PMC, X-Cafe chuyển ngữ
Sat, 12/11/2010 - 02:31
Lưu Hiểu Ba thuộc một nhóm nhỏ những nhà họat động đang kêu gọi tái lập dân chủ tại Trung Quốc, và ông sẽ ngồi co ro tiều tụy trong buồng giam trong khi giải thưởng Nobel Hòa Bình dành cho ông được trao tặng.
Dưới đây là mười gương mặt chống đối hàng đầu, xuất thân từ nhiều lãnh vực khác nhau, từ những blogger tuổi ngoài đôi mươi cho đến những ký giả đầy tâm huyết, và còn có cả những nhân vật đáng kính từ trong nội bộ đảng. Trải qua bao mất mát nhưng họ vẫn tiếp tục lên tiếng - một thực tế rất đáng ghi nhận dẫu cho những tiến triển vẫn rất nhỏ nhoi từ sau vụ Thiên An Môn.
--------------------
Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) , nhân vật chống đối và cũng là người đọat giải Nobel Hòa Bình, cùng với vợ là Lưu Hà. Bà ta đã bị quản thúc tại gia "trái pháp luật" kể từ khi chồng mình được công bố nhận giải Nobel.
Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo)
Sinh năm 1955 tại Tràng Xuân, một thành phố vùng đông-bắc. Lập gia đình với Lưu Hà và cũng là "đồng chí phản động".
Lý do bị đưa vào diện phản động: Từng là giáo sư đại học, cùng với sinh viên của mình tham gia biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và trở thành một lãnh đạo của phong trào ủng hộ dân chủ. Bị tống giam ba lần kể từ lúc đó, và là một trong những chủ lực đứng sau việc ban hành Hiến chương 08, bản tuyên ngôn ủng hộ tự do ngôn luận, nhân quyền và bầu cử cán bộ công quyền.
Quan hệ với chính quyền: Đối đầu một mất một còn. Ông Lưu đã chọc vào dây thần kinh của chế độ với bản Hiến chương 08, cơ bản dựa trên Hiến chương 77 là một văn kiện đã trở nên một điểm tập hợp cho những người đối lập với chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc cũ. Với việc tách ông Lưu ra khỏi 300 người đã ký vào Hiến chương 08 lúc ban đầu (hơn 10.000 người đã ký vào bản online) và trừng phạt ông, chính quyền đã cho thấy rõ quan điểm rằng họ xem ông Lưu như một Vaclav Havel của Trung Quốc.
Ảnh hưởng: Giải thưởng Nobel Hòa Bình của ông Lưu đã làm cho nhà cầm quyền Trung Quốc nhức đầu, vì nó tạo ra một nhân vật để cho các kẻ đối lập tập hợp lại. Tuy nhiên ông Lưu vẫn chưa thể bằng ông Havel hay bà Aung San Suu Kyi. Hầu hết dân chúng Trung Quốc chưa hề nghe tên ông, hoặc chỉ biết ông qua bức biếm họa mà nhà nước đã vẽ nên: một công dân không yêu nước, chuyên nhận tiền từ nước ngòai để quấy rối đất nước. (Khi còn giữ chức chủ tịch của Independence Chinese PEN, ông có lãnh tiền lương từ NED, một quỹ tài trợ cho các họat động dân chủ).
Ông sẽ ở đâu vào ngày 10 tháng 12: Nếu lương tâm của các nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn không lay chuyển, ông Lưu vẫn ở trong tù. Có nguồn tin rằng ông đã từ chối ký vào bản nhận tội để đổi lấy cuộc sống tự do lưu vong bên ngòai nước. Vợ ông cũng đã bị quản thúc tại gia từ hai tháng nay.
------------------------------------
Duy Sắc (Tsering Woeser) là nhà văn và nhà họat động nhân quyền người Tây Tạng. Bà là một nhân tố hiếm hoi, vì là một người Tây Tạng sống tại Trung Quốc mà dám lên tiếng một cách công khai.
Duy Sắc (Tsering Woeser)
Sinh năm 1966 tại Lhasa, thủ đô của Tây Tạng. Lập gia đình với một nhà văn bất đồng chính kiến người Trung Quốc là Vương Lực Hồng, bà Duy Sắc là một nhà hoạt động Tây Tạng có cha từng là phó tổng trưởng lực lượng Quân đội giải phóng nhân dân tại xứ này.
