Sunday, December 19, 2010

THÊM MỘT "ĐÒN" MỚI của NGHỊ QUYẾT 36 (Vũ Ánh/Việt Herald)

(12/18/2010)

(1)
Nói một cách tóm lược, đòn mới của nghị quyết 36 là chiến dịch “dân vận”. Một vài người thích dao to búa lớn thì gọi đó là “chiến dịch nhuộm đỏ hải ngoại” cho thêm phần gay cấn. Những người trầm tĩnh hơn, sâu sắc hơn thì tỏ ra lo ngại thật sự. Trong những câu chuyện riêng tư nơi góc một quán cà phê vắng, họ đặt vấn đề, đại khái tóm tắt như sau:
“Thế liệu trong cộng đồng này có ai biết chắc nghị quyết 36 là cái gì không, hay cứ nói ra thì chỉ có một cách hiểu đó là một âm mưu, một phương thức nhuộm đỏ cộng đồng người Việt ở hải ngoại? Mà cứ cho rằng nghị quyết 36 chỉ giản dị là như thế đi, vậy thì chúng ta chống nó bằng cách nào? Biểu tình bao vây các cơ sở ngoại giao của họ? Tốt lắm, nhưng đến bao giờ? Biểu tình chống những cơ sở truyền thông hay thương mại nào không đồng tình với các lãnh tụ cộng đồng, các ông ủy ban? Cứ cho là tốt đi, nhưng đã có bao giờ các cuộc biểu tình biểu dương như vậy thành công chưa? Cho đến bây giờ, bọn đỏ lại tung ra một đòn thứ nhì thì hành động này chứng tỏ điều gì? Trước mắt, có phải là đòn dân vận của người Cộng Sản cho thấy nghị quyết 36 chưa chết và những nỗ lực chống nghị quyết 36 của những người đứng ra chống đã không thành công không?”
Đặt vấn đề kiểu này có thể khiến một số người cố bám vào công việc chống nghị quyết 36 để đánh bóng tên tuổi mình và tự vinh danh mình không thích đâu, nhưng đó là một hiện thực không thể chối cãi được, cả cộng đồng này đều biết. Ủy Ban Chống Nghị Quyết 36 với một danh sách trên 150 nhà trí thức, nhà hoạt động chống Cộng rần rần, rộ rộ tổ chức một cuộc biểu tình chống một cơ quan truyền thông mà kết quả là ủy ban chống nghị quyết 36 tan, trong khi cơ quan truyền thông bị chống vẫn sống nhăn. Ủy Ban Chống Nghị Quyết 36 tan thì một số thành viên lại thành lập một ủy ban khác lấy tên là Ủy Ban Vận Động Chống Cộng Sản và Tay Sai.
Thế rồi nhân vụ “anh hùng” Lý Tống xịt hơi cay vào ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từ Việt Nam sang hát, Ủy Ban Vận Động Chống Cộng Sản và Tay Sai tưng bừng biểu dương bằng một cuộc biểu tình chống một show nhạc của Dũng Taylor có Đàm Vĩnh Hưng hát ở Anaheim Convention Center. Ban tổ chức biểu tình tuyên cáo thắng lợi, nhưng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thì vẫn hát và vẫn có nhiều người ngồi nghe. Ngay sau khi tuyên bố thắng lợi (nhưng thật sự có thắng hay không thì cũng chưa biết vì cần có sự đánh giá độc lập), ủy ban đã họp báo cấm cửa không cho 3 nhà báo trong cộng đồng hành nghề (thực sự thì các ông các bà trong ủy ban làm gì có cái quyền này, ngay cả đến Tổng Thống Mỹ cũng không có cái quyền ấy huống chỉ mấy ông bà quyền thì chẳng có mà hành thì cũng không). Bị phản bác,  ủy ban cháy như cây đuốc.
Hóa ra dù chưa quyền hành gì mà các ông các bà trong ủy ban đã hành động y chang bọn đỏ đang đối với các bloggers ở Việt Nam trong thời gian gần đây. “Hèn chi mà mấy ổng chẳng âm thầm đóng cửa. Mới vận động thôi mà đã ghê gớm như vậy chứ giả sử mà mấy ổng cầm quyền thì bỏ mẹ dân đen”. Không thiếu gì những người trong cộng đồng nói như vậy. Nhưng có lẽ ủy ban vận động đa đoan công việc quá nên... không nghe chăng?
Tôi nay đã tự cho mình cái quyền được tự do nói, nên cứ thẳng tuồn tuột, không tốn công sức nặn chữ hay cắn chữ để lách nữa. Ở tuổi đã sắp về với ông bà cả rồi thật ra cũng chẳng còn hơi sức nào mà mặc áo giáp. Thôi thì  người nào thích thì nghe, người nào không thích thì vò cột báo vứt thùng rác. Ai khoái mặc áo, đội mũ Cộng sản cho tôi thì cứ việc mặc và ném. Dĩ nhiên, ở cái đất này, nhiều người vẫn còn khoái uống nước đường, chứ có ai thích nằm gai nếm mật (gấu) đâu. Giữa cái bối cảnh ấy mà tôi đưa chén mật gấu ra bị tát tai cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng dù có cãi cọ, tranh luận, chỉ trích, phê phán, đả kích nhau túi bụi mỗi khi có điều gì phật ý mình rồi ai cũng sẽ phải trở lại một vấn đề gai góc: phải chăng nghị quyết 36 chỉ là một lệnh hành quân của phía Cộng Sản với giai đoạn đầu là những cuộc tấn công thăm dò, gây lũng đoạn trong hàng ngũ đối phương và sau đó mới là tiến quân?
Lúc đầu thì mấy nhà chống Cộng ở đây còn có những bài  hay những buổi nói chuyện về ý đồ nằm sau nghị quyết 36. Thế nhưng, phân tích mãi, nói chuyện mãi thì cũng cạn đề tài. Thế là một số đài phát thanh Việt ngữ ở đây chỉ còn có cách cho gọi vào đài để thính giả nêu ý kiến. Những ý kiến đứng đắn cũng có, nhưng ít ỏi lắm mà phần nhiều là gọi vào tố cáo nhau, nhiều khi xỉ nhục nhau ngay ở trên làn sóng phát thanh. Cộng Sản nhìn ra những sơ hở này ngay và đưa ra bước thăm dò thứ hai bằng cách cho phép một số ca sĩ ở hải ngoại về nước hát và ca sĩ trong nước ra hải ngoại trình diễn.
Thế là những trận cuồng phong nổi lên trong cộng đồng người Việt hải ngoại ở ngay cái nôi của người tị nạn là Little Saigon và hai nơi khác có đông người tị nạn Việt Nam cư ngụ nhất là San JoseHouston, Texas. Bước thăm dò thứ ba là trò tổ chức hội xuân của tòa Tổng Lãnh Sự Việt NamSan Francisco. Cũng sóng gió nổi lên. Bước thăm dò thứ tư là nhá cái tin đoàn văn nghệ Duyên Dáng Việt Nam sẽ sang trình diễn ở Los Angeles, củng cố đài truyền hình VTV-4 cũng gây được một vài phản ứng nhưng không giông bão như trước nữa. Bước thăm dò thứ năm là tổ chức cho Nguyễn Minh Triết ghé thăm một địa điểm gần trung tâm quận Cam nhất với sự hiện diện của Nguyễn Cao Kỳ.
Dĩ nhiên, khi biểu tình diễn ra phía trước một khách sạn ở Dana Point, thì họ đi bằng cổng khác. Nguyễn Minh Triết và bộ sậu tổ chức của ông biết sẽ bị biểu tình, bị chửi rủa nhưng hành động ông ta buộc ông Kỳ lúc đó đang ở Việt Nam phải trở về Mỹ ngay, chỉ để ông xuất hiện với bài diễn văn tại đại sảnh của khách sạn. Cứ xem những thước video được phổ biến sau này thì buổi da tiệc khá đông, cũng khá ồn ào với sự kiện diện của một số nhà kinh doanh trong cộng đồng cả Mỹ lẫn Việt.
Sau khi Nguyễn Minh Triết rời quận Cam, báo chí trong nước cho là cuộc viếng thăm quận Cam của ông Triết là thành công vượt mức. Báo của nhà nước viết thì phải viết như thế thôi. Nhưng thực ra chuyến ghé quận Cam của Triết chẳng phải là để dụ khị thêm những Việt kiều đầu tư. Những chuyện ấy Triết đã âm thầm làm trong nhiều năm rồi, nên cũng chẳng cần phải nhấn mạnh thêm.
Ngược lại ông ta chỉ muốn trả đũa bằng một hình ảnh đầy ẩn dụ hỗn xược. Đằng sau những lời lẽ hoa mỹ của Nguyễn Minh Triết là hình ảnh một cựu thủ tướng, một cựu phó tổng thống, một cựu tướng lãnh VNCH đang ở Việt Nam vui chơi phải bỏ về Mỹ chỉ để đọc một bài diễn văn ca tụng chế độ và giương cái bẫy hòa hợp hòa giải của họ. Cho dù trong cộng đồng có biết bao nhiêu bản tuyên cáo, lời lên án thậm chí có cả những lời thóa mạ, khai trừ ông Kỳ... nhưng rõ ràng không thể xóa hình ảnh về quyền lực mà ông đã biểu diễn ở Miền Nam Việt Nam một thời gian dài. Giai đoạn ấy đã gắn liền với lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa và nay ông đi quẹo một con đường khác, kẻ thù của chúng ta chụp ngay lấy cơ hội này làm vũ khí tấn công chẳng có gì lạ. Vấn đề đặt ra là người ta chống đỡ ra sao khi địch thủ giở đòn này?
Nhìn một cách tổng quát người ta rất dễ thấy hình ảnh sau đây: những ồn ào, chấn động, những cáo buộc, lăng mạ, chụp mũ, lộn xộn nhất chỉ diễn ra trong cộng đồng Việt Nam ở bên này bờ Thái Bình Dương, còn bên kia dân chúng có được biết không? Họ có chia sẻ với người hải ngoại không? Người hải ngoại có chia sẻ với những khó khăn của họ không? Hoài nghi trong cộng đồng này kiên cố đến nỗi những nhà tranh đấu ở hải ngoại không cần biết người trong nước nghĩ gì về con đường tranh đấu của mình, đến nỗi cách nhìn của những người hải ngoại về các vấn đề trong nước được coi như đó cũng là cách nhìn của đa số người dân ở trong nước! Thậm chí những tổ chức làm thiện nguyện về nước để hoạt động giúp người nghèo, người thương tật, trẻ em cũng bị chỉ trích với cái lý do: "Bọn cầm quyền tham nhũng vài trăm tỷ bạc, lẽ ra chúng phải lo cho dân. Nay chúng  đã không lo thì thôi, hơi đâu mà làm chuyện này chỉ béo bọn tư bản đỏ và làm cho chúng mạnh hơn mà thôi".
Thế nhưng chúng ta đang làm gì ở đây? Chúng ta đang tranh trấu để mang lại tự d,o dân chủ, nhân bản cho những đồng hương trên quê hương cũ và những nhà tranh đấu thừa hiểu rằng nhân dân trong nước phải biết tới mình, phải hiểu chúng ta đang làm gì, cho ai và vì ai. Những thừa sai công giáo ở Ba Lan đã phải tới gần 40 năm để đưa nguyện vọng thực sự của nhân dân Ba Lan ra khỏi Âu châu và cho đến khi công đồng Đoàn Kết dấy lên một phong trào từ xưởng đóng tầu ở Gdansk, hàng triệu người dân Ba Lan kéo xuống đường chỉ trong một ngày và dư luận thế giới vào lúc đó đã không còn phải hỏi nhau: "Cái gì ở Ba Lan vậy?". (V.A)
(Còn tiếp)

(12/18/2010)

(2)
Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước người ta thấy gì?
Những nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam theo một đường lối cũng khác và chưa có một mẫu số chung với các cuộc tranh đấu của người Việt hải ngoại. Qua những tác phẩm chính văn, hoặc là những bài viết, ít khi họ bài bác một cách rõ rệt cái kết quả tàn mạt và khốc liệt đối với Việt Nam do chính họ Hồ trực tiếp gây ra. Phần lớn những tổ chức tranh đấu ở hải ngoại đều dị ứng với lá cờ đỏ và hình ảnh Hồ Chí Minh, trong khi rất, rất ít những nhà tranh đấu trong nước khẳng định là phải phá bỏ cả cái lý thuyết lẫn cơ cấu con đẻ của ông Hồ ở Việt Nam. Họ không thể hay chưa thể làm như thế vì chính khác biệt này lại là nền tảng của một cuộc chiến tranh làm chết nhiều người cũng như làm rạn nứt khối dân tộc Việt. Phá bỏ cái nền tảng đó đi thì ngay chính bản thân họ cũng chẳng còn gì và không những thế họ lại còn phải giải quyết bao nhiêu điều nghịch lý ở  tuổi đã cao sau năm sáu thập niên xây góp phần xây dựng một thể chế. Phá bỏ cái thể chế ấy không phải là điều dễ dàng với họ.
Riêng tôi, tôi rất thông cảm về điều này. Phải có thời gian mà tôi nghĩ cũng cần phải đủ lâu để làm công việc xóa bỏ một “công trình”, một công trình được xây bằng xương máu của chính họ và của những người khác cho dù công trình ấy mang ý nghĩa nào đi nữa. Cuối năm 1991, vài tháng trước khi tôi lên đường định cư ở Hoa Kỳ vào năm sau, bác, chú và các cô ruột tôi từ ngoài Bắc vào thăm gia đình tôi. Họ đều là những công thần của cuộc kháng chiến chống Pháp, có người nghỉ hưu, có người bị thanh trừng đã lâu và lúc đó sống nghèo khó. Trong những câu chuyện riêng tư trong gia đình, Các bác, các chú, các cô tôi đều là người bất mãn và mặc cảm vì chuyện bà nội tôi bị đấu tố chết trước mặt họ. Tôi hỏi bác cả của tôi: “Cháu hỏi thật bác: nếu bây giờ cháu đứng ra phản đối chuyện này, các bác, các chú và các cô có dám ủng hộ cháu không?”. Bác tôi nói: “Chuyện đã cũ và vấn đề là của ông Trường Chinh. Ông ấy đã nhận sai lầm”. Tôi nói ngay: “Không, cháu không nghĩ như thế. Ông Hồ phải chịu trách nhiệm. Không có lệnh của ông Hồ, làm sao Đặng Xuân Khu dám làm?”.
Nghịch cảnh ấy không phải chỉ xảy ra ở nhiều gia đình miền Bắc di cư vào Nam mà còn xảy ra trong nhiều gia đình miền Nam có người thân và ruột thịt tập kết ra ngoài Bắc. Khơi lại những chuyện ấy, tất nhiên có nguy cơ làm đổ vỡ mọi chuyện chung và đó là điều mà tôi tin rằng người Việt Nam yêu nước thực sự không ai muốn làm chuyện này. Thế nhưng nếu ai đặt lòng hoài nghi vào sự thức tỉnh của những cựu viên chức hay lãnh đạo Cộng sản vào thời gian này vẫn có thể đặt ra câu hỏi với các ông Võ Văn Kiệt, Trần Độ, Trần Khuê, Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận... rằng “mấy ông là người chắc dư biết những điều thối tha, phi nhân của chế độ Cộng sản, tại sao khi còn cầm quyền các công không nói để đến khi các ông chẳng còn gì cả thì mới lên tiếng?”.
Tôi không nói ở đâu xa vời. Ngay vụ Cù Huy Hà Vũ thôi. Khi ông viết một “kiến nghị” kêu gọi nhà cấm quyền Cộng Sản ân xá cho tất cả những cựu sĩ quan QL/VNCH từng bị cải tạo, hay đang bị giam giữ thì lập tức một số người ở hải ngoại nghĩ ngay: “A, cái nhà anh này bạo thật”. Cá nhân, tôi không thấy ông Cù Huy Hà Vũ bạo. “Miệng nhà quan có gang có thép”. Ông là con trai ông Cù Huy Cận, cánh tay mặt tay trái của ông Hồ một thời. Ông ta về hưu rồi nhưng thanh thế trong đảng còn rất lớn, nên anh con trai nói gì chả được. Ngược lại, Lê Công Định cũng con nhà nòi nhưng vừa mới ti toe ngồi vào một tổ chức đối lập là Hà Nội là bị bỏ tù ngay. “Nói gì thì nói, nhưng chỉ cá nhân nói thôi còn nếu tổ chức là hộc xì dầu với chúng ông”. Đó là “tiêu hướng” của bọn công an, mật vụ ở Việt Nam bây giờ. Thứ Trưởng Công An Nguyễn Văn Hưởng đã từng ám chỉ nhiều lần như thế. Cù Huy Hà Vũ trong cái vụ kiến nghị đâu có dám chạm đến cái biên giới đó. Ông xin ân xá cho những cựu sĩ quân lực VNCH cũng là nói thừa và có lợi cho chính quyền Công Sản tại Việt Nam. Các cựu sĩ quan QL/VNCH có phải là tội phạm đâu mà ông xin ân xá hay đại xá. Chẳng qua là vấn đề lịch sử. Ông Hồ và bố của ông Cù Huy Hà Vũ do là âm binh của bọn “đỏ đít” nên cướp công kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, tạm thời chấp nhận với thực dân chia đôi đất nước. Đến khi bị bọn cộng sản quốc tế thôi thúc, họ Hồ và đám cận thần như Cù Huy Cận mới đem quân vào gây chiến tranh ở Miền Nam. VNCH phải tự vệ và đứng lên chống lại, cuối cùng thua trận, rồi nhận chịu những đòn trả thù của người thắng trận trong nhiều năm tháng dài. Chúng tôi, những cựu sĩ quan QL/VNCH,  những cựu công chức đâu có bao giờ xin xỏ ân xá hay đặc xá của chính quyền hay quân đội Cộng Sản đâu.  Nhốt chúng tôi chán, không nhốt được nữa vì bị những ảnh hưởng nào đó bắt buộc thì Việt cộng thả ra chúng tôi ra thế thôi. Bây giờ ông Cù Huy Hà Vũ xin ân xá hay đại xá cho chúng tôi là lăng mạ chúng tôi rồi còn gì nữa. Cho nên người ta hiểu tại sao Hà Nội không bắt ông vì tội “kiến nghị” mà bắt ông vì tội khác là như vậy.
Là một chính quyền cai trị dân bằng bạo lực chuyên chính, Hà Nội thừa hiểu khi những nhà hoạt động chính trị trong và ngoài nước mà không kết hợp được với nhau, không tổ chức được thì có viết, có nói đến thiên kinh vạn quyển, đó cũng chỉ là những thùng thuốc súng không có ngòi nổ. Thông thường, khi không phối hợp được với nhau thì chiến đấu riêng lẻ và khi chiến đấu riêng lẻ thì dễ bị bóp chết. Cho tới bây giờ, dường như vòng tuần hoàn của chính sách cô lập, lũng đoạn để câu thúc con người mà Cộng sản chủ trương vẫn không thay đổi.
Xương sống của nghị quyết 36 chính là đường lối để khai triển sự kiểm soát cộng đồng người Việt tại hải ngoại nói chung và tại Mỹ nói riêng. Trong khi đó thì đáng buồn thay, khi nhắc tới nghị quyết 36 hay chuyện chống nghị quyết 36, nhiều người ở đây cười. Họ cười cũng phải, bởi vì trong quá trình chống nghị quyết 36 vừa qua, có biết bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt trong cộng đồng và cái bi kịch chính là một số những người trong tổ chức chống nghị quyết 36 trở thành những người thực hiện nghị quyết 36 cho Hà Nội bằng cách thay vì chống cộng thì họ quay ra chống nhau, chống đồng hương, đòn nhắm vào Việt cộng là đòn gió, còn đòn nhắm vào những người quốc gia chỉ vì mình không ưa những người đó, chỉ vì cách nhìn của họ khác mình… thường là những đòn thật, đòn độc và đòn chí tử. Thay vì vận động, thuyết phục, lôi kéo thì ra lệnh, biểu diễn quyền lực, thay vì mở rộng lòng,  chứng tỏ sự hào phóng, bao dung, thận trọng và cảnh giác thì giở trò nhỏ mọn, tư thù ganh ghét, thiển cận, nóng vội, thiếu ngay cả yếu tố quan trọng của nhân bản: đó là sự đối xử tử tế giữa con người và con người.
Chưa cần phải luận bàn là công cuộc chống nghị quyết 36 thành công hay thất bại, nhưng cứ duyệt lại những diễn tiến trong cộng đồng từ lâu nay người ta cũng có thể có những kết luận riêng cho mình và chuyện Hà Nội tung ra đòn thứ hai cho nghị quyết 36 là chuyện đương nhiên. Điều quan trọng là đòn thứ hai lần này do chính trung ương đảng Cộng Sản điều khiển, cộng thêm với việc thiết lập một trang mạng riêng cho Việt kiều ở nước ngoài. Website đưa tin về người Việt ở nước ngoài vừa được chính thức ra mắt hôm Thư Tư vừa rồi. Đây là một dự án được thực hiện với sự tham gia của Thông Tấn Xã Việt Nam, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao và Cục thông tin đối ngoại thuộc Bộ Truyền Thông và Thông  Tin. Website được phân chia theo từng quốc gia, nhằm mục đích “tuyên truyền đường lối, chính sách của đảng và nhà nước đối với người Việt ở nước ngoài.”
Chưa kể các mục tiêu khác của dự án, chỉ nguyên việc thiết lập một website riêng cho Việt kiều ở ngoài cũng đã cho thấy đòn dân vận mà Cộng Sản đưa ra không phải đòn thăm dò như trong giai đoạn đầu của nghị quyết 36 mà là đòn "thật", đòn nguy hiểm. Website dĩ nhiên không được đặt ra để cho bọn đỏ vui chơi giải trí mà là một cơ cấu làm lũng đoạn thêm cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Đặt một tòa báo làm công cụ lũng đoạn cộng đồng có thể còn bị biểu tình, bị làm phiền mà tầm ảnh hưởng cũng chỉ giới hạn trong một cộng đồng nhỏ hẹp. Còn làm website, Việt cộng lợi đôi đường. Người Việt trong, ngoài nước xem được, trong khi các webiste ở hải ngoại thì bị chặn. Thứ hai, an toàn cho những người cộng tác với website Việt kiều. Ngồi nhà gõ bài rồi gởi đi, không ai mò ra được. Thế là vô hình chung, Việt cộng tung ra được võ hỏa mù trong cộng đồng người Việt vốn nhạy cảm và hoài nghi, nào là thằng X, Y tham tiền chạy theo Việt Cộng rồi, nào là Z, X viết bài ký tên khác để chửi láo. Xào xáo, hoài nghi, lăng mạ, chụp mũ, đấu đá sẽ liên tu bất tận. Thừa thắng xông lên, lợi dụng khi cộng đồng hỗn loạn, anh “đỏ” thứ thiệt từng bị chụp hình đăng báo đàng hoàng vẫn ngồi rung đùi thu tiền rao vặt, quảng cáo của đồng hương trong vẫn khi nghênh ngang điện thoại đến các khách hàng khác tung tin báo này, báo kia “chết” vì là vệ tinh của Việt cộng và chỉ còn mình là sống vì mình là người quốc gia chân chính có cờ vàng treo trước cửa chứng nhận. Lâu lâu, trên website Việt kiều, Việt cộng chỉ cần nhá ra những tài liệu giả, những hình ảnh những ông bà Việt kiều ở Mỹ, ở Pháp, ở Úc về Việt Nam thưởng thức các trò đồi trụy là đánh đấm nổi lên ào ào ngay, chẳng cần phối kiểm và cũng không cần đánh giá tầm ảnh hưởng tới công tác chống nghị quyết 36 như thế nào. Nó cũng như chuyện biểu tình chống ca sĩ từ Việt Nam sang hát trong khi việc mua những tác phẩm văn hóa sản xuất từ Việt Nam tại cộng đồng này rất dễ dàng, giá rất rẻ mà hàng hóa thì ê hề.
Vỏ quýt dày thì bao giờ cũng có móng tay nhọn. Cái võ dân vận của Việt Cộng cũng khá độc hiểm đấy, nhưng vấn đề đặt ra là móng tay một số tổ chức chống Cộng ở đây có đủ nhọn hay không. Làm thế nào để có những móng tay nhọn thì hiện nay vẫn còn là một thử thách trong cộng đồng. Bởi vì sự tích cực bát nháo, tích cực xỉ vả nhau, tích cực bôi bẩn nhau, lên án nhau, tưởng mình có quyền thật nên ra những án quyết kết tội nhau vô trách nhiệm và buồn cười, cả tin đến nỗi chỉ cần lấy cờ vàng quấn vào đầu quấn vào cổ là biến thành người quốc gia rồi... không thể làm cho móng tay chống nghị quyết 36 thành một móng tay nhọn được. Ngược lại, tỉnh táo, thông minh, bao dung, chấp nhận khác biệt của nhau, cần hành động thực chứ không cần biểu diễn lập trường, phối kiểm thận trọng dư luận để bỏ những hoài nghi không căn cứ, tích cực vận động, thuyết phục, thảo luận ngay thẳng chứ không ra lệnh, lên án cáo buộc vu vơ... mới làm cho móng tay nhọn để ra đòn thật với đối thủ được. Nếu không có gì thay đổi bầu không khí sinh hoạt hiện nay và tiếp tục dùng võ hề là cầm chắc bị “K.O” (VA)

----------------------------------

Đọc thêm :




Do Thai Nhien  -  December 6, 2010

Báo Nhân Dân Điện Tử  -  Cập nht lúc 18:18, Th sáu, 10/12/2010 (GMT+7)
.
.
.

No comments: