01.12.2010
(Lời mở đầu của người thực hiện (LTT): Qua giới thiệu của nhà thơ Trần Phù Thế (quê Sốc Trăng(1)), tôi đọc được tập truyện “Bốn Ngàn Năm Chen Lấn” (2) của tác giả Hoài Ziang Duy, người gốc Châu Đốc. Nhằm mục đích tìm hiểu công việc sáng tác của một tác giả gốc miền Tây Nam Phần, viết trước năm 1975 và nay còn tiếp tục sáng tác, nên tôi thử liên lạc với nhà văn Hoài Ziang Duy và có cuộc trò chuyện trực tiếp qua email này. Điểm đặc biệt là cuộc trò chuyện này rất bất ngờ, không có báo trước nên các câu hỏi và câu trả lời giống như cuộc nói chuyện thường trong một buổi uống cà phê vào một buổi sáng cuối tuần, nên các câu trả lời của tác giả rất cởi mở, tự nhiên chứ không phải là cuộc phỏng vấn có chuẩn bị trước. Sau đó, tôi mới đúc kết và gởi lại để tác giả Hoài Ziang Duy đọc và anh đã đồng ý cho phổ biến cuộc trò chuyện này.
LTT:
Kính chào anh Hoài Ziang Duy,
Tôi đã đọc tập truyện Bốn Ngàn Năm Chen Lấn của anh trong mấy tháng qua, thêm vào đó, được biết anh "khởi viết từ năm 1965 trên các báo và tạp chí ở Sài Gòn", xin anh có thể chia sẻ một chút về những ngày đầu viết văn làm thơ ấy được không?
Tôi đã đọc tập truyện Bốn Ngàn Năm Chen Lấn của anh trong mấy tháng qua, thêm vào đó, được biết anh "khởi viết từ năm 1965 trên các báo và tạp chí ở Sài Gòn", xin anh có thể chia sẻ một chút về những ngày đầu viết văn làm thơ ấy được không?
Nhà văn Hoài Ziang Duy
HZD:
Anh à, những người viết văn làm thơ sớm, là mang khổ lụy vào thân. Kể ra khoảng thời niên thiếu học trung học, tôi đã viết truyện để kiếm tiền trang trải sống cho bản thân mình, nhiều hơn là lo học. (Cứ mỗi ngày mở báo ra là có đăng bài tôi). Cũng may là đường khoa cử cũng trơn tru. Hồi đó mỗi lần một bài truyện đăng báo, được trả 300 đồng (Thời giá may một cái quần tây vải Dacron là 300, một cái đồng hồ hiệu Telda, hay Luran là 350 đồng). Đăng ở nhật báo Tia Sáng, Ngày Mới, Dân Ta, Dân Tiến, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Sống, Sóng Thần, Đời, và các tạp chí văn học… Năm học lớp Đệ Nhị, thơ tôi được giới thiệu thơ và tác giả trên đài phát thanh Sài Gòn (Chương trình Tuần báo Nghệ thuật Truyền Thanh). Sau này đi lính thì chỉ còn có thì giờ viết cho các tạp chí. Tôi thường xuyên viết cho tạp chí Trình Bầy của Thế Nguyên. Mang tiếng là hội văn nghệ sĩ quân đội, nhưng binh nghiệp thì ở đơn vị tác chiến, hành quân. Đời sống tôi rất cô độc (con út trong một gia đình, mất mẹ lúc lên 5, 6 tuổi). Sống ở đơn vị mà chỉ viết báo ngoài để lãnh tiền, khi về Sài Gòn thì ghé qua lấy.
Trong lãnh vực văn giới thì như anh đã biết rất hiếm người miền Nam cầm bút, rất hiếm người miền Tây, chuyện bè phái thổi phồng cho nhau, trước đây hay bây giờ, ở đâu người miền Nam, miền Tây vẫn thua kém người các miền khác…. Tôi chỉ một thân một mình đi lên bằng chính khả năng viết lách của mình. Sang Mỹ năm 1991, sau đó ít năm gởi bài đi thì anh Nguyễn Mộng Giác (Văn Học), Khánh Trường (Hợp Lưu) có thư liên lạc để cộng tác. Phải nói những năm đầu ở Mỹ, anh Nguyễn Mộng Giác đã liên tục giới thiệu thường xuyên bài truyện của tôi. Vì nghĩa tình đó, mà tôi độc quyền bài mới cho Văn Học ròng rã suốt 15 năm cho đến ngày báo đóng cửa. Mấy sách tôi in ra có cái may là lúc nào cũng có độc giả ủng hộ. Lần rồi đi Boston nghe anh em nhắc anh và Trần Phù Thế, Vũ Thất cũng khen anh. Chưa biết anh, nhưng qua anh em, tôi có niềm tin và tình cảm quý mến anh, những người miền Tây, miền Nam lặng lẽ sống và viết cũng lặng lẽ một mình.
Bìa sách “Bốn Ngàn Năm Chen Lấn
LTT:
Rất cảm ơn anh đã phác hoạ lại khá chi tiết về những ngày đầu ấy. Giờ xin trở lại tập truyện Bốn Ngàn Năm Chen Lấn (BNNCL), trong các nhân vật của anh qua 14 truyện ngắn trong tập truyện BNNCL này dường như nhân vật nào cũng mang chút bi quan bên những cảnh đời nhiều biến đổi, nhất là nó dường như hiển hiện ở những câu kết của các truyện? Anh nghĩ sao về nhận xét này?
HZD:
Với tôi trong cách dựng truyện, tôi thường lấy căn bản trên những câu chuyện có thật làm nền, cộng thêm cái thật của xã hội (thời sự) đang diễn tiến, thêm vào hư cấu để đặt thành một đề tài mà người đọc có cảm giác có mình trong đời sống nhân vật, để kết thúc bằng điều tự hỏi với bản thân người đọc. Cho nên có thể nói một điều, qua những truyện ngắn tôi viết, bạn đọc không thể đoán được đoạn kết. Mười bốn truyện, mỗi truyện đều có hàm ý riêng, như ở Bốn ngàn năm chen lấn, cái bất lực của nhân vật người Bắc vào Nam, không phải là cái bất lực (về tình dục) mà ý muốn nói sự bế tắc về tình trạng kinh tế, hỗn loạn trong đời sống. Chuyện “Nghe những tự tình” nói về cách dựng truyện và kết cấu của bài viết, tâm trạng người viết. Chuyện thật về đời sống tôi,cha tôi là truyện “Nhân gian một chỗ”. Còn truyện “Lạ một chỗ ngồi” tôi viết vào thời điểm mà các cây viết nữ rộ lên, viết về tình dục trơ trẽn quá nhiều. Qua mỗi truyện của tôi (nói như Hà Thúc Sinh) là xếp sách lại, đọc lại, nghĩ lại mới thấy được nội dung. Cho nên tôi biết mình có cái dở là có một số người đọc văn tôi không hiểu. Theo như nhà văn Xuân Vũ nói chuyện với tôi trước đây “là không ai viết giống em được, cứ giữ cái style vậy mới là văn phong của mình.”
Anh hỏi tôi, kết thúc đều là những nghĩ suy buồn? Vâng, cuộc đời tôi cô độc, có đời sống buồn, trong cuộc đời buồn. Nên kết thúc truyện ở tôi là những điều để bạn đọc chia sẻ, ngẫm lại với chính mình.
LTT:
Rất cảm ơn anh đã chia sẻ về cách dựng truyện cùng kết cấu nhân vật; nhờ những câu giải đáp này người đọc đến gần với các truyện của anh hơn. Thưa anh, nhơn anh có nhắc hiện tượng các nhà văn nữ nổi lên với những sáng tác nặng phần tính dục, theo anh đây có phải đã đến lúc cái chất văn chương đẹp và trong sáng ngày xưa đã quá cũ rồi chăng? Và theo anh, anh thấy thế nào về tương lai một nền văn học Việt Nam nơi hải ngoại này khi lớp người đọc trẻ ít đọc sách tiếng Việt và người đọc già như thế hệ tôi thì quá già? Trong hoàn cảnh như vậy, anh có nghĩ là mình sẽ viết cho các bạn đọc trẻ trong nước không?
HZD:
1.Tôi không nghĩ văn chương trong sáng, cái sâu sắc trong một tác phẩm, lại có thể bị đè bẹp bởi những ngôn từ quá sức lộ liễu đến độ thô tục, do người viết gài vào các tác phẩm văn học, để dễ câu đọc giả, hay cho là cách làm mới nội dung, văn phong bây giờ. Hiện tượng nầy đã có người chống, kẻ khen hay. Nhưng rồi thời gian qua đi, như anh thấy nó không nổi đình đám nữa. Bởi đã là hiện tượng thì nó chỉ có tính giai đọan mà thôi.
2. Chuyện văn chương VN ở hải ngoại, điều lo nghĩ ở anh cũng đúng, khi các nhà xuất bản đóng cửa, đầu sách in thưa đi, cũng như khó bán sách, vì đa số người đọc đều từ lứa tuổi 40 trở lên, và hiện tượng đọc trên internet có sẵn, ảnh hưởng phần lớn đến việc mua sách. Có lo, cũng là cái lo chung.
Nhưng riêng tôi, tôi tin một điều là còn tiếng nói trong giao tiếp, còn có ngôn ngữ chữ Việt, thì sẽ có những người tiếp nối viết. Nếu có người viết thì sẽ có người đọc. Tôi không tin nó tan biến. Bây giờ mở tờ báo tuần, báo tháng, anh sẽ thấy rất nhiều người mới, tên tuổi mới cầm bút viết. Những người trẻ viết cũng rất hay, bút pháp mới không ảnh hưởng bởi chiến tranh đè nặng, tư tưởng sẽ thoáng hơn. Thêm nữa, anh thử đọc người trẻ chuyển ngữ từ tác phẩm Anh ra chữ Việt. Văn phong chữ Việt rất hay, sâu sắc. Từ Anh, Pháp ngữ ra chữ Việt được, thì ngược lại họ viết bằng chữ Viêt ý tình cũng phải trơn tru. Đâu có gì khẳng định là thành phần nầy sẽ không dài lâu. Năm xưa thời trẻ, từ lúc còn học trung học, rồi đi lính, tôi cũng đâu nghĩ mình vẫn cầm bút sau lúc đi hành quân về, rồi ra tù, rồi sang định cư ở xứ người. Viết, sáng tác, như một cái nghiệp đeo đẳng cho đến bây giờ.
3. Câu anh hỏi là có nghĩ sẽ viết cho bạn trẻ trong nước đọc không? Thật sự tôi viết không nhắm vào đối tượng trẻ già, trong hay ngoài nước. Điều tôi quan tâm là chuyển tải cái nội dung trong tác phẩm đến với người đọc. Có sự đồng tình bởi người đọc thấy mình trong đó, thấy cái thế giới mình đang sống, sự việc, hoàn cảnh như thể là mình, và khi đọc xong, người đọc hiểu người viết muốn nói một cái gì. Đó là điều tôi mong muốn.
Tình hình bây giờ nhờ có internet, tôi nghĩ người trong nước cũng dễ dàng đọc tác phẩm của người viết bên ngoài, khi lên net. Tôi có đọc một số ý kiến của người trong nước đọc tác phẩm tôi qua các websites. Thấy cũng vui và an ủi phần nào. Ở VN bây giờ họ lại kiếm mua, hay lục tìm coi sách báo trước 75. Họ muốn đọc, muốn tìm hiểu đời sống văn học trước kia, đọc để rồi có cái so sánh với văn học miền Bắc trong thời chiến và văn học chỉ đạo bây giờ.
LTT:
Thưa anh Hoài Ziang Duy, lâu nay tôi có đọc thơ anh như "Bài tình nhân xưa" có đoạn:
Điên điển vàng bông con nước nổi
Nhớ đồng An Phú tủi lòng thương
Nhớ đất Vĩnh Ngươn trời hiu hắt
Nghe tiếng buồn rơi rụng cuối vườn hoặc như bài "Đứng tựa bên đời" có bốn câu dưới đây:
Ta sống đời nhau trong quá khứ
Lòng cũng theo buồn ở cuối đông
Đôi khi nước mắt giùm nhật thực
Nghĩa, tình, tụ lấy một giòng sông
Điên điển vàng bông con nước nổi
Nhớ đồng An Phú tủi lòng thương
Nhớ đất Vĩnh Ngươn trời hiu hắt
Nghe tiếng buồn rơi rụng cuối vườn hoặc như bài "Đứng tựa bên đời" có bốn câu dưới đây:
Ta sống đời nhau trong quá khứ
Lòng cũng theo buồn ở cuối đông
Đôi khi nước mắt giùm nhật thực
Nghĩa, tình, tụ lấy một giòng sông
Với văn xuôi trong tập truyện Bốn Ngàn Năm Chen Lấn của anh dường như hơi khô nếu không muốn nói là ở đó hơi nhiều lý lẽ và khá lạnh lùng, khó đọc và ngược lại mấy vần thơ tôi vừa dẫn lại đằm thắm, nồng nàn, lãng mạn, thiết tha. Theo anh, có phải văn là viết cho người khác đọc và thơ là làm cho mình?
HZD:
Thưa anh, đọc mấy lời trong câu hỏi của anh, quả tình thật tinh tế trong nhận xét, khi so sánh văn và thơ của tôi. Từ trước tới nay, viết và chọn chỗ đăng bài, hầu như tôi chỉ gởi đăng ở các tạp chí thuần về văn học. Ở đó như anh biết số độc giả này chịu bỏ tiền mua, và trình độ thưởng ngoạn của họ cũng khác với thành phần độc giả đọc chơi giải trí trước khi ngủ. Tôi cũng biết văn tôi không giản dị, dễ thấy ngay những ẩn tình sâu kín, người đọc sẽ cảm thấy áp lực nặng khi phải theo dõi những trang kế tiếp. Điều nầy tôi cũng tự biết khi phải đào sâu trong cốt truyện, trong cách viết của mình, không nhẹ nhàng thoải mái như nhà văn khác. Tôi cũng có thử, nhưng không được anh à. Cho nên bài viết đặt đúng chỗ thì mới hợp tình hợp lý (Nhật Hoàng ở báo Trẻ (TX) có xin bài, nhưng tôi thấy bài truyện của tôi không hợp với báo Trẻ được). Tôi có viết thường xuyên ở mục Sống và Viết trong Thư Quán Bản Thảo của Trần Hoài Thư, lối viết và nội dung dễ đọc thoải mái trong cuộc sống đời thường (chắc anh có đọc). Cho nên viết một bài truyện, tôi đặt nặng tính sáng tạo, nội dung có chiều sâu để theo, và tùy hoàn cảnh nhân vật để ứng xử ngôn ngữ. Trong các truyện của tôi anh sẽ không thấy tả cảnh thường tình, hầu như tôi hay chú tâm về thân phận, tâm trạng, cảm nhận của con người nhiều hơn. Âu đó cũng là một lối của riêng mình anh à.
Còn thơ tôi, những lãng mạn, nồng nàn thiết tha như anh thấy trong nhận xét. Quả tình tôi cũng yếu đuối sống thật với chính mình qua những bài thơ. Khác với thực tế sống bên ngoài, đời sống tôi chừng mực, trật tự, không có lối buông thả, rượu chè (có lẽ vì vậy mà tôi ít có bạn bè, ít hình tượng làm dáng của một văn nghệ sĩ). Tôi vẫn thích làm thơ hơn, bởi nó trang trải những cảm nghĩ rung động kịp thời, hơn là một bài văn đòi hỏi sự chuẩn bị sống cho nhân vật, không phải sống thật với mình.
LTT:
Đọc mấy lời chia sẻ của anh, thật tình cờ, tôi thấy những tâm tư ấy nó rất khế hợp với câu "Tôi không cho mình là nghệ sĩ phải sống làm dáng. Tôi chỉ là một người tầm thưòng sống lẫn trong đám đông. Từ lúc trưởng thành bước vào đời. Tôi có mối tình đầu. Ở đó có người con gái đã nuôi dưỡng những mộng mơ, lãng mạn một thời, sống với thực tế đời sống cho tôi.…" trong truyện “Dường như hiu hắt bay” (ở trang 230, BNNCL). Điều đó cho thấy có sự liên hệ mật thiết giữa nhân vật trong truyện và tác giả. Như anh nói, văn anh thực sự rất khó đọc. Nó khó đọc không phải vì nó quá xa lạ mà chính vì trong các truyện của anh có quá nhiều sự kiện và sự kiện nào cũng chứa đựng những hàm ý bên trong, nên nó dễ mang đến cho người đọc giải trí hơi lười suy nghĩ một chút như tôi là họ sẽ bỏ dở những trang sách một cách dễ dàng. Chẳng hạn như mẫu đối thoại ngay trong truyện "Tình yêu tay dài" mà tôi xin trích dưới đây nó có vẻ như chứa đựng một chút Thiền trong lòng các lời đối đáp ấy:
- Thế ông không mù à?
- Thưa không.
- Vậy ông ngồi đây làm gì?
- Tôi ngồi giữ chỗ giùm ông bạn.
- Thế ông mù mỗi ngày xin tiền đâu?
- Thưa, ông ấy đi coi chiếu bóng.
- Anh nói giỡn hả ? Vậy là không mù à?
- Ai biết, anh ấy có cho là mình mù đâu?
- Thế thì ngồi đây làm gì?
- Tôi chỉ ngồi đây, có mở lấy câu nào."(trang 228)
- Thưa không.
- Vậy ông ngồi đây làm gì?
- Tôi ngồi giữ chỗ giùm ông bạn.
- Thế ông mù mỗi ngày xin tiền đâu?
- Thưa, ông ấy đi coi chiếu bóng.
- Anh nói giỡn hả ? Vậy là không mù à?
- Ai biết, anh ấy có cho là mình mù đâu?
- Thế thì ngồi đây làm gì?
- Tôi chỉ ngồi đây, có mở lấy câu nào."(trang 228)
Theo tôi hiểu, người mù đâu phải cái gì họ cũng mù. Họ vẫn còn có những nhu cầu trong các phần khác trong đời sống của họ. Họ vẫn phải ăn, phải ngủ, phải nghe, phải suy nghĩ và nhất là phải suy nghĩ về thân phận của họ nữa chứ .… Thế nên, những người mù ngồi xin tiền nơi các bến xe, bến bắc, hoặc bên lề đường xó chợ họ thấy hết cảnh đời chung quanh họ, và nhất là họ thấy hết tấm lòng của mọi người cư xử với họ, với mọi người. Thành ra hễ nói tới người mù mà cứ chỉ nghĩ họ không thể xem chiếu bóng là cái nghĩ hơi gần quá phải không, thưa anh? Thành ra, đọc văn anh tôi thấy khó là vậy. Theo anh, anh nghĩ sao về nhận xét này?
HZD:
HZD:
Thưa anh, thât ra ở đoạn nầy tôi chỉ muốn nói, người sáng mắt còn lầm lẫn, tưởng người khác là mù. Chỉ có câu “ông ấy đi coi chiếu bóng”, để bạn đọc hiểu ra sự ngộ nhận nầy. Còn vấn đề có Thiền, triết lý hay không, trong những câu văn, ý tôi viết, thì tôi hoàn toàn không có đặt để chủ trương này, có thể tôi bị ảnh hưởng nhiều từ tư tưởng Phật giáo?
Mấy ngày nay đối đáp qua lại với anh, làm tôi nhớ đến họa sĩ Nguyễn văn Minh (mất mấy năm nay, người vẽ bức tranh lớn ở tường, trong phòng khánh tiết Dinh Độc Lập). Anh ấy rất thích đọc văn tôi, và điều đặc biệt là nhớ rất kỹ từng nhân vật, câu văn, và mỗi lân gặp nhau là anh ấy thích bàn về tác phẩm.
LTT:
Mặc dù chưa gặp anh lần nào, nhưng biết quê anh ở Châu Đốc, mà tôi thì Long Xuyên, nên thư từ qua lại như quen từ lâu vậy. Thế nên muốn biết rõ về những sinh hoạt văn học nghệ thuật vùng Châu Đốc những năm thập niên 1960-1970, không gì hơn là tìm hiểu qua nhà văn gốc Châu Đốc như anh. Vậy rất mong anh thông cảm. Thưa anh, những người viết cùng thời với anh gốc gác Châu Đốc ngày này còn nhiều không? Và anh có tin tức gì về các giả này không? Anh có thể nào ghi lại một vài tác phẩm tiêu biểu của các tác giả này không?
HZD:
Thưa anh, mấy hôm nay chắc anh có đọc qua bài viết “Dòng sông xuôi chảy” trên TSCD rồi? Lúc bấy giờ, một người bạn trẻ chịu chơi là Lưu Nhữ Thụy. Lần đầu tiên anh gia nhập sinh hoạt văn nghệ, bỏ tiền rủ tôi ra báo. Lưu Nhữ Thụy, vẽ, trình bày đẹp. Đặc biệt anh kẻ chữ theo lối chữ in rất có nét. Chúng tôi thực hiện tập san văn nghệ Hiện Diện, hướng đi của những người viết và nghĩ tự do. Số đầu mang chủ đề Thực chất Tình yêu và Chiến tranh hiện tại. Lưu Nhữ Thuỵ đứng tên chủ trương. Tôi chỉ lo phụ trách phần bài vở cho tờ báo. Chủ biên, đề tên chung Hoài Ziang Duy, Mặc Lan Hoài, Mộng Linh. Cộng tác gồm có Ngô Nguyên Nghiễm, Trương Thảo Mộc, Hàn Thanh, Giang Thu, Phương Thảo Huyền, Uyên Linh, Thạch Cương, Mặc Nghiệm Tường, Sa Duyên, L t Tho, Hoài Lan Vân, Trần Xuân Huyên, Hoài Nga, Thùy Linh, Hoài Linh Trang.
Sau đó không lâu Ngô Nguyên Nghiễm đứng ra lập nhóm Khai Phá, ra báo Trình Diện Tuổi Đất, trước đặt địa chỉ ở Châu Đốc, rồi dời lên Sài Gòn. Sau nầy Lưu Nhữ Thuỵ về Sài Gòn lập nghiệp, gần gũi với Ngô Nguyên Nghiễm, sống nghề vẽ cho các báo. Ngoài một số anh em khác tỉnh, khác miền nhập cuộc với Khai Phá như Lâm Chương, Phạm Nhã Dự, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Lê La Sơn …. Châu Đốc còn có thêm các nhà thơ mới như Trịnh Bửu Hoài, Nguyễn Thành Xuân.
Không khác gì hoạt động văn nghệ với nhiều người viết ở miền Trung, miền Tây lúc bấy giờ cũng đông đảo người cầm bút xuất hiện trên các mặt báo chí, ở mỗi quận, tỉnh, địa phương đầy dẫy những anh em bạn trẻ mới lớn, tham dự, xuất hiện trên văn đàn, như Yên Uyên Sa, Mây Viễn Xứ (Lâm Hảo Dũng), Phù Sa Lộc, Hạc Thành Hoa, Thy Lan Thảo, Triều Uyên Phượng …. Vào thời điểm nầy, cây bút nữ viết tùy bút, tạp ghi đều đặn trên các nhật báo là Hoài Dân (cô bạn ở Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận). Về phía thơ nói về lính có MH Hoài Linh Phương. Thời đó anh em học trò làm văn nghệ thường quen nhau qua thư từ trao đổi (thời đó chưa có cell phone), năm đó chúng tôi có thêm bạn phương xa Từ Kế Tường, Trần Hồng Nhan, Triệu Cung Tinh.
Một người mà tôi không ngờ, rất ư là Châu đốc là nhà văn, họa sĩ Phạm Thăng, ở Canada. Anh viết rất nhiều, rất rành về Châu đốc, từ câu chuyện địa danh, đến tên tuổi thầy cô, kỷ niệm sống ở đó. Biết ra, với anh dù không là nơi sinh trưởng, nhưng cả một quãng đời niên thiếu anh đã lớn lên, học hành ở đây, khác gì một quê hương thứ hai như anh đã nói.
Một người rất dễ mến nữa là là nhà văn Vũ Thất, anh chỉ thỉnh thoảng viết, thích đọc người khác viết hơn. Hầu hết những người văn nghệ quê nhà cùng thời, mỗi người một điều kiện khác nhau sống nơi xứ người. Ở đời sống mới khó khăn ngôn ngữ, đa số hầu như vì sinh kế không còn viết, hay không còn viết nổi nữa. Một thời tuổi trẻ lãng mạn qua rồi.
Ngoài ra còn thấy có Song An Châu còn yêu văn thơ, còn xông xáo, nhưng tuổi cũng đến lúc về hưu. Mặc Lan Hoài còn có khả năng sáng tạo (đọc qua mấy bài thơ của anh) nhưng không thấy anh xuất hiện đâu cả, ngoại trừ tôi gọi lấy bài cho báo tôi.
Hầu hết những người Châu Đốc tôi kể tên trong bài viết đều làm thơ, và sau này (lúc còn ở VN) không có chỗ đứng trên các tạp chí. Như anh biết, làm thơ mà không có cách làm mới ngôn ngữ hay ý thơ không có chiều sâu thì khó mà thành công ở đường dài. Đọc qua vài câu thơ thôi, là người đọc có thể thẩm định một bài thơ hay, trình độ của tác giả. Ở trong nước hiện tại chỉ còn có Ngô Nguyên Nghiễm là còn in thơ, Lưu Nhữ Thuỵ vẽ cho các báo, tạp chí, Trịnh Bửu Hoài thì hiện tại làm chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh An Giang (mình không có ý kiến). Còn ở hải ngoại chỉ còn có tôi cô ky một thân một mình. Thấy anh em Quảng Nam đông đảo nhân tài, mà thấy buồn cho người Châu Đốc của mình. Hôm nay mới có thì giờ trả lời anh. Gởi anh coi (scan hình) hình bìa tạp chí Trình Bầy số 18 (ra ngày 22 tháng 4 năm 71), một trong những tạp chí tôi viết thường xuyên (thời gian nầy tôi ở hành quân, sáu tháng đi hành quân mới về nghỉ 4 ngày (đêm ngồi viết tay gởi đi). Đến ngày thứ năm thì đơn vị đi vào mặt trận. Bài truyện viết ở thời điểm nầy trả 3 ngàn. Tôi tìm mua được mấy cuốn báo cũ ở chợ trời, lúc đi ở tù về.
LTT:
Rất cảm ơn anh. Như anh biết, qua những trao đổi vừa qua, tôi có ý muốn trò chuyện với một tác giả viết trước năm 1975 và nay vẫn còn tiếp tục viết như anh; vậy xin anh vui lòng cho biết viết ở thời nào anh viết dễ hứng thú hơn và dĩ nhiên, tôi cũng tò mò muốn biết tác phẩm thời nào hay hơn?
HZD:
Thưa anh,
Theo như anh nói, anh tìm người viết trước 75 và hiện còn viết để hỏi đôi điều, làm tôi rất ngại. Tôi là người cầm bút thầm lặng và đời sống văn nghệ của tôi cũng lặng lẽ, chứ không nổi đình đám anh em bạn bè đông đảo, bởi khi tôi vào quân ngũ (lúc hành quân về) tôi vẫn viết bài gởi đăng, và đôi khi nửa năm tôi mới về Sài gòn, ghé qua thăm hỏi và nhận tiền. Tôi không có tham dự thường xuyên, mỗi ngày mỗi buổi quanh năm với anh em văn nghệ ở hậu phương, ở thành phố. Như anh biết, thời gian tôi mặc áo lính, đời sống gắn liền với hành quân, mặt trận. Duy trì được viết lách ở thời trẻ tuổi đó, tới giờ tôi cũng không hiểu sao, tôi có thể ép mình làm vậy. Trước đây, tức thời gian trước năm 75. Những người cầm bút sáng tác hoàn toàn có tự do trong nhận nghĩ và viết. Chúng tôi không bị lệ thuộc vào sự yêu cầu hay chỉ huy tư tưởng của ai, cũng như không nhằm phục vụ cho một đơn vị đoàn thể, tổ chức nào. Thích thì viết, không thời thôi. Kể cả Hội văn nghệ sĩ quân đội cũng không chi phối được nhà văn mặc áo lính.
Câu anh hỏi viết thời nào dễ hứng thú hơn? Phải chăng anh muốn hỏi thời trước 75 và bây giờ ở hải ngoại? Đối với tôi, khi viết xong phần kết một bài truyện, là lúc tôi sung sướng và thấy thoải mái như vừa xong một gánh nặng (nghĩ một hai ngày rồi viết tiếp truyện khác). Bởi vấn đề viết với tôi, không phải chờ lúc hứng thú (như lúc làm thơ) mà viết với tôi là một việc làm đều đặn mỗi ngày. Khi tôi ngồi xuống là tôi viết được nhiều hay ít, tùy theo ý tình … Ngày xưa tôi viết lúc còn ở thời học trung học. Đi lính tác chiến, vẫn viết được. Cho nên thời trước hay bây giờ ở xứ người, hứng thú với tôi không là vấn đề đòi hỏi. Điều quan trọng là khi nào tôi có ý, có đề tài là tôi viết được ngay. Ở thời tuổi trẻ, còn sung mãn, có nhiều ý tưởng trong sáng tạo, viết nhanh, viết nhiều. Nhưng so với tuổi đời về sau, nội dung trong đề tài mình viết, văn phong có chiều sâu hơn, kỹ thuật viết cũng chỉnh hơn.
Câu anh hỏi. Tác phẩm thời nào hay hơn? Câu hỏi nầy chắc phải để độc giả đánh giá một tác phẩm hay so sánh. Với tôi một tác phẩm hay, phải có giá trị thời gian,(có nghĩa là mấy chục năm sau). Người đọc, đọc lại vẫn thấy hay, vẫn thấy có điều gì mới, trong khám phá, không trùng lấp với một nội dung nào khác. Tác phẩm thời nào cũng hay khi nó gắn liền với xã hội, thực tại, sự kiện hoàn cảnh sống
LTT:
Thưa anh,tôi rất muốn nghe anh chia sẻ về những suy nghĩ và các bí quyết khi anh sáng tác trước kia cũng như bây giờ; nhưng vì anh khá bận, nên xin trở lại cuốn Bốn Ngàn Năm Chen Lấn của anh một chút xíu nhe. Tập truyện với 14 truyện ngắn, có nhiều tựa truyện rất hay, mang hình ảnh những câu ca dao như "Lạy trời mưa xuống", "Cởi áo cho nhau". Thường thường tác giả hay chọn những truyện ưng ý đặt tên cho quyển truyện; trường hợp truyện ngắn Bốn Ngàn Năm Chen Lấn có phải được sự ưu ái của anh như vậy không? Anh có thể chia sẻ một chút về cách đặt tên truyện này?
HZD:
Thưa anh, thường thì trong một tập truyện, sẽ lấy một câu chuyện cho là ưng ý nhất để làm tựa sách. Với tôi không hẳn là vậy, dù truyện BNNCL đầy đủ hình ảnh cuộc sống mới lạ của người dân hai miền, sau ngày mất miền Nam, và nối tiếp thực tế một đời sống thực của người trẻ, người già trên xứ người. Truyện hợp với tâm tư tình cảm tôi lại là truyện Nhân gian một chỗ, một thời ấu thơ của tôi, và hình ảnh ba tôi ngồi trên cái bục xi măng trước nhà đợi chờ con đi tù về, là một ám ảnh khôn nguôi.
Nhân nhắc đến cái tựa truyện Bốn Ngàn Năm Chen Lấn, tôi kể anh nghe chuyện nầy. Cách đây mấy năm trước, tuần báo Văn Nghệ (số 2, số 3 gì đó), ở tiểu bang Virginia có xin bài truyện nầy đăng báo. Cũng tuần đó, một tờ báo trong vùng này cho đăng một thư nói là thư độc giả (viết tay, nhưng không ghi tên, địa chỉ), kêu gọi tẩy chay tờ báo Văn Nghệ (của Nguyễn Minh Nữu) vì đăng bài truyện tựạ này (nhưng không nói tên tác giả HZD) cho là bôi bác cộng đồng vì có đoạn đề cập đến chuyện ca sĩ VN sang hát, con thì đi coi ở trong, cha thì ở ngoài biểu tình, và đưa tên ca sĩ (trong truyện tên Thu) là trùng hợp với tên ca sĩ thứ thiệt.
Tuần sau đó tờ báo Văn Nghệ lên tiếng cho biết là truyện ngắn này đã đăng trên tạp chí Văn Học ở Cali cách đây một năm (bây giờ báo Văn Nghệ đăng lại). Như vậy rõ ràng là nội dung hư cấu viết trước đây một năm lại trùng hợp với sự kiện nầy, một năm sau. Mấy tuần kế, nhà thơ Trần Nghi Hoàng (báo Lẽ Phải) có gặp tôi và cho hay, có người bảo tôi là VC, và rủ Trần Nghi Hoàng viết bài phản bác. Anh trả lời là “HZD uống cà phê với tôi hoài, VC cái gì’’.
Như anh thấy đó, chỉ một cái tựa tức cười và nội dung gây ra chuyện, thì thôi chi bằng lấy nó làm tên bìa sách cũng đáng phải không?
LTT:
Xin chân thành cảm ơn anh đã chia sẻ những bí quyết trong cách viết truyện của anh. Vì đây là lần đầu tôi thử làm công việc trao đổi giữa người đọc và người viết, và cũng là lần đầu tôi thư từ với anh qua không gian internet này dù trước đây có đọc văn anh nhưng chưa được quen biết và chưa gặp anh lần nào, nên có gì sơ suất trong các câu hỏi, mong anh thông cảm và bỏ lỗi cho. Kính chúc anh nhiều sức khoẻ và sáng tác mạnh.
Phụ chú:
1/ “Sốc Trăng” (theo cách viết của Vương Hồng Sển), ngoài ra còn viết thành “Sóc Trăng”
2/ Tập truyện Bốn Ngàn Năm Chen Lấn của Hoài Ziang Duy do Thư Ấn Quán (Hoa Kỳ) ấn hành năm 2010
2/ Tập truyện Bốn Ngàn Năm Chen Lấn của Hoài Ziang Duy do Thư Ấn Quán (Hoa Kỳ) ấn hành năm 2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment