Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Tư, 01 tháng 12 2010
Một trong những hiện tượng nổi bật nhất trên thế giới và cũng là hiện tượng được giới hàn lâm Tây phương quan tâm nghiên cứu và tranh luận nhiều nhất trong mấy thập niên vừa qua là hiện tượng toàn cầu hoá.
Theo Malcolm Waters, nếu “chủ nghĩa hậu hiện đại là khái niệm [thống trị] của thập niên 1980, toàn cầu hoá có thể là khái niệm [thống trị], và là ý tưởng chính yếu giúp chúng ta hiểu được sự chuyển tiếp của xã hội loài người vào thiên niên kỷ thứ ba.” (1)
Xin lưu ý: Malcolm Waters chỉ nói đến sự thay đổi trong vai trò chủ đạo chứ không phải là sự triệt tiêu lẫn nhau của hai trào lưu hậu hiện đại và toàn cầu hoá trong sinh hoạt văn hoá. Khi toàn cầu hoá trở thành chủ âm, chủ nghĩa hậu hiện đại không biến mất: nó chỉ lắng xuống chiều sâu, và tác động ngược lên cách lý giải hiện tượng toàn cầu hoá.
Ngoài sự khác biệt về thời điểm, giữa chủ nghĩa hậu hiện đại và toàn cầu hoá có ít nhất một điểm giống nhau: cả hai đều là những thực tiễn trước khi là một khái niệm hay một triết lý. Dù đồng ý hay không, người ta cũng không thể phủ nhận và cũng không thể thoát khỏi ảnh hưởng của chúng. Nhất là từ hiện tượng toàn cầu hoá. Bởi vì, nói như Michael Denning, “Toàn cầu hoá, giống như chủ nghĩa hậu hiện đại, không phải là cái gì người ta có thể theo hay chống. Nó chỉ là một nỗ lực đặt tên cho hiện tại.” (2)
Vâng, không ai có thể thoát khỏi ảnh hưởng của toàn cầu hoá.
Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đến, một phần, từ những thay đổi trong đời sống xã hội, phần khác, nhiều hơn, từ những trang sách khô khan dài dằng dặc của các văn nghệ sĩ và các nhà tư tưởng: chúng bắt đầu từ giới trí thức và thường cũng chỉ dừng lại ở giới trí thức, thậm chí giới trí thức khá cao cấp.
Ảnh hưởng của toàn cầu hoá, ngược lại, dấy lên ngay từ đời sống hàng ngày của hầu như tất cả mọi người, từ các siêu cường đến các quốc gia đang phát triển, từ thành thị đến nông thôn, từ những người có học đến giới bình dân. Ai cũng có thể cảm nhận được cơn lốc toàn cầu hoá.
Một người thợ may Việt Nam có thể ngồi suốt ngày may những chiếc áo mà cả đời họ không bao giờ được mặc, thậm chí, được thấy những người mặc chúng: những chiếc áo thuộc hàng hiệu cao cấp của các công ty ngoại quốc, chỉ bán cho những người giàu có ở các nước Âu Mỹ. Nhưng cũng chính người thợ may ấy lại đang mang một đôi dép nhựa làm ở Trung Quốc và mặc chiếc áo “sida” may ở Thái Lan bằng vải dệt từ Malaysia và nhập lậu vào Việt Nam qua ngả Campuchia. Rồi cũng chính người thợ may ấy, buổi tối, có thể mải mê ngồi trước máy vi tính trong một tiệm internet café nào đó để “chat” với một người mới quen ở một thành phố khác hay có khi, ở một nước nào đó, xa lắc, chỉ thấy mơ mơ hồ hồ trên tấm bản đồ thế giới.
Cũng lại người thợ ấy nữa, nếu ngày 11 tháng 9 năm 2001, ở nhà, ngồi trước máy truyền hình, cũng sẽ thấy cảnh khủng bố tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới hầu như cùng lúc với hàng trăm triệu người khác trên thế giới, kể cả những người đang sống ngay tại New York, cách toà nhà đôi ấy chỉ vài ba cây số. (3)
Trong tất cả các trường hợp vừa kể, kinh nghiệm về khoảng cách không gian cũng như về thế giới nói chung của người thợ ấy chắc chắn khác hẳn với kinh nghiệm của các thế hệ trước, những người bị buộc chặt vào các yếu tố địa lý, xem sự du lịch là một thứ lao động khổ ải, (4) không bao giờ có cơ hội được tiếp xúc với bất cứ ai, bất cứ thứ gì ngoài cái địa phương mình ở. Kinh nghiệm ấy cũng chính là kinh nghiệm về toàn cầu hoá.
Một kinh nghiệm như thế chưa từng xuất hiện trong lịch sử. Trước, thật ra, nhân loại, từ những địa phương khác nhau, đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhau và có ảnh hưởng lên nhau, bất chấp các biên giới địa lý và chính trị vốn được dùng để hạn chế tầm tương tác giữa các thành viên trong và ngoài xã hội.
Trong cách nhìn ấy, một số nhà nghiên cứu đẩy lịch sử toàn cầu hoá lên đến tận thời cổ đại và trung đại, lúc vua chúa một số quốc gia cầm quân đi chinh phạt các nước láng giềng, các thương buôn vượt qua nhiều biên giới, có khi sang tận các châu lục khác để kinh doanh, các tông đồ, và sau đó, các giáo sĩ của các tôn giáo, đặc biệt Thiên Chúa giáo, đi truyền đạo ở những nơi thật xa xôi, làm nên những cuộc “tiểu toàn cầu hoá” (mini-globalization).
Một cuộc toàn cầu hoá thực sự chỉ nảy sinh từ đầu thế kỷ 19 với sự phát triển của tính hiện đại (modernity) và sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân ở châu Âu. Tính hiện đại dẫn đến sự khu biệt hoá trong xã hội: khu biệt không gian ở/nghỉ (nhà) và không gian lao động (hãng/xưởng), từ đó, khu biệt không gian riêng tư (privacy) và không gian công cộng (public); thành thị và nông thôn; cũng từ đó, khu biệt các lãnh vực hoạt động khác nhau trong xã hội: tôn giáo, chính trị và kinh tế; mỗi lãnh vực có tính tự trị, với những quy luật riêng, dù là một cách tương đối, dẫn đến sự ra đời của các nhà nước thế tục và các hoạt động tự do mậu dịch xuyên quốc gia (transnational free trade), rồi sau đó, xuyên lục địa (transcontinental), một trong những tiền đề thiết yếu của toàn cầu hoá.
Các hoạt động mậu dịch xuyên lục địa này được tăng tốc với sự phát triển của giao thông vận tải và kỹ thuật truyền thông, và với trào lưu thực dân hoá từ các nước phương Tây.
Chủ nghĩa thực dân, một mặt, thúc đẩy tiến trình toàn cầu hoá không phải chỉ qua con đường thương mại mà còn qua cả con đường xâm lược đầy bạo lực, nhưng mặt khác, chính tính bạo lực ấy trở thành những hạn chế của toàn cầu hoá: khi siết chặt các thuộc địa trong bàn tay của mình và phủ nhận tư cách độc lập của các thuộc địa ấy, nó cũng vô hiệu hoá tính liên lập (interdependence) và tính liên kết (interconnectedness) của các quốc gia, những tiền đề khác của toàn cầu hoá.
Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu như tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng ý cái gọi là toàn cầu hoá chỉ thực sự bùng nổ từ một, hai thập niên cuối của thế kỷ 20 trở lại đây như là hệ quả của những sự phát triển trong hệ thống tài chính và hành chính quốc tế, sự phát triển của hệ thống giao thông vận tải xuyên quốc gia, và sự phát triển của hệ thống thông tin và truyền thông dựa trên kỹ thuật số hoá (digitalization). (5)
Michael Denning nêu thêm một lý do nữa: sự sụp đổ của bức tường Bá Linh dẫn theo sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, từ đó, cách phân chia thế giới ra làm ba: Thế giới Thứ Nhất (chỉ các nước phát triển), Thế giới Thứ Hai (chỉ các nước xã hội chủ nghĩa) và Thế giới Thứ Ba (chỉ các nước đang phát triển) trở thành quá khứ: Thế giới lại nhập làm một = Toàn cầu hoá. (6)
Có một lịch sử dài và bao trùm lên nhiều lãnh vực khác nhau như vậy, toàn cầu hoá trở thành một khái niệm phức tạp và đa dạng đến độ một số người đề nghị viết chữ toàn cầu hoá dưới hình thức số nhiều (globalizationS) thay vì số ít (globalization) như thường thấy. (7) Khi được viết dưới hình thức số nhiều như vậy, một định nghĩa duy nhất được mọi người chấp nhận là một huyễn tưởng, hay nói như David Held và Anthony McGrew, sau khi đã nghiên cứu cẩn thận các cuộc tranh luận về toàn cầu hoá ở nhiều nơi trên thế giới, “không từng hiện hữu”. (8) Bởi, lý do quan trọng nhất: toàn cầu hoá là một hiện tượng đa kích thước và lại phát triển không đồng đều: nó thay đổi theo những góc nhìn và cách nhìn khác nhau.
Từ góc độ kinh tế học, người ta thấy đó là sự lưu chuyển dễ dàng của hàng hoá, dịch vụ, tư bản, kỹ thuật cũng như lao động từ nước này sang nước khác, qua đó, hình thành các công ty đa quốc gia, các thị trường xuyên quốc gia và sự phân công lao động ở phạm vi quốc tế. Từ góc độ chính trị, người ta thấy, như là hệ quả của các thay đổi về phương diện kinh tế, các quốc gia càng ngày càng có tính liên kết và liên lập, do đó, “quan hệ quốc tế giữa các nước càng ngày càng trở nên phức tạp và bất khả đoán”. (9)
Từ góc độ văn hoá, hầu hết các nhà nghiên cứu đều nhấn mạnh vào kinh nghiệm về không gian và thời gian, từ đó, quan hệ giữa người với người, giữa tính toàn cầu và tính địa phương, giữa cuộc sống xê dịch và ý niệm về bản sắc, v.v…
Liên quan đến toàn cầu hoá, người ta không những khác nhau về góc nhìn mà còn khác nhau cả về cách nhìn nữa.
Theo Jan Aart Scholte, có năm cách nhìn khác nhau. Đó là xem toàn cầu hoá như: (a) quốc tế hoá với mối quan hệ vượt biên giới (cross-border) và tính liên lập giữa các quốc gia; (b) tự do hoá, đặc biệt về kinh tế, ở đó vai trò của các chính phủ càng lúc càng giảm; (c) phổ quát hoá (universalization) với những bảng giá trị chung được mọi người cùng chia sẻ (ví dụ vấn đề dân chủ, nhân quyền hay môi trường trên thế giới), (d) hiện đại hoá hay Tây phương hoá, thậm chí, Mỹ hoá với ảnh hưởng áp đảo của Mỹ về phương diện văn hoá đại chúng hay tinh thần duy lý, cách thức tổ chức các bộ máy hành chính, và đằng sau tất cả các điểm này là chủ nghĩa tư bản; và cuối cùng (e) giải lãnh thổ hoá (deterritorialization) ở đó không gian xã hội không còn trùng khớp với ý niệm lãnh thổ vốn gắn liền với địa lý như trước đây. (10)
Theo tôi, có thể nói một cách khái quát: Mặt nổi của toàn cầu hoá là các hoạt động kinh tế tài chính; mặt chìm của toàn cầu hoá là những phát minh của khoa học kỹ thuật liên quan, trước hết, đến hai lãnh vực giao thông vận tải và truyền thông (bao gồm cả điện thoại di động, email và internet); nhưng trung tâm của toàn cầu hoá lại là văn hoá.
Chú thích:
1.Chữ “thống trị” tôi để trong ngoặc là để dịch chữ “the” (in nghiêng để nhấn mạnh) trong nguyên tác: “just as postmodernism was the concept of the 1980s, globalization may be the concept, the key idea by which we understand the transition of human society into the third millennium.” (Malcolm Waters, Globalization, Routledge, 2001, tr. 1).
2.Michael Denning (2004), Culture in the Age of Three Worlds, London: Verso, tr. 24.
3.Thú thực, tôi không biết chắc là ngày ấy ở Việt Nam các đài truyền hình có gác các chương trình thường lệ lại để chỉ chiếu tin tức về vụ khủng bố ở Mỹ hay không. Tôi chỉ đoán thế. Riêng ở Úc thì toàn bộ các kênh truyền hình đều chỉ tập trung vào vụ khủng bố ấy mà thôi.
4.Trong cuốn Globalization and Culture xuất bản năm 1999, John Tomlinson nhắc nhở: trong từ nguyên, chữ “travel” (du lịch) và “travail” (lao động nặng nề) có cùng gốc gác (tr. 41).
5.Về sự phát triển của toàn cầu hoá trong lịch sử, có thể xem Making Globalization của Robert J. Holton (2005), Palgrave xuất bản tại New York, đặc biệt chương 2 “When did Globalization begin?”, tr. 28-54; cuốn The Three Waves of Globalization của Robbie Roberton (2003), nxb Zed Books, London; cuốn Globalization, a Short History của Jurgen Osterhammel và Niels P. Peterson do Dona Geyer dịch sang tiếng Anh (2003), nxb Princeton University Press.
6.Michael Denning (2004), sđd.
7.Xem cuốn Globalization and After do Samir Dasgupta và Ray Kiely biên tập, Sage xuất bản tại New Delhi năm 2006, tr. 13-4. Cuốn Many Globalizations do Peter L. Berger và Samuel P. Huntington biên tập do Oxford University Press xuất bản năm 2002 cũng có thể được xem là một ví dụ.
8.David Held và Anthony McGrew (2000), The Global Transformations Reader: an Introduction to the Globalization Debate, Cambridge: Polity Press, tr. 3.
9.Malcolm Waters, sđd., tr. 149.
10.Jan Aart Scholte (2005), Globalization: a Critical Introduction, Palgrave, tr. 54-59.
Theo Malcolm Waters, nếu “chủ nghĩa hậu hiện đại là khái niệm [thống trị] của thập niên 1980, toàn cầu hoá có thể là khái niệm [thống trị], và là ý tưởng chính yếu giúp chúng ta hiểu được sự chuyển tiếp của xã hội loài người vào thiên niên kỷ thứ ba.” (1)
Xin lưu ý: Malcolm Waters chỉ nói đến sự thay đổi trong vai trò chủ đạo chứ không phải là sự triệt tiêu lẫn nhau của hai trào lưu hậu hiện đại và toàn cầu hoá trong sinh hoạt văn hoá. Khi toàn cầu hoá trở thành chủ âm, chủ nghĩa hậu hiện đại không biến mất: nó chỉ lắng xuống chiều sâu, và tác động ngược lên cách lý giải hiện tượng toàn cầu hoá.
Ngoài sự khác biệt về thời điểm, giữa chủ nghĩa hậu hiện đại và toàn cầu hoá có ít nhất một điểm giống nhau: cả hai đều là những thực tiễn trước khi là một khái niệm hay một triết lý. Dù đồng ý hay không, người ta cũng không thể phủ nhận và cũng không thể thoát khỏi ảnh hưởng của chúng. Nhất là từ hiện tượng toàn cầu hoá. Bởi vì, nói như Michael Denning, “Toàn cầu hoá, giống như chủ nghĩa hậu hiện đại, không phải là cái gì người ta có thể theo hay chống. Nó chỉ là một nỗ lực đặt tên cho hiện tại.” (2)
Vâng, không ai có thể thoát khỏi ảnh hưởng của toàn cầu hoá.
Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đến, một phần, từ những thay đổi trong đời sống xã hội, phần khác, nhiều hơn, từ những trang sách khô khan dài dằng dặc của các văn nghệ sĩ và các nhà tư tưởng: chúng bắt đầu từ giới trí thức và thường cũng chỉ dừng lại ở giới trí thức, thậm chí giới trí thức khá cao cấp.
Ảnh hưởng của toàn cầu hoá, ngược lại, dấy lên ngay từ đời sống hàng ngày của hầu như tất cả mọi người, từ các siêu cường đến các quốc gia đang phát triển, từ thành thị đến nông thôn, từ những người có học đến giới bình dân. Ai cũng có thể cảm nhận được cơn lốc toàn cầu hoá.
Một người thợ may Việt Nam có thể ngồi suốt ngày may những chiếc áo mà cả đời họ không bao giờ được mặc, thậm chí, được thấy những người mặc chúng: những chiếc áo thuộc hàng hiệu cao cấp của các công ty ngoại quốc, chỉ bán cho những người giàu có ở các nước Âu Mỹ. Nhưng cũng chính người thợ may ấy lại đang mang một đôi dép nhựa làm ở Trung Quốc và mặc chiếc áo “sida” may ở Thái Lan bằng vải dệt từ Malaysia và nhập lậu vào Việt Nam qua ngả Campuchia. Rồi cũng chính người thợ may ấy, buổi tối, có thể mải mê ngồi trước máy vi tính trong một tiệm internet café nào đó để “chat” với một người mới quen ở một thành phố khác hay có khi, ở một nước nào đó, xa lắc, chỉ thấy mơ mơ hồ hồ trên tấm bản đồ thế giới.
Cũng lại người thợ ấy nữa, nếu ngày 11 tháng 9 năm 2001, ở nhà, ngồi trước máy truyền hình, cũng sẽ thấy cảnh khủng bố tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới hầu như cùng lúc với hàng trăm triệu người khác trên thế giới, kể cả những người đang sống ngay tại New York, cách toà nhà đôi ấy chỉ vài ba cây số. (3)
Trong tất cả các trường hợp vừa kể, kinh nghiệm về khoảng cách không gian cũng như về thế giới nói chung của người thợ ấy chắc chắn khác hẳn với kinh nghiệm của các thế hệ trước, những người bị buộc chặt vào các yếu tố địa lý, xem sự du lịch là một thứ lao động khổ ải, (4) không bao giờ có cơ hội được tiếp xúc với bất cứ ai, bất cứ thứ gì ngoài cái địa phương mình ở. Kinh nghiệm ấy cũng chính là kinh nghiệm về toàn cầu hoá.
Một kinh nghiệm như thế chưa từng xuất hiện trong lịch sử. Trước, thật ra, nhân loại, từ những địa phương khác nhau, đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhau và có ảnh hưởng lên nhau, bất chấp các biên giới địa lý và chính trị vốn được dùng để hạn chế tầm tương tác giữa các thành viên trong và ngoài xã hội.
Trong cách nhìn ấy, một số nhà nghiên cứu đẩy lịch sử toàn cầu hoá lên đến tận thời cổ đại và trung đại, lúc vua chúa một số quốc gia cầm quân đi chinh phạt các nước láng giềng, các thương buôn vượt qua nhiều biên giới, có khi sang tận các châu lục khác để kinh doanh, các tông đồ, và sau đó, các giáo sĩ của các tôn giáo, đặc biệt Thiên Chúa giáo, đi truyền đạo ở những nơi thật xa xôi, làm nên những cuộc “tiểu toàn cầu hoá” (mini-globalization).
Một cuộc toàn cầu hoá thực sự chỉ nảy sinh từ đầu thế kỷ 19 với sự phát triển của tính hiện đại (modernity) và sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân ở châu Âu. Tính hiện đại dẫn đến sự khu biệt hoá trong xã hội: khu biệt không gian ở/nghỉ (nhà) và không gian lao động (hãng/xưởng), từ đó, khu biệt không gian riêng tư (privacy) và không gian công cộng (public); thành thị và nông thôn; cũng từ đó, khu biệt các lãnh vực hoạt động khác nhau trong xã hội: tôn giáo, chính trị và kinh tế; mỗi lãnh vực có tính tự trị, với những quy luật riêng, dù là một cách tương đối, dẫn đến sự ra đời của các nhà nước thế tục và các hoạt động tự do mậu dịch xuyên quốc gia (transnational free trade), rồi sau đó, xuyên lục địa (transcontinental), một trong những tiền đề thiết yếu của toàn cầu hoá.
Các hoạt động mậu dịch xuyên lục địa này được tăng tốc với sự phát triển của giao thông vận tải và kỹ thuật truyền thông, và với trào lưu thực dân hoá từ các nước phương Tây.
Chủ nghĩa thực dân, một mặt, thúc đẩy tiến trình toàn cầu hoá không phải chỉ qua con đường thương mại mà còn qua cả con đường xâm lược đầy bạo lực, nhưng mặt khác, chính tính bạo lực ấy trở thành những hạn chế của toàn cầu hoá: khi siết chặt các thuộc địa trong bàn tay của mình và phủ nhận tư cách độc lập của các thuộc địa ấy, nó cũng vô hiệu hoá tính liên lập (interdependence) và tính liên kết (interconnectedness) của các quốc gia, những tiền đề khác của toàn cầu hoá.
Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu như tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng ý cái gọi là toàn cầu hoá chỉ thực sự bùng nổ từ một, hai thập niên cuối của thế kỷ 20 trở lại đây như là hệ quả của những sự phát triển trong hệ thống tài chính và hành chính quốc tế, sự phát triển của hệ thống giao thông vận tải xuyên quốc gia, và sự phát triển của hệ thống thông tin và truyền thông dựa trên kỹ thuật số hoá (digitalization). (5)
Michael Denning nêu thêm một lý do nữa: sự sụp đổ của bức tường Bá Linh dẫn theo sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, từ đó, cách phân chia thế giới ra làm ba: Thế giới Thứ Nhất (chỉ các nước phát triển), Thế giới Thứ Hai (chỉ các nước xã hội chủ nghĩa) và Thế giới Thứ Ba (chỉ các nước đang phát triển) trở thành quá khứ: Thế giới lại nhập làm một = Toàn cầu hoá. (6)
Có một lịch sử dài và bao trùm lên nhiều lãnh vực khác nhau như vậy, toàn cầu hoá trở thành một khái niệm phức tạp và đa dạng đến độ một số người đề nghị viết chữ toàn cầu hoá dưới hình thức số nhiều (globalizationS) thay vì số ít (globalization) như thường thấy. (7) Khi được viết dưới hình thức số nhiều như vậy, một định nghĩa duy nhất được mọi người chấp nhận là một huyễn tưởng, hay nói như David Held và Anthony McGrew, sau khi đã nghiên cứu cẩn thận các cuộc tranh luận về toàn cầu hoá ở nhiều nơi trên thế giới, “không từng hiện hữu”. (8) Bởi, lý do quan trọng nhất: toàn cầu hoá là một hiện tượng đa kích thước và lại phát triển không đồng đều: nó thay đổi theo những góc nhìn và cách nhìn khác nhau.
Từ góc độ kinh tế học, người ta thấy đó là sự lưu chuyển dễ dàng của hàng hoá, dịch vụ, tư bản, kỹ thuật cũng như lao động từ nước này sang nước khác, qua đó, hình thành các công ty đa quốc gia, các thị trường xuyên quốc gia và sự phân công lao động ở phạm vi quốc tế. Từ góc độ chính trị, người ta thấy, như là hệ quả của các thay đổi về phương diện kinh tế, các quốc gia càng ngày càng có tính liên kết và liên lập, do đó, “quan hệ quốc tế giữa các nước càng ngày càng trở nên phức tạp và bất khả đoán”. (9)
Từ góc độ văn hoá, hầu hết các nhà nghiên cứu đều nhấn mạnh vào kinh nghiệm về không gian và thời gian, từ đó, quan hệ giữa người với người, giữa tính toàn cầu và tính địa phương, giữa cuộc sống xê dịch và ý niệm về bản sắc, v.v…
Liên quan đến toàn cầu hoá, người ta không những khác nhau về góc nhìn mà còn khác nhau cả về cách nhìn nữa.
Theo Jan Aart Scholte, có năm cách nhìn khác nhau. Đó là xem toàn cầu hoá như: (a) quốc tế hoá với mối quan hệ vượt biên giới (cross-border) và tính liên lập giữa các quốc gia; (b) tự do hoá, đặc biệt về kinh tế, ở đó vai trò của các chính phủ càng lúc càng giảm; (c) phổ quát hoá (universalization) với những bảng giá trị chung được mọi người cùng chia sẻ (ví dụ vấn đề dân chủ, nhân quyền hay môi trường trên thế giới), (d) hiện đại hoá hay Tây phương hoá, thậm chí, Mỹ hoá với ảnh hưởng áp đảo của Mỹ về phương diện văn hoá đại chúng hay tinh thần duy lý, cách thức tổ chức các bộ máy hành chính, và đằng sau tất cả các điểm này là chủ nghĩa tư bản; và cuối cùng (e) giải lãnh thổ hoá (deterritorialization) ở đó không gian xã hội không còn trùng khớp với ý niệm lãnh thổ vốn gắn liền với địa lý như trước đây. (10)
Theo tôi, có thể nói một cách khái quát: Mặt nổi của toàn cầu hoá là các hoạt động kinh tế tài chính; mặt chìm của toàn cầu hoá là những phát minh của khoa học kỹ thuật liên quan, trước hết, đến hai lãnh vực giao thông vận tải và truyền thông (bao gồm cả điện thoại di động, email và internet); nhưng trung tâm của toàn cầu hoá lại là văn hoá.
Chú thích:
1.Chữ “thống trị” tôi để trong ngoặc là để dịch chữ “the” (in nghiêng để nhấn mạnh) trong nguyên tác: “just as postmodernism was the concept of the 1980s, globalization may be the concept, the key idea by which we understand the transition of human society into the third millennium.” (Malcolm Waters, Globalization, Routledge, 2001, tr. 1).
2.Michael Denning (2004), Culture in the Age of Three Worlds, London: Verso, tr. 24.
3.Thú thực, tôi không biết chắc là ngày ấy ở Việt Nam các đài truyền hình có gác các chương trình thường lệ lại để chỉ chiếu tin tức về vụ khủng bố ở Mỹ hay không. Tôi chỉ đoán thế. Riêng ở Úc thì toàn bộ các kênh truyền hình đều chỉ tập trung vào vụ khủng bố ấy mà thôi.
4.Trong cuốn Globalization and Culture xuất bản năm 1999, John Tomlinson nhắc nhở: trong từ nguyên, chữ “travel” (du lịch) và “travail” (lao động nặng nề) có cùng gốc gác (tr. 41).
5.Về sự phát triển của toàn cầu hoá trong lịch sử, có thể xem Making Globalization của Robert J. Holton (2005), Palgrave xuất bản tại New York, đặc biệt chương 2 “When did Globalization begin?”, tr. 28-54; cuốn The Three Waves of Globalization của Robbie Roberton (2003), nxb Zed Books, London; cuốn Globalization, a Short History của Jurgen Osterhammel và Niels P. Peterson do Dona Geyer dịch sang tiếng Anh (2003), nxb Princeton University Press.
6.Michael Denning (2004), sđd.
7.Xem cuốn Globalization and After do Samir Dasgupta và Ray Kiely biên tập, Sage xuất bản tại New Delhi năm 2006, tr. 13-4. Cuốn Many Globalizations do Peter L. Berger và Samuel P. Huntington biên tập do Oxford University Press xuất bản năm 2002 cũng có thể được xem là một ví dụ.
8.David Held và Anthony McGrew (2000), The Global Transformations Reader: an Introduction to the Globalization Debate, Cambridge: Polity Press, tr. 3.
9.Malcolm Waters, sđd., tr. 149.
10.Jan Aart Scholte (2005), Globalization: a Critical Introduction, Palgrave, tr. 54-59.
-------------------------------------------------
Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
.
.
.
No comments:
Post a Comment