Sunday, December 12, 2010

ĐỐI PHÓ SỰ ĐÀN ÁP CỦA CÔNG AN và BỘ MÁY BẠO LỰC CỦA CSVN (Việt Tân)

Diễn Đàn Pal Talk ‘Tìm Hiểu và Thảo Luận Về Đấu Tranh Bất Bạo Động’
Đặng Vũ Chấn - Nguyễn Ngọc Bảo
Cập nhật ngày: 12/12/2010

Diễn Đàn Pal Talk ‘Tìm Hiểu và Thảo Luận Về Đấu Tranh Bất Bạo Động’
Ngày 12/12/2010 Lúc 12 giờ Trưa giờ Việt Nam; 4 giờ chiều giờ Sydney Úc Châu; 6 giờ sáng giờ Paris, Âu Châu và 9 giờ tối giờ California, ngày 11/12/2010

Bài 6: Đối phó sự đàn áp của công an và bộ máy bạo lực của Cộng sản Việt Nam
Diễn Giả:
Bác sĩ Đặng Vũ Chấn (Ủy viên Trung Ương Đảng Việt Tân)
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo (Ủy viên Trung ương Đảng Việt Tân)

Kính chào toàn thể quý vị, (Bác sĩ Đặng Vũ Chấn)
Các chế độ độc tài luôn luôn tạo ra một bầu không khí sợ hãi bao trùm để ngăn chận sự chống đối của người dân. Đặc biệt là bộ máy công an tập trung sức lực tạo ra một khung cảnh áp chế thường trực lên những người mà chế độ cho rằng có khả năng đe dọa tới sự cầm quyền của họ. Trong không khí đó, tất cả những ai bất đồng chính kiến với chế độ đều bị bôi nhọ là khủng bố hay kẻ phản động.

