Hoàng Giang
Đăng bởi bvnpost on 15/06/2010
Hoàng Giang là bút danh của một đảng viên cao cấp ĐCSVN hiện nay đã nghỉ hưu. BVN rất kính trọng tác giả nhưng vốn không chủ trương trình bày ý kiến phản biện với Đảng mà chỉ phản biện với các cơ quan công quyền, nên xin đăng bài này với trách nhiệm thuộc cá nhân tác giả, để mời bạn đọc ngẫm nghĩ về một vấn đề thực tiễn của xã hội chúng ta nhìn trên bình diện lý thuyết và từ góc độ Đảng mà nói.
Thật ra, lâu nay, nhiều nhà trí thức như nhà văn Nguyên Ngọc, cũng đã băn khoăn trăn trở rất nhiều về việc: lẽ ra ngay sau 1975 chúng ta cần có một đề án tâm huyết cho công cuộc phục hưng dân tộc, nhằm kiên trì xây dựng lại đời sống tinh thần mọi mặt của người Việt, nhất là mặt nền tảng đạo đức, lương tri, lối sống, phong tục… trên toàn bộ xã hội Việt Nam vốn đã bị nhàu nát sau 30 năm chiến tranh. Nhưng các bậc lãnh đạo thuở bấy giờ vì quá say men chiến thắng đã để lỡ mất cơ hội ngàn vàng ấy. Bây giờ thì, cùng với một thiết chế hình như chưa thích hợp áp đặt khiên cưỡng sau bao nhiêu năm, cộng với một nền kinh tế thị trường đôi khi không có sự hướng dẫn của lý trí xã hội và của pháp quy chặt chẽ gây nên không ít đảo lộn trong đời sống mà sự chi phối ngược của các nhóm lợi ích là một trong những tác nhân tệ hại, những hiện tượng hỗn loạn bộc phát ngày càng làm cho cái phần nền tảng tinh thần xã hội trở nên suy thoái, nham nhở một cách bi đát. Giải pháp nào đây? Các vị ngồi trên đỉnh cao chót vót có lúc nào thoáng nghĩ đến điều đó hay không hay ngày đêm chỉ dành hết tâm can cho giấc mơ… siêu dự án và đại dự án?
Bauxite Việt Nam
---------------------------------
Rằng ai đã làm cho đất nước suy vi lụn bại?
Rằng ai đã đưa đất nước vào nguy cơ lệ thuộc ngoại bang như hiện nay?
Rằng ai đã đặt đất nước trước bờ vực diệt vong như hiện nay?
Nỗi nhục này ngàn đời không rửa sạch!
Món nợ hậu thế này ngàn đời không trả nổi!
Hỡi những kẻ lầm đường hãy sớm tỉnh ngộ!
Hoàng Giang
Hình như dân tộc nào cũng có câu “Im lặng là vàng!” Dù câu này có thể được diễn đạt có chút ít khác nhau, nhưng nội dung đều cùng chứa đựng cái hàm ý ấy. Qua câu phương ngôn này cho thấy trong văn hóa ứng xử, dân tộc nào cũng đề cao sự khiêm tốn và sự kiệm lời, sự biết lắng nghe và sự biết suy xét, sự biết nhẫn nhịn và sự biết kiềm chế trước khi nói; nếu không cần, hoặc chưa cần thì im lặng vẫn là chọn lựa tối ưu.
Thế nhưng, trước bất công của xã hội, trước áp bức của cường quyền, trước một vấn đề có liên quan đến tồn vong của đất nước thì sự im lặng của con người sẽ có ý nghĩa gì đây?
Do chưa nắm bắt được vấn đề? Do thiếu thông tin? Do bị bưng bít? Do hèn nhát? Do dốt nát? Do ngu muội? Do tắc trách? Do thiếu tự tin? Do thiếu quyết đoán? Do đồng tình?
Có lẽ các câu hỏi trên có thể chỉ là những câu trả lời chính xác cho từng đối tượng và từng trường hợp cụ thể, song cũng có thể là câu trả lời tổng hợp đối với tất cả những nội dung được hỏi, để dành cho những ai có trách nhiệm với lịch sử mà lại im lặng trước thực trạng xã hội được mô tả.
Cái Gian và cái Ác luôn luôn muốn bít mắt, bưng tai và bịt miệng mọi người bằng sự lừa bịp, bằng sự dối trá lẫn bằng quyền uy và bạo lực để chúng được tự do hoành hành. Sự im lặng của mọi người trong xã hội là đúng với mong mỏi của kẻ gian, kẻ ác.
Sự im lặng trước bất công của xã hội, trước áp bức của cường quyền, nhất là trước các sự kiện có liên quan đến tồn vong của đất nước cũng đồng nghĩa là món nợ ngàn đời của các thế hệ đi trước đối với các thế hệ con cháu mai sau. Xã hội nào mà có hiện tượng đó xảy ra là một xã hội thực sự vô phúc và bất hạnh.
Hầu như tất cả cán bộ và quần chúng cách mạng Việt Nam đều thấm nhuần cái tên gọi của cuộc cách mạng dân tộc – dân chủ nhân dân, cái tên mà Đảng ta luôn nêu cao trong suốt quá trình tiến hành cách mạng từ năm 1930 đến năm 1975, cũng như cái tên Việt nam – Dân chủ – Cộng hòa, cái tên vinh quang đã từng được thế giới biết đến trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cái tên một thời luôn là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin và mục tiêu chiến đấu của biết bao thế hệ chiến sĩ và quần chúng cách mạng trong suốt 30 năm dài qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bởi vì cái tên đó đồng nghĩa với việc nước Việt Nam đã thực sự có tên trên bản đồ thế giới, đồng nghĩa với một nước Việt Nam đã được độc lập và đang phấn đấu cho một nền độc lập, tự do hoàn toàn.
Thế nhưng, ngay khi vừa hoàn thành giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc, người ta đã võ đoán xóa bỏ ngay giai đoạn cách mạng dân chủ nhân dân, giai đoạn lẽ ra phải được tiếp nối sau giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc như Đảng ta đã từng long trọng hứa hẹn với quần chúng, với dân tộc khi động viên họ tham gia và ủng hộ tiến trình cách mạng. Người ta đã xóa bỏ tên nước, xóa bỏ hiến pháp, xóa bỏ nền pháp quyền đầu tiên của cách mạng, xóa bỏ nền dân chủ đã từng hứa hẹn để thay vào đó là “cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa” và “nền chuyên chính vô sản”; thậm chí đến cái tên của cái chính đảng đã từng lãnh đạo cuộc cách mạng ấy cũng bị vội vàng xóa bỏ.
Thuở ấy người ta đang ngây ngất, phiêu diêu trong sự thăng hoa và trong men say chiến thắng của một dân tộc sau hàng thế kỷ dài sống trong tủi nhục của kiếp nô lệ và phải trải qua vô vàn đau thương mất mát bởi tình trạng “nồi da xáo thịt”, đất nước bị chia cắt, dân tộc bị chia rẽ, thân quyến bị chia lìa qua suốt hơn 30 năm ròng rã chiến tranh…, nay bỗng được độc lập, được tự do và thống nhất, được sum họp gia đình nên chỉ nghĩ những việc làm đó của Đảng lúc ấy là sự tiếp tục của tư tưởng “cách mạng không ngừng” mà Lê- nin đã đề xướng, và đó chỉ là quan điểm cách mạng “triệt để” của những người cách mạng chân chính, không ai kịp nghĩ đó là hành vi bóp chết một nền dân chủ trước khi nó kịp định hình. Tệ hại nhất là không ai kịp nhận ra đó là một sự phi tang những thành quả cách mạng có liên quan đến Hồ Chí Minh; không ai kịp nhận ra đó là sự khẳng định ngạo nghễ của con người đương kim lãnh đạo cái chính đảng, cái chính thể và cuộc chiến thắng ấy, một sự khẳng định nhằm thách thức vị trí và vai trò lịch sử của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong tiến trình cách mạng vừa qua. Sự tha hóa và chuyên quyền, cùng với căn bệnh vĩ cuồng sau chiến thắng kéo dài cho đến tận lúc qua đời của cá nhân Tổng bí thư Đảng lúc ấy đã tự vạch trần và làm lộ bước đầu mưu đồ nói trên của ông và một vài cộng sự thân cận; minh chứng cụ thể là sau cái chết của nhân vật ấy người ta cũng đã vội vàng xóa bỏ nguyên tắc tại vị suốt đời trong các cương vị lãnh đạo Đảng và nhà nước để ngăn ngừa tái lập hiện tượng cá nhân chuyên quyền. Chỉ tiếc rằng số đông có thẩm quyền lúc bấy giờ đã không kịp nhận rõ toàn bộ mưu đồ thâm độc này của ông ta để đi đến một quyết định sáng suốt là xóa bỏ triệt để toàn bộ các thiết chế đã phục vụ cho tham vọng thâu tóm quyền lực và chiếm đoạt công danh của con người đó; nếu lịch sử đã đi theo chiều hướng nói trên thì hạnh phúc cho dân tộc và cho xã hội này biết mấy. Bởi vì nếu đã kịp thời xóa bỏ toàn bộ những thiết chế ấy thì cái chính đảng từng có công đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thành công đã không bị cướp mất chính danh, cái