Phong Uyên
Thứ Tư, 22/12/2010
Mấy tháng gần đây người được Tuần Việt Nam phỏng vấn nhiều nhất là ông cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Đọc những câu trả lời mới đây của ông, không thể không cảm phục ông là người đầu tiên đã dám vạch trần cái sai lầm căn bản của ĐCSVN mà ông gọi là "lỗi hệ thống".
Theo ông An, mô hình Liên Xô mà gốc rễ của nó là chủ nghĩa Mác-Lê bị sụp đổ vì đã không biết khắc phục lỗi hệ thống. ĐCSVN ngay từ khởi đầu đã theo mô hình Liên Xô tất nhiên là chẳng chóng thì chầy cũng sẽ bị sụp đổ nếu ĐCSVN không biết sửa nó. Sửa theo phương cách nào?
Ông Nguyễn văn An đưa ra một số "suy nghĩ". Nhưng cách nói vòng quanh của ông khiến nhiều người cho ông là tiền hậu bất nhất, vẫn muốn giữ chủ nghĩa Mác-Lê, vẫn muốn duy trì hệ thống "Đảng lãnh đạo", chỉ đưa ra phương án duy nhất là Đảng tranh cử với Đảng và dân chỉ được chọn vị nguyên thủ quốc gia trong số những người Đảng cử. Tôi thoạt đầu cũng nghĩ những đề nghị "sửa lỗi hệ thống" của ông An chỉ là một chuỗi đuôi chuột gắn vào đít voi. Nhưng khi đọc đi đọc lại những câu trả lời để quen lần lần với ngôn ngữ và cách lí luận hơi đặc biệt của các vị có chức quyền trong ĐCSVN, tôi thấy ông Nguyễn Văn An nói vậy mà không phải vậy.
Trước tiên tôi không thể không nghĩ là những ý kiến của ông Nguyễn Văn An phản ánh một phần nào, nếu không muốn nói là một phần lớn những ý nghĩ của một phe phái nào trong Đảng đang đấu tranh trong bóng tối để giành được ưu thế sau Đại Hội 11, khi thấy ông dám khuyến nghị Đảng phải từ bỏ mô hình Liên Xô, từ bỏ vai trò lãnh đạo nếu muốn khắc phục lỗi hệ thống: "... mà mô hình này lại bắt nguồn từ những lý thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin... với thể chế hiện nay cả 3 quyền lực nhà nước (Quốc hội, chính phủ, Chủ tịch nước) đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng".
Nếu theo đúng lô gíc thì ông phải kết luận là: Nguồn gốc mô hình Liên Xô là chủ nghĩa Mác-Lê do Stalin bịa đặt ra sau khi Lenine chết năm 1925. Chủ nghĩa này là nền tảng của sự "lãnh đạo của Đảng". Bỏ mô hình Liên Xô tức là phải vứt bỏ chủ nghĩa Mác-Lê và phải phá bỏ hệ thống "Đảng lãnh đạo". Nói ngắn gọn hơn: Phải bỏ điều 4 Hiến pháp.
Tôi hiểu hoàn cảnh đấu tranh giữa các bè phái trong Đảng trong hậu trường Đại hội 11 hiện nay không cho phép ông dám nói thẳng tuột như vậy. Nhưng tôi tin là mọi người sẽ hiểu những đề nghị "sửa lỗi hệ thống" của ông hơn nếu thấy những "giải mã" của tôi dưới đây có phần nào đúng:
1) Vẫn giữ học thuyết Mác-Lênin:
Trả lời ký giả Thu Hà về sửa lỗi hệ thống, ông nói phải đổi mới tư duy toàn diện và triệt để rồi tiếp theo: "Tôi đề nghị chúng ta vẫn giữ học thuyết Mác-Lênin và biết vận dụng những học thuyết tinh hoa của nhân loại". Đổi mới tư duy toàn diện mà vẫn giữ học thuyết Mác-Lê thì đổi mới cái gì? và những học thuyết tinh hoa của nhân loại là những học thuyết nào? Làm sao những học thuyết này có thể sống chung với học thuyết Stalinít "Đảng (là Stalin) lãnh đạo toàn diện" được?
Tôi giải mã như thế này: Ông An không thể nói toạc móng heo là phải bỏ học thuyết Mác-Lê được vì phe Lãnh đạo bảo thủ sẽ vin vào đó để kết tội phe phái của ông là những người phản đảng muốn khuynh đảo chế độ. Nhưng khi nói phải biết vận dụng những học thuyết tinh hoa của nhân loại, thì đề nghị vẫn giữ học thuyết Mác-Lê chỉ có nghĩa là giữ nó như giữ 1 xác ướp trong Viện bảo tàng.
2) Về phương sách đi đến dân chủ trong chế độ "Đảng lãnh đạo toàn diện":
Trả lời ký giả Thu Hà: Trong thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện phân quyền nên được hiểu như thế nào? Ông An nói "Thực chất chúng ta có 2 hệ thống, quyền lực song song: hệ thống Đảng và hệ thống Nhà nước, 2 cơ quan Đảng và Nhà nước cồng kềnh chưa từng có...". Ông đề nghị:
"Trong Đảng ta có nhiều đồng chí đưa ra những cương lĩnh tranh cử khác nhau, dăm ba cương lĩnh chẳng hạn, sau đó trong Đảng lựa chọn 2-3 cương lĩnh tranh cử để đưa ra dân lựa chọn. Như vậy người dân sẽ có cơ hội lựa chọn cương lĩnh tranh cử và người đứng đầu cương lĩnh để trở thành nguyên thủ quốc gia trong một nhiệm kỳ xác định".
Tôi cho câu trả lời này là cốt lõi của bài phỏng vấn. Lần đầu tiên tôi thấy ông Nguyễn Văn An là một người rất khôn khéo, biết rõ hiện tình nội bộ của Đảng, những cái phạm húy cần phải tránh, và con đường vòng phải chọn để có thể đi đến thay đổi chính trị.
Tôi xin giải mã:
Ai cũng biết ĐCSVN từ khi sinh ra đã là 1 đảng 2 phái nên khi ông An nói "2 hệ thống" là có ý ám chỉ 2 phái trong Đảng: phái "Lãnh đạo" mà đầu nậu là Tổng bí thư và phái "Nhà nước" mà đầu nậu là Thủ tướng chính phủ. Hai phái này luôn luôn đấu đá ngầm nhau trong bóng tối như giữa 2 phe tiên chỉ và lý trưởng trong các làng xã Việt Nam, để rút cục thoả hiệp với nhau, giữ độc quyền chia chác nhau mọi quyền lợi, quyền lực. Ông Nguyễn Văn An biết khó có thể biến cải được cái bản chất "1 đảng 2 phái" của ĐCSVN, trừ khi có 1 phép lạ phá bỏ được toàn bộ Đảng. Là người thực tiễn, ông An không thể tin là có phép lạ. Ông nghĩ phương sách duy nhất là làm sao phân hoá được ĐCSVN ra làm 2 để 2 phái đối chọi nhau một cách công khai dưới sự trọng tài thông qua đầu phiếu của mọi tầng lớp đảng viên. Đề nghị "trong Đảng lựa chọn 2-3 cương lĩnh tranh cử khác nhau" là nhằm thể hiện phương sách này. Nó gồm 2 phần:
1° Tranh cử nội bộ để đảng viên được sử dụng quyền dân chủ trong đảng:
Khi ông An lấy thí dụ "... như tranh cử trong nội bộ đảng ở các nước có đa đảng tham chính, đảng nào chuẩn bị đưa người ra tranh cử phải có quy trình tranh cử trong nội bộ đảng để chọn người xuất sắc của đảng mình ra tranh cử với các đảng khác", là ông muốn 2 phe phái trong Đảng phải đối chọi nhau bằng lá phiếu của các đảng viên chứ không phải như từ trước tới nay chỉ có mấy tay đầu nậu trong Bộ chính trị mặc cả với nhau, chia chác nhau những chức quyền, 3 triệu đảng viên đâu có được coi là cái thá gì. Dẫu cho là chỉ 1 số nhỏ đảng viên được quyền bỏ phiếu lựa chọn cương lĩnh thông qua bầu cử, chắc chắn là số nhỏ đảng viên này cũng loại bỏ cương lĩnh của phái Lãnh đạo bảo thủ để cho ra rìa phái này.
2° Dân được lựa chọn cương lĩnh và nguyên thủ quốc gia:
Có người cho ông Nguyễn Văn An đã so sánh sai khi nói Đảng lựa chọn 2-3 cương lĩnh tranh cử để đưa ra dân lựa chọn như sự tranh cử của các nước có đa đảng tham chính: Ở những nước đa đảng, đảng viên hay cảm tình viên mỗi đảng chỉ chọn thông qua đầu phiếu 1 người ra tranh cử như đảng Dân chủ Mỹ đưa Obama, đảng Xã hội Pháp đưa Ségolène Royal, chứ không có đảng nào đưa ra 2-3 cương lĩnh, nghĩa là 2-3 người cùng trong đảng ra tranh cử. Một khi đã đưa ra 2-3 người cùng là người "Đảng ta" để bắt dân lựa chọn chỉ trong số những người ấy, thì khác gì bảo dân lựa chọn 1 trong 3 con mèo, mèo trắng, mèo đen, mèo tam thể, mèo nào khác mèo nào!
Tôi thì nghĩ ngược lại: Trong trường hợp Việt Nam chỉ có 1 đảng mà muốn cho dân có chút quyền lựa chọn thì ông Nguyễn Văn An chỉ có cách đề nghị Đảng đưa ra "2-3 người" đứng đầu 2-3 phái trong Đảng để dân lựa chọn. Tất nhiên là trong số những người mù người chột này, dân có phải lựa người chột chăng nữa, cũng còn hơn các bè phái trong Đảng thoả hiệp với nhau chọn 1 người mù.
Cái khôn khéo của ông An mà chỉ những ngưòi tinh ý mới nhận ra được, là ông muốn thay đổi thể chế ở Việt Nam khi đề nghị người đứng đầu cương lĩnh được dân chọn sẽ trở thành nguyên thủ Quốc gia trong một nhiệm kỳ xác định. Vị nguyên thủ quốc gia được dân bầu như vậy khác gì một Tổng thống trong 1 nước dân chủ theo chế độ tổng thống chế! Thay "Đảng lãnh đạo" vô hình vô thể bằng 1 cá nhân lãnh đạo bằng xương bằng thịt, phá bỏ được cái sự chồng chéo Lãnh đạo và Nhà nước, đồng thời "khắc phục được lỗi hệ thống theo quy luật phổ quát là phải chia 3 nhánh quyền lực nhà nước 1 cách rạch ròi, minh bạch, thống nhất ở nơi dân (3 quyền phân lập)" thì quá là lý tưởng!
Một khi chưa vứt bỏ được cái ý niệm thần học "Đảng Lãnh đạo", thì câu hỏi của ký giả Thu Hà "Đã đến lúc xây dựng luật về Đảng?" là thừa nếu không muốn nói là kỳ cục (farfelu): Đảng là Trời, là đấng Tối cao tạo ra mọi hiện hữu như chủ tịch nước, Quốc hội, chính phủ... thì Đảng đã là Luật rồi còn tuân thủ luật nào nữa? Xưa nay người ta nói luật Trời chứ ai nói luật của người, Trời phải theo!
Kết luận
Tôi nghĩ nếu sau Đại hội 11 có phái nào lấy đề nghị của ông An làm cương lĩnh và thực thi được nó thì có thể nói phái này đã làm một cuộc cách mạng nội bộ vô tiền khoáng hậu:
1° Phục hồi Quốc hội:
Tháo rời được từng mảnh ĐCSVN bằng cách "đảng hoá" mỗi phái trong Đảng hay nói theo kiểu khác, chia Đảng ra làm nhiều đảng khác nhau theo đúng nghĩa trong tiếng Tây phương "đảng" là "phái": "parti", "party". Những phái này sẽ đối chọi nhau trong Quốc hội như sau Cách Mạng Pháp 1789 những người cách mạng đã tự chia làm 2 phái, les Jacobins và les Girondins. Dù trong giai đoạn đầu đa số đại biểu Quốc hội vẫn là đảng viên và chế độ ở Việt Nam vẫn là độc đảng cầm quyền, nhưng ĐCSVN sẽ chỉ là 1 đảng cầm quyền như mọi đảng cầm quyền trong mọi chính thể trên thế giới, phải tuân theo luật của Quốc hội như mọi tổ chức, như mọi người dân.
2° Thay ý niệm Đảng Lãnh đạo bằng 1 cá nhân lãnh đạo:
Dù cho là cá nhân lãnh đạo sẽ trở thành 1 lãnh tụ chuyên quyền (autoritaire) kiểu Đặng Tiểu Bình khi trước, hay như Poutine bây giờ, cũng không lãnh đạo được đời đời như ĐCSVN. Một khi toàn Đảng có được 1 người lãnh tụ được dân bầu ra thì sẽ có đủ khả năng thống nhất được Đảng để không còn 2 phái đứng ỳ tại chỗ tiếp tục chia nhau lợi quyền.
Dầu sao phương sách "Sửa lỗi hệ thống" của ông Nguyễn Văn An cũng là phương sách khả thi nhất để tạo trong nội bộ ĐCSVN một diễn biến hoà bình khác với những diễn tiến trong đảng Cộng Sản Trung Quốc thời Mao và thời hậu Mao, đồng thời cũng là 1 bước cơ bản để đi đến dân chủ. Tôi không thể không nghĩ là phương án của ông An đến từ những hiểu biết của ông về nguyên nhân sự sụp đổ của chế độ Xô Viết và hiện trạng chính trị của nước Nga ngày nay. Ông An là người thuộc thế hệ những người được đào tạo ở Liên Xô nên khi ông nghĩ về nguyên thủ quốc gia tương lai của Việt Nam là ông nghĩ đến những người lãnh đạo nước Nga đi từ Gót Ba Chốp tới Enxin và nay tới Putin. Ai sẽ là Gót Ba Chốp, hay Putin Việt Nam trong số những người như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang...?
---------------------------------
Tin liên quan :
Ngô Nhân Dụng - Thursday, December 16, 2010
Ngô Nhân Dụng - Tuesday, December 14, 2010
Bùi Tín viết riêng cho VOA - Thứ Tư, 15 tháng 12 2010
Phạm Xuân Phương - 14-12-2010
Tác giả: THU HÀ - 10.12.2010
.
.
No comments:
Post a Comment