Mục Tiêu Đàn Áp:
Khi sự chống đối của người dân tiến lên thành một phong trào rộng lớn, chế độ độc tài sẽ có xu hướng cảm thấy họ ngày một yếu đi, quyền lực bị đe dọa nên càng tung ra các thủ đoạn đàn áp nhắm vào ba mục tiêu:
Thứ nhất là giới hạn sự bành trướng của phong trào chống đối.
Kinh nghiệm cho thấy là sớm hay muộn, phong trào chống đối sẽ gặp phải một hình thức đàn áp nào đó. Thông thường thì chế độ độc tài sẽ tìm cách vô hiệu hóa phong trào phản kháng bằng cách:
1/ Hạ thấp uy tín hay đe dọa tinh thần của từng cá nhân để ngăn cản và hăm dọa những người khác không dám tham gia vào phong trào;
2/ Sử dụng mạng lưới truyền thông quốc doanh bóp méo chính nghĩa đấu tranh và tung ra những sắc lệnh, nghị định nhằm giới hạn hay ngăn cấm những cuộc tụ họp đông người của phong trào;
3/ Phá hoại các nguồn thông tin liên lạc, trao đổi của phong trào.
Mục đích của những biện pháp này là nhằm thu hẹp môi trường hoạt động, gia tăng chi phí tổ chức và điều hành phong trào, khiến cho các nguồn hỗ trợ cũng như số người tham gia sẽ giảm đi và cuối cùng phong trào bị tê liệt hoạt động. Để hóa giải sự đàn áp này, phong trào không nên làm mất giá trị và chính nghĩa đấu tranh bất bạo động bằng cách dựa vào các phương thức bạo động hay phá hoại. Lý do là những hành động này chỉ tạo thêm lý cớ cho chế độ độc tài gia tăng đàn áp và làm suy giảm chính nghĩa đấu tranh của phong trào.
Thứ hai là làm suy sụp tinh thần đối kháng của những người tham gia.
Nghe lén điện thoại, xem lén các hộp thư điện tử, đuổi việc, cô lập kinh tế, hăm dọa người thân trong gia đình, triệu lên công an để hạch hỏi liên tục, bắt giữ điều tra, bịa đặt tội danh để đưa ra tòa kết án, dàn dựng tại nạn giao thông,… là những thủ đoạn mà chế độ độc tài sẽ dùng để vừa áp chế tinh thần, vừa vô hiệu hóa những sự chống đối của các nhân vật đấu tranh, bao gồm cả những thân nhân và bạn bè liên hệ với họ.
Mục đích của những thủ đoạn nói trên là nhằm tạo ra một không khí căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, khiến cho các nhà đấu tranh bị suy sụp tinh thần không còn muốn đối đầu gay gắt nữa, để qua đó các chế độ độc tài mong là giảm căng thẳng và sức ép lên chế độ. Để hóa giải những thủ đoạn đàn áp này, các cá nhân đấu tranh nên nghĩ rằng: “không làm gì không có nghĩa là tránh khỏi khó khăn hay trừng phạt từ phía chế độ; mà ngược lại, ta càng tránh né càng bị chế độ đe dọa”. Nhà đấu tranh phải vững tin rằng mình không làm điều gì sai, luôn luôn có nhiều người hậu thuẫn khi can đảm đối đầu.
Thứ ba là tiêu diệt ước muốn thay đổi chế độ của người dân.
Kết hợp giữa thủ đoạn đàn áp và tuyên truyền, những chế độ độc tài luôn luôn tạo ra bầu không khí mà người dân bình thường sợ hãi khi nói về những đề tài hay những vấn đề mà có thể bị diễn dịch là “chống lại chính quyền”. Ngoài ra, chế độ độc tài luôn luôn cho là những cuộc tụ họp phản đối của người dân đều là do những tổ chức phản động xúi giục hay đứng đằng sau chỉ đạo.
Với thủ đoạn gán ghép đó, dù bất mãn những bất công trong xã hội hay mang những ước muốn thay đổi cuộc sống tốt hơn và tự do hơn, số người sẵn sàng dấn thân, tham gia nói lên nguyện vọng muốn thay đổi của mình sẽ ít đi. Lý do là cái giá mà họ phải trả cho sự chống lại chính quyền và cho sự thay đổi nguyên trạng xã hội quá cao. Các chế độ độc tài luôn luôn nhân danh sự ổn định chính trị và xã hội để tăng cường các biện pháp kiểm soát, nhất là tăng cường bộ máy công an mật vụ để theo dõi và hăm dọa bất cứ ai có những thái độ bất phục tùng mệnh lệnh của nhà nước.
Mục đích của những thủ đoạn này là nhằm vô hiệu hóa mọi ước muốn thay đổi của người dân từ trong trứng nước. Để hóa giải những thủ đoạn này, các nhà tranh đấu phải cho quần chúng thấy rõ tiến trình thay đổi xã hội là sự tất yếu và những gì ngăn cản tiến trình này trước sau gì cũng sụp đổ như Đông Âu, Liên Xô đã chứng minh.

Hóa Giải Sự Đàn Áp:
Đối tượng của đàn áp là công an và quần chúng bất mãn. Do đó để hóa giải sự đàn áp chính là làm cho công an yếu đi và mất khả năng trấn áp, qua đó tăng cường khả năng phản kháng của khối quần chúng bất mãn ngày một đa dạng hơn. Trong tinh thần đó, có bốn nỗ lực sau đây cần phải tiến hành:

Thứ nhất là tạo môi trường an toàn cho phong trào phản kháng:
Môi trường an toàn ở đây có tính cách tương đối nhằm vào hai mục tiêu chính là bảo vệ lực lượng và ngăn chận sự lũng đoạn của đối phương là công an.
Khi phong trào phát triển với sự tham gia của nhiều người, đừng bao giờ nghĩ rằng đó là một khối quy tụ những quần chúng chống đối mà phải hiểu rằng đã có người của công an xâm nhập, nằm vùng trong phong trào. Thành phần nằm vùng này sẽ thu thập tin tức hoạt động, các kế hoạch đấu tranh, nhân sự lãnh đạo của phong trào để cung cấp cho công an hầu tìm cách vô hiệu hóa. Thậm chí người của công an còn đóng vai chống chế độ một cách tích cực nhằm leo lên hàng ngũ lãnh đạo, để sau đó điều hướng phong trào đi theo kế hoạch dàn dựng của công an. Do đó, để tạo môi trường an toàn cho phong trào cần nắm vững các nguyên tắc sau đây:
1/ Khi lên chương trình hành động phải luôn luôn giả định là đã có người của công an nằm vùng trong phong trào để những kế hoạch nếu có bị đối phương biết thì cũng chỉ đặt chế độ ở vào thế Tiến Thoái Lưỡng Nan. Ta không nên tốn công ngăn chận sự xâm nhập của công an vì rất khó, nhưng cần đề cao cảnh giác nhằm phát hiện kẻ nằm vùng.
2/ Luôn luôn đặt ra nguyên tắc: Ai cần biết đến chuyện này thì công việc sẽ hiệu quả? để luôn luôn giới hạn việc thông tin đến những đối tượng cần thông tin, liên lạc. Ví dụ nếu người nào không cần phải tham dự cuộc họp bàn thảo kế hoạch nào đó thì không cần cho họ biết. Nếu cần họ biết để chuẩn bị một sinh hoạt tạo biến cố thì nên báo cho họ biết ngay hay chỉ báo vài giờ trước khi họp tùy theo vai trò hay xác xuất bị công an bám đuôi của họ.
3/ Không làm cho đối phương chú ý bằng cách thay đổi những sinh hoạt bình thường hay có những hành xử bất thường. Điều này sẽ làm cho đối phương tập trung chú ý, theo dõi và phát hiện ra vị thế đóng góp của một người nào đó đối với phong trào hầu tìm cách cô lập hay vô hiệu hóa.
4/ Mở rộng vòng đai liên lạc tiếp xúc với nhiều nhóm quần chúng đấu tranh khác nhau để nếu công an có theo dõi, điều tra, sẽ không phân định được ai là người thực sự của phong trào. Một khi tự giả định rằng mình đang bị công an theo dõi thì sẽ bớt lo lắng là mình có bị theo dõi hay không, do đó, ta có thể tập trung vào việc hạn chế những cách hành xử để tạo ra nghi ngờ từ đối phương.

Thứ hai là bảo mật các liên lạc:
Thông tin và liên lạc là huyết mạch quan trọng để duy trì sức sống của phong trào. Sức sống càng gia tăng, thì phong trào sẽ tung ra nhiều đòn đấu tranh gây sức ép ngoạn mục lên chế độ. Muốn làm được điều này, bắt buộc phải có một hệ thống liên lạc mật trong nội bộ dựa trên một số nguyên tắc như sau:
1/ Phải coi bảo mật là một thói quen hoạt động của hầu hết các thành viên trong phong trào. Cách bảo vệ tốt nhất là quy định những gì nên nói, những gì không và quan trọng hơn là nói như thế nào để chuyển tải thông tin vừa đủ. Không quy định rõ những gì cần phải bảo mật dễ đưa đến sự lung túng không biết cái gì có thể nói ra cái gì không.
2/ Luôn luôn quan tâm vào việc củng cố sự đoàn kết và nhắc nhở nhau tinh thần bảo mật trong nội bộ. Tránh những kết án bừa bãi về một số vụ việc xảy ra mà nên giải quyết trên tinh thần thông cảm.
3/ Khi trao đổi những thông tin quan trọng và các kế hoạch của phong trào, tuyệt đối tránh đề cập đến Tên, Ngày Giờ và Các con số tại những nơi tế nhị, bao gồm cả những trao đổi qua điện thoại hay qua Internet.

Thứ ba là tố giác rộng rãi các hành động đàn áp:
Các chế độ tài rất sợ công luận phơi bày những thủ đoạn trấn áp những nhà đấu tranh và phong trào dân chủ. Hơn thế nữa trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, những hành động vi phạm nhân quyền của công an có ảnh hưởng trực tiếp lên các mối quan hệ ngoại giao giữa chế độ độc tài với các quốc gia tự do. Do đó, để ngăn chận những thủ đoạn trấn áp và làm chùn tay sự bạo lực của công an, cần phải tố giác rộng rãi những hành động đàn áp của công an qua một số nguyên tắc:
1/ Tận dụng tối đa các phương tiện thông tin gồm Báo chí, Blog, FaceBook, E-Mail để phơi bày những bằng chứng đàn áp của công an, đồng thời vận động dư luận lên tiếng phê phán mạnh mẽ những hành động trấn áp này.
2/ Nêu tên tuổi đích danh những tên công an hay những cán bộ đã nhúng tay hay ra chỉ thị đàn áp, khủng bố người đấu tranh nhằm tạo áp lực tâm lý bị dư luận lên án, hầu làm cho những thành phấn cán bộ ác ôn khác bị chùn tay hay không còn dám tích cực bảo vệ chế độ.
3/ Tận dụng những luật lệ quốc tế để tạo áp lực và hóa giải những sự đàn áp của chế độ như kiện ra trước Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc, vận động chế độ độc tài vào danh sách những quốc gia đáng quan tâm (CPC) của Hoa Kỳ v.v.

Thứ tư là hóa giải sự sợ hãi:
Sợ hãi là phản ứng tự nhiên của cơ thể con người lẫn sinh vật trước một sự đe dọa nào đó. Sợ hãi làm giảm khả năng suy xét; nó kích thích hệ thần kinh, nang thượng thận sản xuất kích thích tố Adrenaline khiến cho các mạch máu gần da và nội tạng bị co thắt, huyết áp tăng và làm gia tăng nhịp tim. Điều này cho thấy là Thiên Nhiên đã chuẩn bị cho cơ thể loài người và sinh vật một phản ứng bình thường để sẵn sàng đối phó với những đe dọa mà các giác quan cảm nhận được để chiến đấu hay bỏ chạy. Như vậy ta không nên hổ thẹn khi bị lâm vào tình trạng sợ hãi, đồng thời đừng lấy sự sợ hãi làm thước đo cho các phản ứng của con người. Tập nhận biết rõ những trạng thái và phản ứng sợ hãi của mình. Khi ý thức rõ mình đang sợ hãi, ta sẽ dễ lấy lại bình tĩnh để đối phó với nỗi sợ của mình.
Các chế độ độc tài đã khai thác yếu tố sợ hãi để gia tăng những biện pháp đe dọa hầu ép buộc người dân phải luôn luôn tuân phục. Muốn thắng sự sợ hãi tức là chống lại những thủ đoạn hăm dọa, trừng phạt của công an, chúng ta phải biết một số kỹ thuật lẫn phương pháp để cố vượt qua các ảnh hưởng tiêu cực của sự sợ hãi.

Về phương pháp, cần lưu ý những nguyên tắc sau đây:
1/ Giữ sự bình tĩnh để vận động số đông chung quanh. Luôn luôn đặt niềm tin vào lẽ phải của việc mình đang làm là góp phần mang lại dân chủ và tự do cho nhiều người khác. Nhờ niềm tin này, những hành động đấu tranh của mình luôn luôn được dư luận đáp ứng, ủng hộ.
2/ Giữ sự can đảm trong mọi hành động đối đầu với công an. Khi đã ý thức mình không làm gì sai thì đừng bao giờ tỏ ra khúm núm, sợ sệt trước công an. Hãy coi công an là một thiểu số bảo vệ nhóm thống trị, không đại diện cho sự mong đợi của số đông quần chúng. Ngược lại phải tự coi mình là người bình thường đứng về phía chính nghĩa của số đông quần chúng bị áp bức.
3/ Giữ sự kiên trì để đối phó với công an. Công an luôn luôn tìm cách kéo dài khoảng thời gian truy bức nhằm lung lạc ý chí để sau đó chấp nhận cộng tác với họ. Không tự cho mình là đối tác của công an, lại càng không nên tin là mình yếu thế hơn đối phương chỉ vì họ có thể bắt giữ mình bằng bạo lực. Do đó không bao giờ dễ dàng tuân thủ theo những nguyên tắc của công an mà chỉ tuân thủ theo nguyên tắc của mình.
Về kỹ thuật, cần lưu ý những nguyên tắc sau đây:
1/ Luôn luôn cập nhật những phương pháp đàn áp của đối phương, rút kinh nghiệm từ những người đã từng bị công an bắt giữ, tra khảo để giúp cho chúng ta thêm bình tĩnh và biết cách ứng phó. Cung cấp càng ít thông tin cho công an càng tốt và không nên mất công ngồi suy đoán công an nghĩ gì, làm gì và nhất là không nên nghĩ rằng công an cái gì cũng biết vì rất nhiều khi họ hay bắt nọn ra vẻ đã biết hết rồi.
2/ Chuẩn bị tinh thần cho các thành viên trước khi tham dự một công tác gì, kể cả những tình huống xấu có thể xảy ra khi biết chắc là sẽ đụng độ với lực lượng công an. Người ta sẽ ít sợ hãi khi hiểu những gì sẽ xảy ra khi đã can dự vào những hoạt động có rủi ro. Tại hiện trường cần tập trung vào việc hạn chế sự rối loạn và hoảng hốt. Giữ cho mọi người đều bận rộn trong những công tác sẽ giúp giảm bớt cảm giác sợ hãi.
3/ Không nên tiến hành những công tác có quá nhiều rủi ro, tổn thất khi những thành viên tham dự chưa từng có kinh nghiệm đối đầu với lực lượng công an.
Kính thưa quý vị,
Những nội dung mà tôi vừa trình bày đến quý vị là cách chúng ta đối phó những đòn trấn áp hay những biện pháp khống chế của công an đối với lực lượng phản kháng nói chung. Sau đây là phần trình bày của Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo liên quan đến một số những kỹ thuật khi đối diện với công an, nhất là đối với những công an trực thuộc Tổng cục an ninh của Bộ công an CSVN.

Kính chào toàn thể quý vị, (Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo)
Rất khó để cho chúng ta có thể đưa ra một số nguyên tắc hay những kỹ thuật tổng quát hầu giúp cho mọi người áp dụng khi đối diện với công an. Lý do là công an, nhất là công an an ninh không áp dụng bài bản “điều tra” giống nhau mà thay đổi tùy theo bản lãnh của từng nhà đối kháng và tùy theo sức ép chính trị của phong trào phản kháng khi có người của phong trào bị công an bắt giữ. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm của một số nhà dân chủ, từng đối diện với công an, họ đã đề nghị một số biện pháp cần phải quan tâm mà chúng tôi xin phép được nêu ra ở đây như là những kinh nghiệm cần tham khảo.

Cá Nhân Đối Với Công An:
Trước hết là khi cá nhân trực diện với công an.
Chúng ta phải luôn luôn giữ bình tĩnh. Bình tĩnh là chìa khóa quan trọng để đối phó mọi sự trấn áp và bảo vệ sự an toàn của phong trào.
Để giúp cho ta bình tĩnh cần thấm nhuần những nguyên tắc hóa giải sự sợ hãi như đã trình bày phần trên. Chúng ta có thể thực tập một vài kinh nghiệm từ một số người đã đề nghị như sau:
1/ Hình dung trước những tình huống đối mặt với công an, kể cả chờ đợi chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất vì mọi sự bất ngờ dễ làm ta mất bình tĩnh, cảm thấy bất lực, dễ bị uy hiếp tinh thần, thành sợ hãi. Nhờ đã chuẩn bị trước tinh thần, nên khi phải đối diện với Công an ở phòng tạm giữ/ tạm giam… ta có thể tự nhủ rằng điều này đã được lường trước, và đây không phải là chuyện “sa cơ”, mà chính là lúc bắt đầu đấu trí tay đôi với họ. Điều này giúp ta không bị rơi vào thế hoảng loạn mà họ muốn.
2/ Luôn tự nhắc nhở mình không làm gì sai trái với lương tâm, mình đang làm điều phải để đòi lại công lý, giúp đời, góp phần mình để xây dựng canh tân đất nước. Khi có niềm tin, vững tin vào việc mình làm là điều phải, là điều bình thường tự nhiên, ta sẽ tự tin hơn, dễ thấy mình ở tư thế bình thản trên chân công an. Niềm tin có thể đến từ tôn giáo mình đang theo hay từ lý tưởng dân tộc, từ chính nghĩa mà đoàn thể, đảng phái của mình chủ trương. Về mặt lý luận, hãy luôn nhớ là ta không làm điều gì phạm luật, cho dù công an có đưa ra các đe dọa bằng những điều khoản nào đó hầu áp đảo tinh thần. Gặp trường hợp đó, ta vin vào các điều khoản về quyền công dân ghi trong hiến pháp (cao hơn luật) để đấu khẩu. Cần biết trước là trong các cuộc thẩm vấn, công an thường sử dụng 2 người, đóng hai vai: một ác và một thiện, để lúc thì vuốt ve, lúc thì dọa nạt… Nhưng cả 2 đều chỉ mong là có một kết quả thẩm vấn nào đó nhằm chứng minh với thượng cấp là họ có làm việc.
Ta chỉ cần cung cấp cho họ ngần đó là họ có thể xoa tay cho buổi làm việc hôm nay, cho dù ngày mai họ bắt làm lại hay bắt viết thêm. Do đó, bằng mọi cách, không ký tên vào bản nhận tội mà họ mớm ý. Nếu bị buộc phải làm bản tự kiểm về các “công tác/ hoạt động” đã làm, hãy tìm thế đánh vòng bằng cách không viết ra đã làm việc gì, gặp ai, ở đâu… Thay vào đó, ta thoải mái viết về những động lực nào đã khiến ta hoạt động giúp dân giúp nước, cũng là một cách kể tội chế độ. Bởi thường thì động lực này đến từ những điều tiêu cực xã hội mắt thấy tai nghe hàng ngày mà chế độ là tác nhân chính yếu, thành ra ta có thể kể chuyện thời sự rất đỗi bất bình ở đâu cũng có, mà không cần viết về việc gì mình đã làm. Đừng viết hết lần đầu, hãy để dành, nhưng viết tới đâu phải cố nhớ tới đó, bởi ngày mai họ sẽ bắt ta viết lại hay viết thêm, lúc đó ta sẽ dần dà viết tiếp những động lực khác khiến ta hoạt động. Cứ thế, nhiều ngày…