đất nước từng được cuộc cách mạng ấy thai nghén và khai sinh đã không bị xóa tên, bản Hiến pháp từng được các dân tộc và các quốc gia đang bị áp bức trên thế giới coi là tiến bộ và cách mạng nhất vào thời kỳ ấy đã không bị vứt bỏ, nền pháp quyền và nền dân chủ mà bản Hiến pháp ấy từng đặt nền móng đã không bị thủ tiêu. Song đau xót hơn cả là nhân dân của đất nước này sau khi đã cùng Đảng tiên phong của mình đạt được chiến thắng thì đã bị chính lãnh tụ của đảng đó phản bội; sự thống trị của ngoại bang khi trước thì nay lại được thay thế bằng sự thống trị có phần gay gắt và nghiệt ngã hơn của người bản xứ, người đã từng là đồng đội, đồng chí và lãnh tụ của mình. Ước vọng ngàn đời của một dân tộc kể từ khi hình thành và lập quốc cho đến nay về một nền dân chủ đang manh nha tưởng sắp đạt được bỗng tuột khỏi tầm tay, khiến cho dân tộc ấy trong suốt chiều dài của lịch sử chưa từng được biết biết thế nào là hình hài và mùi vị thực sự của một nền dân chủ, nay đã bị mất đi cơ hội có thể được biết nó. Vinh quang chói lọi của một dân tộc kiên cường, biết hy sinh và biết chiến thắng, một dân tộc đã được hầu hết các dân tộc trên thế giới biết đến và ngưỡng mộ bỗng bị lu mờ. Tệ hại hơn là đất nước và dân tộc ấy sau đó đã bị cộng đồng quốc tế cô lập gần như ruồng bỏ trong nhiều thập kỷ. Hậu quả nhãn tiền là đất nước đó từ vị trí của nhóm nước đứng đầu so với mặt bằng phát triển chung trong khu vực đã bị bị tụt hậu thảm hại trước sự bứt phá nhảy vọt của nhiều nước láng giềng trong khu vực.
Các nước láng giềng đó không có Đảng anh minh lãnh đạo, nhưng người ta đã chọn được phương pháp đúng phù hợp với hoàn cảnh, bối cảnh cụ thể của đất nước họ trong mối tương quan, tương đồng với hoàn cảnh, bối cảnh của thế giới lúc bấy giờ; vì thế họ đã tạo nên thời cơ và chớp lấy thời cơ để có những bước bức phá vượt xa chúng ta trong quá trình phát triển.
Còn chúng ta có Đảng anh minh lãnh đạo – như chúng ta đã từng tự nói to lên – nhưng lại tự mình để tuột biết bao cơ hội thuận lợi. Những cơ hội ngàn vàng ấy sẽ không bao giờ tìm lại được nữa vì bối cảnh, vì nội lực, vì tư thế và xuất phát điểm, vì mối tương quan hiện tại của chúng ta so với xung quanh đã hoàn toàn khác xưa.
Cơ hội đã không chờ chúng ta!
Thời gian đã không chờ chúng ta!
Sau ngày thống nhất đất nước 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã bao lần lỗi nhịp trong bước phát triển của mình!
Một phương pháp sai không bao giờ đem lại kết quả đúng. Không thể có cách nào để biện minh được rằng các thực trạng thảm hại mà đất nước ta đã phải hứng chịu kể trên là những kết quả đúng. Đó là hệ quả trực tiếp của hàng chuỗi sai lầm trong cách chọn mục tiêu chiến lược và mục tiêu trước mắt, cũng như trong cách xác định phương pháp cách mạng cho từng mục tiêu trong từng thời kỳ mà Đảng đã tiến hành sau năm 1975.
Đảng ta có thói quen, mọi công lao và thành quả cách mạng đều được quy về công tích của Đảng và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Vậy thực trạng bi đát kể trên của đất nước thì phải quy về tội lỗi và năng lực lãnh đạo của ai?
Thế mà đứng trước các quyết định có tầm vóc lịch sử, liên quan đến vận mạng và tương lai của cả dân tộc thuở ấy thì các thế hệ công dân trưởng thành như chúng ta, những người có quyền ăn nói khi ấy đã im lặng.
Đó là sự im lặng lịch sử và là món nợ ngàn đời của chúng ta với hậu thế!
Chúng ta vô tình vừa là nạn nhân, đồng thời cũng là kẻ đồng lõa với con người có hành vi đồ tể và kẻ cướp đã giết chết cuộc cách mạng dân chủ và cướp không mọi thành quả đạt được của quần chúng cách mạng (Thế mà mỉa mai thay, cứ đến gần ngày sinh và ngày mất của nhân vật ấy thì người ta lại có bài tung hê công lao của con người gian hùng, lật lọng này đối với cách mạng; trớ trêu thay cho đến nay mà nhiều người trong chúng ta vẫn còn ngộ nhận hành động bức tử nền dân chủ cùng với nền móng nhà nước pháp quyền đang có cơ hội manh nha và cướp công cách mạng của con người ấy là những công lao đối với cách mạng!?).
Quần chúng quảng đại và giới trí thức của các vùng mới được giải phóng hồi ấy còn đang mặc cảm với thân phận của mình và còn đang xa lạ với chính quyền cách mạng thì làm sao đòi hỏi người ta phải có tiếng nói cần thiết trong tình trạng đó?
Những người bên kia hàng ngũ còn đang chưa xác định được vị trí và chưa biết số phận của mình sẽ ra sao dưới chế độ mới này thì làm sao đòi hỏi họ phải có tiếng nói thỏa đáng trong trường hợp này?
Chỉ có chúng ta – bao gồm cả các cán bộ và chiến sĩ cách mạng lẫn quần chúng cách mạng thuở ấy – những người đã tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và đang ở độ tuổi trưởng thành đầy đủ lúc ấy là phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự im lặng lịch sử nói trên, mặc dù hồi ấy đã không ai hỏi chúng ta về quyết định này của họ cả.
Chúng ta đã tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng chúng ta đã không tự giải phóng được mình khỏi sự ràng buộc của ý thức hệ phong kiến và khỏi vòng ảnh hưởng của tư tưởng thần quyền. Chúng ta đã tôn thờ lãnh tụ của mình với lòng trung thành và sự phục tùng tuyệt đối như người xưa đã tôn thờ và phục tùng đức vua của họ. Chúng ta đã tôn thờ cái chủ nghĩa được coi là lý tưởng ấy như tôn thờ một tôn giáo mà không hề xét đến đặc điểm dân tộc, trình độ nhận thức và bối cảnh đặc thù của xã hội chúng ta. Chúng ta đã coi cái tổ chức mà chúng ta trực thuộc ấy không khác gì một giáo hội, chúng ta đã tuân thủ nó một cách tự nguyện và nghiêm túc như con chiên ngoan đạo ứng xử với tổ chức giáo hội của họ. Vì thế chúng ta đã phó thác mọi quyết định cho người lãnh đạo và cho tổ chức lãnh đạo chúng ta. Vì thế chúng ta đã trở thành những kẻ “ngu trung” mù quáng. Vì thế lý trí của chúng ta hoàn toàn bị tê liệt, luôn chấp hành mà không hề có phản kháng với mọi quyết định của cấp trên. Vì thế chúng ta đã im lặng và thụ động. Điều đó có nghĩa là chúng ta đã mặc nhiên chấp nhận và mặc nhiên là tòng phạm.
Chúng ta đã tham gia cuộc đấu tranh để giành độc lập tự do này tự nhiên như một lẽ sinh tồn; tuyệt đại bộ phận trong chúng ta trước đó không hề biết chủ nghĩa cộng sản là gì, ngoài nhận thức mang tính bản năng là chủ nghĩa yêu nước. Chúng ta tham gia cuộc cách mạng giải phóng dân tộc này với một động cơ hồn nhiên và trong sáng mà trong tâm tư không có gì lớn hơn khát vọng được làm người dân của một nước độc lập, tự do, dân chủ và hạnh phúc như mục tiêu đã hằng được cuộc cách mạng này nêu cao, hơn thế nữa mục tiêu này lại còn được trân trọng nêu trong quốc hiệu đầu tiên của đất nước: “Việt Nam – Dân chủ – Cộng hòa; Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Vì thế chúng ta đã trở thành ngờ nghệch, ấu trĩ và cả tin trước các tham vọng và thủ đoạn chính trị của các chính khách, khiến lúc ấy chúng ta đã bị lừa nên đã im lặng, dù là một cách thụ động.
Vì bản năng sinh tồn và khát vọng tự do mà chúng ta đã dũng cảm vô song trước mọi khó khăn trở ngại và trước quân thù, nhưng vì cố chấp và không quyền biến với nguyên tắc phục tùng tổ chức, nguyên tắc “dân chủ tập trung” mà chúng ta đã im lặng trước mọi quyết định sai trái của cấp trên, thậm chí còn chấp hành chúng một cách máy móc và vô điều kiện.
Chúng ta là những người biết trọng nhân cách và danh dự nên rất trân trọng sự nghiệp chính trị và sinh mạng chính trị của mình. Thế nhưng chế độ kỷ luật tự giác – một thứ kỷ luật sắt không thể không chấp hành, một kiểu kiêu hãnh và tự hào đối với những ai tự cho mình là giác ngộ, là đảng viên trung thành và trung kiên của Đảng – đã khiến chúng ta trở nên hèn nhát và do dự mỗi khi suy nghĩ, hành động hay phát ngôn trái với những gì được coi là ý Đảng. Mặc dù đã có không ít những người trung thực từng dám nói lên tiếng nói của sự thật, đã dũng cảm hành động theo lương tri của mình, song suy cho cùng đó cũng chỉ là những tiếng nói và việc làm rời rạc, lẻ loi không có sự phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng với số đông nên đã thất bại nặng nề và thảm hại. Tuy nhiên hãy thành thực mà tự suy xét mình, đằng sau cái được gọi là ý thức tổ chức kỷ luật ấy, cụ thể là trong trường hợp gọi là để “bảo toàn sinh mạng chính trị” ấy có phải là nỗi lo sợ bị mất một phần, hay mất hết quyền lợi chính trị, quyền lợi vật chất và vị trí xã hội mà chúng ta đang được hưởng hay không? Người có cương vị bình thường thì không nói gì, còn người có đặc quyền, đặc lợi thì có thể chối cãi điều này được không? Có thể vì thế mà biết bao người khi tại vị thì không dám mở mồm, đến khi hết vai trò rồi thì mới dám lớn tiếng? Có thể vì lúc ấy họ chưa thấy được sự thật của vấn đề? Có thể cả hai lý do đều đúng cả hay chỉ đúng một phần, nhưng tựu trung thì vẫn là biểu hiện cụ thể về sự hèn nhát, sự ích kỷ và sự mù quáng một thời của chúng ta mà thôi.
Chúng ta được trang bị những nguyên tắc cơ bản có thể nói đến là hoàn hảo, khiến Đảng chúng ta trở thành một “đảng kiểu mới” có “sức mạnh hơn người” khi sử dụng những nguyên tắc ấy vào mục đích cao cả, mục tiêu đúng đắn. Đó là nguyên tắc lấy “thiểu số phục tùng đa số” làm cơ sở khi quyết định mọi quyết sách có lợi cho dân cho nước; đó là nguyên tắc lấy “phê bình và tự phê bình” làm quy luật phát triển; đó là nguyên tắc lấy “đường lối quần chúng” làm đường lối cơ bản; đó là nguyên tắc lấy phương pháp “duy vật biện chứng” làm phương pháp tư tưởng v.v. Nếu chúng ta đã biết tuân thủ và vận dụng một cách triệt để những nguyên tắc ấy trong mọi sinh hoạt khác của Đảng thì đâu có cái cảnh một cá nhân có thể lũng đoạn và thao túng vận mạng sống còn của Đảng lẫn của cả dân tộc như vừa qua (và như hiện nay); đâu có cái cảnh dân chủ trong Đảng lẫn trong xã hội đã bị bóp nghẹt như thuở ấy (và như hiện nay); đâu có cái cảnh mọi phản biện trong Đảng lẫn trong xã hội bị cấm đoán như thuở ấy (và như hiện nay); đâu có cái cảnh Đảng lại tự đặt mình lên trên cả dân tộc, lên trên cả nhà nước như thuở ấy (và như hiện nay); đâu có cái cảnh sai lầm lạc hướng trong các quyết sách cơ bản của Đảng một cách duy tâm, duy ý chí và dai dẳng như thuở ấy (và như hiện nay). Chỉ cần ngần ấy bửu bối trong tay thôi cộng với sự dũng cảm vốn có của những người chiến sĩ cách mạng đã từng vào sinh ra tử, từng luôn tỉnh táo trước lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, từng dám vượt qua chính mình thì chúng ta đã có thể ngăn chặn được thảm trạng vừa qua cho đất nước. Chúng ta đã không có đủ sự minh mẫn, sự dũng cảm, cũng như đã không tận dụng được những vũ khí ấy trong thời khắc đoàn tàu lịch sử đã bị cưỡng bức “bẻ ghi” theo chiều lệch hướng, khiến chúng ta phải mang món nợ lịch sử này đối với hậu thế.
Theo nguyên tắc, mắc nợ thì phải trả.
Không thể theo nguyên tắc có tài nguyên gì thì cứ khai thác, cứ đào bới, cứ bòn mót, cứ cho thuê, cứ bán tháo theo kiểu bán lúa non lúc “giáp hạt”; bất cần biết thế hệ con cháu mai sau có còn gì để sống hay không.
Không thể theo nguyên tắc cứ tiêu xài, cứ xa xỉ, cứ vay mượn nước ngoài, cứ xà xẻo vốn liếng, bất kể đó là vốn trong nước hay vốn vay nước ngoài để làm giàu cá nhân; bất chấp thế hệ con cháu mai sau có trả nổi hay không, hay vì ngập đầu bởi món nợ đó mà mãi mãi bị giam hãm trong vòng nghèo khổ và dốt nát; bất kể đất nước có vì thế mà suy sụp, mà tụt hậu và mãi mãi sa vào vòng lệ thuộc ngoại bang hay không.
Chúng ta không thể chối cãi và rũ bỏ món nợ đó một khi chưa trả xong. Có thể nào chúng ta lại vẫn im lặng và khoanh tay đứng nhìn như đã sai lầm trước đây, sai lầm trong phút giây lịch sử đã đưa đất nước sa vào tình cảnh tụt hậu và kém cỏi hiện nay. Lần này thì không phải riêng đối với thế hệ công dân đã trưởng thành thời ấy mà bao gồm cả các thế hệ đã trưởng thành đang độ tuổi công dân hiện nay, bao gồm tất cả những ai là người Việt Nam yêu nước đang sống ở trong nước hay ngoài nước, bao gồm tất cả những ai đang đứng trong hay đứng ngoài tổ chức đảng và bộ máy cầm quyền đều phải chịu trách nhiệm trước Tổ quốc, trước lịch sử, bởi vì chúng ta đang ở trên cùng một con tàu số mệnh, chúng ta đều có chung một Mẹ Việt Nam. Nếu chúng ta lại mắc sai lầm một lần nữa trong thời khắc lịch sử này thì rất có thể lần này sẽ là lần cuối cùng để rồi không còn cơ hội nào mà mắc sai lầm nữa, bởi vì sẽ mãi mãi có còn gì đâu để mà mắc sai lầm. Chả thế mà có người trong chúng ta – tức thế hệ công dân đã đến tuổi trưởng thành và có trọng trách thuở ấy – khi từ giã cõi đời này mà vẫn còn tức tưởi vì cảm thấy mình chưa làm hết và chưa nói hết những gì đáng lẽ phải nói và phải làm trước đây, hoặc cũng vì thế mà có người lẽ ra đã được thanh thản mà nhắm mắt xuôi tay thì vẫn còn vương vấn mà ra đi chưa đành. Tôi xin ngàn lần kính cẩn cúi đầu trước vong linh và trước nhân cách của những con người này, những con người mà tôi thực sự hết lòng kính trọng; tôi kính trọng cả cung cách sống, cung cách ra đi lẫn nỗi bận bịu vấn vương vì tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, vì nghĩa lớn đối với dân tộc của từng người trong họ.
Đừng để chậm bước mà lỗi nhịp lịch sử, lỗi đạo với tổ tiên một lần nữa hỡi người ơi!
Thế hệ của những người phải chịu trách nhiệm trực tiếp với sai lầm lịch sử nói trên, người trẻ nhất giờ đây cũng đã bước vào độ tuổi U70 (từ ngoài 60 đến 70 tuổi), còn lại tuyệt đại bộ phận thì đã ở độ tuổi U80 (từ ngoài 70 đến 80 tuổi) và cao hơn nữa. Hầu hết trong số ấy hoặc vì tuổi tác, hoặc vì sức khỏe nên đã rời bỏ chính trường, nhưng những người còn minh mẫn, còn tâm huyết với vận mệnh đất nước, còn ý thức trách nhiệm với xã hội, dù đang ở lứa tuổi U70, U80, thậm chí U90 thì họ vẫn cố gắng cảnh báo và cảnh tỉnh xã hội về hiện tình nguy kịch của đất nước và phản biện tích cực về các chủ trương sai trái của Đảng và Nhà nước, ngõ hầu bù đắp phần nào những sai lầm lịch sử mà các vị đó vừa là chứng nhân, vừa là tòng phạm – dù là tòng phạm thụ động thuở nào. Không ai nỡ lòng trách cứ các vị ấy vì sự hạn chế tầm nhìn của của họ trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Sai lầm của họ âu cũng là một sản phẩm tất yếu của điều kiện lịch sử cụ thể hồi ấy. Tuy nhiên, hiện nay tuy tuổi đã cao và không còn vai trò lèo lái xã hội nữa, nhưng uy tín của các vị thuộc thế hệ ấy vẫn còn rất cao trong ký ức và trong mắt của số đông quần chúng trong xã hội về những gì tốt đẹp mà thế hệ ấy đã làm và đã đem lại cho đất nước, cho dân tộc này. Tác dụng hiệu triệu, động viên và cảnh báo của các vị đối với xã hội vẫn còn rất lớn. Các vị vẫn còn có thể đem uy tín, tinh thần trách nhiệm cùng với sự dày dạn kinh nghiệm trong cuộc sống của mình để tác động một cách tích cực đến hiện tình đất nước, để phân tích sai lầm lịch sử vừa qua, để sao cho tên tuổi và sự nghiệp quang vinh còn đang bỏ dở của Đảng được phục hồi, tức quá trình cách mạng dân chủ mà Đảng còn bỏ dở lại được tiếp tục tái khởi động, để cái tên quang vinh của đất nước, của nền cộng hòa đầu tiên mà cuộc cách mạng này đã khai sinh lại được tái sinh, để bản Hiến pháp và nền pháp quyền mà nhà nước ấy đã khẳng định lại được tái xác lập. Có vậy thì thế hệ các vị mới có thể thanh thản ra đi mà không vấn vương và tức tưởi.
Hỡi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay! Các vị đang trên cương vị là những người nắm vai trò bảo vệ Tổ quốc và quyết định tương lai đất nước, vận mệnh của dân tộc. Tôi không biết các vị yêu nước đến đâu và tôi không đánh giá thấp lòng yêu nước của các vị. Nhưng chắc không có ai trong các vị có thể phủ nhận được tình trạng tụt hậu của đất nước hiện nay so với mặt bằng chung của thế giới, cụ thể là so với các quốc gia láng giềng kề cạnh.
Để khắc phục tình trạng ấy mà không qua con đường phát triển dân trí, phát triển kinh tế và tiến bộ khoa học kỹ thuật trên nền tảng của một xã hội dân sự và dân chủ của một nhà nước pháp quyền thì ắt không còn con đường nào khác ngoài sự suy vi và tụt hậu. Để khắc phục tình trạng ấy bằng cái vỏ che hào nhoáng, lộng lẫy nhất thời bên ngoài thông qua việc vơ vét và bán tháo tài nguyên, thông qua vay nợ để tạo sự phát triển giả tạo, nhằm che đậy sự lạc hậu và rỗng tuếch của nội dung bên trong là nếp nghĩ của những kẻ vụ lợi, háo danh và cơ hội, không thể là cung cách của những bậc lãnh đạo quốc gia chân chính. Kẻ thất học không thể bỗng chốc trở thành nhà trí thức vì được đội mão Cử nhân và mặc áo thụng dài tay. Kẻ vũ phu không thể bỗng chốc trở thành người lịch sự vì khoác chiếc áo sang trọng đắt tiền.
Đứng trước dã tâm bành trướng và xâm lược của một kẻ vừa là đồng minh truyền thống, vừa là kẻ thù truyền kiếp, đứng trước một đối thủ có thế và lực vượt trội, áp đảo hơn ta nhiều lần thì việc ứng xử cho phải lối, cho đúng cách không phải là chuyện dễ, nhưng để “tránh nạn binh đao cho đất nước” mà ứng xử bằng cách luôn nhân nhượng, thỏa hiệp, lùi bước, khúm núm, van xin, cầu cạnh để người ta “được đằng chân lân đằng đầu” như hiện nay thì không đúng với truyền thống ứng xử khôn ngoan và khí phách anh hùng của cha ông chúng ta, không đúng với tư thế của một dân tộc đã từng có một quá khứ lẫy lừng như dân tộc chúng ta. Đối với người Việt nam thì không gì vinh dự và hãnh diện hơn bằng được làm người đại diện cho một đất nước và một dân tộc như đất nước và dân tộc chúng ta, không gì tội lỗi và đáng nguyền rủa hơn khi làm ô nhục một đất nước và một dân tộc như đất nước và dân tộc chúng ta.
Khi giặc ngoài đang hung hăng lăm le bờ cõi mà thù trong lại thắng thế và lộng hành là điềm mất nước nhãn tiền. Để ngặn chặn “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” mà lòng yêu nước và sĩ khí của dân tộc không những không được phát động, không được hâm nóng, không được tập hợp mà lại bị kìm hãm và trấn áp bởi chính các thế lực đang lãnh đạo đất nước thì không khác gì hành động tự làm suy yếu tinh thần và sức mạnh đề kháng của dân tộc, tự trói chân, trói tay dân tộc để chuẩn bị trước cho một ngày nào kẻ thù ung dung kéo vào mà không cần tốn sức.
Đối phó với đối phương mà toàn dân bị bịt mắt, bưng tai, bít miệng để rồi không biết gì về thời cuộc và không biết gì về đối phương, đến nỗi khi giáp mặt với kẻ thù mà cứ ngỡ rằng đang giáp mặt “kẻ lạ” (!?), để rồi khi lâm trận thì như một lũ mù, lũ điếc, lũ câm, một lũ ngớ ngẩn thì làm sao không mất nước?
Đối phó với một kẻ mạnh đang âm mưu đóng cửa đánh mình mà chủ trương đấu võ tay đôi không biết cầu hàng xóm láng giềng thì có khác nào là hành động tự sát?
Trong khi chính kẻ có dã tâm còn đang ngần ngại trước công luận quốc tế mà chưa dám ngang nhiên xâm phạm lãnh hải, xâm phạm biên giới bất khả xâm phạm của Tổ quốc mà chúng ta lại chủ động mời họ tuần tra chung trên biển của mình, cho họ thuê dài hạn đất ven biên giới và những nơi khác nhạy cảm với an ninh quốc gia… rồi lại còn lên tiếng bênh những việc làm lộng hành của họ trên Biển Đông tưởng làm thế là giữ được 16 chữ vàng, tức giữ được “cái ghế” cho mình, thì có phải là giúp họ hợp thức hóa hành vi xâm lược?
Đã “lỡ dại” mà “hứa dại” với “người lạ” thì sao lại không biết dùng quyền phủ quyết của Quốc hội để sửa sai mà lại dùng quyền uy để ép Quốc hội đồng thuận?
Ngày xưa An Dương Vương hỏi thần Kim Qui rằng giặc đang ở đâu và thần Kim Qui chỉ rằng, giặc đang ngồi ở sau lưng bệ hạ đó!
Ngày nay, nếu các vị hỏi rằng giặc đang ở đâu thì bất cứ một người dân yêu nước nào, nếu người đó không mù, không câm, không điếc và không mất trí cũng có thể chỉ rằng:“Những kẻ đã trói tay và bịt mắt, bịt miệng xã hội qua chiêu bài hãy bám “lề phải” mà đi, những kẻ đã đàn áp, cấm đoán, truy tố những hành động của quần chúng phản đối nước ngoài xâm chiếm lãnh hải, lãnh thổ của Tổ quốc, những kẻ đã tiếp tay cho người nước ngoài xâm chiếm tài nguyên, chiếm cứ các vị trí xung yếu của Việt Nam như cảng biển, đất biên giới, rừng đầu nguồn một cách lâu dài, những kẻ đã dùng phương tiện của Đảng và bộ máy cầm quyền để nói hộ và tuyên truyền thay cho quan điểm xâm lược của ngoại bang; tóm lại là những kẻ đã và đang trực tiếp tiến hành một cách lén lút, hay công khai, hoặc làm ngơ dung túng và ngầm cổ vũ những hành động sai trái, phản trắc nói trên. Những kẻ đó đang trà trộn ngay trong hàng ngũ lãnh đạo và trong tất cả các cơ quan và các bộ phận đầu não của Đảng và chính quyền nhà nước mà các vị đang quản lý đó!”.
Để ngăn được giặc ngoài điều đầu tiên là phải chặn được giặc trong.
Ngay trong đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI sắp tới, các vị cần có biện pháp cụ thể để phát hiện và loại trừ ngay bọn “giặc trong”, kể cả những hậu duệ của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống và Trọng Thủy thuở nào đang lẩn khuất trong hàng ngũ của chúng ta ra khỏi vị trí hiện nay của chúng, không để chúng tiếp tục nối giáo cho giặc, tiếp tục lũng đoạn nền chính trị nước nhà như vừa qua.
Các vị cần có cách phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các tầng lớp yêu nước trong và ngoài nước, nhất là với các bậc tiền bối yêu nước và trọng danh dự trong Đảng đang tích cực hoạt động và đang bức xúc với vận nước hiện nay.
Tuy rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng lãnh tụ, tuy rằng đội ngũ cán bộ Đảng và nhà nước Việt Nam chứa đựng trong nó rất nhiều khuyết tật, nhưng chắc chắn rằng trong hàng ngũ đó vẫn có người kết tinh được tinh hoa của quần chúng, còn mang trong người tình cảm, nếp nghĩ và lợi ích của quần chúng nhân dân, còn chảy trong huyết quản giòng máu của cha ông, còn giữ được trong tâm hồn khí thiêng của sông núi; chắc chắn những người đó không thể nào không cảm nhận được tình thế “ngàn cân treo sợi tóc ” của vận nước hiện nay.
Có thể sự hy vọng và chờ đợi của người viết bài này chỉ là ảo tưởng, nhưng nếu những điều ấy không xảy ra thì Đảng cộng sản Việt nam làm sao trả lời trước lịch sử:
Rằng ai đã làm cho đất nước suy vi lụn bại?
Rằng ai đã đưa đất nước vào nguy cơ lệ thuộc ngoại bang như hiện nay?
Rằng ai đã đặt đất nước trước bờ vực diệt vong như hiện nay?
Nỗi nhục này ngàn đời không rửa sạch!
Món nợ hậu thế này ngàn đời không trả nổi!
Hỡi những kẻ lầm đường hãy sớm tỉnh ngộ!
HG
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
.
.
.
No comments:
Post a Comment