Lý do bị đưa vào diện phản động: trong hàng ngũ những người lên án việc Trung Quốc cai trị Tây Tạng và kêu gọi sự trở về của Đạt Lai Lạt Ma, bà Duy Sắc trở nên một hiện tượng độc đáo vì những phát ngôn bằng tiếng Trung Quốc, lại cất lên từ một căn hộ tại Bắc Kinh. Bà cùng với trang blog mang tên Tây Tạng Vô Hình đã trở nên một nguồn tin quan trọng khi nổ ra các cuộc nổi lọan trên cao nguyên Tây Tạng vào năm 2008, dẫn đến việc đàn áp của chính quyền sau đó. Bà Duy Sắc là một trong những người ký tên vào Hiến chương 08 từ lúc đầu. Chồng bà cũng là bạn thân của Lưu Hiểu Ba.
Quan hệ với chính quyền: Đối đầu. Mặc dù bà Duy Sắc lớn lên trong niềm tin rằng quân đội Trung Quốc đã "giải phóng" Tây Tạng vào năm 1959, nhưng khi đọc tự truyện của Đạt Lai Lạt Ma bà đã thay đổi hẳn. Bà kể rằng cảnh sát đã bảo bà có thể viết bất cứ thứ gì ngọai trừ Tây Tạng, và bà đã trả lời rằng bà không có hứng thú viết về những thứ khác.
Ảnh hưởng: Dĩ nhiên ảnh hưởng lớn nhất là các bài viết của bà và các cộng đồng liên quan, giúp duy trì một Tây Tạng bằng việc chuyển tải các thông tin và những gì đang diễn ra tại Tây Tạng ra thế giới bên ngòai. Có lẽ vì bà viết bằng tiếng Trung Quốc nên đã gây thiện cảm đối với một số người Hán, mà đa số họ đều coi Tây Tạng là một phần của Trung Quốc.
Bà sẽ ở đâu trong ngày 10 tháng 12: "Tôi nghĩ rằng tôi sẽ online cùng với cư dân mạng, những người thích xem lễ trao giải Nobel. Thời khắc đó đặc biệt quan trọng đối với chúng tôi. Nó là một cú hích cho phong trào dân chủ, khuyến khích mọi người chia xẻ tinh thần với ông Lưu". Bà Duy Sắc trả lời trong cuộc phỏng vấn vừa qua.
---------------------------------------
Lý Nhuệ (Li Rui) là thư ký của Chủ tịch Mao Trạch Đông trước đây, đang tỏ thái độ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2006 khi nói về xếp của ông ta. Theo Lý Nhuệ, Mao là một bậc thầy về kiểm soát tư tưởng và đấu tranh giai cấp, người tự coi mình là hoàng đế, đã mang lại cho Trung Quốc những tai họa với quy mô khủng khiếp.
Lý Nhuệ (Li Rui)
Sinh năm 1917.
Nguyên do bị đưa vào diện phản động: Bằng cảm nhận của một người trong nội bộ, ông Lưu biết hết những điều sai trái của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông từng là thư ký riêng của Mao Trạch Đông vào những năm 1950, trước khi ông bị kết án hai năm cải tạo lao động vì đã tra vấn về chi phí nhân lực trong cuộc cách mạng Đại Nhảy Vọt tai hại. Sau khi được thả, ông tái gia nhập đảng và vươn lên trở lại với chức vụ thứ trưởng và phó Ban Tổ Chức chính quyền. Tuy nhiên sau khi nghỉ hưu, ông lại quay về vai trò chỉ trích và liên tục cho đăng những lá thư kêu gọi cải cách, mà gần đây nhất là lá thư kêu gọi nhà nước hủy bỏ việc kiểm duyệt. Lá thư đó được đăng vào tháng Mười vừa qua, được xem như một cố gắng ủng hộ cho Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong nổ lực tái cơ cấu đảng của ông.
Quan hệ với chính quyền: Đương nhiên là ông Lý vẫn còn những người bạn có thế lực. Mặc dù chính thức công kích những nhà lãnh đạo, ông Lý vẫn có một ngôi nhà trong Khu Bộ Trưởng, một khu chung cư cao cấp dành cho những lãnh đạo về hưu tại Bắc Kinh. Việc ông liên tục công khai chỉ trích chính quyền mà lại không gặp phải một sự trừng phạt nào cho thấy một sự tôn trọng, nếu không nói là tình cảm, đối với một trong những nhân vật kỳ cựu của đảng.
Ảnh hưởng: Đối với dân chúng bình thường, rất ít người biết đến ông vì những lá thư ông viết, kể cả lá thư nói về kiểm duyệt, không bao giờ được đăng trên các báo chính thức. Tuy nhiên, tầm vóc của ông đã tạo nên sự ảnh hưởng bên trong của đảng, và người ta tin rằng lá thư kiểm duyệt đó đã làm mồi cho các cuộc tranh luận tại hội nghị gần đây của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản.
Ông sẽ ở đâu vào ngày 10 tháng 12: Vợ ông Lý, bà Zhang Yuzhen nói qua điện thọai rằng người chồng 93 tuổi hiện đang bị yếu nhưng ông "rất vui mừng" khi biết ông Lưu giành được giải Nobel Hòa Bình.
--------------------------------
Hồ Giai (Hu Jia) , nhà họat động dân chủ, người bị kết án 3 năm 6 tháng tù vào năm 2008 về tội lật đổ chính quyền.
Hồ Giai (Hu Jia)
Sinh năm 1973 tại Bắc Kinh. Kết hôn với đồng chí phản động Tằng Kim Yến.
Lý do bị kết tội phản động: Ông Hồ là nhà nghiên cứu môi trường, một nhà họat động AIDS và chủ tịch Hiệp hội Văn hóa và Di sản 4 tháng 6. Hiện ông đang thụ án tù 3 năm rưỡi về tội "kích động lật đổ" giống như ông Lưu. Trong vài năm gần đây ông cũng được đồn đóan là người sẽ đọat giải Nobel Hòa Bình.
Quan hệ với chính quyền: Thù nghịch. Bản án của ông Hồ với mục đích răn đe các đồng chí phản động của ông phải im tiếng, nhưng nó vẫn không ngăn được ông Lưu và những người khác sọan ra Hiến chương 08. Vì vậy, án tù dài hơn của ông Lưu như một lời nhắn nghiêm trọng hơn nữa dành cho những kẻ đối lập với Đảng Cộng Sản. Viện Giáo dục Sức khỏe Aizhixing, nơi ông Hồ cộng tác, có nhận tiền từ Quỹ quốc gia vì dân chủ (NED) của Mỹ, điều đó cũng đủ cho Bắc Kinh kết luận là có ai đó đã làm gián điệp cho nước ngòai.
Ảnh hưởng: Với tiếng tăm như vậy, thật thú vị khi quan sát Đảng Cộng Sản sẽ đối xử với ông Hồ như thế nào khi ông mãn hạn tù vào cuối năm 2011. Nếu được thả, ông ta được cho là sẽ trở thành người chỉ trích chế độ quan trọng nhất, vẫn ở tại Trung Quốc và không bị giam.
Ông sẽ ở đâu vào ngày 10 tháng 12: Trong tù, giữa những báo cáo rằng ông đang suy sụp vì chứng bệnh gan. Hộ chiếu của vợ ông đã bị tịch thu, nhưng bà nói rằng bà sẽ xem buổi lễ qua mạng. "Bạn có thể nghĩ rằng chiến thắng của ông Lưu sẽ đẩy nhanh việc xây dựng xã hội dân sự Trung Quốc, nhưng tôi không mấy lạc quan. Chính phủ không bao giờ từ bỏ việc kiểm sóat xã hội dân sự và trấn áp các lực lượng dân chủ và tiến bộ". Bà Tằng nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thọai vào tuần này.
-------------------------------------------
Hàn Hàn (Han Han), tiểu thuyết gia 27 tuổi, tay đua xe, một tay chơi điển trai và cũng là blogger nổi tiếng nhất tại Trung Quốc.
Hàn Hàn (Han Han)
Sinh năm 1982 tại Thượng Hải, nơi anh vẫn đang sống.
Lý do trở thành phản động: Hàn là một loại phản động chỉ có tại Trung Quốc vào năm 2010. Anh là một tay đua xe thể thức tính giờ (rally) chuyên nghiệp, thần tượng của tuổi teen, tiểu thuyết gia nổi tiếng và cũng được cho là blogger có nhiều độc giả nhất thế giới. Có thể nói những hành động gần đây nhất làm cho nhà cầm quyền tức giận là: một số lượng vô cùng lớn, hơn 300 triệu lượt người đã đọc trang blog của anh ta về việc công kích chính quyền Thượng Hải trong dịp triễn lãm Expo 2010, và anh đã ủng hộ Google chống lại chính quyền trung ương Bắc Kinh trong trận chiến kiểm duyệt.
Quan hệ với chính quyền: Cho đến giờ này, ạvẫn cho thấy sự hiểu biết sâu xa của mình, rằng những gì anh có thể nói đụng chạm những người đang lãnh đạo đất nước mà trang blog của mình vẫn không bị đặt qua bên kia bức Vạn Lý Tường Lửa (Great Firewall, bức tường lửa ngăn chặn hàng ngàn trang web chỉ trích chính phủ). Trong email trao đổi với nhật báo The Globe and Mail, anh thừa nhận rằng anh chưa bao giờ đặt thẳng câu hỏi về quyền cai trị của Đảng Cộng Sản. "Nếu thế, quí vị sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để phỏng vấn tôi nữa". Anh ta giải thích.
Ảnh hưởng: Rất khó mà đo được quyền lực của anh ta. Trong tất cả những người trong danh sách (10 người) này, anh là người nổi tiếng nhất trong quảng đại quần chúng Trung Quốc. Nếu anh kêu gọi hàng triệu fan hâm mộ tụ tập gặp anh tại Quảng trường Nhân Dân tại Thượng Hải, bảo đảm rằng một đám đông khổng lồ sẽ đến để nghe anh nói. Và đó cũng sẽ là lần cuối cùng mà người ta có thể truy cập vào trang blog của anh một cách dễ dàng.
Anh sẽ ở đâu vào ngày 10 tháng 12: Chúng tôi đã không thể liên lạc được với Han để lấy tư liệu cho bài báo này. Khi được tin ông Lưu thắng giải Nobel Hòa Bình, Hàn đã đăng một bài trên blog của mình với nội dung chỉ là hai dấu ngoặc, không có chữ nào bên trong. Đó là những gì an toàn nhất mà anh có thể nói.
----------------------------------------
Hồ Thư Lập trong buổi lễ khai trương công ty mới Tài Tân tại Bắc Kinh trong tháng Ba. Bà đã tự nghỉ việc tại công ty Tài Kinh, một tạp chí tin tức tài chánh mà bà đã có công tạo dựng 11 năm qua, vì những bất đồng với nhà xuất bản về nội dung biên tập.
Hồ Thư Lập (Hu Shuli)
Sinh năm 1953 tại Bắc Kinh
Lý do bị đưa vào diện "phản động": Có lẽ bà ấy sẽ e dè khi bị ghép cho tội danh này. Bà Hồ chỉ đơn thuần là một ký giả, giống như mẹ và ông ngoại của bà. Tuy nhiên, tại Trung Quốc khi bạn nói ra sự thật thì bạn sẽ có rất nhiều kẻ thù có thế lực. Năm 1998, bà Hồ thành lập tờ báo Tài Kinh và nó mau chóng trở thành một chuẩn mực mới trong làng báo Trung Quốc. Mặc dù chủ yếu tập trung vào các tin tức kinh doanh, báo Caijing cũng phục vụ những mảng tin đại chúng, và nó đã được tán dương trong lọat bài đưa tin về cuộc khủng hỏang bệnh dịch SARS vào năm 2003 và vụ bạo loạn tại Tân Cương vào năm vừa rồi. Năm ngoái bà Hồ đã rời Tài Kinh sau khi nhà xuất bản gây áp lực buộc bà phải tránh xa những vấn đề nhạy cảm. Sau khi bà thành lập tờ báo cạnh tranh mang tên Tài Tân, 90 phần trăm bộ phận biên tập của Tài Kinh đã nghỉ việc để theo về với bà. Bà được mệnh danh là người phụ nữ nguy hiểm nhất tại Trung Quốc.
Quan hệ với chính quyền: Phức tạp. Tài Kinh được xuất bản bởi Ủy Ban Chứng Khóan nhà nước, nghĩa là bà Hồ cũng được che chở về vấn đề kiểm duyệt khi còn làm ở đó. Bà có quan hệ với một liên minh quyền lực. Giống như Hàn Hàn, bà biết ai là người giật đầu dây mặc dù đôi lúc bà cũng cố lay động sợi dây này. Báo The New Yorker đã từng viết: "khi bà ấy chỉ trích chính phủ, trong những bài bình luận hay công tác biên tập, bà ta luôn dùng lọai ngôn từ đối lập nhưng trung thành".
Ảnh hưởng: Quan trọng. Trong khi nhân quyền và dân chủ bị thụt lùi trong 20 năm qua, bộ mặt báo chí của Trung Quốc đã có sự cải thiện đáng kể. Ranh giới của những vùng cấm nói (cấm báo chí khai thác) đã bị thu hẹp rất nhanh, và trong đó cũng có công lớn của bà Hồ.
Bà sẽ ở đâu trong ngày 10 tháng 12: Có lẽ tại bàn làm việc, đang cân nhắc nên và không nên xuất bản những tin tức nào. Đối với bà, những chủ đề như Giải Nobel Hòa Bình của ông Lưu cũng thuộc lọai quá nhạy cảm.
----------------------------------------
Cao Trí Thạnh, một luật sư nhân quyền bị kết tội kích động lật đổ. Hình chụp năm 2005.
Cao Trí Thạnh (Gao Zhisheng)
Sinh năm 1966, lớn lên trong một hang động tại tỉnh Sơn Tây.
Lý do bị kết tội phản động: Từng là người lính trong Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân, ông Cao là một luật sư tự học, trở nên nổi tiếng khi bào chữa cho những người sai trái trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng của Trung Quốc từ chủ nghĩa xã hội nguyên bản sang một loại chủ nghĩa tư bản có sức lan tỏa rất nhanh. Ông cũng nổi tiếng khi bênh vực cho các chủ đất chống lại những nhà quy hoạch chạy trốn và đại diện cho các nạn nhân của chế độ y tế cẩu thả. Hoài bão về nhân quyền đã khiến ông trở thành kẻ thù của chính quyền, nhưng sâu xa hơn, chính là vì ông đã ra tòa bênh vực cho môn phái Pháp Luân Công, các nhà thờ Thiên Chúa Giáo địa phương và những người có đất bị tịch thu để làm đường cho Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Ông bị mất tích vào tháng Hai 2009, tái xuất hiện một năm sau đó và tuyên bố rằng ông sẽ không chỉ trích chính phủ nữa, và sau đó lại mất tích vào tháng Tư 2010 tại tỉnh Tân Cương ở phía tây. Kể từ đó không ai thấy ông ở đâu.
Quan hệ với chính quyền: Vào năm 2001,ông được Bộ Pháp Lý Trung Quốc trao tặng danh hiệu một trong 10 luật sư giỏi nhất nước. Ông biến đổi từ một người con ưu tú trở thành kẻ thù của nhà nước vào khoảng giữa năm 2005, khi ông gởi cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo lá thư kêu gọi chấm dứt phân biệt đối xử đối với môn phái Pháp Luân Công. Sau vụ đó, ông liên tục bị tù đày và theo lời ông, có lúc còn bị tra tấn. Ông cũng thoát chết trong vụ tai nạn giao thông vào năm 2006, vụ mà Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) tin rằng đó là vụ ám sát được dàn dựng bởi mật vụ Trung Quốc.
Ảnh hưởng: Với những nổ lực thay đổi đất nước qua những phiên tòa của riêng mình, ông Gao đã làm lung lay hàng ngũ cao nhất của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Người ta tin rằng ông đã chết hoặc đang bị giam cầm.
Ông sẽ ở đâu vào ngày 10 tháng 12: Không ai biết.
---------------------------------------------
Đinh Tử Lâm trước bàn thờ của con trai Tưởng Tiệp Liên, bị bắn vào lưng khi 17 tuổi trong vụ trấn áp sinh viên biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Bà Ding là người tổ chức phong trào Những Bà Mẹ Thiên An Môn, hiện vẫn yêu cầu chính quyền trả lời cho những cái chết của người thân.
