Wednesday, December 22, 2010

CÓ LÃNH ĐẠO KHÔNG ? (Nguyễn Anh Dũng)

Nguyễn Anh Dũng
Thứ Tư, 22/12/2010


“Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội"... "Các tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”... “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật”... “Ở nước cộng hoà XHCN Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế văn hoá và xã hội được tôn trọng”... “Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước hoặc bất cứ cá nhân nào”... Những điều trên đây đã được quy định một cách trang trọng tại điều 4, 12, 50, 74 Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Thế nhưng công luận đã từng chỉ rõ: “Một năm với hơn 9000 vụ án oan sai, hơn 5000 vụ yêu cầu giám đốc thẩm”... “Năm 2010 cả nước phát sinh hơn 479.000 đơn khiếu nại, tố cáo. Tăng 24,5 % so với cùng kỳ tháng 9/2009”. Chưa kể số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan kiểm tra các cấp của Đảng và các đơn bị đánh “Chìm xuồng”.

Do những quyền cơ bản của con người thực tế đã bị tước đoạt, nên ngưòi lao động kể cả đảng viên, bị coi là nô lệ kiểu mới, tuy không bị coi là công cụ biết nói, bị đánh số thay tên gọi. Nhưng luôn phải sống trong nỗi lo bị bán làm nô lệ, lo vì quyền tự do dân chủ, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền lao động chân chính để tự xoá đói, giảm nghèo và tạo nên tài sản hợp pháp, thuộc sở hữu tư nhân là nơi ở, là tư liệu sản xuất chính, có thể bị cướp đoạt bất cứ lúc nào.

Bộ máy khổng lồ của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra vẫn không ngăn chặn được tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức từ trung ương tới địa phương. Cái vòng luẩn quẩn: Phạm tội > hối lộ > tham nhũng > bao che > thoát tội > rồi lại phạm tội v.v ... vẫn ngang nhiên tồn tại. Từ đó nỗi oan ức, cực khổ của người dân khi phải sống trong một chế độ đầy dẫy những bất công, dã man và tàn bạo ngày càng gia tăng.

Ông Nguyễn Phú Trọng: Uỷ viên bộ chính trị, chủ tịch quốc hội vẫn thường nói: “Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì không còn là lãnh đạo”. Các sự việc nêu trên cùng với những hanh vi tiêu cực, suy đồi đạo đức, tham nhũng trong tổ chức đảng và nhà nước. Những người lãnh đạo có biết không? Nếu không biết thì đó là sự quan liêu, yếu kém về năng lực. Nếu biết mà không giải quyết đó là sự độc tài, phản dân chủ và vô đạo đức! Chính họ đã tự từ bỏ quyền lãnh đạo của mình.

Thời gian và thực tế đã chứng minh: Sự lãnh đạo của Đảng đã thay bằng sự thống trị của một nhóm người cầm đầu bảo thủ trong Bộ chính trị đã biến Việt Nam thành quốc gia độc tài. Để cho Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ, bắn giết bộ đội và ngư dân trên biển, đánh đuổi người dân địa phương như ở Tây Nguyên. Cai trị đất nước bằng nhà tù, bằng lưỡi lê và họng súng... Tất cả đã “Gây lo lắng, bất bình trong nhân dân và hạn chế sự phát triển có thể còn cao hơn nữa của đất nước” (Báo Nhân Dân ngày 13/1/2004).

Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, khi mà Việt Nam đã trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế. Bị ràng buộc bởi các công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về “Nhân Quyền”, đó là xu thế phát triển một cách văn minh không thể đảo ngược.

Vì vậy nhà nước CS Việt Nam hãy nên lắng nghe và tôn trọng ý kiến của những đảng viên chân chính, của nhân dân để khôi phục lại lòng tin, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Hãy chấm dứt độc tài để người dân có quyền tự chọn lấy người lãnh đạo của mình qua bầu cử tự do có sự giám sát quốc tế. Hãy thả ngay những người đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ, cho tự do, dân chủ và nhân quyền.

Thiết nghĩ chỉ có đa đảng và hoà hợp dân tộc bằng các chính sách, pháp luật cụ thể để xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2010
Người gửi
Nguyễn Anh Dũng
HV hội cựu chiến binh Việt Nam
.
.
.

No comments: