốc,  đặc biệt nhất là chủ quyền về tư pháp. Phán quyết của một phiên tòa kín, là chuyện Trung Quốc được phép thực hiện, dựa trên luật pháp Trung Quốc.”
Vậy là… huề tiền! Tuyên bố này nhấn mạnh vị trí cụ thể của Trung Quốc theo kiểu “cả vú lấp miệng em” trong việc diễn giải chuyện họ không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Như bạn đọc đã biết, Trung Quốc trong những năm gần đây liên tục phô trương các “phạm trù chủ quyền” của họ, luôn cả cách giải thích chủ quyền theo một định hướng quyết liệt của riêng họ, để phủ nhận việc tuân thủ các công ước hay luật pháp quốc tế ghi trong các văn bản chung, mà họ cũng là một trong các bên ký kết.
Sự kiện Hoa kiều Úc Matthew Ng bị bắt hồi hai tuần trước tại Quảng Châu vẫn còn quá sớm để có thể phân tích được điều gì. Cũng có thể là Ng sẽ được trả tự do nay mai mà không bị truy tố với tội danh nào hết. Tuy nhiên, trường hợp Stern Hu, đã làm người ta phải chú ý rằng nước Úc cần phải thận trọng, trong tất cả các trường hợp, khi người dân Úc đang bị giam giữ ở Trung Quốc, đồng thời chính phủ Australia cũng nên tìm cách kềm cương con ngựa chứng Trung Quốc lại, để họ phải có có trách nhiệm với nghĩa vụ pháp lý quốc tế của họ.

Nói về Trung Quốc để nghĩ đến Việt Nam của chúng ta hôm nay. Chính quyền Việt Nam chủ trương đưa đất nước thành một loại chư hầu ngàn năm núp bóng “thiên triều”. Tất cả mọi việc của nhà nước Việt Nam đều không thóat khỏi ảnh hưởng theo cách hành xử của Trung Quốc, và luật kinh doanh dành cho các nhà doanh nghiệp Việt kiều về nước cũng sẽ không là một ngoại lệ.

Những nhà doanh nhân Việt Nam ở Úc hay ở nước ngoài, muốn làm ăn với trong nước nên nhìn lại các sự kiện James Peng, Stern Hu, Matthew Ng, những doanh nhân Úc gốc Hoa kiều đã bị bắt ở China mà lấy đó làm định hướng cho bước đi của mình…
.
.
.

No comments: