Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Năm, 09 tháng 12 2010
Trong phạm vi văn học, sự thay đổi do toàn cầu hóa mang lại càng không thể tránh được. Gần đây, nhiều người nói đến sự phát triển của một số hiện tượng văn học hậu quốc gia (postnational) chủ yếu dựa trên ngôn ngữ thay vì lãnh thổ như văn học của cộng đồng Anh ngữ (Anglophone), cộng đồng Pháp ngữ (Francophone) hay của cộng đồng tiếng Tây Ban Nha (Hispanophone). Ranh giới của văn học mỗi nước cũng được mở rộng hơn, bao gồm cả dòng văn học sắc tộc và di dân, từ đó, dẫn đến nhiều thay đổi khác liên quan đến hệ thống điển phạm cũng như hệ thống tiêu chí để phê bình và nghiên cứu.
Còn văn học Việt Nam thì sao?
Nhớ, khi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến phong trào Thơ Mới, Hoài Thanh đã ghi nhận những thay đổi triệt để và dữ dội khi Việt Nam tiếp xúc với Tây phương, những sự thay đổi mà Hoài Thanh cho là lớn nhất trong cả lịch sử mấy chục thế kỷ của Việt Nam. Ông viết:
“Chúng ta ở nhà tây, đội mũ tây, đi giày tây, mặc áo tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp… còn gì nữa! Nói làm sao cho xiết những điều thay đổi về vật chất, phương Tây đã đưa tới giữa chúng ta! Cho đến những nơi hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống cũng không còn giữ nguyên hình ngày trước. Nào dầu tây, diêm tây, nào vải tây, chỉ tây, kim tây, đinh tây. Đừng tưởng tôi nguỵ biện. Một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân sinh, về vũ trụ, và có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan niệm sống của phương Đông.” (1)
Cuốn Thi nhân Việt Nam có nhiều cái hay. Hay ở cách chọn các nhà thơ tiêu biểu: trong hàng ngàn người làm thơ và công bố thơ trên báo chí, Hoài Thanh chọn được gần đầy đủ những người tài hoa nhất. Hay ở cách chọn thơ: ở mỗi tác giả được bình, Hoài Thanh thường chọn đúng những bài thơ xuất sắc nhất. Hay ở những lời giới thiệu: Hoài Thanh nắm bắt được đúng cái thần của từng nhà thơ, và bằng những đoạn thật ngắn, ông vẽ lên được những cái thần ấy một cách sinh động, sắc nét và rất thơ mộng; nhiều chân dung còn để lại ấn tượng trong lòng độc giả cả hơn nửa thế kỷ; đến bây giờ vẫn chưa nhạt.
Và hay ở bài tổng quan “Một thời đại trong thơ ca” in ở đầu cuốn sách, ở đó, Hoài Thanh nêu bật lên được sự khác biệt giữa thơ mới và thơ cũ: một dòng thuộc cái “tôi” và một dòng thuộc cái “ta”, và ảnh hưởng của Tây phương trong thơ Việt Nam qua hình ảnh một cái đinh vừa nêu.
Một cái đinh mà còn thế, huống gì…
Huống gì bây giờ chúng ta sống trong thời đại của toàn cầu hoá.
Đừng nói gì đến những người đang sống ở hải ngoại. Cứ lấy hình ảnh những người có mức sống trung bình ở trong nước mà xem. Thì cũng ở nhà tây. Vật dụng trong nhà có khi là hàng nhập hoặc, nếu không, cũng là hàng nhái theo kiểu Ý, kiểu Pháp. Thì cũng đi xe Nhật hoặc xe Trung Quốc. Thì cũng mặc quần áo mang nhãn hiệu từ Pháp, từ Mỹ, từ Hong Kong hoặc từ Thái Lan.
Quan trọng hơn, chúng ta có nhiều thứ mà thế hệ cha ông chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng ra được: thứ nhất, điện thoại di động để có thể nói chuyện với bạn bè bất cứ ở đâu và với bất cứ khoảng cách nào; ti vi để xem tin tức với đầy đủ hình ảnh mọi biến động trên thế giới, từ những cơn bão ở Mỹ đến những cơn lụt ở Trung Quốc và những trận cháy rừng ở Úc; từ một trận đá bóng ở Anh đến một vụ nổ bom ở Iraq, v.v…
Rồi chúng ta lại có máy vi tính và máy vi tính lại được nối với internet để chúng ta có thể đọc đủ mọi chuyện trên thế giới, nhắn tin và nhận hồi âm của bạn bè ở ngoại quốc trong tích tắc, vừa nói chuyện với người tình vừa nhìn người tình của mình cười ỏn ẻn trước webcam ở một nơi cách mình cả hàng ngàn hoặc chục ngàn cây số!
Những chuyện ấy, người xưa nghe kể, chắc sẽ nghĩ là chuyện thần tiên.
Rồi chuyện giao thông nữa. Thời Thơ Mới, 1932-45, có người cả đời không bước ra khỏi cái làng heo hút nhỏ xíu của mình. Leo lên chiếc tàu chợ đi ra khỏi Hà Nội khoảng vài ba chục cây số đã trầm trồ rối rít với nhau là “đi giang hồ” và “phiêu bạc”; ra Huế thì đã gọi là “ly hương” như một câu thơ não nùng của Nguyễn Bính: “Chén rượu ly hương, Trời, đắng lắm!”
Còn bây giờ? Chưa tới hai tiếng đồng hồ đã bay từ Hà Nội vào Sài Gòn; thêm một tiếng đồng hồ nữa, đã sang tận Thái Lan hay Singapore ; ngủ một giấc đã thấy mình thức dậy ở Úc; ăn ba bữa là đã thấy mình đặt chân tới đất Mỹ.
Chẳng lẽ những sự thay đổi dữ dội như vậy lại không có ảnh hưởng gì đến văn hoá và văn học?
Đó là điều không thể có. Nên nhớ tất cả những ví dụ vừa nêu đều được xem là những thay đổi cực lớn, không những với người Việt Nam mà còn với loài người nói chung. Có người gọi sự xuất hiện của máy vi tính và internet là cuộc cách mạng thứ ba trong lịch sử văn minh nhân loại, sau việc sáng chế ra chữ viết (mấy thế kỷ trước công nguyên) và việc sáng chế ra máy in (vào thế kỷ 15) (2). Còn toàn cầu hoá lại là một cuộc cách mạng khác nữa, một cuộc cách mạng, về quy mô, chưa từng có.
Văn hoá và văn học Việt Nam nhất định sẽ thay đổi.
Nhất định.
Có ít nhất ba lý do để tin chắc điều đó.
Thứ nhất, chúng không thể không thay đổi khi, dưới ảnh hưởng của toàn cầu hoá, kinh nghiệm của chúng ta về không gian và thời gian, về thế giới và về cái “khác” (otherness), về tính chính trị của ý niệm bản sắc và tính thẩm mỹ của sự lai ghép cũng như sự lai giống (mongrelization); về hình ảnh người di dân và những công dân toàn cầu (cosmopolitian), về quan hệ giữa tính toàn cầu và tính địa phương, giữa văn hoá tiêu thụ và tương quan quyền lực trên thế giới, v.v… dần dần thay đổi. Chắc chắn những thay đổi ấy không kém toàn diện và sâu sắc so với khi Việt Nam tiếp xúc với Trung Hoa, và sau đó, với Pháp. Thực chất của hai lần tiếp xúc ấy là bị cưỡng bức, hơn nữa, bị cưỡng bức một cách nhục nhã: mất nước và biến thành nô lệ. Lần này, chúng ta được tự do, có thể tự chủ và có nhiều khả năng để lựa chọn hơn.
Thứ hai, văn hoá, và nhất là văn học Việt Nam, không thể không thay đổi khi càng ngày càng có nhiều người cầm bút được đi ra nước ngoài, hoặc để du học hoặc để du lịch; nếu không, số người biết ngoại ngữ và có điều kiện đọc sách báo bằng ngoại ngữ ở trong nước càng lúc càng tăng. Hơn nữa, với trình độ ngoại ngữ khá cao, nhiều người có thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài dễ dàng qua internet.
Thứ ba, cũng qua internet, vai trò của giới cầm bút sống ở hải ngoại, những người có hai lần kinh nghiệm trực tiếp về toàn cầu hoá: kinh nghiệm sống ở các thành phố toàn cầu (global cities) ở Tây phương và kinh nghiệm lưu vong vốn mang bản chất vượt biên giới và xuyên quốc gia của họ, càng ngày càng tăng. Nên lưu ý: hiện nay, vào năm 2010 này, hầu hết các website về văn học bằng tiếng Việt đều ở hải ngoại: Tiền Vệ và Da Màu. Cả cuốn từ điển tác giả văn học Việt Nam bằng điện tử đầu tiên cũng ở hải ngoại: Wikivietlit (3). Ở trong nước, cho đến thời điểm này, tuyệt đối chưa có một tạp chí mạng (webzine) nào đúng nghĩa. Chỉ có báo mạng (thiên về tin tức) và blog (một thứ nhật ký điện tử của cá nhân).
Tuy nhiên, không phải hễ có điều kiện thay đổi, chúng ta có thể thay đổi được ngay.
Dường như vẫn có cái gì đó lấn cấn trong tâm thức của nhiều người cầm bút Việt Nam . Bằng chứng: trong khi đề tài toàn cầu hoá gây sôi động ở khắp nơi trên thế giới (4), riêng tại Việt Nam , người ta chỉ bắt gặp một sự im lặng lạ thường. Trong lãnh vực văn học, lại càng im lặng. Rất hiếm nhà văn viết hay đề cập đến toàn cầu hoá. Hiếm hơn nữa, những bài viết toàn cầu hoá mang tính chiến lược chứng tỏ sự quan tâm và ý thức sẵn sàng đối đầu với thử thách mới do toàn cầu hoá mang lại.
Theo tôi, đó là một tình trạng rất nguy hiểm: đằng sau sự im lặng ấy dường như thấp thoáng chút gì như tâm lý buông xuôi, hơn nữa, thói quen chờ đợi “lãnh đạo” lên tiếng và làm hộ. “Lãnh đạo” ở đây, dĩ nhiên, là lãnh đạo chính quyền. Nhưng chính quyền có thể làm được gì? – Làm được rất nhiều, trong lãnh vực văn hoá, khi có được một chính sách đúng, phản ánh được sự nhạy bén và tầm nhìn xa, rộng. Nhưng trong lãnh vực văn học, đóng góp tích cực nhất và đáng mong ước nhất từ nhà cầm quyền, theo tôi, ngược lại, là… không nên làm gì cả.
Nói cách khác, trong lãnh vực văn học, vai trò gọi là “lãnh đạo” của nhà nước càng giảm được chừng nào càng tốt chừng ấy; giảm đến số không thì là tối ưu: sự lãnh đạo văn học nghệ thuật hiệu quả nhất là từ bỏ mọi tham vọng lãnh đạo. Ở Tây phương, không ai lại ngớ ngẩn đến độ chờ đợi một chính sách văn học của nhà nước; không có tổ chức văn học nào lại lố bịch đến độ mời tổng thống hay thủ tướng đến nói chuyện (đừng nói gì đến chuyện ban huấn thị) về chuyên ngành của mình.
Lý do rất đơn giản: trong lãnh vực văn học (cũng như nghệ thuật nói chung), chỉ có sự sáng tạo là đáng kể, và mọi sáng tạo đều mang tính ngẫu hứng và tính cá nhân triệt để. Trong thời đại toàn cầu hoá, khi ảnh hưởng đến từ nhiều phía, hầu hết đều có tính xuyên quốc gia và sự thách thức cũng mang tầm vóc toàn cầu, tính ngẫu hứng và tính cá nhân ấy càng nổi bật, không gì có thể thay thế được. Nhưng như thế, trách nhiệm của từng người cầm bút lại càng nặng nề: chính hắn, chứ không phải ai khác, phải đối đầu với toàn cầu hoá.
Sự im lặng trước toàn cầu hoá cũng có thể do thiếu nhạy cảm. Tuy đó là điều đáng tiếc nhưng lại rất dễ hiểu.
Nói chung, toàn cầu hoá bao giờ cũng, trước hết, là một hiện tượng kinh tế, sau, một hiện tượng xã hội, và sau cùng, một hiện tượng văn hoá. Trong lãnh vực văn hoá, các loại hình nghệ thuật thị giác như kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, nghệ thuật sắp đặt và thời trang cũng như các loại hình âm nhạc, nhất là nhạc không lời, v.v… bao giờ cũng dễ đi trước, thứ nhất, vì gắn liền với văn hoá tiêu thụ vốn là một đặc điểm của toàn cầu hoá; thứ hai, quan trọng hơn, vì tránh được hàng rào ngôn ngữ.
Chỉ có văn học là phải gánh chịu tất cả sức nặng của ngôn ngữ, hơn nữa, của tính liên văn bản vốn gắn liền với mọi ngôn ngữ. Nhưng cái gọi là tính liên văn bản ấy lại không chỉ giới hạn trong phạm vi ngôn ngữ: nó còn gắn liền với văn hoá, với lịch sử, với ký ức tập thể của cả một cộng đồng. Một chữ, khi được dịch ra tiếng nước ngoài, nguyên phần liên văn bản ấy bị bỏ lại sau lưng. Nhưng thiếu tính liên văn bản, ngôn ngữ không thể thành ngôn ngữ văn học được.
Có thể nói, trong văn hoá, văn học là thành trì cuối cùng của tính địa phương trước sự tấn công của toàn cầu hoá.
Đó vừa là một lợi thế vừa là một thất thế của người cầm bút.
Lợi thế: khi còn sử dụng tiếng Việt, hắn không sợ bị mất gốc, bởi cái gốc ấy chính là tiếng Việt. Hắn cũng không sợ lai căng: ngôn ngữ, với sức mạnh liên văn bản đằng sau nó, có khả năng thuần hoá mọi sự vay mượn, bất kể đến từ đâu (5). Khi không bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ mất gốc và lai căng, người cầm bút có thể lao vào bất cứ thí nghiệm và thử nghiệm nào: ở đó, hắn chỉ có được hay không được chứ không có gì để đánh mất.
Thất thế: hắn bị áp lực của dư luận lớn hơn những người khác. Trong các ngành nghệ thuật, không đâu tính bảo thủ lại nặng nề như trong nghệ thuật ngôn ngữ: trong lãnh vực hội hoạ, chẳng hạn, các hoạ sĩ có thể sử dụng đủ mọi kỹ thuật và phương pháp sáng tác, từ cổ điển đến hiện thực, siêu thực, lập thể, đa-đa, dã thú, ấn tượng, trừu tượng, phi hình thể, v.v…, không ai lên tiếng phê phán cả.
Trong văn học thì khác: chỉ cần một thử nghiệm nho nhỏ là đã nghe bao nhiêu tiếng phản đối, thậm chí, kết án ầm ĩ. Thất bại lớn nhất của giới cầm bút Việt Nam là phần lớn đều dễ dàng quy hàng trước những sự phản đối và kết án ấy. Với sự quy hàng như thế, họ tự phủ nhận tư cách người sáng tạo của mình trước khi thực sự cầm bút. Sự tự phủ nhận ấy càng trở nên thảm hại trước xu thế toàn cầu hoá, ở đó, họ bị buộc phải tham gia vào một trò chơi lớn hơn lãnh thổ của nước họ. Họ bị buộc phải ra ngoài.
-------------------
Chú thích:
1. Hoài Thanh & Hoài Chân (1967), Thi nhân Việt Nam (ấn bản đầu tiên in năm 1942), Thiều Quang tái bản tại Sài Gòn, tr. 10.
2. Xem thêm bài “Tiến tới nền văn hoá điện tử” của Nguyễn Hưng Quốc in trong cuốn Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, nxb Văn Nghệ , California , 2002, tr. 379-392, hoặc trên Tiền Vệ: http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=6434484D11D0080A682DF32330E90B1F?action=viewArtwork&artworkId=1123
4. Trong tiếng Anh, chữ “toàn cầu” (global) đã xuất hiện cách đây trên 400 năm, nhưng khái niệm “toàn cầu hoá” thì chỉ mới được ra đời từ đầu thập niên 1960 và trở thành phổ biến từ đầu thập niên 1990 mà thôi. Trong cuốn Key Words của Raymond Williams, ấn bản mới năm 1983, không hề có từ “globalization”. Trong cuốn The Harper Collins Dictionary of Sociology xuất bản năm 1991, có thuật ngữ “globalization of production” (toàn cầu hoá sản xuất) nhưng chưa có mục từ “globalization”. Chỉ trong Oxford Concise Dictionary of Sociology (1994), mục từ “globalization” mới xuất hiện lần đầu tiên. Theo thống kê của Thư Viện Quốc Hội Mỹ vào tháng 4 năm 1994, có 34 cuốn sách trong nhan đề có chữ “toàn cầu”; đến tháng 2 năm 2000, con số ấy nhảy lên 284. Tuyệt đối không có cuốn sách nào về toàn cầu hoá xuất bản trước năm 1987 cả. (Theo Malcolm Waters, sđd., tr. 2; và Habibul Haque Khondker trong bài “Glocalization as Globalization: Evolution of a Sociological Concept” trên http://www.bangladeshsociology.org/Habib%20-%20ejournal%20Paper%20GlobalizationHHK,%20PDF.pdf). Từ năm 2000 đến nay, số sách viết về toàn cầu hoá chắc chắn nhảy vọt. Tôi không có số liệu cụ thể, chỉ thử tìm chữ “globalization” (toàn cầu hoá) trên Google: thấy 28,000,000 mục (search results); nếu tìm chữ “global” (toàn cầu) thì có đến 788,000,000 mục (mỗi “mục” có thể là một cuốn sách hay chỉ là một bài, một bản tóm tắt của một bài báo, thậm chí, chỉ là một mẩu quảng cáo mà thôi.) Thử so sánh với chữ “postmodernism” (chủ nghĩa hậu hiện đại) vốn ra đời sớm hơn: chỉ có 4,250,000 mục; chữ “modernism” (hiện đại) ra đời sớm hơn và thông dụng hơn nữa: cũng chỉ có 9,350,000 mục.(Truy cập ngày 6.10.2008).
5. Xin xem thêm phần bàn về “lai căng” trong cuốn Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại của Nguyễn Hưng Quốc (2000), tr. 318-21. Có thể xem trên Tiền Vệ:
---------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
.
.
.
No comments:
Post a Comment