Trọng Nghĩa - RFI
Thứ năm 09 Tháng Mười Hai 2010
Lễ trao giải Nobel Hòa bình ngày 10/12/2010 tại thủ đô Na Uy sẽ biến thành lễ vinh danh nhà ly khai Trung Quốc, người được trao giải nhưng không thể đến nhận vì bị chế độ Bắc Kinh cầm cố. Phản ứng quá đáng của Trung Quốc nhằm phá hoại lễ trao giải lại càng thu hút sự quan tâm của công luận. Một ngày trước lễ trao giải, Oslo đã tổ chức nhiều hoạt động để hướng về sự kiện này.
NGHE : Chị Nguyệt Minh tại Oslo
Trả lời phỏng vấn của RFI, chị Nguyệt Minh, thuộc Hội người Việt Tỵ nạn tại Na Uy, cho biết cụ thể hơn về các sinh hoạt tại Oslo vào hôm nay 09/10, liên quan đến giải Nobel Hòa bình, cũng chương trình buổi lễ ngày mai và các sinh hoạt bên lề. Chị Nguyệt Minh là một trong số các khách mời đến dự Lễ trao giải Nobel Hòa bình ngày 10/12.
.
.
Trọng Nghĩa - RFI
Thứ năm 09 Tháng Mười Hai 2010
Giới bảo vệ nhân quyền tại Philippines phẫn nộ vì chính quyền Manila chiều lòng Trung Quốc trên hồ sơ Lưu Hiểu Ba. Vào hôm nay, 09/12/2010, chính quyền Manila đã chính thức xác nhận là sẽ không có đại diện Philippines tại buổi lễ trao giải Nobel Hòa bình vào ngày mai tại Oslo, thủ đô Na Uy.
Quyết định của chính quyền Manila đã làm dấy lên những phản ứng bất bình từ các hiệp hội bảo vệ nhân quyền tại Philippines. Họ đã cực lực phản đối hành động bị coi là khấu đầu trước Bắc Kinh của Manila.
Việc Philippines tứ chối lời mời đến dự lễ trao giải Nobel Hòa bình đã được Ủy Ban Nobel Hòa bình Na Uy tiết lộ từ nhiều ngày qua, nhưng đến hôm nay mới được khẳng định chính thức. Tuyên bố với hãng tin Pháp AFP, ông Eduardo Malaya, giải thích là đại sứ Philippines tại Oslo không hiện diện tại buổi lễ được vì bận công vụ ở một nước khác.
Tuy nhiên, hai quan chức cao cấp trong chính quyền Manila, xin được giấu tên đã xác định rằng quyết đinh tẩy chay lễ trao giải thưởng Nobel Hòa bình là nhằm chiều lòng Trung Quốc, vốn liên tiếp cảnh cáo các nước khác là quan hệ với Bắc Kinh có thể bị tổn hại nếu họ dự lễ trao giải tại Oslo.
Một nhà ngoại giao cao cấp tại Bộ Ngoại giao Philippines nói rõ : « Chúng tôi không muốn tiếp tục làm phiền lòng Trung Quốc », trong khi một quan chức phủ tổng thống Philippines cũng cho biết là Tổng thống Aquino « không muốn gây thêm phiền phức » trong quan hệ với Bắc Kinh.
Phải nói là Trung Quốc đang có ảnh hưởng rất lớn tại Philippines, với quan hệ thương mại song phương tâng vọt từ thập niên 1990 đến nay. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại đứng hàng thứ ba của Manila, chỉ thua Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trong thời gian qua, Philippines đã cố gắng hàn gắn quan hệ bị sứt mẻ sau vụ 8 con tin Hồng Kông bị thảm sát vào tháng 8 vừa qua ở Manila sau một chiến dịch giải cứu hoàn toàn thất bại. Bên cạnh đó, Philippines cũng đang tìm cách mua thiết bị quân sự từ Trung Quốc. Lãnh đạo quân đội Philippines tướng Ricardo David đang có mặt tại Bắc Kinh để đàm phán vấn đề này.
Đối với tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, quyết định của Manila là một cú sốc, vì cho đến gần đây, Philippines luôn luôn đi đầu trong việc đấu tranh cho lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi.
Theo Bà Elaine Pearson, Phó Giám đốc châu Á của Human Rights Watch : « Philippines thường tự hào về các giá trị dân chủ của mình, chình vì thế mà quyết đinh của chính quyền bỏ rơi cuộc đấu tranh bất bạo động của Lưu Hiểu Ba cho quyền tự do ngôn luận ở Trung Quốc, rất đáng phẫn nộ. Khi từ chối lời mời tham dự buổi lễ trao giải Nobel Hòa bình, Philippines đã nuốt trôi lời hứa thúc đẩy nhân quyền ở châu Á. »
Ngay tại Philippines, luật sư Harry Roque, chủ tịch Trung Tâm Luật Pháp Quốc tế, trụ sở ở Manila, đã rất công phẫn : « Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc bắt nạt, buộc chúng ta không tham dự buổi lễ. Đó là một hành vị từ khước nhiệm vụ đạo đức của chúng ta đối với thế giới trong tư cách là nơi sản sinh ra khái niệm quyền lực của nhân dân, của tự do dân chủ. ».
Theo danh sách các nước Đông Nam Á không tham dự lễ trao giải Nobel Hòa bình, ngoài Philippines còn có Việt Nam. Tuy nhiên do việc Philippines là một chế độ dân chủ, quyết định của nước này bị cho là thể hiện rõ nét thái độ phục tùng Trung Quốc.
-------------------------------
.
.
No comments:
Post a Comment