3 /Không nhìn công an như một khối áp đảo vô tri giác, mà nhìn thẳng vào từng con người. Tự nhủ rằng những con người này đang làm công việc của họ vì sinh kế, để ta không cảm thấy căm thù tức giận. Đây là điều có thể khó thực hiện vì khi bị trấn áp trù dập, phản xả tâm lý tự nhiên là xem họ như kẻ thù và có phản ứng thù hận. Nhưng khi nằm dưới tay kẻ thù thì thái độ và hành động hận thù của ta sẽ khiêu khích làm gia tăng sự trù dập và giảm an toàn cho bản thân. Đồng thời nó làm cho ta bị rơi xuống ngang tầm với công cụ trấn áp của chế độ mà quên đi cái đích lớn hơn, đó là lý tưởng của mình, là công lý, công bình, dân chủ. Nhìn người công an như những con người bình thường, thậm chí như những nạn nhân bị buộc vào thế phải làm việc ác nhân ác đức, giúp cho tâm ta bình tĩnh hơn để có thể ứng xử với họ trong tư thế ngang cơ hay trên.
4/ Tập cho mình luôn có cái nhìn lạc quan. Trong mọi tình huống bao giờ cũng có khía cạnh tích cực cần phải tìm ra. Ví dụ ngay cả trường hợp bị bắt bị đối xử tàn tệ, nhiều người đấu tranh coi đây như là thử thách cho chính mình để thăng tiến bản thân, như là cái giá biết trước phải trả để hưởng cái niềm vui phục vụ lý tưởng của mình. Họ tự nhủ: nếu mọi sự dễ dàng êm xuôi, thì lý tưởng đâu còn nhiều ý nghĩa, anh hùng hào kiệt có hơn ai.
5/ Luôn tìm thế chủ động, để khỏi bị uy hiếp. Khi để lộ ra mình dễ dàng bị uy hiếp tinh thần, công an sẽ lấn tới uy hiếp đến tận cùng. Khi thấy ta bình tĩnh, ôn hòa, nhã nhặn nhưng cương quyết, công an thường đổi thái độ và tỏ vẻ lịch sự hơn. Khi đối diện với công an điều tra, ta chọn cho mình một tư thế ngồi thẳng, nói chuyện nghiêm chỉnh, nhìn thẳng vào mắt người đối diện, dùng lời lẽ lịch sự, buộc công an phải nhã nhặn lại. Ngay cả khi công an quát tháo, đập bàn, ta vẫn cứ giữ lời lẽ lịch sự và nhẹ nhàng phê bình cung cách đối xử bất lịch sự của họ. Thường thì họ thay đổi thái độ. Nhưng nếu họ lặp lại thái độ khiếm nhã đó nhiều lần, ta có thể tuyên bố là không thể “làm việc” trong khung cảnh đó. Khi cảm thấy mình bị lúng túng, không giữ được bình tĩnh, ở thế bị động, ta mua thời gian, câu giờ (ví dụ cần đi rửa mặt cho bớt buồn ngủ…), cho ta có thì giờ ổn định tâm trí.
6/ Cứ bám vào luật để đòi công an phải thi hành đúng thủ tục luật pháp đồng thời cho thấy mình không có hành động chống đối luật pháp. Ví dụ: công an áp đảo không cho chụp hình. Người phản kháng bình tĩnh ôn tồn yêu cầu công an đem bảng cấm chụp hình ra thì mình sẽ tuân theo, chứ không có bảng cấm, không có văn kiện cấm đoán thì người dân vẫn có quyền chụp hình, công an có cấm tịch thu máy ảnh thì mình có quyền phản đối, đòi làm biên bản để khiếu kiện sau này.
Tóm lại thực tập chuẩn bị tinh thần để luôn giữ sự bình tĩnh, lạc quan, luôn tìm thế chủ động và nhất là luôn vun bồi niềm tin của mình vào tôn giáo, hay lý tưởng, hay tổ chức hay việc mình làm. Tất cả những điều trên xây dựng nội lực và niềm tin vào chính mình.

Tập Thể Đối Với Công An
Bây giờ tôi xin đi sang kinh nghiệm đối phó của một tập thể phản kháng như bà con dân oan, thanh niên sinh viên, giới trí thức, bà con giáo dân đối với bộ máy công an. Sự đối phó vào lúc này không còn là cá nhân đối với bộ máy công an mà là tập thể có thể từ 5 người lên đến hàng ngàn người tụ tập chống lại sự trấn áp của bộ máy bạo lực gồm công an cơ động, cảnh sát giao thông, lực lượng dân phòng v.v… Đây là lúc mà những người lãnh đạo phong trào phản kháng phải áp dụng các nguyên lý, đặc tính và những quy tắc hành động để điều động bà con theo một nỗ lực chung có phối hợp với ba điểm cần chú ý:
Thứ nhất là mọi hành động phải tận dụng sức mạnh của tập thể. Tức là mọi hành động phản kháng công an phải làm sao cho mọi người cùng tham gia.
Thứ hai là cần nghiên cứu một cách chi tiết về kế hoạch công tác (địa bàn, thời điểm, thời tiết, cách thức tụ tập, diễn biến, giải tán, phương tiện liên lạc…) để làm sao thu hút số đông và không bị công an đẩy vào thế cùng.
Thứ ba là phải hướng dẫn quần chúng trước về thái độ, kỷ luật, những việc cần phải làm khi đối diện với công an. Ví dụ cho quần chúng biết rõ mục tiêu của cuộc tụ họp phản kháng là gì? nếu không đạt mục tiêu thì bước kế tiếp làm gì hầu tránh tình trạng “sốt ruột” và “quá khích” của một số người có thể kéo tập thể bạo động.
Sau đây là những điểm đề nghị mà nhóm công tác cần nắm vững để bảo vệ tiềm lực, giúp cho xác xuất thành công cao hơn:
1/ Bảo vệ bộ phận điều động (trước khi tiến hành công tác, tại hiện trường, lúc nghĩ ban đêm, ngăn ngừa sự phát hiện quá sớm của công an, quay phim, thu hình từ xa nhằm nhận diện các thành phần chủ chốt, nhóm thay thế khi nhóm tại hiện trường bị cộ lập, bị bắt…)
2/ Ngăn ngừa sự xâm nhập tại chỗ nhằm gây sách động, kêu gọi bạo động nhằm tạo điều kiện cho công an đàn áp bằng bạo lực (cách thức bố trí nhằm nhận diện ra nhanh chóng những thành phần trà trộn khả nghi, cô lập bằng số đông, …)
3/ Hun đúc và giữ vững tinh thần những người tham dự qua những lời kêu gọi, hô khẩu hiệu, bài hát tập thể, cách thức bố trí đội ngũ, …
4/ Chuẩn bị và phối trí các phương tiện liên lạc tại hiện trường (qua điện thoại di động, qua các tín hiệu nhận diện được thoả thuận trước, các phương tiện trừ bị trong trường hợp bị cắt sóng, máy móc liên lạc bị tịch thu…)
5/ Chuẩn bị hình thức sinh hoạt tại hiện trường để giữ khí thế (âm thanh, ánh sáng, bình điện, nến cho ban đêm, đài để nghe tin tức, nhạc, bài hát tập thể).
6/ Chuẩn bị phương tiện theo thời tiết nắng mưa, thuốc men, bạt che mưa, v.v…
7/ Tìm sự hỗ trợ của người dân sống chung quanh hiện trường (hỗ trợ về vấn đề nước uống, điện, chỗ vệ sinh, nơi quan sát, thông tin rộng rãi về mục tiêu ôn hòa và những đòi hỏi chính đáng của quần chúng biểu tình, …)
8/ Chuẩn bị đối phó với công an trong dịp mặt đối mặt tại hiện trường (nhắc nhở thường xuyên về kỷ luật và nguyên tắc đấu tranh bất bạo động, tránh khiêu khích hay để bị khiêu khích, xiết chặt hàng ngũ để gia tăng tự tin, tạo ra tiếng động để kích thích tinh thần, chuẩn bị các lý luận để trả lời và đưa ra những lời kêu gọi ôn hòa, …
9/ Chuẩn bị các nơi tụ tập để tránh bị công an ngăn chặn, giải tán quá sớm. Điều nghiên các lối đi đến hiện trường.
10/ Chuẩn bị lúc giải tán nhằm tránh phân tán nhỏ và trở thành mục tiêu đàn áp nguội của công an (đường rút, hình thức di chuyển cho an toàn, nơi trú ngụ tạm gần hiện trường,..).
11/ Cần biết phải dừng lại lúc nào khi đã đạt mục tiêu và tuyên bố chiến thắng (tránh đẩy công an vào thế phải đàn áp). Luôn cân nhắc tương quan lực lượng hai bên để khi cần biết chấp nhận những chiến thắng nhỏ rồi rút quân để bảo toàn lực lượng cho những lần sau. Một cuộc tụ tập biểu tình thật đông khi cán cân lực lượng vẫn còn nghiêng nặng về phía công an, nếu không biết dừng đúng lúc, có thể tạo cơ hội cho công an dập tan lực lượng chủ lực của phe đấu tranh.
12/ Thu thập hình ảnh, dữ kiện để có thể chuyển đi nhanh chóng từ hiện trường hay từ những nơi gần (hình ảnh, dữ kiện, đặc biệt trong trường hợp có xảy ra đàn áp).
13/ Thông tin, liên lạc đến báo chí ngoại quốc về mục đích, thời điểm, địa điểm, diễn tiến, đồng thời chuẩn bị khai thác tin tức, nhất là trong trường hợp bị đàn áp.

Kình thưa quý vị,
Tóm lại, muốn đối phó hữu hiệu với công an, chúng ta cần vận động được số đông, có kế hoạch tổ chức chi tiết và chặt chẽ về mặt liên lạc, an ninh nhằm gây niềm tin và quyết tâm nơi quần chúng tham gia, đồng thời làm giảm thiểu sức mạnh trấn áp của công an. Điều quan trọng là số đông phải biết mục tiêu chính xác của công tác và biết dừng ở điểm nào để tránh bị đàn áp, bảo toàn lực lượng cho những giai đoạn quyết định sau đó.
Điều sau cùng, những chia xẻ của Bác sĩ Đặng Vũ Chấn và của chúng tôi qua bài viết này là dựa trên kinh nghiệm của một số nhà dân chủ Việt Nam đã từng trải qua những đối phó với bộ máy công an CSVN. Vì là kinh nghiệm nên có thể đúng với người này nhưng không giống với người khác, vì thế chúng tôi rất mong đón nhận sự chia xẻ và đóng góp thêm ý kiến từ quý vị.
Trân trọng cảm ơn sự lắng nghe và kính chào quý vị.

-------------------------------
Đảng Việt Tân Tổ Chức “Tìm Hiểu và Thảo Luận về Đấu Tranh Bất Bạo Động” Qua Diễn Đàn PalTalk
Nguyễn Trọng Việt - Lý Thái Hùng  -   Cập nhật ngày: 11/12/2010
Đỗ Đăng Liêu - Đặng Vũ Chấn   -  Cập nhật ngày: 28/11/2010
Kỳ II: Tại sao người dân e sợ chế độ độc tài? -  Đặng Vũ Chấn - Nguyễn Trọng Việt  -  21/11/2010
Kỳ I: Tại sao đấu tranh bất bạo động cần thiết cho dân chủ hóa VN?Lý Thái Hùng - Nguyễn Ngọc Bảo  -   20/11/2010

.
.
.

No comments: