Từ Nguyệt
Tuesday, November 30, 2010
Từ Nguyệt (danlambao) – Chồng chị đã không chọn một đời sống bình lặng với cương vị giám đốc chỉ lo việc kiếm tiền và ấm êm bên vợ con, anh đã đau đáu nỗi đau của người thấp cổ bé miệng, là một luật gia, anh ý thức rất rõ “pháp luật – chốn nương thân của nhân dân” đang bị chà đạp và anh đã mạnh mẽ cất tiếng thay bao người trẻ phẫn uất vì đất nước bị ngoại bang xâm lấn. Có lẽ là một người vợ, chị đã nhiều ngày lo âu, nhiều đêm khóc thầm khi suốt mấy năm nay, anh luôn bị rình rập, bị thẩm vấn, bị theo dõi và đe dọa. Giờ đây trong ngục tối, giữa nguy hiểm bủa vây hẳn anh nghĩ suy nhiều về chị, người vợ hiền của anh đang một mình vượt cạn và nghĩ nhiều về đứa con tương lai chào đời vắng bóng người cha.
*
Trong truyền thuyết, có lẽ chẳng nơi nào trên thế giới có những câu chuyện vừa bi tráng, vừa xúc động như câu chuyện về những phụ nữ chờ đợi chồng mòn mỏi, đến mức hóa đá như ở Việt Nam . Những Hòn Vọng Phu, những nàng Tô Thị từ vùng địa đầu giới tuyến phía bắc, trải dài đến ven biển miền trung như khắc vào bên lề dòng lịch sử hào hùng của dân tộc là câu chuyện đẫm nước mắt của những người vợ.
Họ chẳng mong được ghi nhận công lao, nhưng nếu không có họ, liệu những người đàn ông có yên lòng ra đi mở đất, có yên lòng lo chuyện nước nhà? Quê hương Việt Nam như một định mệnh oan khiên, có quá nhiều những người vợ can trường và yên lặng suốt chiều dài lịch sử. Những nghiệt ngã xã hội đã làm thân phận đàn bà Việt Nam thành những nỗi đau hóa đá. Họ chẳng mong đón nhận những danh xưng đại loại như “bà mẹ Việt Nam anh hùng”, họ chỉ mong làm tròn trách nhiệm một người vợ, một người mẹ và hạnh phúc bên chồng con.
“Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà đi biển mồ côi một mình”
Tôi đang muốn viết về chị Trần Thị Liên, vợ của Luật gia Phan Thanh Hải – blogger Anhbasg. Lẽ ra chị Liên hoàn toàn yên ấm với người chồng hết lòng thương yêu vợ con, cũng là một doanh nhân giỏi giang trên thương trường cùng hai đứa con xinh xắn. Lẽ ra những ngày này, chị Liên an tâm với chuyến vượt cạn bên sự chăm sóc của người chồng. Nhưng thật trớ trêu, chồng chị, Anhbasg đã bị bắt giam cầm khi chị bụng mang dạ chửa, sức vóc yếu ớt và hai đứa con chưa kịp bước vào tuổi khôn. Mọi gánh nặng gia đình dồn cả vào đôi vai nhỏ bé. Ai sẽ ở kế bên chị trong cái đau sinh nở xé ruột, ai sẽ chăm sóc hai đứa con thơ dại và ai sẽ đến trại giam thăm nuôi chồng???
Chồng chị đã không chọn một đời sống bình lặng với cương vị giám đốc chỉ lo việc kiếm tiền và ấm êm bên vợ con, anh đã đau đáu nỗi đau của người thấp cổ bé miệng, là một luật gia, anh ý thức rất rõ “pháp luật – chốn nương thân của nhân dân” đang bị chà đạp và anh đã mạnh mẽ cất tiếng thay bao người trẻ phẫn uất vì đất nước bị ngoại bang xâm lấn. Có lẽ là một người vợ, chị đã nhiều ngày lo âu, nhiều đêm khóc thầm khi suốt mấy năm nay, anh luôn bị rình rập, bị thẩm vấn, bị theo dõi và đe dọa. Giờ đây trong ngục tối, giữa nguy hiểm bủa vây hẳn anh nghĩ suy nhiều về chị, người vợ hiền của anh đang một mình vượt cạn và nghĩ nhiều về đứa con tương lai chào đời vắng bóng người cha.
Những khó khăn gian khổ vẫn còn đang chờ đợi chị Liên ở phía trước, những ngày dài, những đêm thâu mong ngóng chồng về. Là mẹ, ai mà không thắt ruột khi nghe đứa con thơ ngây bảo “phải ăn ít lại, vì bố không còn ở nhà nữa”. Vắng trụ cột, căn nhà hoang tàn lạnh lẽo, không còn tiếng cười đùa, không còn sớm đưa chiều đón những buổi con đi học. Tôi trân trọng chia sẻ với chị và mong sẽ không còn những hòn vọng phu chờ chồng đến hóa đá và đơn độc sinh nở. Tôi mong công lý được thực thi và chồng chị sẽ sớm trở về.
Từ Nguyệt
.
.
.
No comments:
Post a Comment