Sunday, December 5, 2010

“OUTSOURCE” HAY KHÔNG ? (Trần Bình)

Trần Bình
Cập nhật : 04/12/2010 18:04

"Outsource" hay không? Một vấn đề đang được các nhà kinh tế Mỹ tranh cãi.

Các hoạt động thuê ngoài trong sản xuất và dịch vụ (outsource) là đề tài thảo luận quan trọng trong những năm qua tại các nước phát triển vì nạn thất nghiệp gia tăng do việc di chuyển các hoạt động kinh doanh ra nước ngoài ngày một lan rộng. Gần đây, cuộc tranh luận trở nên gay gắt hơn khi tình trạng thất nghiệp tăng mạnh vì cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, ảnh hưởng nặng nề trên nền kinh tế của các nước phát triển.
Cuộc thảo luận về đề tài outsource cũng trở nên khẩn trương hơn tại các quốc gia phát triển vì ngày nay các nước này phải đương đầu với sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ với các nền kinh tế mới nổi, điển hình là Trung Quốc, Ấn Độ, và Brazil    
Sự phát triển về kỹ thuật và tiến trình toàn cầu hóa nền kinh tế diễn ra nhanh hơn trong những thập niên qua đã hỗ trợ cho việc mở rộng hoạt động của các dây chuyền sản xuất xuyên quốc gia do các công ty đa quốc gia của các nước phát triển thực hiện, nhằm hữu hiệu hóa và tối đa hóa lợi nhuận, dựa trên sự khai thác các lợi thế của các nước đang phát triển. Các đại công ty đa quốc gia này đã thành công về phương diện kinh doanh; song đồng thời, hoạt động thuê ngoài của họ cũng tạo cơ hội cho các nước đang phát triển tiếp cận và nắm bắt kỹ thuật và quy trình sản xuất tiên tiến; dần dà phát triển, vững mạnh, và trở thành đối thủ cạnh tranh với chính các nước phát triển.
Cũng vì thế, các nước phát triển hiện đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, không thể không outsource ra các nước đang phát triển để tăng lợi thế cạnh tranh và tồn tại. Đồng thời, lại lo sợ sẽ mất dần ưu thế cạnh tranh bởi sự di chuyễn kỹ thuật và năng lực sản xuất sang các nước đang phát triển, đặc biệt các nước Châu Á.
Từ góc độ của một quốc gia đang phát triển, như Việt Nam, thì làm thế nào khai thác được thế lưỡng nan của các nước phát triển hầu có thể tiếp cận và chuyển giao công nghệ tiên tiến là chiến lược lớn để phát triển đất nước. Trung Quốc là trường hợp điển hình đã thành công trong việc sử dụng sức hấp dẫn của thị trường to lớn và nhân công rẻ để thu hút đầu tư và tiếp thu công nghệ. Là một nước nghèo và lạc hậu chỉ trong vài thập niên trước đây, năm 2010, Trung Quốc đã vượt Nhật để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai, và vượt Đức ở vị trí số một về kim ngạch xuất khẩu trên thế giới.                    
Để hiểu sâu xa hơn về vấn đề hệ trọng này, thử theo dõi cuộc tranh luận của các học giả Mỹ trên diễn đàn đại học Harvard vào mùa thu năm ngoái, do hai giáo sư Gary P. Pisano và Willy C. Shih chủ xướng, dưới đề tài Có phải Mỹ đang giết chết cỗ máy sáng tạo của chính mình?

***
Trước tiên cần xác định phạm vi của cuộc thảo luận không chỉ giới hạn ở nghĩa hẹp của từ outsource, tức là thuê nước ngoài làm gia công hay cung cấp dịch vụ, mà còn bao gồm cả đầu tư ra nước ngoài. Thứ nữa, cần nhận thức rõ rằng, mặc dù cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh của nước Mỹ, song đây cũng là vấn đề chung của các nước phát triển trên thế giới. 
Một số vấn đề mấu chốt đã được đào sâu qua cuộc thảo luận, như liệu outsource có làm giảm ưu thế cạnh tranh? Có cần duy trì các hãng sản xuất nội địa? làm thế nào để duy trì và phục hưng ưu thế cạnh tranh?
Những luận cứ phản bác:  
Không ít nhà bình luận đã không tán đồng quan điểm của các giáo sư Gary P. Pisano và Willy khi hai vị này cho rằng outsource đang làm giảm ưu thế cạnh tranh của nước Mỹ. Góc nhìn tích cực và lạc quan về outsource của một số học giả được xây dựng trên những luận điểm sau đây:
Người bình luận trên tờ Business Week, qua bài viết  Tương lai của Hoạt động Thuê ngoài ( the Future Of Outsouring), cho rằng mặc dù khoản tiết kiệm về giá lao động rẽ do outsource mang lại là rất lớn, song không đáng kể nếu so sánh với những lợi ích lớn lao khác như hiệu quả, năng suất, chất lượng, và lợi nhuận. Outsoure có thể giúp cho chuyên viên thoát ra khỏi các công việc lập lại hàng ngày để có thể tập trung vào các hoạt động phát minh và giao dịch với khách hàng.
Tác giả bài bình luận trích dẫn lời của Daniel Marovitz, giám đốc kỹ thuật Deutsche Bank's global businesses, nhấn mạnh đến sự thiết yếu của outsource trong hoạt động kinh doanh: Outsource không phải là vì phí tổn lao động; vấn đề là nếu không làm như vậy, thì bạn không thể tồn tại.     
Giáo sư David B. Yoffie, Harvard, còn đi xa hơn trong bài viết Vì sao Khu vực Kỹ thuật của Mỹ không cần ngành Sản xuất Nội địa (Why the U.S. Tech Sector Doesn't Need Domestic Manufacturing). Ông nhận định rằng sự mất mát một số ngành sản xuất tại các nước có giá thành sản xuất cao như Mỹ là điều không thể tránh khỏi và không có nghĩa là khả năng cạnh tranh sẽ suy yếu. David B. nhấn mạnh, nước Mỹ đã chuyển dịch qua nền kinh tế dịch vụ từ 100 năm qua. Trong trường kỳ, dịch vụ sẽ là căn bản (core) của nền kỹ thuật cao của nước Mỹ. Vì vậy, tương lai năng lực cạnh tranh của công nghệ cao sẽ tùy thuộc nhiều vào sự chuyển dịch qua khu vực dịch vụ hơn là duy trì các cơ sở sản xuất trong nước (manufacturing base). 
Giáo sư David B. nêu lên một số công ty như IBM, Apple, Google, Amazone như những trường hợp điển hình của sự thành công trong các ngành dịch vụ kỹ thuật cao, là lãnh vực nước Mỹ cần phải nắm giữ vị thế thượng phong.

Luận điểm bảo vệ của David và Willy:

Những phân tích phản biện trên đây không làm lung lay quan điểm của Gary và Willy về mối liên hệ giữa outsource và sự suy yếu của các ngành công nghiệp cao và khả năng phát minh của nước Mỹ. Những luận cứ chính đã được hai giáo sư trình bày trong hai bài viết mở đầu cuộc thảo luận, Mỹ đang mất dần ưu thế cạnh tranh (The U.S. Is Outsourcing Away Its Competitive Edge), Vấn đề là Mỹ không Sản xuất được Sách Điện tử (The U.S. Can't Manufacture the Kindle and That's a Problem), và bài đúc kết cho cuộc thảo luận, Mỹ phải Sản xuất để có thể Sáng tạo và tạo ra Công ăn Việc làm (The U.S. Must Manufacture to Innovate — And Provide Jobs).
Một quan điểm phi lý, nhưng thịnh hành suốt 25 năm qua là nước Mỹ có thể lớn mạnh trong vai trò của trung tâm sáng tạo, còn việc sản xuất sản phẩm mà quốc gia này phát minh và thiết kế là phần việc của các nước khác. Quan điểm này dựa trên giả định hoàn toàn sai lầm rằng có thể tách rời R&D (nghiên cứu và phát triển) với sản xuất. Loại trừ những trường hợp ngoại lệ, với hầu hết các sản phẩm, đặc biệt ở các ngành công nghiệp cao, hoạt động R&D và sản xuất gắn kết với nhau rất chặt chẽ. Nếu bạn không biết cách làm ra một sản phẩm thì bạn không thể thiết kế nó. Và, để hiểu được phương pháp sản xuất ra nó, bạn phải có khả năng và kinh nghiệm sản xuất.  Để có thể sáng tạo, bạn cần có những phản hồi hai chiều. Bạn cần chuyển giao kiến thức từ R&D vào sản xuất, ngược lại bạn cũng cần phải đưa kiến thức từ sản xuất trở lại R&D. Hoạt động sản xuất sẽ hình thành hiểu biết về quy trình và thiết kế sản phẩm.
Quan điểm phi lý tách rời R&D với sản xuất còn dựa trên nhận thức rất sai lệch khi cho rằng động lực cạnh tranh là khởi nguồn cho sự bùng nổ của outsource. Họ tin rằng tập trung vào R&D, bạn sẽ thu lợi nhuận lớn vì bạn có quyền sở hữu trí tuệ. Còn phần sản xuất chỉ mang lại lợi nhuận thấp hãy giao lại cho các nước Châu Á. Quan điểm này dựa trên giả định là các nước sản xuất sẽ hài lòng với những mẩu thức ăn vụn trên bàn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu họ cũng để mắt đến miếng sườn non? Một khi đã học được cách sản xuất sản phẩm của bạn (đồng thời năng lực sản xuất của bạn bị suy yếu), họ sẽ ở vị thế thuận lợi để sản xuất và thiết kế các bộ phận và hệ thống phụ thuộc phức tạp hơn, và sau cùng là cả thành phẩm. 
Một hệ lụy quan trọng là một khi năng lực sản xuất chuyển nhượng sang một quốc gia khác thì năng lực thiết kế và R&D cũng dần dà theo sau. David khẳng định, đó là những gì đang diễn ra trong một số ngành công nghiệp kỹ thuật cao của Mỹ trong 20 năm trở lại đây. Sự suy yếu và mất mát năng lực sản xuất còn ảnh hưởng xấu đến các ngành sản xuất liên hệ, và tiềm năng của những sáng tạo nối tiếp trong tương lai.
Sau hết, không thể xem nhẹ sự tổn thất gây nên vì trình trạng mất việc làm. Đồng ý rằng, duy trì năng lực cạnh tranh là ưu tiên hành đầu của các doanh nghiệp, song điều này không có nghĩa là phải trả giá với sự mất việc làm. Vì vậy, duy trì các năng lực sản xuất trong nước không những thiết yếu cho việc phát huy khả năng sáng tạo mà còn để tạo ra công ăn việc làm, nhờ vào thành quả của các phát minh.   
***                

Phần kết luận của David và Willy nhấn mạnh rằng, hiện trạng năng lực cạnh tranh của Mỹ là kết quả của một quá trình lâu dài, do đó, các giải pháp cũng sẽ phức tạp và mất thời gian. Về mặt quản trị doanh nghiệp, chiến lược phát triển không thể bị chi phối nặng nề bởi những mục tiêu ngắn do áp lực của thị trường tài chánh (các báo định kỳ) mà cần phải cân đối với yêu cầu đầu tư dài hạn và lợi ích lâu dài. Trong vai trò hỗ trợ của chính phủ, các nỗ lực cải cách về hệ thống giáo dục và đào tạo nhân lực cho các công việc kỹ năng cao là những đòi hỏi hết sức cấp thiết. Phải đẩy mạnh chính sách thu hút tài năng ưu tú trên thế giới; 47% tiến sĩ tại Mỹ sinh ra từ nước ngoài. Chính phủ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các hoạt động sáng tạo thông qua các chương trình nghiên cứu khoa học. Sau cùng, chính sách thuế má và các luật định cần khuyến khích sự phát triển doanh nghiệp và nghiên cứu trong nước, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài.
Đồng tình với quan điểm của hai giáo sư David và Willy, có thể kể đến các công trình nghiên cứu mới đây của tiến sĩ Fareed Zakaria qua bài viết Làm Thế nào để Phục hồi Giấc mơ Mỹ ( How to restore American dream). Fareed nhận định rằng, Đức là nước phát triển đầu tiên thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, đã thành công trong việc duy trì các cơ sở sản xuất trong nước, nhờ vào sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ cao, R&D, và chính sách đào tạo nhân lực kỹ năng hiệu quả. Ông cũng cảnh báo về nguy cơ outsource trong ngành dịch vụ của Mỹ, trích dẫn kết quả nghiên cứu của Blinder ước tính khoảng 24 trong số 49 triệu lao động trong khu vực dịch vụ có khả năng sẽ chuyển ra nước ngoài.

Một phân tích liên hệ quan trọng khác được Fareed thực hiện trong buổi phát hình trên CNN tháng qua, dưới đề tài Singapore - Điểm đến mới của sáng tạo ( Singapore: The new home of innovation ). Theo kết quả điều tra của tài liệu Yêu cầu sáng tạo trong Sản xuất ( The Innovation Imperative of Manufacturing) do nhóm nghiên cứu BCG, thuộc Viện Nghiên cứu Sản xuất, Hiệp hội các nhà sản xuất nước Mỹ thực hiện tháng 3/2009, vị trí của nước Mỹ trong bảng xếp hạng về sáng tạo đã tụt hậu (thứ 8), đứng sau một số nước "hậu bối" Châu Á, Singapore (1), Nam Hàn (2), và Hong Kong (8). Cần lưu ý là Hong Kong ngày nay là một bộ phận của Trung Quốc.

Trung Quốc và các nước đang phát triển đang ở vị thế đối lập với chính sách duy trì và phục hưng công nghệ cao của các nước phát triển. Vấn đề này đã được đào sâu trong bài tham luận Washington phải mạnh tay với các nước buộc Mỹ phải outsource (Washington Should Get Tough with Countries that Force U.S. Companies to Outsource) của Giáo sư Laura D'Andrea Tyson, đại học Berkeley, và bài bình luận Tháp Quyền lực (Tower of Power) của Austin Ramzy trên báo Time. Trung Quốc bị cáo buộc đã  sử dụng con mồi tiềm năng thị trường khổng lồ để thuyết phục các công ty nước ngoài chuyển giao kỷ thuật với các hợp đồng béo bở; rồi sau đó, sử dụng kiến thức tiếp thu được sản xuất hàng hóa cạnh tranh rẻ hơn các nước đầu tư. Dự án khổng lồ đập Tam Hiệp được nêu lên như trường hợp điển hình, qua đó các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải chuyển giao công nghệ. Và gần đây hơn, dự án qui mô lớn tái tạo năng lượng xanh là một ví dụ khác cho thấy bằng mọi cách, Trung Quốc đã tạo ưu thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, từ việc sử dụng gói kích thích, đến các thủ tục đấu thầu, qui định tỷ lệ nội địa trong thành phẩm và nhân công. Những biện pháp này rõ ràng vi phạm qui định của WTO. Các nước phát triển Châu Âu và Mỹ đã nhiều lần khiếu nại, song tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn một cách phổ biến.

Trong trận chiến outsource, bảo vệ và phát triển công nghệ, năng lực cạnh tranh giữa các nước tiên tiến với Trung Quốc và các nước đang phát triển, cán cân hiện đang nghiên về vế thứ hai, phía Trung Quốc và các nước đang phát triển mới nổi, như kết luận của Austin Ramzy trong  Tháp Quyền lực, trích lời của chuyên gia Jun Ying ví von các công ty nước ngoài tại Trung Quốc như những đứa con riêng.

Không có lý do gì Trung Quốc lại để cho các công ty nước ngoài hoàn toàn thất bại, vì các công ty này đang đóng góp GDP, thuế và công ăn việc làm. Và dù cho cha mẹ có đối xử thiên vị, song, trong trình trạng đình đốn của nền kinh tế thế giới hiện nay, thân phận của đứa con riêng có lẽ vẫn là những gì tốt nhất mà các công ty nước ngoài có thể hy vọng.

 Trần Bình
tháng 12/2010
.
.
.

No comments: