Saturday, December 11, 2010

NHỮNG TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ NỔI TIẾNG NHẤT THẾ GIỚI (Foreign Policy)


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Lần đầu tiên kể từ năm 1936, khi Đức Quốc Xã cấm công dân Đức được vinh danh Carl von Ossietzky không được rời khỏi nơi ông bị giam giữ trong trại tập trung, sẽ không có ai có mặt để nhận Giải thưởng Nobel Hoà bình trong năm nay. Hội đồng Nobel Na Uy đã bắt buộc phải huỷ bỏ phần trao giải trong lễ vinh danh giải thưởng vào ngày 10 tháng Mười Hai vì người được giải năm nay, Lưu Hiểu Ba, hiện đang tàn tạ trong nhà tù Trung Quốc vì bị buộc "tội" kêu gọi dân chủ trong nước. Để xát thêm muối vào vết thương, chính quyền Trung Quốc cũng đã ngăn cấm người nhà của Lưu sang Oslo để đại diện nhận giải hộ ông.
Lưu chỉ là một điển hình trong số hàng trăm người vô tội trên toàn thế giới hiện đang bị giam giữ vì quan điểm chính trị hoặc vì đấu tranh cho nhân quyền. Trên khắp hoàn cầu, những công dân dám lên tiếng chỉ trích những chính quyền hà khắc thiếu dân chủ hoặc kêu gọi việc quan tâm đến những vi phạm nhân quyền trên đất nước họ hiện đang thường xuyên là đối tượng của những tội danh hình sự giả tạo, toà án bất công và những án tù lâu dài. Để tưởng niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế, dưới đây là một danh sách ngắn gồm những tù nhân chính trị nổi tiếng nhất trên toàn thế giới.

ABDELJALIL AL-SINGACE, Bahrain
Abdeljalil al-Singace, một blogger, học giả và người đứng đầu một tổ chức đối kháng Shiite, là người luôn lớn itếng chỉ trích việc tra tấn có hệ thống trong những nhà tù Bahrain, việc kỳ thị chống lại sắc tộc người Shiite, và tình trạng thảm hại của những quyền tự do căn bản tại Bahrain. Ngày 13 tháng Tám, khi trên đường trở về từ một hội nghị nhân quyền tại Anh, nơi ông đã nói chuyện trước Thượng viện Anh về những vi phạm nhân quyền và tình trạng huỷ hoại môi trường tại Bahrain , ông đã bị bắt tại sân bay ở Muharraq.
Ông bị cáo buộc về tội bôi xấu chính quyền và toà án, cùng với tội thành lập tổ chức bất hợp pháp với mục đích lật đổ chính quyền. Theo luật sư của Singace, ông và 22 nhà hoạt động khác đã tố cáo là họ bị đánh đập, không cho ngủ và bị ép phải đứng trong thời gian dài. Phiên toà của Singace hiện đang tiếp diễn.

NIKOLAI AVTUHOVICH, Belarus
Tháng Mười 2005, Avtuhovich, một doanh nhân và nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng đã bị buộc tội trốn thuế và bị tuyên án ba năm rưỡi tù giam. Mặc dù ông là một trong sáu tù nhân chính trị được trả tự do trong năm 2008 sau hàng loạt những biện pháp cấm vận cứng rắn từ Hoa Kỳ và Liên Âu, ông lại bị bắt giữ lần thứ hai vào năm 2009 và bị kết án năm năm tù giam về tội tàng trữ vũ khí, một cáo buộc mà những người ủng hộ ông cho là giả tạo.
Sức khoẻ của ông bị suy sụp trầm trọng khi đang ở tù, là kết quả của nhiều lần tuyệt thực và thiếu thốn chăm sóc ý tế. Avtuhovich kêu gọi thay đổi dân chủ tại Belarus và tiếp tục khuyến khích những đồng bào của ông lên tiếng chống lại chính phủ Aleksandr Lukashenko.

U GAMBIRA, Miến Điện
Miến Điện đã trả tự do cho nhà hoạt động chính trị nổi tiếng nhất là bà Aung San Suu Kyi, ra khỏi tình trạng giam giữ tại gia vào tháng Mười Một này. Nhưng vẫn còn hơn 2100 nhà hoạt động chính trị Miến Điện đang tiếp tục bị tàn tạ trong tù. Một trong những người nổi tiếng nhất là vị sư Phật giáo và một cựu chiến binh trẻ em tên U Gambira, người vào tuổi 29 đã sáng lập ra Liên hiệp Tu sĩ Miến Điện. Tổ chức này đã đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức những cuộc biểu tình chống lại chính phủ quân đội Miến Điện vào tháng Chín 2007. Trong giai đoạn chính quyền đàn áp sau đợt biểu tình, U Gambira có tên trong danh sách truy nã, ông đã bỏ trốn và cuối cùng bị bắt giữ.
Ông bị tuyên án 63 năm tù giam trong một phiên toà khép kín. Trong thời gian bị giam giữ, ông đã bị buộc phải bỏ đạo và bị tra tấn, khiến sức khoẻ của ông bị giảm sút. Bất chấp tình trạng trên, U Gambira vẫn tiếp tục kêu gọi việc trả tự do cho mọi tù nhân chính trị, tổ chức đọc kinh niệm Phật phản đối từ phòng giam của mình và thực hiện những cuộc tuyệt thực.

HỒ GIAI, Trung Quốc
Hồ Giai là giám đốc Hiệp hội Di sản Văn hoá 4 tháng Sáu, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và cổ vũ dân chủ, tự do chính trị và nhân quyền tại Trung Quốc. Bên canh đó ông cũng tham gia vào nhiều tổ chức kêu gọi dân chủ, tố cáo những vi phạm môi trường và đề cao nhận thức về HIV/AIDS tại Trung Quốc. Qua trang blog của mình ông cũng theo dõi những trường hợp các nhà hoạt động Trung Quốc bị bắt giữ và xét xử và đã tổ chức những cuộc vận động đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị. Vào ngày 27 tháng Mười Hai, 2007, ông đã bị bắt giữ trong một đợt đàn áp chống lại các nhà phản kháng, được bắt đầu khi những người cầm đầu giới nông dân trong một số tỉnh Trung Quốc đưa ra một bản tuyên ngôn đòi hỏi thêm quyền hạn đất đai cho những nông dân có đất đã bị thu hồi để qui hoạch phát triển.
Tại phiên xử của mình vào tháng Ba 2008, Hồ đã không công nhận những tội danh "kêu gọi lật đổ chính quyền nhà nước." Ngày 3 tháng Tư, ông đã bị tuyên án ba năm rưỡi tù giam. Với những hoạt động của mình, Hồ đã nhận được Giải thưởng Tự do Tư tưởng Sakharove của Quốc hội châu Âu vào tháng Mười Hai 2008.

ÓSCAR ELÍAS BISCET, Cuba
Óscar Elías Biscet, một bác sĩ, là người sáng lập và chủ tịch Quỹ Lawton Vì Nhân Quyền tại Cuba, chuyên kêu gọi sự chuyển hoá hoà bình sang chế độ dân chủ đa đảng và việc trả tự do cho các tù nhân chính trị. Bị bắt giữ và kết án trong giai đoạn "Muà Xuân Đen" 2003, Biscet là một thành viên của "Nhóm 75" nhà hoạt động bị trừng phạt vì đã bảo vệ những giá nhân quyền và dân chủ.
Tháng Bảy vừa qua, chính quyền Cuba đã thông báo dự định trả tự do cho Biscet và một số tù nhân chính trị khác. Nhưng sau khi trả tự do cho 41 người ra nước ngoài và chỉ cho phép một tù nhân ở lại Cuba vì lý do nhân đạo, chính quyền đã không thực hiện việc trả tự do cho tất cả 52 tù nhân đúng thời hạn 7 tháng Mười Một. 11 người vẫn bị giam giữ - bao gồm Biscet - đã từ chối việc lưu vong khỏi Cuba.

EDWIN NEBOLISA NWAKAEME, Gambia
Ngày 6 tháng Chín, một toà án ở Gambia đã vĩnh viễn đóng cửa Châu Phi trong Dân chủ và Chính quyền Tốt (ADG), một tổ chức đấu tranh nhân quyền phi chính phủ của địa phương, không cho phép nó hoạt động trong nước và kết án Nwakaeme, giám đốc chương trình, 6 tháng tù khổ sai về tội danh khai báo thông tin giả cho nhân viên công lực. Bên cạnh những hoạt động tại ADG, bao gồm việc vận động thêm quyền cho phụ nữ và trẻ em, ủng hộ nỗ lực chống tham nhũng, Nwakaeme còn là một nhà xuất bản của một tạp chí bán nguyệt san tư nhân Cửa sổ châu Phi, chuyên tường thuật những vi phạm nhân quyền trong nước.
Nwakaeme vốn đã đang bị bắt và giam giữ thời hạn bảy tháng còn lại trước khi ADG bị đóng cửa. Người ta cho rằng việc ông bị bắt giữ có liên quan đến một bức thư ông viết cho Tổng thống Yahya Jammeh, yêu cầu tổng thống cho con gái của mình làm đại sứ thiện chí cho Tổ chức Phi Chính phủ. Nwakeme đã làm đơn kháng cáo bản án của ông.

NASRIN SOTOUDEH, Iran
Nasrin Sotoudeh là một luật sư nhân quyền người Iran, đã bị giam tại nhà tù Evin từ ngày 4 tháng Chín. Bà đã bị xử án bí mật với những cáo buộc về tội phân phát tài liệu tuyên truyền chống chính phủ và âm mưu phạm tội chống lại an ninh nhà nước. Ban đầu bà bị giam cấm cố và bị từ chối mọi thăm viếng, và bà đã tiến hành hai cuộc tuyệt thực để phản đối việc tình trạng đối xử.
Sotoudeh là đồng nghiệp của luật sư và người lãnh Giải Nobel Hoà Bình Shirin Ebadi và đã bảo vệ bà trong nhiều vụ án. Bà cũng đại diện cho những nhà hoạt động nhân quyền, các trẻ vị thành niên trong các tội danh tử hình và trẻ em bị ngược đãi. Trường hợp của bà là một trong những tấn công mới đây đối với những luật sư nhân quyền của chính quyền Iran. Những người khác gồm Mohammad Oliyaeifar, một luật sư và cũng là khách hàng của Sotoudeh, và Mohammad Seifzadeh, đồng sáng lập viên của hội Những người bảo vệ Nhân quyền cùng với Ebadi, người đã bị kết án chín năm tù giam và cấm hành nghề luật sư 10 năm sau khi tự do. Trong những tuần vừa qua, có năm luật sư nhân quyền đã bị bắt giữ một cách tuỳ tiện, ba người trong số họ vẫn còn trong tù. Mặc dù chính quyền Iran chối bỏ việc bắt giữ tù nhân chính trị, các tổ chức nhân quyền vẫn có thể nhận diện được 800 cho đến hôm nay.

YEVGENY ZHOVTIS, Kazakhstan
Yevgeny Zhovtis từng là giám đốc Văn phòng Nhân quyền và Pháp luật Quốc tế Kazakhstan, tổ chức nhân quyền lớn nhất tại Kazakhstan, chuyên theo dõi những quyền tự do căn bản trong nước và lập ra những báo cáo phân tích, tiến hành những hoạt động giáo dục về nhân quyền. Ngày 3 tháng Chín 2009, ông đã bị kết án bốn năm tù giam tội lại xe đụng chết một thanh niên trong một tai nạn. Phiên toà của ông bị vấy bẩn bởi những sai sót trong quá trình xử án, bao gồm việc chánh án từ chối việc cho phép chuyên gia điều trần để chứng tỏ Zhovtis đã không vi phạm luật lưu thông và không thể tránh được tai nạn, và toà án đã không cho ông biết là ông sẽ bị đối xử như một nghi phạm thay vì là một nhân chứng cho đến khi hai tuần trước cuộc điều tra.
Toà án chỉ cho phép phía luật sư bảo vệ Zhovtis 40 phút để chuẩn bị cho bản điều trần cuối cùng, sau đó toà đã đưa ra một bản tuyên án dài 11 trang chỉ trong vòng 15 phút. Những phiên phúc thẩm sau đó đã giữ nguyên tuyên án gốc.

AZIMZHAN ASKAROV, Kyrgyzstan
Ngày 15 tháng Sáu, sau sự kiện tranh chấp chủng tộc khiến cho Kyrgyzstan bị tê liệt hầu hết miền nam Kyrgyzstan, Askarov, một nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng thuộc sắc dân Uzbek và là người đứng đầu tổ chức "Air", đã bị bắt giữ với tội danh "kích động thù hằn dân tộc và tổ chức bất tuân hàng loạt" dẫn đến cái chết của một cảnh sát. Những cáo trạng chống lại ông dựa trên lời khai mơ hồ của nhân chứng, nhưng theo các tổ chức nhân quyền, kết quả từ đoạn phim mà Askarov thu được cho thấy cảnh sát đã nổ súng vào thường dân không vũ khí và đã không làm gì để ngăn chặn đám đông cướp giật.
Nhà cầm quyền đã bắt giữ Askarov trong ba ngày mà không truy tố ông, bất chất luật pháp Kyrgyzstan viết rằng một cá nhân chỉ bị giữ trong vòng hai ngày mà không cần khởi tố tội danh. Các bức ảnh từ các luật sư của ông cho thấy ông đã bị tra tấn trong khi bị giam giữ. Trong phiên toà xử ông, thân nhân của viên cảnh sát tử nạn đã hành hạ và mắng chưởi Askarov và luật sư của ông trong khi các giám sát toà án đứng yên nhìn. Askarov bị kết án tù chung thân, bản án được giữ nguyên sau phiên phúc thẩm trong đó không cho phép phỏng vấn những nhân chứng của bên bị, bằng chứng mơ hồ, và không cho phép chăm sóc y tế đối với tù nhân bệnh nặng.

MIKHAIL KHODORKOVSKY và PLATON LEBEDEV, Nga
Ngày 2 tháng Bảy 2003, Lebedev, giám đốc Tập đoàn Menatep, một công ty cổ phần nắm giữ đa số cổ phiếu của công ty dầu hoả Yukos, đã bị bắt giữ trên giường bệnh vì tội trốn thuế, biển thủ và gian lận. Việc bắt giữ này được nhiều người xem là một cảnh báo đối với Khodorkovsky, lúc ấy là chủ tịch tập đoàn Yukos. Không đầy bốn tháng sau, vào ngày 25 tháng Mười, 2003, Khodorkovsky - người đã trở thành một nhà cổ vũ đầy ảnh hưởng cho công cuộc đổi mới kinh tế và chính trị - đã bị bắt giữ dưới họng súng trên một chiếc máy bay tư, với cùng tội danh.
Ngày 31 tháng Năm, 2005, cả hai người bị toà tuyên bố có tội và bị kết án chín năm tù giam, bất chấp phán quyết của Toà Tối cao rằng việc bắt giữ Lebedev là bất hợp phá. Cả hai người bị đối xử vô tồi tệ vô nhân đạo trong tù. Yêu cầu được chữa chạy y tế độc lập của Lebedev liên tục bị từ chối mặc dù sức khoẻ suy sụp. Cả hai hiện đang cùng bị truy tố thêm tội danh biển thủ mới. Nếu toà xử có tội, cả hai có thể bị kết án thêm 14 năm tù giam bên cạnh 8 năm tù mà họ đã trải qua. Bên trong nhà tù, Khodorkovsky đã tạo nhiều quan tâm qua việc viết và tuyên bố chống lại con đường độc tài hiện này của nước Nga và kêu gọi việc kiểm tra luật pháp chặt chẽ hơn.

CHARLES NTAKIRUTINKA, Rwanda
Ntakirutinka, cựu bộ trưởng trong chính phủ Rwanda, hiện đang thực hiện bản án 10 năm tù về tội danh kích động dân chúng phản kháng và liên hệ với những thành phần tội phạm. Ntakirutinka đã bị bắt giữ cùng với tám người khác vào tháng Tư 2002. Chính quyền cáo buộc rằng chín người này đã tổ chức những cuộc họp bí mật với mục đích phá hoại trật tự công cộng, khuấy động mâu thuẫn xã hội, và tìm cách ám sát các thành viên chính phủ. Tuy nhiên nhiều người cho rằng Ntakirutinka bị bắt giữ vì ông là nhân vật chủ chốt trong việc thành lập một đảng chính trị mới, Đảng Dân chủ Canh tân.
Tất cả những người trên, ngoại trừ Ntakirutinka, đã bị kết án 5 năm tù giam. Trong quá trình xét xử, các bị cáo chỉ được phép đưa ra vài nhân chứng, và họ đã bị từ chối cơ hội chất vấn đầy đủ các nhân chứng của phe công tố. Các bằng chứng mang tính mơ hồ và một số lời khai của nhân chứng có được là do tra tấn. Việc bắt giữ Ntakirutinka là biện pháp đàn áp rõ ràng của chính quyền Rwanda đối với những người đối lập.

HAITHAM AL-MALEH, Syria
Al-Maleh, một luật sư và nhà hoạt động nhân quyền kỳ cựu của Syria, đã bị nhà cầm quyền Syria bắt giữ vào ngày 14 tháng Mười 2009. Ngày 4 tháng Bảy năm nay, một toà án quân sự đã kết án ông ba năm tù giam với tội danh "làm suy yếu tinh thần quốc gia" và "truyền bá thông tin sai lạc làm suy yếu tinh thần quốc gia." Ông bị bắt giữ chỉ hai ngày sau khi xuất hiện trên truyền hình lên tiếng chống lại sự đàn áp các nhà hoạt động dân chủ, bao gồm việc bắt giữ thân chủ của ông là Muhannad al-Hassani, một luật sư nhân quyền và nhà hoạt động bị bắt giữ trái phép từ năm 2009.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Maleh cũng đã phản đối việc chính quyền Syria tiếp tục sử dụng tình trạng "khẩn cấp quốc gia" thiết lập từ năm 1963, cho phép chính quyền truy tố và tống giam những thành viên chính trị đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền mà không có lý do chính đáng. Hiện tại Syria đang giam giữ từ 2500 đến 3000 tù nhân chính trị, bao gồm 1500 người trong Nhà tù Quân sự Saydnaya nổi tiếng, nơi đây từng có 52 tù nhân bị mất tích sau một cuộc đụng độ giữa tù nhân và cảnh sát quân đội vào năm 2008.

YUSUF JUMA, Uzbekistan
Là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của Uzbekistan, Juma đã thách thức Tổng thống Islam Karimov trong những bài viết của mình và tổ chức những cuộc tuần hành phản đối từ khi Uzbekistan giành lại độc lập từ Liên Xô vào năm 1991, đặc biệt là sau vụ thảm sát Andijan vào năm 2005, trong đó quân lính của Karimov đã bắn vào đám đông đang biểu tình một cách hoà bình.
Vào tháng Mười Hai 2007, sau một cuộc tuần hành phản đối do Juma dẫn đầu, nhân viên công lực đã bao vây và bắn vào nhà ông. Một tuần sau, ông bị bắt giữ vì "cố tình gây thương tích nghiêm trọng" và vì "chống lại chính quyền." Theo báo cáo của những nguồn tin cậy biết rõ Juma thì nhân viên nhà tù thường xuyên tra tấn Juma, bao gồm cả việc bỏ đói và đánh đập bởi nhân viên giam giữ lẫn phạm nhân (theo lệnh của nhà tù).

THÍCH QUẢNG ĐỘ, Việt Nam
Là một tu sĩ Phật giáo và người lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thích Quảng Độ đã cống hiến cả đời mình cho tiến bộ công lý, bất bạo lực, lòng khoan dung và từ bi. Bằng những thỉnh nguyện thư, Thích Quảng Độ đã thách thức chính quyền tham gia vào việc đối thoại về các vấn đề đổi mới dân chủ, đa nguyên, tự do tôn giáo, nhân quyền và hoà giải dân tộc. Từng là một nhân vật nổi tiếng trong phong trào phản đối chính sách bài Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền nam, Thích Quảng Độ bị bắt giữ lần đầu tiên vào năm 1963 trong một cuộc càn quét lớn của cảnh sát và đã bị tra tấn tàn bạo. Ông đã tiếp tục không chịu im lặng trước cuộc đấu tranh cho tự do ở Việt Nam và do đó, từ năm 1975 ông đã bị tù giam, cách ly, hoặc giam giữ tại gia. Mặc dù ông bị giam giữ tại gia vĩnh viễn từ tháng Mười 2003, không được quyền liên lạc hoặc liên lạc rất ít với người ngoài, đã có một đoạn phim phỏng vấn ông (*) được thu hình một cách bí mật và đăng tải trên Diễn đàn Tự do Oslo. Trong khi có những phỏng đoán khác nhau về số tù nhân chính trị tại Việt Nam, chúng thường nằm trong khoảng vài chục đến vài trăm người.

BẮC HÀN
Thông tin về Bắc Hàn, một trong vài chính phủ Stalin-nít còn sót lại, thì rất hiếm hoi. Với việc các tổ chức nhân quyền không được phép vào quốc gia này, một hệ thống truyền thông nhà nước bị kiểm soát chặt chẽ, và rất ít người dân được quyền truy cập Internet hoặc tin tức từ bên ngoài, Bắc Hàn là một xã hội bí mật nhất trên thế giới.
Tuy thế, dựa trên những điều trần của khoảng 300 nghìn người Bắc Hàn vượt thoát được, cũng như từ những dữ liệu từ vệ tinh, được biết là chính phủ Bình Nhưỡng đang điều hành một hệ thống Gu-lắc, hoặc Quản Lý Sở sâu rộng nhất trên thế giới, giam giữ đến 200 nhìn tù nhân chính trị vô danh trên khắp sáu trại giam rộng lớn. Những điều trần từ những người đào thoát cho biết chế độ đối xử đối với những tù nhân được xem như là tội ác chống lại loài ngưòi, bao gồm việc tra tấn có hệ thống, tử hình công khai, lao động khổ nhục và ép buộc phá thai. Ngoài ra, chính quyền này còn thực hiện chính sách "có tội vì liên quan", tống giam thân nhân những tù nhân chính trị, kể cả trẻ em, đến cả ba thế hệ.
------------------------------

(*) Đoạn phim phỏng vấn Hoà Thượng Thích Quảng Độ đăng trên Diễn Đàn Tự Do Oslo, đã đề cập ở trên:

Thich Quang Do - Oslo Freedom Forum 2010

In My View: Vietnam’s Buddhist Monk Thich Quang Do -20Dec07
.
.
.

No comments: