Wednesday, December 22, 2010

NGƯỜI VIỆT TÌM KIẾM AN TOÀN Ở VÀNG KHI ĐỒNG TIỀN BỊ MẤT GIÁ (AP)


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Đỗ Hải Ninh đã dành dụm thu nhập ít ỏi của mình cho đến khi có đủ tiền để gửi tiết kiệm. Nhưng cô giáo trung học này sẽ không bỏ tiền vào một ngân hàng Việt Nam khi giá trị đồng nội tệ đang tiếp tục đi xuống đều đặn. Cô đầu tư vào một nơi an toàn hơn: vàng.

Trong những tuần qua, các cửa hiệu vàng và những kẻ trao đổi tiền chợ đen đang bị tràn ngập bởi khách hàng khi họ tìm cách tháo khoán tiền đồng Việt Nam để đổi lấy đồng đô la hoặc vàng khi quốc gia Đông nam Á có nền kinh tế tăng trưởng nhanh này đang phải vật lộn với tỉ lệ lạm phát ở mức hàng chục và hiện tình gần sụp đổ của một trong những công ty nhà nước lớn nhất.

Những khó khăn này đã nhấn mạnh mặt tiêu cực của việc chính quyền Cộng sản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, vốn đã giúp đưa hàng triệu người khỏi đói nghèo nhưng cũng đã tạo ra những thử thách mới mà các nhà kỹ trị của quốc gia thường không được trang bị đầy đủ để đối phó.

Việc tìm cách tạo ra những tập đoàn quốc gia ngọn cờ đầu đã làm phí tổn vốn liếng bằng những đầu tư thiếu khôn ngoan và để cho các doanh nghiệp nhà nước chồng chất quá nhiều nợ nần. Trong khi đó, việc vay mượn tăng nhanh lại không đồng bộ với việc tăng cường lượng tiền gửi, một hiện tượng hiếm thấy có thể được giải thích phần nào là do sự e ngại của các ngân hàng sau những đợt siêu lạm phát trước đã xoá sạch tiền gửi tiết kiệm.
Toàn bộ những điều này đang đè lên hệ thống tài chính đang nứt vỡ trước áp lực vô tận, được phản ánh qua sự thiếu tin tưởng của người dân Việt Nam đối với đồng nội tệ của quốc gia mình.

"Sự tin tưởng vào đồng nội tệ của người dân đã bị suy giảm trầm trọng," nhà kinh tế học Nguyễn Quang A nói, ông là cựu chủ tịch Học viện Nghiên cứu Phát triển, cơ quan nghiên cứu độc lập đầu tiên của quốc gia, vốn đã tự giải thể vào năm ngoái để phản đối chỉ thị của nhà nước ngăn cấm quyền tiến hành và xuất bản nghiên cứu.
"Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước là bảo vệ sức mạnh của đồng nội tệ," ông nói. "Chính sách chú trọng tăng trưởng nhanh lại không có đủ đầu tư vào nền kinh tế, đặc biệt là việc đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước lẫn vào chính phủ, đã dẫn đến tình trạng hiện nay."

Tuần trước, công ty Dịch vụ Đầu tư Moody's đã cắt giảm hạng mức tín nhiệm nợ chính phủ bằng ngoại tệ của Việt Nam từ Ba3 xuống B1 và giữ nguyên đánh giá tương lai là tiêu cực, có nghĩa là họ có thể cắt giảm mức tín nhiệm một lần nữa.

Moody's nói rằng quốc gia này đang đối diện với một rủi ro ngày càng tăng về khủng hoảng cán cân thanh toán vì Việt Nam đang nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, quỹ dự trữ ngoại hối đang bị rút cạn để giúp giữ vững việc nâng giá đồng nội tệ và sự thất thoát vốn nước ngoài. Tỉ lệ lạm phát cao, các ngân hàng cho vay quá mức và những khó khăn tại tổng tập đoàn đóng tàu nhà nước Vinashin đang bị bao vây tứ phía là những nguyên nhân khác dẫn đến việc đánh tụt mức tín nhiệm, Moody's cho biết.

Người đứng đầu Vinashin hôm thứ Hai đã lặp lại rằng công ty này không có đủ tiền để chi cho đợt hoàn trả nợ vốn đầu tiên có hạn chót vào cùng ngày với tổng số 600 triệu đô la tiền nợ từ một nhóm chủ nợ do Credit Suisse đứng đầu. Ông nói với Thông tấn Xã Việt Nam rằng công ty ông vẫn đang chờ chủ nợ trả lời xem họ có đồng ý gia hạn việc chi trả hay không.
Chính phủ nói rằng họ sẽ không cứu công ty này, còn có tên là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, đang nợ đến 4,5 tỉ đô la (86 nghìn tỉ đồng) tính đến thời điểm tháng Sáu. Con số này tương đương với 4,5% Tổng Sản lượng Nội địa (GDP) năm ngoái. Vinahsin đã xin các chủ nợ thêm thời gian để có thể trả nợ sau khi công ty tái cơ cấu.

Tháng trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm về sự suy sụp của công ty, qui những khó khăn vào hoạt động phi pháp của tập đoàn và sự bành trướng quá nhanh không được kiểm soát vào những lĩnh vực bên ngoài ngành đóng tàu, từ thức ăn gia súc cho đến các khu vực nghỉ mát.

Tuần trước, cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's đã đưa ra một thông báo nói rằng những khó khăn của công ty chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hơn những khoản nợ xấu tại các ngân hàng trong nước.

"Hiện nay, chính quyền đang yêu cầu các ngân hàng không đòi nợ và tiền lãi từ Vinashin," kinh tế gia kỳ cựu Lê Đăng Doanh nói. "Tôi chắc chắn chính quyền sẽ phải bù lỗ số tiền lãi cho các ngân hàng vì ngân hàng không thể nào không thu tiền lãi trong khi phải huy động tiền tiết kiệm với tỉ giá lãi ngày càng cao."

Đồng nội tệ đã rơi xuống vào mức thấp nhất tại thị trường chợ đen vào đầu tháng này, nằm ở giá 21.600 đồng mỗi đô la tại trung tâm thương mại Thành phố Hồ Chí Minh và 21.500 tại Hà Nội. Tỉ giá trao đổi tại một cửa hàng ở Hà Nội hôm thứ Ba là 21.140. Tỉ giá chính thức là 19.500.
Ngân hàng Nhà nước đã giảm tỉ giá hối đoái chính thức của tiền đồng ba lần kể từ tháng Mười Một 2009, cắt khoảng 10% giá trị của nó so với đồng đô la vào thời điểm ấy, nhưng hiện vẫn được cho là được đánh giá quá cao.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhanh chóng đề cao quốc gia này như một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á - sau Trung Quốc - với tỉ lệ tăng trưởng trung bình hằng năm là 7% trong hơn một thập niên qua. Chính quyền Cộng sản đã chấp nhận chủ nghĩa tư bản kể từ giữa thập niên 1980 sau những cố gắng tập thể hoá nông nghiệp và kế hoạch tập trung khiến cho đất nước này bị rơi vào tình trạng đói nghèo sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt vào năm 1975.

Nhưng bất chấp sự đi lên của đất nước, cô giáo trung học Đỗ Hải Ninh, 33 tuổi vẫn nói rằng cô vẫn muốn giữ những món hàng không bao giờ bị mất giá.
"Bạn có thể thấy rằng tiền đồng đang bị mất giá. Mỗi ngày bạn đi chợ vào mọi thứ đều đắt đỏ hơn," cô nói trong khi trả 7,2 triệu đồng (360 đô la) để lấy khoảng 7,5 gram vàng tại một hiệu vàng đông đúc ở Hà Nội. "Điều này an toàn hơn cho tiền tiết kiệm của tôi."
.
.
.

No comments: