Tuesday, December 7, 2010

HOA KỲ VẪY VÙNG TRONG MẠNG LƯỚI WIKILEADS (Nguyễn Xuân Nghĩa)

Nguyễn Xuân Nghĩa
Monday, December 06, 2010

Ðược thành lập từ cuối năm 2006, mạng lưới WikiLeaks sớm trở thành hiện tượng có ảnh hưởng toàn cầu. Ban đầu chỉ là một trung tâm thu thập và phổ biến thông tin công cộng trong mục tiêu sơ khởi là phơi bày sự thật về các chế độ độc tài trên thế giới.

WikiLeaks được sự hưởng ứng của nhiều người khi tiếp nhận tin tức đủ loại và phát tán khắp mọi nơi nên đã lãnh nhiều giải thưởng của các cơ quan truyền thông và đấu tranh cho nhân quyền.

Hãy tưởng tượng đến thế giới đã được toàn cầu hóa nhờ khoa học thông tin như... một ngôi làng. WikiLeaks là Mõ Làng miễn phí. Bất cứ ai có tin tức gì cũng có thể gửi cho anh/chị mõ làng này công bố cho mọi người cùng biết. Từ đấy, một trận mưa thông tin đã như mưa bụi, giăng giăng che phủ ngôi làng. Từ đấy, dân làng có thể thông hiểu rất nhiều chuyện đúng sai, có khi nực cười, có khi gây phẫn nộ, làm các tay cường hào ác bá trong làng đều khó chịu và phải thận trọng hơn trong trò hương đảng...
Trong ngôi làng đó, Hoa Kỳ thực ra không là một chế độ “cường hào ác bá” như nhiều quốc gia hung đồ và độc tài khác.

Năm năm trước khi WikiLeaks ra đời thì Hoa Kỳ cũng vừa bị một vụ khủng bố và khủng hoảng về thông tin liên quan tới an ninh và tình báo. Rồi cách ứng phó sau đó đã phần nào bảo vệ nước Mỹ chặt chẽ hơn, nhờ đó mà không bị tấn công một lần nữa. Nhưng, với WikiLeaks và các tay mõ làng tự phong, tự phát, cách ứng phó này của Hoa Kỳ cũng mở ra một hiện tượng khác.

Về cách ứng phó của Hoa Kỳ, chúng ta biết rằng các giới chức có trách nhiệm về an ninh - thí dụ như cơ quan FBI hay tình báo như cơ quan CIA - đều có rất nhiều thông tin. Rồi lại dại dột... nhét vô hòm, ngồi lên trên mà không chia sẻ với nhau nên không kịp ngăn chặn đòn khủng bố 9/11. Vì vụ khủng hoảng về thông tin, Hoa Kỳ ứng phó bằng cách lập ra các hành lang tin tức giữa các cơ quan an ninh, tình báo và nhiều phủ bộ của guồng máy công quyền. Nhờ vậy mà giới phân tách về an ninh có nhiều thông tin hơn trước và thực tế có bảo vệ nước Mỹ hữu hiệu hơn.

Nhưng, từ khi có WikiLeaks thì chỉ cần một tay mõ làng tự phát - bất cứ ai có tin tức và muốn phát tán ra ngoài - đều có thể đào vào mạch tin đó để phóng cho WikiLeaks phun ra toàn cầu.

Trong năm nay, WikiLeaks đã ba lần phun ra những thông tin thuộc loại nhạy cảm ấy, ngày 25 tháng 7, ngày 22 tháng 10 và 28 tháng 11. Kết quả thực tế là các cơ quan về an ninh hay tình báo, kể cả nhiều bộ phận trong các phủ bộ, đều có phản ứng phòng thủ, là giới hạn hoặc chặt đứt các mạch tin này. Song song, họ cũng ráo riết điều tra xem ai là những kẻ đã lấy tin tức bên trong cho WikiLeaks công bố ra ngoài.

Nhìn một cách nào đó từ bên ngoài, việc WikiLeaks tiết lộ tin tức từ nguồn gốc Hoa Kỳ đã giăng tấm lưới vô hình và trói buộc nước Mỹ tương tự như chàng Gulliver bị những người tý hon cột tay cột chân. Và còn xối nước vào mặt!

Khi thông tin bị hạn chế lại để tránh bị rò rỉ, từ nay, giữa các nguồn tin và những người phân tách để khai thác tin tức hầu kịp thời ứng phó sẽ có sự cách ngỡ, gián đoạn.

Hoa Kỳ là một xã hội trẻ, lạc quan và lý tưởng, nhưng cũng vì vậy, dễ có phản ứng hốt hoảng, bi quan và đảo ngược quyết định trước đó vẫn được coi là đúng đắn, là chân lý. Vụ WikiLeaks có thể đang dẫn tới phản ứng tương tự và trở thành vấn đề cho an ninh của Hoa Kỳ. Một thí dụ ta có thể mường tượng ra là cơ quan CIA hay ngành ngoại giao từ nay sẽ không tin vào các hành lang đưa tin hay các kho chứa tin như SPIRNet (Secret Internet Protocol Router Network) hay NCD của Bộ Ngoại Giao (Net-Centric Diplomatic Database). Họ sẽ tự bịt mắt nên tự cột tay.

Khía cạnh an ninh này ít được dư luận chú ý vì chỉ quan tâm đến cuộc tranh luận về tự do thông tin trong một thế giới toàn cầu hóa. Người đề xướng WikiLeaks, Julian Assange, hay các cộng sự viên trong làng mõ đó có cẩn thận xóa tên nhiều nguồn tin để khỏi phương hại đến an ninh cá nhân, nhưng phản ứng bình thường của người hữu trách là khóa vòi tin và điều ấy sẽ là một tai hại lớn.

Một khía cạnh thứ hai cũng đáng chú ý là trong bốn năm qua, kể từ khi WikiLeaks xuất hiện, có ai đó đã khai thác cơ hội này để tiết lộ bí mật của Hoa Kỳ không?

Từ khi loài người tổ chức ra sinh hoạt tập thể thành cộng đồng, xã hội rồi quốc gia, thông tin quả thật là có đóng góp phần quan trọng. Việc tiết lộ thông tin cũng vậy. Khi nó liên hệ đến an ninh hay chánh sách quốc gia, thông tin trở thành sản phẩm chiến lược vì có thể làm thay đổi nhận thức và phản ứng của mọi người. Việc đánh cắp thông tin và dùng thông tin chi phối phản ứng người khác là hành động cố hữu, đã có từ ngàn xưa chứ chẳng đợi tới WikiLeaks.

Một điều ly kỳ và thú vị là qua ba đợt tiết lộ của WikiLeaks - về chiến sự A Phú Hãn, về Iraq và về các công điện ngoại giao của Hoa Kỳ - người ta có thể tự hỏi rằng có ai đó trong chính quyền Mỹ đã kín đáo giúp đỡ hạ sĩ Bradley Manning lấy ra một lượng tin tức thật lớn để phát tán ra ngoài không? Và vì mục đích gì? Vốn dĩ đã nghi ngờ Hoa Kỳ là một siêu cường cực mạnh, lại có khả năng ba đầu sáu tay với ý đồ mờ ám, người ta có thể tin vào giả thuyết này.

Tinh vi hơn nữa, người ta cũng có thể cho rằng Hoa Kỳ không chủ động dàn dựng ra WikiLeaks, hoặc không xúi giục những người đầy thiện chí như trạm trưởng Julian Assange hay chú giao liên Bradley Manning. Nhưng ai đó đã tương kế tựu kế. Không chặn được vì lý do đạo đức, chính trị, pháp lý hay kỹ thuật thì dùng ngay hệ thống này tiết lộ ra những gì họ cho là có lợi.

Ai đó là ai thì... có trời và đương sự biết được mà thôi. Chúng ta đi vào một không gian kỳ bí của trinh thám gián điệp và một kho vô tận cho truyền thông báo chí thể hiện khả năng tưởng tượng vô biên mà lại có vẻ phải đạo vì phát huy tinh thần tự do thông tin của Ðệ Nhất Tu Chính Án trong Hiến pháp Hoa Kỳ.

Nói theo Tổng Thống Barack Obama, người viết chưa lên tới “mức lương” - pay scale - cao như vậy để thêu dệt linh tinh về những kịch bản đó. Nhưng có chú ý đến một chuyện là WikiLeaks chủ ý sử dụng một số cổng để phán tán tin tức mà chẳng hiểu sao thì đều là các cơ quan truyền thông thiên tả, liberal. Như tờ New York Times của Mỹ, The Guardian của Anh, Der Spiegel của Ðức, El Pais của Tây Ban Nha và tờ Le Monde của Pháp. Chưa kể hệ thống tin tức Al Jazeera trong thế giới Á Rập Hồi Giáo.

Mục tiêu ban đầu của WikiLeaks - là phanh phui sự thật trong các quốc gia độc tài tại Á Châu, Phi Châu, Trung Ðông hay các nước thuộc khối Xô Viết cũ - thì chưa thấy đâu, nhưng WikiLeaks chủ yếu đào vào mạch tin của Hoa Kỳ và các nước dân chủ, giúp các quốc gia này làm ăn lương thiện tử tế hơn trong khi chưa chui nổi vào những hầm tối của các chế độ độc tài. Ai muốn bình sao thì bình...

Một khía cạnh thứ ba, là bên lề chuyện Hoa Kỳ bị xối nước vào mặt khi các công điện ngoại giao bị phóng ra ngoài, Hoa Kỳ xử trí ra sao?

Các quốc gia đồng minh của Mỹ nghĩ gì về sự kiện bộ máy an ninh Hoa Kỳ lại để tiết lộ những chuyện kín và mật ở bên trong? Kho thông tin SPIRNet chỉ có loại tài liệu “Mật” và “Kín”, không có loại “Tối Mật”, nhưng dù chỉ mật và kín thì cũng làm nhiều chính quyền tối mặt. Họ sẽ phản ứng như thế nào? Hạn chế việc đối thoại và hợp tác với Mỹ để tránh bị dư luận ở nhà đả kích là nói một đàng, làm một nẻo?

Chính phản ứng đó mới thực sự bó tay nước Mỹ sau này và gây phiền nhiễu không ít cho người cầm đầu ngành ngoại giao của Hoa Kỳ là Ngoại Trưởng Hillary Clinton.

Từ đợt tiết lộ thứ ba của WikiLeaks - về bí mật ngoại giao - truyền thông mọi nơi đều khai thác loại tin nhạy cảm trong mối quan hệ của từng nước với Hoa Kỳ. Nhưng dư luận bình thường thì thích thú với những phanh phui đôi khi khôi hài về một số bí mật trong thâm cung. Như loại tin trên các tờ lá cải ưa tìm chuyện giật gân hoặc dựng ra truyện giật gân: Lãnh tụ này nghĩ gì về nhân vật kia hoặc đằng sau nụ cười ngoại giao là những lời đàm tiếu dí dỏm thế nào...
WikiLeaks quả là có giúp cho báo chí trong thời buổi kinh tế khó khăn này!

Nhưng, như một kẻ ngồi ở ven làng lõm bõm nghe những phanh phui ồn ào của các mõ làng từ chuyện WikiLeaks, người viết tầm thường này chú ý đến vài ba chuyện sau đây.

Thứ nhất là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cộng Hòa Liên Bang Ðức trong cái thế tay ba Nga-Mỹ-Ðức sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Mõ làng WikiLeaks cho biết rằng lãnh đạo Ðức, từ Thủ Tướng Angela Merkel trở xuống, rất thất vọng về Hoa Kỳ và riêng về Tổng Thống Barack Obama. WikiLeaks không tạo ra chuyện này, nhưng cho phép ta suy đoán rộng hơn về những chuyển động tương lai của Ðức, ngày càng gắn bó hơn với Liên Bang Nga và chuyện ấy sẽ ảnh hưởng đến tương lai của Liên Hiệp Âu Châu và nhất là mục tiêu lẫn khả năng của Minh Ước Phòng Thủ Bắc Ðại Tây Dương NATO.

Nhìn từ bên ngoài, chúng ta chỉ có thể suy luận hay phỏng đoán về các hồ sơ chiến lược này. Thí dụ như qua bài viết “NATO Xoay Tròn Lá Chắn - Minh Ước Toàn Phương Vị Mà Có Khi Vô Vị” trên cột báo này trong số ra ngày 23 tháng 11. Nhưng tiết lộ của WikiLeaks có giúp chúng ta nhìn lại, cho kỹ hơn, để điều chỉnh cho tinh hơn những gì mình nghĩ về Hoa Kỳ - nhìn từ bên ngoài!

Chuyện thứ hai là về an ninh Ðông Bắc Á trong tình hình chung của khu vực Ðông Á.
Ngẫu nhiên sao, chuyện WikiLeaks ra đòn lần thứ ba, ngày 28 tháng 11, cũng trùng hợp với vụ thao dượt hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn vào cùng ngày, với sự xuất hiện của hạm đội do hàng không mẫu hạm George Washinhgton dẫn đầu vào khu vực Hoàng Hải giữa Trung Quốc và bán đảo Triều. Dưới tên gọi là Hoguk Exercise, vụ thao dượt hàng năm này có thể đã bị phía Hoa Kỳ loan báo đình hoãn từ đầu tháng 11 và gây thất vọng cho cả Nam Hàn lẫn Nhật Bản.
Lý do từ phía Mỹ có thể là 1) để tránh gây khó chịu cho Bắc Kinh, và 2) thử nghiệm giải pháp tái nhóm hội nghị sáu phe liên hệ đến hồ sơ Triều Tiên, do Trung Quốc đề nghị từ tháng 9. Nhưng quyết định ấy có thể đã đưa ra tín hiệu sai, khiến Bình Nhưỡng thừa cơ chơi bạo mà pháo kích vào đảo Diên Bình của Nam Hàn ngày 23!
Sau vụ này, Nam Hàn và cả Nhật Bản hoài nghi ý chí của Hoa Kỳ và muốn gây áp lực mạnh hơn, trước hết là sẽ giành quyền chủ động hơn về quốc phòng nếu hết tin tưởng vào tình nghĩa đồng minh với Mỹ. Tuần này, đại diện ba nước sẽ nói chuyện và bàn tiếp về một việc mà họ không mấy tin tưởng là hội nghị sáu phe, giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên Bang Nga và Nam-Bắc Hàn, để can gián Bắc Hàn và tái lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Ðúng lúc ấy, WikiLeaks lại có thông tin lạ về lập trường của Trung Quốc với hồ sơ Liên-Triều, giữa Nam và Bắc Hàn. Mọi người đều nhảy vào vụ đó với sự lạc quan rất... Mỹ.
Rằng Bắc Kinh sẵn sàng để Nam Hàn thống nhất bán đảo, nghĩa là mặc nhiên hy sinh chế độ Cộng Sản Bắc Hàn. Sự thật lại không đơn giản như vậy. Quan điểm hy sinh Bắc Hàn chỉ do một số giới chức cấp dưới, có khi thủ vai học giả Trung Quốc đưa ra, rồi được giới chức ngoại giao Mỹ chuyển về cho thượng cấp ở nhà.
Ai muốn đổ thóc giống ra mà ăn thì xin cứ tự nhiên.

Chỉ vì từ 1950 đến nay, Trung Quốc không hề che giấu mục tiêu chiến lược - đến độ hy sinh ít ra 10 vạn quân “thiện nguyện” trong chiến tranh Cao Ly - là không để Hoa Kỳ vào Triều Tiên rửa chân trên sông Áp Lục. Xa hơn vậy, kể từ cả ngàn năm nay, ngả đường mà Trung Quốc tiến qua Ðông Bắc Á chính là bán đảo Triều Tiên - thời Nguyên Mông - để chinh phục Nhật Bản. Và từ trăm năm trước, con đường của Nhật Bản tiến vào Trung Quốc cũng lại là... bán đảo Triều Tiên, đầu cầu vào Mãn Châu và Hoa Lục.
Cho nên, bảo rằng Trung Quốc sẵn sàng bỏ rơi “đứa con nuông” tại Bình Nhưỡng để Nam Hàn thống nhất bán đảo chiến lược này thành một cường quốc có khi lại là trò “intox” - lung lạc ý chí người khác bằng thông tin sai lầm.

Mà ai muốn lung lạc ai trong trò chơi này? Xin dành chuyện đó cho các nhà bình luận, để nhắc nhở mọi người trong chúng ta, rằng ngoài bán đảo Triều Tiên, con đường duy nhất của Trung Quốc để bung ra khỏi Hoa Lục chính là Bắc Việt.

Chuyện liên quan đến Việt Nam thì chưa thấy WikiLeaks tiết lộ gì nhiều, trừ một số tin viện dẫn từ nguồn WikiLeaks về sự cam kết của lãnh đạo Hà Nội với Bắc Kinh từ năm 1990: Về một quy chế tự trị cho Việt Nam dưới đế giầy Trung Quốc! Chúng ta không thể tin vào sự kiện đáng ngờ này - một sự cam kết rõ rệt tại thủ phủ Thành Ðô của Tứ Xuyên - nhưng phải thấy là hiện tượng bị Hán hóa đang thực tế xảy ra, dù có WikiLeaks xác nhận hay không!

Tổng kết lại - lại sai rồi - sơ kết lại, WikiLeaks chỉ trình bày sự thể cực kỳ phức tạp và đa diện của một thế giới nhiễu nhương, nhưng qua một tấm kính mờ ảo. Khiến chính quyền Hoa Kỳ trở thành lố bịch dưới con mắt của thế gian. Nó khiến cho nhiều quốc gia phải thận trọng hơn khi chơi với Mỹ - là chuyện đã thành cổ lỗ sĩ. Nó cũng khiến nhà chức trách Hoa Kỳ phải nghĩ lại về mạng lưới thông tin liên quan đến an ninh, tình báo. Chuyện này thì ta nên chú ý.

Còn lại, và nhìn từ bên ngoài, ta có quyền tận hưởng tự do thông tin, với trận mưa quà cáp hấp dẫn cho truyền thông. Lồng bên trong là rất nhiều ám khí. Ai bị đạn lạc thì cứ ráng chịu! Quyền tự do nào cũng có cái giá của nó. Hoa Kỳ không thể chết vì làn mưa bụi này, nhưng nhiều xứ khác có khi bị oan vì phản ứng với những hư chiêu do ai đó tung ra mà mình lãnh thực họa.

Ghi chú: Mỗi Thứ Ba, bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa có một bài trên cột báo này, xen kẽ giữa hai chủ điểm: về quốc tế là “Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài” và về kinh tế là “Kinh Tế Cũng Là Chính Trị”. Quan điểm của tác giả không nhất thiết là của Nhật báo Người Việt.
.
.
.

No comments: