Danlambao
Danlambao – Ngày 30/11/2010, tại Hà Nội, trong dịp tiếp xúc các cử tri của hai quận Cầu Giấy và Ba Đình thì người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam tuyên bố: ”Quốc Hội ban hành nhiều luật nhưng luật ít đi vào cuộc sống”. Tin này được loan tải trên tờ Tuổi Trẻ ngày 1/12 do Lê Kiên thực hiện.
Ông Nguyễn Phú Trọng hiện là Ủy Viên TW Đảng, trong nhóm 15 người quyền lực trong Bộ Chính Trị. Ông đang là chủ tịch Quốc Hội, người đứng đầu cơ quan lập pháp ở Việt Nam.
Thừa nhận của ông chủ tịch Quốc Hội cho thấy mục tiêu làm các dự án luật ở Việt Nam không để “đi vào cuộc sống”để phục vụ nhân dân. Luật làm ra chỉ để “làm kiểng” sơn son thiếp vàng rồi treo lên. Luật làm ra để có nộp bài cho các định chế của thế giới như WTO hay là WB, IMF và Liên Hiệp Quốc, EU, Hoa Kỳ để được vay tiền, để gia nhập tổ chức này hội đòan nọ. Vì luật ở Việt Nam thì “không đi vào thực tế”.
Thừa nhận này như là một lời tự thú là lừa dối mình, tự mâu thuẫn khi ông Chủ tịch Quốc hội nhấn nút “đồng thuận” và ký tên ban hành các Bộ Luật ở Việt Nam. Dù luật có hiệu lực thi hành ngay thời điểm công nhận trong Bộ Luật nhưng phải chờ có Nghị Định của Chính Phủ và các chỉ thị, thông tư hướng dẫn thi hành thì mới được áp dụng. Mà áp dụng thì “ít đi vào cuộc sống”.
Người đứng đầu cơ quan lập pháp ở Việt Nam tuyên bố điều này như là lời nói thật nhất trong nhiệm kỳ “đồng thuận”của mình. Cũng như trước đây các Chánh án Tòa án Tối cao đứng đầu cơ quan Tư Pháp của Việt Nam tuyên bố : “Luật ở Việt Nam xử sao cũng được”, rồi thì bồi thêm: “Ngành Tòa án thiếu người trầm trọng, chúng tôi phải tổ chức huy động cả những lái xe và lao công để nâng cấp nghiệp vụ”. Luật làm ra thì không đi vào cuộc sống, xét xử mỗi năm có trên hàng chục ngàn bản án phải sữa và hủy án do các người cầm cân nảy mực, nhân danh công lý xuất thân là “anh lái xe”, ”chị lao công”này đây.
Cũng ngay trong cái buổi tiếp xúc cử tri chiều 30/11/2010 chính ông Nguyễn Phú Trọng tự mâu thuẫn khi cử tri hai quận Ba Đình và Cầu Giấy chất vấn về hủy các dự án Bô Xít trên Tây Nguyên thì ông Chủ Tịch Quốc Hội tuyên bố: ”Khai thác bô xít, muốn dừng cũng phải đúng luật”. Luật do ông chủ trì và ban hành không đi vào cuộc sống thì muốn ”đúng luật” là sao đây thưa ông? Luật không đi vào cuộc sống thì đâu cần áp dụng làm gì và dự án tai tiếng Bô Xít trên Tây Nguyên đâu cần phải “dừng đúng luật”làm gì?
Như vậy thì Luật ở Việt Nam không đi vào cuộc sống như vậy thì cái gì đang chi phối cuộc sống thực tế hiện nay ở Việt Nam? Câu trả lời cũng do ông Chủ Tịch Quốc Hội đưa ra ngay trong buổi gặp gỡ cử tri ở Thủ Đô trong câu hỏi chất vấn của các cử tri về “câu chuyện ở Vinashin”. Người đứng đầu cơ quan lập pháp ở Việt Nam tuyên bố: “Nhắc lại kết luận của Bộ Chính Trị về Vinashin nhấn mạnh ba nội dung: tái cơ cấu để vực dậy Vinashin, điều tra làm rõ sai phạm, kiểm điểm rõ trách nhiệm”. Nghĩa là căn cứ để xử lý con tàu rách nát Vinashin là “kết luận chỉ đạo của Bộ Chính Trị” chứ không phải theo bộ luật A,B,C hay X,Y,Z nào cả.
Dù biết là “Luật không di vào cuộc sống” nhưng ông Chủ tịch Quốc Hội cũng đã áp dụng một bộ luật để trả lời chất vấn của cử tri về chuyện cho thuê rừng đầu nguồn thì người đứng đầu cơ quan lập pháp cho hay: “Đúng là có chuyện chúng ta cho nước ngòai thuê đất trồng rừng theo Luật doanh nghiệp”. Luật doanh nghiệp do ông ký tên chủ trì và ban hành thì sửa đến sửa lui mấy lần chẳng hay ông muốn áp dụng cái nào? Mà đã không đi vào cuộc sống thì cần gì áp dụng? Chỗ này ông nên nói như thế này mới hợp lý: “chuyện cho nước ngòai thuê rừng đầu nguồn thì chúng tôi áp dụng LUẬT RỪNG” thì mới đúng thực tế thưa ông!
Bên cạnh lời tự thú chân tình của ông Chủ tịch Quốc hội vào chiều 30/11, danlambao cũng ghi nhận lòng yêu nước tha thiết của ông được thể hiện cách ngất trời: ”Một tấc chúng ta cũng phải bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này của Tổ Quốc”. Đúng là lòng yêu nước của ông thật nồng nàn trước các cử tri Thủ đô. Hòang Sa mà các ông tặng cho Trung Quốc năm 1958 sao rồi thưa ông? Ải Nam Quan chổ mà Nguyễn Trãi tiễn cha mình với câu nói bất hủ ở đâu rồi thưa ông? Hang Pacpo, Thác Bản Giốc sao rồi thưa ông? Ông bảo vệ từng tấc đất như thế nào khi ông đồng thuận cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc lên Tây Nguyên khai thác Bô Xít? Từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc được ông bảo vệ ra sao khi chỉ cần ai đó mặc chiếc áo có dòng chữ: “Hoàng Sa, Trường Sa là của VN” là ông ra lệnh bắt giam ngay?
Sắp hết nhiệm kỳ rồi, dù sao nhân dân chúng tôi cũng mừng khi nghe những lời nói chân thành, những phát biểu thật lòng như thế này. Trước sau gì cũng về vườn, đương khi còn nhiệm chức thì nên nói. Chờ đến khi về hưu như ông Võ Nguyên Giáp, Ông Đồng Sỹ Nguyên, bà Nguyễn Thị Bình và như người tiền nhiệm của ông là ông Nguyễn Văn An nói thì cũng đã muộn màng. Cứ nói thật lòng đừng vòng vo gì cả thì nhân dân sẽ rất đồng tình ủng hộ. Bản chất người Việt thì yêu nước và giàu lòng vị tha nhân ái. Người Việt dù có ở bất cứ nơi đâu họ không bao giờ ĐỒNG THUẬN vì ĐỒNG TIỀN mà bán rẻ ĐỒNG BÀO của mình.
.
.
.
No comments:
Post a Comment