Đinh Tử Lâm (Ding Zilin)
Sinh năm 1936 tại Thượng Hải. Sống với chồng tại Bắc Kinh. Di ảnh của con trai Jiang Jielian, bị giết trong cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989, được treo trong nhà.
Lý do khiến bà trở thành phản động: Sau khi người con trai độc nhất bị bắn vào lưng vào đêm mùng 3 tháng 6 năm 1989, bà đã lên đường phản đối cùng với các phụ huynh tang chế khác, thành lập một nhóm có tên là Những Bà Mẹ Thiên An Môn. Nhóm của bà đã liên tục gây sức ép trong suốt hai thập kỷ qua để yêu cầu một trách nhiệm rõ ràng cho những gì đã xảy ra vào đêm hôm đó tại quảng trường trung tâm tại Bắc Kinh.
Quan hệ với chính quyền: Thù địch. Chồng bà cũng là cựu giáo sư triết, ông Tưởng Bồi Khôn hiện đang bị quản chế. Trước đây, ông Lưu đã từng nói rằng bà Đinh và Những Người Mẹ Thiên An Môn xứng đáng được giải Nobel Hòa Bình do những việc làm của họ.
Ảnh hưởng: Chính bà Đinh đã thừa nhận rằng hội Những Người Mẹ Thiên An Môn đã thất bại. Trước ngày kỷ niệm 20 năm vụ đàn áp Thiên An Môn, bà than phiền với báo The Globe and Mail rằng thế hệ trẻ Trung Quốc ngày nay không quan tâm đến chuyện gì đã xảy ra cho con trai của bà và các bạn học. "Thật là đáng thương, ngày nay chủ nghĩa vật chất và thực dụng đã thay thế chủ nghĩa duy tâm. Thật sự là một thảm kịch. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên đổ lỗi nhiều cho lớp trẻ. Gốc rễ của vấn đề chính là Đảng Cộng Sản. Họ đã tạo nên chính sách để đánh lừa người dân trong suốt 20 năm". Bà nói.
Bà sẽ ở đâu trong ngày 10 tháng 12: Không ai biết. Sau khi ông Lưu thắng giải Nobel thì chúng tôi không thể liên lạc được với bà Đinh và ông Tưởng. Người ta tin rằng họ đang bị quản thúc tại gia, hoặc đã bị ép đi khỏi Bắc Kinh như lần diễn ra Thế Vận Hội 2008.
-----------------------------------
Bảo Đồng nói với những sinh viên tại Quảng Trường Thiên An Môn vào năm 1989, chỉ cách thời điểm thành công "một bước chân".
Bảo Đồng (Bao Tong)
Sinh năm 1932 tại tỉnh duyên hải Chiết Giang.
Lý do khiến ông bị ghép tội phản động: Cuối những năm 1980, ông là một trong những nhân vật có thế lực nhất nước, nắm giữ cả hai chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Cải tổ Chính trị và cố vấn trưởng của Triệu Tử Dương, người sau đó làm Tổng bí thư đảng. Trong vụ biểu tình Thiên An Môn 1989, ông Triệu đã yêu cầu ông Bảo thảo một diễn văn bày tỏ sự cảm thông với sinh viên và đáp ứng một số yêu cầu của họ. Diễn văn đó đã làm chia rẽ Bộ Chính Trị, dấy lên cuộc chiến quyền lực và phe cải cách đã thất bại. Trong vài tuần, ông Triệu đã mất chức, ông Bảo bị tù và cuộc biểu tình bị đàn áp tàn bạo bởi quân đội và xe tăng. Khi được thả vào năm 1997, ông Bao tiếp tục bị quản thúc tại gia nhưng điều đó không thể ngăn ông ký vào bản Hiến chương 08. Người ta tin rằng ông Bảo cũng có công lan truyền cuốn băng ghi âm của ông Triệu đến Hồng Kông, nơi hình thành cơ sở cho việc xuất bản cuốn hồi ký sau khi ông qua đời.
Quan hệ với chính quyền: Thù nghịch ra mặt, nhưng qua cuộc phỏng vấn với báo The Globe and Mail hồi năm ngoái, ông Bảo nói rằng ông vẫn còn những người bạn thế lực trong bộ máy của đảng.
Ảnh hưởng: Giống như bà Đinh, ông Bảo cũng lo lắng cho hai thập kỷ trôi qua và sự việc sẽ bị quên lãng, vì thế hệ lớn lên sau này đã bị "tẩy não". Ông cũng chỉ trích các chính quyền nước ngoài đã không còn quan tâm đến nhân quyền và dân chủ và chỉ coi Trung Quốc như một bạn hàng."Nhưng tôi tin rằng khi nào mà xã hội vẫn còn bất công, bất bình đẳng thì người dân vẫn sẽ theo đuổi tự do và dân chủ". Ông nói.
Ông sẽ ở đâu vào ngày 10 tháng 12: Không ai biết. Cũng như bà Đinh và ông Lưu, người ta không thể liên lạc được với ông ngay sau khi ông Lưu đoạt giải Nobel.
----------------------------
Hình chụp vào tháng trước,nghệ sĩ Trung Quốc Ải Vị Vị ngồi trong sân nhà tại Bắc Kinh, nơi ông đang bị quản thúc tại gia. Ông Ải đã bắt đầu trận chiến đấu mới nhất của ông về mặt xã hội, phát động cuộc "điều tra dân sự" về vụ cháy ngày 15 tháng 11, 2010 tại Thượng Hải, làm chết 58 người.
Ngải Vị Vị (Ai Weiwei)
Sinh năm 1957 tại Bắc Kinh.
Lý do khiến ông trở thành phản động: Ải Vị Vị dạo gần đây nổi lên như một nhà chỉ trích chế độ. Mãi cho đến năm 2008, người nghệ sĩ tiên phong này vẫn giữ im lặng về chính kiến của mình và thậm chí ông còn giữ cương vị cố vấn cho công trình xây dựng sân vận động Tổ Chim cho Thế Vận Hội Bắc Kinh. Nhưng qua cách điều hành của chính phủ trong vụ động đất Tứ Xuyên ngày 12 tháng 5, 2008 khiến cho 88.000 người chết, ông Ai đã thay đổi quan điểm. Ông bắt đầu dùng trang blog cá nhân và mạng xã hội Twitter để công kích nhà cầm quyền, thắc mắc tại sao có quá nhiều trường lớp sụp đổ chôn vùi giáo viên và học sinh.
Quan hệ với chính quyền: Khó xử, ít nhất là đối với Đảng Cộng Sản. Sự nổi danh quốc tế của ông Ải và với vị thế con trai của một nhà thơ nổi tiếng tại Trung Quốc, Bắc Kinh rất khó mà tống giam ông một cách đơn giản như đối với các nhân vật phản động khác (mặc dù ông cũng bị đánh đập thậm tệ tại Tứ Xuyên, theo lời ông, bởi các cảnh sát mặc thường phục). Ông dường như ngày càng tiến gần hơn tới những ranh giới vô hình và đã bị quản thúc tại gia hồi tháng trước, sau khi ông tổ chức một buổi tiệc "cua đồng" để ăn mừng vụ cưỡng ép đóng cửa phòng tranh của ông tại Thượng Hải. "Hexie" (Hà Giải) trong tiếng Trung Quốc chỉ động vật giáp xác, đồng âm với chữ "hài hòa", và cũng là tiếng lóng phổ biến của cư dân mạng để trêu chọc chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi ông nói về xây dựng một "xã hội hài hòa" tại Trung Quốc. Ông cũng là người ký tên trong Hiến chương 08, kêu gọi tự do ngôn luận và bầu cử.
Ảnh hưởng: Rất khó nói. Ông Ải là một anh hùng giữa một nhóm thiểu số người Trung Quốc, những người có thể tham dự những triễn lãm nghệ thuật tiên tiến tại Munich và London . Trang mạng Twitter của ông có khoảng 60.000 người theo đọc. Nhưng cộng đồng đa số của đất nước 1,3 tỷ người này chắc sẽ không chọn ông trong hàng ngũ các chính trị gia, dù ông có gương mặt chữ điền và bộ râu hùm ấn tượng.
Ông sẽ ở đâu trong ngày 10 tháng 12: Ông đã bị chặn tại cổng an ninh tại sân bay Bắc Kinh và không được phép ra khỏi Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment