Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Ba, 07 tháng 12 2010
Những bài viết trước có nói đến «10 lời cảnh báo» của quân sư quạt mo Đặng Tiểu Bình. Giới nghiên cứu chính trị Bắc Kinh coi Đặng là nhà tư tưởng, là mưu sĩ thượng thặng của Trung Quốc thời hiện đại, chỉ đứng sau Mao. Trung tướng Lưu Á Châu đánh giá Đặng còn hơn Mao, vì Mao phạm nhiều sai lầm chiến lược, đặc biệt là Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa Vô sản, tàn sát hàng chục triệu sinh mạng, kéo lùi lịch sử Trung Hoa chừng 20 năm.
Xem kỹ những lời cảnh báo của Đặng hồi 1995, 1996 cho Giang Trạch Dân và các ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương, trước khi Đặng qua đời (19-2-1997 - thọ 92 tuổi), đối chiếu với tình hình hiện nay ở Việt Nam, có thể thấy tình hình của đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như xã hội Trung Quốc và tình hình đảng Cộng sản Việt Nam cùng xã hội Việt Nam lúc này sao mà giống nhau đến thế, chỉ khác về mức độ.
Xin kể vài thí dụ. Cảnh báo đầu tiên của mưu sĩ họ Đặng là phải đề phòng «bất công xã hội tăng», «phân hóa lưỡng cực giàu nghèo ở 2 đầu diễn ra rộng khắp»; «cộng đồng dân tộc không được hưởng đồng đều hiệu quả, lợi ích của phát triển», «đó là mầm mống của nổi loạn giữa các vùng, các dân tộc, giữa trung ương và địa phương», «khi tư tưởng xã hội bất an, xã hội mang mầm hỗn loạn, có thể dẫn đến nổi loạn của quần chúng»; «nếu đảng để tình trạng đó xảy ra, sẽ là thất bại chiến lược hiển nhiên của sự nghiệp cải cách».
Đặng dặn thêm: «Cần ghi nhớ không để ai quá nghèo, cũng không để ai quá giàu, đó là Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc»; «hãy nhớ thành tựu trên lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa… phải làm thế nào đồng bào ta mọi địa phương, ở khắp nơi đều được hưởng».
Một cảnh báo khác của quân sư họ Đặng là: «Nông dân hiện vẫn còn chiếm gần 80% số dân (con số thống kê hiện nay của Trung Quốc là 74%); coi nhẹ phát triển nông thôn, nông nghiệp sẽ là nguy cơ lâu dài tệ hại nhất, là thất bại hiển nhiên của sự nghiệp cải cách».
Một cảnh báo nữa của Đặng trước khi nhắm mắt là: «Nguy cơ lớn nhất nếu có sẽ đến từ nội bộ đảng, khi lãnh đạo không còn gương mẫu, khi đảng viên không còn tận tụy; nếu lãnh đạo và đảng viên đều giữ bản chất cách mạng thì không có gì đáng lo.Trái lại sẽ là nguy cơ cực lớn».
Một cảnh báo lớn nữa là: «nếu không thực hiện cải cách hệ thống chính trị song song với cải cách kinh tế, theo hướng dân chủ, tự do, thì sự nghiệp cải cách sẽ thất bại toàn diện, có thể dẫn đến sụp đổ».
Những cảnh báo của quân sư họ Đặng từ 13, 14 năm trước đã dự đoán đúng phắp vào tình hình Việt Nam hiện nay. Đó chính là do lãnh đạo đảng CS Việt Nam xưa nay vẫn coi Trung Quốc là mẫu mực, là gương sáng, là quan hệ như môi với răng, dù cho có lần răng đã cắn cho môi toé máu, mà kẻ chủ mưu hồi năm 1979 ấy chính lại là Đặng Tiểu Bình. Gần đây được biết rõ rằng Đặng quyết dạy cho Việt Nam một bài học ngay sau khi đi thăm Mỹ về là để tâng công với Mỹ, ve vãn Lầu năm góc để Mỹ từ bỏ thêm cấm vấn, từ đó nhận thêm 8 ngàn sinh viên, nghiên cứu sinh Trung Quốc và cho phép nhập thêm nhiều mũi nhọn kỹ thuật để thực hiện 4 hiện đại hóa, đặc biệt là hiện đại hóa quân đội.
Rõ ràng đảng Cộng sản Việt Nam đã thoái hóa, biến chất, lãnh đạo không những không còn gương mẫu, mà còn đi đầu trong việc làm giàu bất chính, đua nhau trở thành tư bản đỏ, địa chủ đỏ, chủ chứng khoán đỏ, chủ tài khoản ngân hàng đỏ. Họ đã trở thành những nhóm lợi ích riêng, với vô vàn mánh mung, móc ngoặc, ăn chia tài sản quốc gia và ngân sách nhà nước, đua nhau thành những kẻ giàu nhất nước, trên cơ sở bần cùng hóa nhân dân, nông dân, người lao động và viên chức cấp thấp, cũng như đa số chiến sỹ quân đội và công an.
Đặng cảnh báo về xã hội bất an, mầm mống hỗn loạn do bất công, do phân hóa lưỡng cực, thật đúng hình ảnh thực tế xã hội Việt Nam hiện tại, khi dân oan phẫn nộ có khi giữ cả phó bí thư huyện ủy, kéo hàng nghìn người la ó phản đối trước trụ sở chính quyền tỉnh, dẫn đến xã hội băng hoại, con giết cha, vợ giết chồng, học trò đánh chửi thày cô giáo, chủ tịch tỉnh cùng một nhóm cán bộ đảng tổ chức cưỡng dâm tập thể hơn 20 nữ sinh vị thành niên, mà vẫn nhởn nhơ ở ngoài vòng pháp luật...
Điều Đặng cảnh báo và coi là cực kỳ nguy hiểm cho chế độ là nguy cơ đến ngay từ trong đảng, có thể làm cho chế độ sụp đổ, do bị nhân dân xa rời và khinh miệt. Điều này thật rõ như ban ngày. Một nhà văn trẻ nhân dịp kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long đã viết bài hỏi tội ai là kẻ thủ phạm ám sát nền văn hóa nền nã cao quý của Kinh thành Thăng Long, và khẳng định kẻ tội phạm ấy là đảng CS. Mong rằng 15 ủy viên Bộ Chính trị và các đại biểu sắp dự Đại hội XI ngẫm nghĩ cho kỹ câu này của nhà văn nhân dân Võ Thị Hảo:
«Bộ máy tham nhũng và mafia quyền lực đang lũng đoạn trên mọi lĩnh vực. Những kẻ cướp ngày đầy quyền lực đang lộng hành và không bị ngăn chặn, trừng trị. Tự do ngôn luận, tự do báo chí bị ngăn trở nghiêm trọng. Dân mất ý chí phản kháng và tự vệ. vì quá mệt mỏi và bị vô hiệu hóa, ru ngủ ».
Điều mà nhà quân sư họ Đặng lo sợ nhất và muốn cảnh báo để đảng CS Trung Quốc cảnh giác đề phòng, ngăn ngùa trước thì hiện đã sờ sờ ra nhãn tiền mọi công dân Việt Nam . Ai cũng có thể thấy và cảm nhận sâu sắc thảm cảnh xã hội như thế. Thảm cảnh về đảng lãnh đạo bệ rạc, về nhân dân lao động và viên chức cấp thấp lầm than đói khổ, không có pháo hoa nào, cờ xí, kèn trống nào, lời nói ba hoa hoa mỹ nào che giấu nổi.
Tình hình lâm vào bế tắc. Tất cả 3 văn kiện chính của Đai Hội XI được đưa ra cho toàn dân góp ý đều bị lắc đầu, bác bỏ cả gói. Các dự thảo Báo cáo Chính trị, Cương lĩnh, Chiến lược phát triển 10 năm đều sụp đổ, đến mức Bộ Chính trị không dám đưa ra phiên họp Quốc hội cuối năm, dù 90% đại biểu là đảng viên. Không biết bản tổng hợp ý kiến góp ý của toàn xã hội họ sẽ viết ra sao? Học viện Chính trị quốc gia của đảng hết mưu kế? Dù cho số tiến sỹ đông đặc và ngân sách cực lớn. Lại một nét sinh động của bế tắc. Và bế tắc nữa là ai sẽ là tổng bí thư. Việc mặc cả, đưa đẩy chưa xong. Sẽ là «Ông 4 kiên định » kiêm «Ông Lú lẫn», hay là «Ông Vinashin», hay lại là «Ông Bauxite»? Vẫn bế tắc.
Dở sách Tàu ra xem thì oái oăm thay, ông thày Tàu Đặng Tiểu Bình đã đoán bệnh rất trúng, gọi bệnh rất ư là chính xác, nhưng ông không bốc được thuốc chữa. Vì ông ta chỉ nói đến dân chủ chung chung, đến tự do chung chung, vì ông ta là đồ đệ cuồng tín của Mác, của Stalin, của Mao, của bạo lực và chuyên chính, của dân chủ tập trung nghĩa là dân chủ bị thiến, Dù ông ta thừa biết ở đâu, lĩnh vực nào thì độc quyền cũng xấu, cũng có hại, nhưng khi nắm quyền thì lại đâm ra mê quyền, mê độc quyền, vì lợi lộc quá nhiều, lương tâm bị đánh rơi, danh dự bị lãng quên, nhân dân càng là vô nghĩa.
Một xã hội dân sự đang thức tỉnh, lừng lững bước tới, nhiều hình nhiều vẻ, gắn với dân tộc, với thời đại (xem bài viết Trận tuyến đối lập không tiếng súng trên VOA). Hai bên đối lập trong đấu tranh không tiếng súng, mỗi bên có thế mạnh và thế yếu riêng. Xem ra cả 2 bên mạnh ít, yếu kém nhiều, trong tình trạng hiện tại. Xem 2 đô vật nhỏ thó, nhẹ cân, thở hồng hộc, thật không hấp dẫn, sẽ dai dẳng, giằng co, kéo cưa lừa xẻ…
Cho đến khi nhân dân đông đảo không thể ngồi yên, họ bực bội, ngứa ngáy, tỉnh dậy, không còn gì để mất, đứng hẳn về phía dân chủ thật sự, phía dân tộc độc lập trọn vẹn, đòi và thực hiện dân chủ đa nguyên như mọi nước văn minh và phát triển. Đó là tình thế của cách mạng, của đổi thay, của quần chúng làm nên lịch sử, của nước Ba Lan năm 1988, nước Đức cuối năm 1989, nước Nga tháng 8-1991... Đó là tình hình một ngày bằng 20 năm.
Thế cùng tất biến. Điều thú vị là các sự kiện lịch sử không ai đoán được cho thật chính xác.
Bất ngờ, ngẫu nhiên luôn là hiện tượng lý thú biểu hiện của quy luật, của tất yếu.
Việt Nam sẽ có dân chủ thứ thật, xóa bỏ độc quyền đảng trị, đi quá chậm so với bao nhiêu nước khác, nhưng khắc đi rồi khắc đến.
---------------------------------
Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment