Wednesday, December 1, 2010

TRÁCH NHIỆM và THUYẾT "CHÍNH DANH" (Nguyễn Hưng Quốc)

Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Ba, 30 tháng 11 2010

Trong mấy tuần vừa qua, giới quan sát thích thú theo dõi các cuộc tranh luận trong Quốc Hội Việt Nam, đặc biệt về Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin. Lần đầu tiên một số đại biểu Quốc Hội đặt ra cho các bộ trưởng và cho chính Thủ tướng những câu hỏi hết sức thẳng thắn và gay gắt về các vấn đề quan trọng đối với kinh tế quốc gia, được đông đảo đồng bào trong nước quan tâm. Lần đầu tiên người ta đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng. Lần đầu tiên mới thấy có cái gì đó thực sự đang chuyển động, ít nhất là trong tâm thức và trong thái độ của một số trí thức và đại biểu Quốc Hội tại Việt Nam.

Xin nhắc lại: Vinashin là tập đoàn Công nghiệp tàu thủy do nhà nước quản lý được thành lập năm 1996 với số vốn đầu tư ban đầu là 450 triệu Mỹ kim. Yếu kém về cả trình độ kỹ thuật lẫn kinh nghiệm quản lý, nhưng chỉ mấy năm sau, Vinashin đặt ra những tham vọng “hoành tráng”: trở thành một trong những công ty đóng tàu thủy mạnh trong khu vực và thế giới. Họ nhảy ra đấu thầu và ký những hợp đồng đóng tàu có trọng tải cực lớn với giá rẻ mạt, thấp hơn giá trung bình trên thế giới đến hơn 6 triệu Mỹ kim một chiếc! Nhận đóng 15 chiếc, mất đi khoảng 90 triệu.

Nhưng chính phủ hoàn toàn ủng hộ các dự án liều lĩnh và điên rồ ấy. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký duyệt. Chủ tịch nhà nước Trần Đức Lương khen ngợi: “Các đồng chí đã táo bạo cần táo bạo hơn nữa, đã tăng tốc cần tăng tốc nhanh hơn nữa để đưa ngành công nghiệp đóng tàu của nước ta ngang tầm với các nước tiên tiến”.

Nhiều nhà lãnh đạo không giấu được tham vọng: chỉ sau vài năm, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc thứ 5 trong ngành công nghiệp đóng tàu thủy trên thế giới.

Muốn tham vọng ấy thành hiện thực thì phải có tiền.

Dễ thôi! Người ta đi vay các ngân hàng. Vay ngân hàng không đủ ư? Thì nhà nước phát hành 750 triệu Mỹ kim trái phiếu trên thị trường tài chính quốc tế với lãi suất 7,12% mỗi năm để có tiền cho Vinashin làm vốn. Vẫn chưa đủ ư? Thì vay nợ các ngân hàng quốc tế và tiếp tục bán trái phiếu. Cứ thế, nợ tăng chồng chất. Trong khi đó các dự án lại kế tiếp nhau thất bại và thua lỗ. Thất bại thì bỏ, lập ra dự án khác có khi còn tốn kém hơn nữa. Lỗ thì lại đi
vay nợ tiếp. Cứ thế, kéo dài cả mấy năm trời.

Gần đây, mọi người mới bật ngửa khi biết được sự thật: Vinashin mắc nợ đến gần 90.000 tỉ đồng (tương đương với khoảng 4,5 tỉ Mỹ kim) và không có khả năng chi trả!

Vinashin không trả được nợ thì ai sẽ trả? Thì chính phủ trả! Chính phủ lấy tiền đâu ra trả? Thì lại lấy tiền thuế của dân mà trả chứ còn ở đâu nữa? Nếu đem chia 90.000 tỉ đồng ấy cho 90 triệu dân (cho chẵn) thì mỗi người Việt Nam, từ bé đến già, từ trong nước ra đến hải ngoại, mỗi người gánh một món nợ là một triệu đồng.

Nhưng vấn đề là: Ai chịu trách nhiệm về những món nợ khổng lồ do lối làm việc liều lĩnh đến điên rồ như thế?

Dĩ nhiên, trước hết, phải kể đến Hội đồng quản trị của Vinashin.

Ai cũng biết điều đó.

Nhưng còn ai nữa? Nên nhớ Vinashin là một tập đoàn quốc doanh do chính phủ trung ương trực tiếp quản lý. Hơn nữa, các dự án của họ một thời từng được làm rùm beng lên là những thí điểm kinh tế quan trọng của quốc gia, được giới lãnh đạo, từ Chủ tịch nước đến Thủ tướng không những phê duyệt mà còn ca ngợi và ủng hộ nhiệt liệt.

Những người đó có trách nhiệm gì không?

Ở nước ngoài, câu trả lời đương nhiên là “Có”. Thậm chí, nó không còn là một câu hỏi nữa. Nó là chuyện hiển nhiên. Việc bộ trưởng ngành liên hệ phải từ chức là chuyện hiển nhiên.

Nhưng ở Việt Nam thì khác.

Trong các kỳ họp Quốc Hội vào cuối tháng 11 vừa qua, tất cả các bộ trưởng đều tuyên bố mình vô trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh, đơn vị trực tiếp ký giấy cho Vinashin vay tiền (ít nhất là một phần), tuyên bố: Không có trách nhiệm!

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, đơn vị trực tiếp quản lý Vinashin, cũng tuyên bố: Không chịu trách nhiệm!

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc phê duyệt các dự án của Vinashin, tuyên bố: "Chúng tôi không có trách nhiệm gì mà phải chịu trách nhiệm."

Chỉ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nhìn nhận: "là người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm đó. Xin báo cáo việc kiểm điểm sẽ không làm qua loa mà làm nghiêm túc, đúng quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, tôi khẳng định điều đó...Kết luận kiểm điểm sẽ được công khai."
Ở đây có mấy vấn đề chính:
Thứ nhất, tại sao trước một việc nghiêm trọng như vậy mà lại không có bộ trưởng nào chịu trách nhiệm hết vậy? Người nào cũng viện cớ là luật thế này, luật thế nọ để chạy tội. Vậy, hệ thống luật pháp ở Việt Nam như thế nào mà, ngay cả ở những vấn đề cơ bản và quan trọng như vậy, vẫn chưa có hoặc chưa đủ rõ ràng để những người có quyền nhất lại không bị ràng buộc bởi trách nhiệm nào cả?

Thứ hai, nếu nguyên nhân chính là ở hệ thống luật pháp thì, một, tại sao chính quyền Việt Nam lại không thiết lập được một hệ thống luật pháp hoàn chỉnh dù họ cầm quyền đã hơn nửa thế kỷ?; hai, bây giờ họ phải làm gì để bổ sung hệ thống luật pháp ấy nhằm tránh những hành động chạy trốn trách nhiệm ở những người có quyền lực cao nhất nước như thế?

Thứ ba, Việt Nam hay nói đến chuyện công bằng; nhưng có công bằng không khi một nhân viên kế toán quèn ở cấp phường, cấp xã làm thất thoát công quỹ vài triệu đồng thì bị tù, trong khi các cán bộ trung ương làm thất thoát công quỹ cả ngàn ngàn tỉ như trong vụ Vinashin vừa rồi thì vẫn bình an vô sự?

Thứ tư, Thủ tướng nói nhận trách nhiệm. Nhưng nhận trách nhiệm như thế nào? Nhận rồi thì sao? Chẳng lẽ một lời nhận tội suông như vậy là đủ? Ông hứa ông sẽ “kiểm điểm”. Nhưng “kiểm điểm” như thế nào? Với ai? Ai sẽ đánh giá những sự kiểm điểm ấy? Bây giờ Quốc Hội đang họp và đang sôi nổi bàn về vụ Vinashin, một số vị đại biểu còn đặt ra câu hỏi với ông; nhưng sau này thì sao? Các kỳ họp tới của Quốc Hội, bận bịu với các vấn đề khác, có ai quay ngược lại thời gian để truy vấn ông về bản kiểm điểm ấy? Ở ngoại quốc, việc theo dõi ấy nằm trong tay phe đối lập và giới truyền thông; còn ở Việt Nam thì sao?

Vân vân.

Ở Việt Nam, bàn đến chuyện chính trị, người ta chỉ hay nói đến “quyền” chứ ít ai nói đến trách nhiệm, trong khi, theo tôi, trách nhiệm mới chính là nền tảng của đạo đức chính trị. Bất cứ nền chính trị nào cũng đều trở thành vô đạo đức nếu nó không gắn liền với trách nhiệm. Đó là lý do tại sao cả hơn hai ngàn rưỡi năm trước, Khổng Tử đã đặt ra thuyết “chính danh”.

Thực chất của chính danh, “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” (Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con) là tinh thần trách nhiệm. Không có tinh thần trách nhiệm và không hoàn tất được trách nhiệm của mình thì không có người nào xứng đáng với danh vị và chức vị cả. Vua sẽ không còn là vua. Bởi vậy, những tên Kiệt, tên Trụ bị giết chết không phải là vua mà là những tên ăn cướp.

Nếu đem ứng dụng thuyết “Chính danh” của Khổng Tử vào tình hình chính trị Việt Nam hiện nay, chắc người ta sẽ phát hiện lắm chuyện thú vị.

Phải không?
---------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ

.
.
.

No comments: